Những Anh hùng sống mãi trong lòng dân: Anh hùng LLVTND Lê Bá Ước

 Nguyễn Quang Chánh

01/09/2021 00:00

Theo dõi trên

Ngày 18/10/2016, đại tá AHLLVTND Lê Bá Ước đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở thành phố Biên Hoà, thọ 85 tuổi. Người anh cả của đặc công Rừng Sác một thời đánh Mỹ đã đi về với đồng đội của mình, những đồng đội còn nằm lại mãi mãi ở Rừng Sác và sông Lòng Tàu. Theo di nguyện của ông, một phần tro cốt đã được gia đình thả trên khúc sông lịch sử ấy.

trtim-1q-1630403974.jpg
Anh hùng LLVTND Lê Bá Ước.

Trong lời điếu văn tiễn đưa ông, có đoạn viết, “Ông là một trong những người chỉ huy đơn vị đặc công anh hùng đã cùng với quân dân Rừng Sác anh hùng bám trụ, chiến đấu nơi đây suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Vượt qua bao ác liệt, hiểm nghèo, lập nên những chiến công vô cùng vang dội, như đánh kho bom Thành Tuy Hạ; kho xăng Nhà Bè; pháo kích Dinh Độc Lập; toà đại sứ Hoa Kỳ; đánh cháy, đánh chìm hàng trăm tàu giặc các loại trên sông Lòng Tàu, nơi bến cảng, tiêu diệt hơn 6000 tên giặc xâm lược... Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ và là nỗi kinh hoàng cho quân xâm lược cũng như chư hầu tay sai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vùng ven Sài Gòn. Song, những chiến công ấy đã phải trả bằng máu của hàng trăm cán bộ chiến sỹ, họ đã mãi mãi nằm lại nơi mảnh đất sình lầy sông nước này”

Ông Lê Bá Ước, tức Bảy Ước sinh ngày 12/4/1931 tại xã Vĩnh Hoà Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Năm 1945 khi mới 14 tuổi, ông đã theo Việt Minh. Suốt chín năm chống Pháp, cậu bé Bảy Ước vốn tính gan dạ đã trở thành anh bộ đội Việt Minh dũng cảm. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và tiếp tục được bồi dưỡng học tập để trở thành sỹ quan chỉ huy. Ngày ở Hà Nội, ông đã quen cô Kim Mến, người Cần Thơ, là y tá cũng đi tập kết như ông. Họ làm đám cưới năm 1960 và sinh đứa con gái đầu lòng sau đó một năm.

Lúc này, cách mạng ở miền Nam đã chuyển sang đấu tranh vũ trang. Gần như tất cả bộ đội tập kết được lệnh lên đường trở về miền Nam chiến đấu. Với cấp bậc đại uý, năm 1965 ông Bảy Ước đã lên đường về Nam, để lại sau lưng ở hậu phương người vợ trẻ với hai đứa con thơ. Đứa lớn 4 tuổi, đứa bé mới 2 tuổi.

Đi bộ hơn 6 tháng vượt Trường Sơn, đoàn quân của ông mới vào được chiến trường B2 Nam bộ. Ngày 15/4/1966, Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác được thành lập và ông Bảy Ước được cử về đây để tham gia chỉ huy chiến đấu trên địa bàn ác liệt này.

Nói về khu Rừng Sác, nơi đây được coi là nơi “rừng thiêng nước độc” bởi bạt ngàn là rừng, xen lẫn bao quanh là hàng chục con sông lớn nhỏ, trong đó có con sông Lòng Tàu có vị trí chiến lược. Đây chính là tuyến đường để các con tàu lớn nhỏ của địch từ biển Đông vận chuyển hàng hoá, vũ khí đạn dược về nội thành và là vành đai bảo vệ cửa ngõ Đông Nam Sài Gòn.

Với ta, Bộ chỉ huy miền xác định phải bám trụ nơi khó khăn này bằng mọi giá để đánh địch, cắt đứt nguồn tiếp tế của chúng. Nếu Địa đạo Củ Chi là căn cứ ngầm của ta với chằng chịt địa đạo để bám trụ đánh địch, thì chiến khu Rừng Sác, nơi đóng quân của Trung đoàn 10 đặc công, là căn cứ nổi trên sình lầy nước lợ vô cùng gian nan và nguy hiểm. Việc tiếp tế của ta cho chiến sỹ ở đây cũng rất khó khăn, có lúc nhiều tháng trời, chiến sỹ phải hái ngọn chà là, rau kìm, đọt ráng và mò cua bắt ốc để cầm hơi. Những ai đã đọc cuốn “Một thời Rừng Sác” của ông Bảy Ước thì sẽ thấy được phần nào những khó khăn của đặc công Rừng Sác. Những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng các chiến sỹ đặc công vẫn tồn tại không chỉ như cái gai trước mắt địch mà còn đánh địch rất mưu trí.

Chiến trường đã ác liệt là thế, mà ngay cả khi muốn tồn tại các chiến sỹ đặc công cũng phải chiến đấu với cả lũ cá sấu hung hãn nhiều vô kể... Trong cuốn sách của mình, ông Bảy Ước có kể câu chuyện. Sau ngày miền Nam giải phóng, chúng ta tham gia tìm kiếm người Mỹ mất tích tại chiến tranh Việt Nam trong chương trình nhân đạo MIA. Có một đoàn chuyên gia của Mỹ tìm gặp ông Bảy Ước để hỏi việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ bị chết trong những vụ đánh chìm tàu của đặc công Rừng Sác. Phải rất lâu, ông Bảy Ước mới nói được trong nước mắt: vô phương tìm kiếm, vùng này hồi đó dày đặc cá sấu, xác lính đã làm mồi cho cá hết rồi. Ngay với chúng tôi, hơn 800 chiến sỹ đã hy sinh trong 10 năm bám trụ ở đây, mà giờ mới quy tập được hơn 300 người!

Thời kỳ ấy, Mỹ ném bom đánh phá rất ác liệt miền Bắc, một nách hai con nhỏ, cô Mến đã gửi hai đứa con của mình ở nơi sơ tán, còn mình theo học đào tạo y sỹ, thỉnh thoảng mới lên thăm con được một lần. Nhớ thương con ở nơi sơ tán, nhớ thương chồng ra trận không biết sống chết ra sao, người vợ trẻ có lúc đã ngã quỵ! May mắn, cô Mến có người dì ruột, hai vợ chồng không có con nên đã nhận lãnh trách nhiệm chăm sóc hai đứa trẻ. Các cháu lớn lên trong tình thương yêu và đùm bọc của ông bà mà không có cha mẹ bên cạnh.

Ngày cô Mến học xong y sỹ, cơ quan đã thu xếp cho cô tiếp tục đi học để lấy bằng bác sỹ ở Trường Đại học Y Thái Bình. Nhưng cô đã từ chối và viết đơn xin được vào Nam để cùng chồng chiến đấu. Tổ chức đã không đồng ý cho cô đi vào Nam vì cô cần chăm sóc hai con nhỏ để ba các cháu yên tâm đánh giặc.

Trong những lá thư gửi ra cho vợ, ông Bảy Uớc kể về những gian khổ hy sinh mà người lính đặc công như ông ở Rừng Sác phải chịu đựng, rằng thương binh rất nhiều, nhưng cứu chữa vô cùng vất vả trong hoàn cảnh mọi thứ đều không có. Ứa mắt vì chồng đang chiến đấu nơi chiến trường gian khổ, cô Mến đã quyết tâm phải xin được trở về Nam để hỗ trợ cho chồng và các chiến sỹ của ông. Chính ông Bảy Ước cũng không muốn vợ mình phải có mặt ở nơi bom đạn ác liệt và khó khăn như thế này. Ông không biết vợ mình có chịu đựng nổi không. Cuối cùng, ước nguyện cháy bỏng của cô Mến cũng được chấp thuận. Năm 1968, cô Mến đã khoác lên vai cái ba lô chiến trường, chia tay vợ chồng dì ruột, chia tay hai đứa con, một đứa 7 tuổi, đứa kia 5 tuổi để vượt Trường Sơn trở về Nam chiến đấu cùng với chồng. Cô ra đi mà không biết rằng, đó là lần chia tay mãi mãi...

Sau gần 6 tháng đi bộ vượt Trường Sơn, cô Mến đã vào được chiến trường B2. Lúc này, sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, địch phản kích điên cuồng, chiến trường trở nên vô cùng ác liệt. Với các chiến sỹ đặc công Rừng Sác khó khăn lại càng gấp bội lần. Cô Mến được phân về Trung đoàn 10 đặc công, nơi ông Bảy Ước là trung đoàn trưởng kiêm chính uỷ, đang chiến đấu bám trụ. Ngày hai vợ chồng ông Bảy Ước gặp nhau ở căn cứ Rừng Sác, không có cái khăn nào có thể ngăn được nước mắt của cô Mến. Ông kể, vợ ông khóc suốt. Chưa vào đến nơi với ông thì nỗi nhớ chồng cháy lòng, còn vào được đến nơi, nằm bên chồng thì nỗi nhớ con xé lòng. Những giọt nước mắt cứ tự rơi nơi cô mỗi ngày, từ trái tim của người mẹ nhớ thương hai đứa con nhỏ nơi sơ tán, lo lắng không biết tụi nó có thể sống sót qua được những trận mưa bom của giặc Mỹ hay không.

Cô Mến tham gia cùng y bác sỹ của trạm xá chăm sóc cho thương binh trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Thuốc men không có, nhiều lúc phải hái lá rừng làm thuốc, nấu nước sông lọc lấy muối rồi dùng muối đó nấu nước để rửa vết thương cho anh em thương binh. Chính trong những ngày tháng ác liệt đó, một mầm sống trong cô cứ lớn dần... Cô Mến đã mang thai và hạ sinh cho ông cậu con trai vào năm 1971. Sau khi sanh được 15 ngày, đứa con còn đỏ hỏn phải đem gửi cho một cơ sở của ta trong ấp chiến lược nuôi giúp. Ông Bảy Ước đặt tên cho đứa con trai này là Lê Toàn Thắng với khát khao chiến tranh sớm kết thúc để có hoà bình cho đất nước.

Rồi một trận càn của địch, chúng phát hiện được trạm xá cứu thương, nơi cô Mến cùng các thương binh đang ẩn núp. Bao nhiêu rốc két, bao nhiêu bom đạn chúng thi nhau đổ xuống đấy để huỷ diệt. Cô Mến đã hy sinh cùng các đồng đội của mình, khi ấy cháu Toàn Thắng mới được ba tháng tuổi, đang ở trong ấp chiến lược. Hỏi, có còn khổ đau nào hơn thế? Rằng chiến tranh là mất mát đau thương cho tất cả mọi người!

Khi nhận tin vợ hy sinh, nước mắt của người trung đoàn trưởng cứ tuôn rơi... Ông đã mất đi người vợ yêu quý, người đồng chí đang cùng bám trụ nơi Rừng Sác. Ba đứa con thơ của ông nay đã vĩnh viễn mồ côi mẹ! Ông chỉ có thể cắn chặt hai hàm răng lại với nhau, rồi la lên một tiếng: trời ơi!!!

Người chỉ huy ấy đã phải chịu đựng nỗi đau triền miên khi nghe tin đồng đội hy sinh ngày càng nhiều. Ngày ấy, ông Phan Như Tiếp là trung đội phó, một chiến sỹ đặc công vô cùng dũng cảm, cánh tay mặt của ông Bảy Ước trong những nhiệm vụ khó khăn nhất. Ông Tiếp có vợ là nữ chiến sỹ phụ trách hậu cần của trung đoàn. Thời điểm năm 1972, vợ ông Tiếp là bà Vân cũng mang bầu đứa con thứ ba. Ông Tiếp và bà Vân đã có hai đứa con, một đứa gửi bà ngoại nuôi giúp, một đứa gửi cơ sở trong ấp chiến lược chăm sóc hộ. Hai ông bà tham gia đánh giặc với Trung đoàn 10 của ông Bảy Ước. Đêm 18/5/1972, trong khi ông Tiếp dẫn một tổ gồm ba người đi đánh tàu chiến trên sông Lòng Tàu thì ở trạm xá Trung đoàn, bà Vân hạ sinh được cậu con trai, sau đặt tên là Dũng. Ông Tiếp và hai chiến sỹ đặc công đã không trở về. Họ đã hy sinh ngày 19/5/1972 khi nhiệm vụ còn dang dở. Ông Bảy Ước nghẹn ngào không khóc thành tiếng, vậy là thằng con trai còn chưa kịp nhìn thấy mặt cha, lại ba đứa trẻ nữa mồ côi cha rồi. Tiếp ơi sao mầy bỏ tụi tao vậy kìa?! Bi thương của chiến tranh là thế, ba đứa con của ông Bảy Ước mất mẹ, còn ba đứa con của bà Vân mất cha, liệu rồi chiến tranh kết thúc, cả sáu đứa trẻ ấy có phải bị mồ côi lẫn cha và mẹ không?! Cứ nghĩ như thế hàng đêm, mắt ông lại đẫm lệ và tự nhủ mình phải mạnh mẽ lên để vượt qua mọi đau thương.

Ngày ký Hiệp định Paris, ông mới ngồi bình tâm viết thư ra Bắc cho dì Sáu, người dì đang nuôi hai đứa trẻ giúp ông. Ông đã viết, hoà bình chưa trọn vẹn, con chưa thể ra ngoài đó để gặp dì dượng đón hai đứa nhỏ. Tụi nó có thêm đứa em trai tên Toàn Thắng hai tuổi, nhưng vợ con thì đã hy sinh ngày nó mới ba tháng tuổi!Vậy là, sau hơn hai năm, từ ngày cô Mến hy sinh, dì Sáu và hai đứa nhỏ ở ngoài Bắc mới nhận được hung tin về mẹ của chúng. Hai số phận đau thương của chiến tranh đã được đơn vị mai mối, gắn kết. Ông Bảy Ước và bà Vân đã đến với nhau, đi tiếp những ngày cuối cùng của chiến tranh. Và ba đứa con của cô Mến đã có mẹ, ba đứa con của anh Tiếp đã có cha.

Ngày giải phóng, 30/4/1975, ông Bảy Ước là Chính uỷ Sư đoàn 2 đặc công, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào giải phóng Sài Gòn. Không lâu sau đó, họ cùng nhau đi gom đủ sáu đứa trẻ về

cùng một nhà để chăm sóc. Ông Bảy và bà Vân sau đó có thêm ba người con trai nữa, như vậy cả thảy họ có chín người con, đủ cả ba hệ: con anh, con em, con chúng ta. Tất cả chung sống yêu thương, hạnh phúc tới hôm nay!

Ngày ông Bảy Ước còn sống, nhiều lần ông từng nói, chiến tranh đã đẩy đưa số phận của gia đình tôi như bao gia đình khác ở đất nước này. Nhưng chúng tôi đã đứng lên mạnh mẽ để đi tới.

Hãy khép lại quá khứ đau thương và tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho hoà bình ngày hôm nay. Chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của họ!

Xin thắp một nén nhang cho chú Bảy Ước, người anh cả của đặc công Rừng Sác, người anh hùng mà tôi vô cùng kính trọng.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Những Anh hùng sống mãi trong lòng dân: Anh hùng LLVTND Lê Bá Ước" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn