Tấm ảnh bà nội

Trịnh Xuân Tiến

09/08/2022 10:49

Theo dõi trên

Bà nội tôi có một tấm ảnh lớn, đen trắng, để trong an bom gia đình. Đó là ảnh bà hồi đang công tác tại vùng tự do trong thời kháng chiến chống Pháp, theo nói lại, đâu như khi đó bà đang ở Hội phụ nữ tỉnh Phúc Yên (một bộ phận của tỉnh Vĩnh Phúc sau này).

ch1bdvh1a-1660032771.jpg
Bà nội tôi bên bàn viết. Ảnh của gia đình do tác giả cung cấp.

 

Trong ảnh, bà mặc một chiếc áo cánh mầu xẫm. Có phải không nhỉ, chiếc áo chàm cài khuy vải buộc thành nút, bà vẫn mặc khi bà cháu tôi cùng nhau vừa thả bộ vừa chuyện trò trên con đê sông Đuống về làng Cói. Cũng là chiếc áo bà mặc khi đến thăm lúc tôi đang học thi lớp 10, lớp cuối cùng của cấp III (trung học phổ thông bây giờ), tức là lớp cuối của phổ thông. Lạ là những người có tuổi đất Kim Nỗ đều nhận ngay ra bà. Rồi mới hay, họ là những người từng hoạt động với bà ít nhất từ hồi chống Pháp. Chả biết các bà nói chuyện gì với nhau. Khi bà đã đi rồi, một hôm bà chủ nhà rủ rỉ bảo, hóa ra anh là cháu cụ Hai Bân đấy. Nghe giọng đầy vẻ trân quý, ngưỡng mộ.

Hai Bân là cách gọi ông nội tôi, người con trai thứ hai trong nhà cụ Đồ Mùi họ Trịnh làng Cói, một ngôi làng đẹp như tranh nằm bên dòng sông Đuống, con sông đào lúc nào cũng đỏ phù sa. Bà được gọi theo tên chồng như vậy. Chứ đúng tên của bà nội tôi là Vương Thị Thục, là con gái duy nhất của cụ Vương Văn Ai, tục gọi là cụ Cai Ai. Gọi thế vì xưa cụ đi lính cho Tây, lên đến chức cai, tức là chức tiểu đội trưởng bây giờ. Ngày ấy, người Việt đi lính cho Pháp chỉ được làm đến chức cai – tiểu đội trưởng và chức đội – trung đội bậc trưởng là cùng. Còn sĩ quan đều là người Pháp tất. Dân ta khổ nhục thế đấy.

Từng nghe bà ngoại tôi nói với mẹ tôi, về lần đầu bà đến dạm hỏi. “Có cái bà già đen đen, mặc cái áo chàm đeo cái tay nải cũng màu chàm, đi đôi hài xảo. Bà đến dạm hỏi cho con trai. Mẹ từ chối, mời đi rồi.” Mẹ tôi biết ngay là ai, và cũng quá biết người con trai nổi tiếng của bà. Người đã bằng tài năng, giúp Việt Minh dàn xếp cho quân Nhật đầu hàng, trên đất Phúc Yên những ngày khởi nghĩa ấy. Nghe nói, mẹ tôi bảo, sao không hỏi con đã. Rồi mẹ ra đón bà vào. Chuyện kết cục thế nào, giờ ai chả biết. Nếu không thành, làm gì có anh em chúng tôi. Chỉ có điều, người ta chả hiểu sao, một người giàu có bậc nhất tỉnh Phúc Yên xưa lại thích mặc cái áo “bần cố” ấy.

Người ta đâu biết, từ những năm 1920 ông nội tôi đã tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội, do cụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo. Một tổ chức bí mật chống Pháp, chỉ gọi là “hội kín.” Nhà ông là nơi tập kết, đưa người sang Trung Quốc qua đường xe lửa tư nhân, gọi là Sở Hỏa xa Vân Nam. Bà đã tin theo cách mạng từ đấy, từng không ít lần canh gác cho “hội kín” họp, tại chính nơi ở của mình. Không ít lần kịp thời báo động cho họ rút đi khi đội xếp (mật thám Tây) đến. Vào Hỏa Lò thăm non tiếp tế cho những người bị địch bắt. Trong những người hoạt động ở nhà bà hồi ấy, có cụ Phạm Văn Đồng.

Trên đường cùng đi, nghe bà kể, hồi ấy bà đã đọc những câu chuyện do hội phát hành, trong đó có chuyện quả dưa đỏ của Mai An Tiêm. Được đem kể vì hàm chứa cái xanh vỏ đỏ lòng. Bà cũng đọc và nhập tâm những lí luận, chẳng hạn như, người cách mạng phải tự mình nhập vào các tầng lớp cần lao, phải tập ăn đói, mặc rách. Thế nên, từ nhỏ bố và chú tôi đã quen ăn sáng bằng cháo trắng, thuộc lòng câu “cháo húp quanh…”

Sống tằn tiện thế, song bà luôn chìa tay giúp đỡ không ít người, phần nhiều trong số đó, đến khi bà mất anh em chúng tôi mới biết. Nghe bố tôi kể, mới biết không chỉ bí mật tham gia cách mạng, bà còn khuyến khích dẫn dắt bố và chú tôi theo Việt Minh. Thậm chí mua cả súng cho con đi đánh Nhật. Ông nội tôi mất sớm, vì bệnh lao. Từ hai lăm hai sáu tuổi bà nội tôi đã ở vậy, nuôi dạy hai con, bố và chú Kỷ tôi, theo chí chồng như vậy.

Nghe nói, nhờ những người “hội kín” bạn ông nội ngày xưa, bà đã từng được tin cậy trao cho không ít chuyện trọng yếu. Ai chả biết, hồi cách mạng Tháng Tám bà đã là người của Việt Minh. Nhà bà là nơi thương thuyết giữa đại diện Việt Minh với đại diện quân Nhật đồn trú tại Phúc Yên, với người con đầu, bố tôi, làm phiên dịch. Chính bà đã đi đầu hô hào dân chúng cùng đánh Nhật, cướp chính quyền. Động viên của những người có của đóng góp và đi theo Việt Minh. Rồi sau đó, bà được Trung ương giao cho làm kinh tài một thời gian, trước khi về hoạt động trong tỉnh. Cũng không biết bà vào Đảng hồi nào, chắc trước bố. Ngay trong năm 1945.

Chỉ vì ít chữ, xưa cụ Cai (mẹ bà) không cho con gái đi học, sợ “viết thư cho giai,” nên mặc dù biết đọc, và đọc tài liệu của Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ rất sớm, song mãi đến tận thời bình dân học vụ bà mới được học hành nghiêm chỉnh, mới biết cách viết chữ. Thế nên, sau này bà chuyển sang chuyên làm công tác phụ nữ của tỉnh. Bà bảo, đến lúc đó bà đã viết chữ nhanh lắm, nhưng tháu, và không khỏi vẫn sai chính tả, do nghe gì viết nấy.

Có nhẽ đó là lúc bà nội tôi chụp bức ảnh này. Nhìn thần thái bà trong ảnh, nom đầy nghị lực, đường hoàng, và cũng tràn đầy tự tin. Đó là khoảng thời gian trước khi bà bị đình chỉ công tác, đâu khoảng cuối năm 1949 hay đầu 1950 gì đó, do cái sau này gọi là Cải cách ruộng đất. Bà cũng mất danh hiệu đảng viên từ hồi ấy. Có phần vì thành phần gia đình. Mãi đến tận sau Hòa bình lập lại ở Miền Bắc, thành phần của bà mới được hạ xuống thành cái gọi là địa chủ kháng chiến. Còn một tâm nguyện nữa, xin trả lại đảng tịch, suốt đời bà sao không thực hiện được. Thế mà, bà đã tận tâm và liên tục phục vụ lí tưởng Đảng ngay từ khi còn chưa có Đảng.

(Còn tiếp)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Tấm ảnh bà nội" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn