Những khó khăn của nghệ thuật chèo trong đời sống hiện đại

Nguyễn Hoa. - Mỵ Lương

17/09/2022 22:16

Theo dõi trên

Chèo là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo. Chèo bắt nguồn từ đời sống của người dân Việt Nam. Theo dòng chảy văn hoá và du nhập các loại hình nghệ thuật mới hiện đại như hiện nay, việc gìn giữ, đồng thời phát triển chèo gặp không ít khó khăn và trở ngại.

nhung-kho-khan-cua-cheo-hien-dai-1663425961.jpg
NSND Thanh Ngoan (bìa trái) mong muốn đưa chèo tiếp cận được với công chúng nhiều hơn.

Hạn chế cách tiếp cận khán giả

Hiện nay, một số loại hình nghệ thuật, như nhạc trẻ, phim ảnh, hài kịch… đang dần chiếm ưu thế, có lượng người xem đông đảo. Nhưng ngược lại, có vẻ như, các loại hình nghệ thuật truyền thống, như chèo lại mất dần đi người xem. Đặc biệt là tầng lớp trẻ đang không hiểu rõ hoặc hiểu sai về chèo, cách tiếp cận của chèo cũng gặp nhiều hạn chế. Như vậy, việcthu hút và giữ được lửa trong nghệ thuật chèo là điều mà giới nghệ sĩ phải cân đo đong đếm, đặc biệt là trong khâu tuyển chọn người tài và có niềm đam mê với chèo.

Trước thực trạng này, NSND Thanh Ngoan, hiện đang là Giám đốc nhà hát Chèo Việt Nam, không khỏi băn khoăn, lo lắng. NSND Thanh Ngoan sinh năm 1966, quê tại Thái Bình, từng giành được nhiều HCV về giọng hát chèo. Khi nói về chèo, NSND Thanh Ngoan luôn cho người nghe thấy sự nhiệt huyết của mình. Bà đang cố gắng nỗ lực hết mình trong chuyên môn, và trong quản lý để làm sao đưa chèo đến được gần hơn với công chúng. Không những thế, mà còn cố gắng làm sao để chèo được giới trẻ yêu thích, và đó thật sự là bài toán khó.

Trước đây, để diễn một vở chèo, các nghệ sĩ chỉ cần tấm chiếu hoặc nơi cây đa, bến nước, sân đình là có thể có một buổi diễn hoàn chỉnh. Để theo kịp bước tiến của công nghệ cũng như nhu cầu thị giác của khán giả, công nghệ 4.0 bùng nổ; vẫn là những vở chèo giữ cốt cách, truyền thống, lề lối, nguyên tắc;thêm vào đó là trang phục, sân khấu, ánh đèn, mọi thứ đều đẹp hơn, ấn tượng hơn, để thu hút đông đảo người xem.

Dù nghệ thuật chèo đã có ở hầu hết các vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ câu lạc bộ chèo của các tỉnh cho tới các nhà hát chèo, sân khấu luôn luôn chào đón, mở cửa nhưng vẫn còn ít khán giả đến xem. Kênh truyền thông chocác loại hình nghệ thuậttruyền thốngvẫn còn hạn chế, kênh truyền thông cho nhà hát chèo đã nỗ lực,nhưng không đồng bộ.

Rạp có nhưng hệ thống bán vé không có, maketing cho truyền thông còn hạn chế. Nhà nước đã quan tâm nhưng còn nhiều vấn đề bất cập với nghệ thuật chèo, theo như chia sẻ của NSND Thanh Ngoan, thì cần phải có chiến lược đào tạo cho khán giả, hoặc có thể mang chèo vào các cơ sở trường học, mời các văn nghệ sĩ về giao lưu và cho học sinh, sinh viên tiếp cận; bởi lẽ, giới trẻ hiện nay đã quá quen với các thể loại nhạc sôi động, rap, trữ tình… mà dầnquên đi nét văn hoá nghệ thuật vốn có từ lâu nay. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn nhầm lẫn giữ các loại hình với nhau”.

NSND Thanh Ngoan cũng cho biết, nhiều người hay nhầm lẫn giữa nghệ thuật chèo và nghệ thuật cải lương, hoặc một vở chèo mang danh kịch cắm hát. Những chia sẻ của NSND Thanh Ngoan có lẽ là hồi chuông báo động về nguy cơ chèo, loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông, nay mai thôi, nếu không biết phát huy, gìn giữ, thì rất dễ bị mai một dần. Và chúng ta, nhất là thế hệ mai sau, sẽ thật sự tiếc nuối, nếu như chèo cứ bị khu biệt dần.

Được biết, chèo đã tồn tại hơn 1000 năm qua trên đất nước ta. Ở chèo, thể hiện được mọi cung bậc cảm xúc của nhân dân lao động: yêu thương, anh hùng, giáo huấn, tự hào dân tộc. Một số tư liệu cho rằng, chèo xuất phát từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Bà Phạm Thị Trân được coi là người đã sáng tạo ra chèo; bà được nhà vua phong chức quan Ưu Bà, chuyên truyền dạy nghề múa hát.

Cách nay khoảng hơn 500 năm, do ảnh hưởng của Nho giáo, chèo không được biểu diễn trong cung đình. Trống chèo là nhạc cụ của chèo. Trống cũng được coi là loại nhạc cụ quá đỗi quen thuộc ở nước ta. Khi chèo được phổ biến rộng rãi, người dân thường biểu diễn vào những lúc vụ mùa được thu hoạch. Các vở chèo nổi tiếng còn được lưu truyền đến ngày nay, như Quan Âm Thị Kính, Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ…

Chính vì chèo có từ lâu đời, cũng như gắn bó với người dân Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn, là một phần của nét đẹp, tâm hồn người Việt Nam. Nên chúng ta cần những phương pháp làm sao cho chèo hợp thời đại để duy trì, phát triển; qua đó bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại. Không những giữ lại những nét đẹp cổ điển trong chèo, mà chắc rằng, còn cần phải làm sao cho lôi cuốn được người xem hiện nay, thì chèo mới có thể lấy lại khán giả cho riêng mình.

Cần khai thác đề tài hấp dẫn hơn

NSND Thanh Ngoan cũng chia sẻ, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng mà không sáng tạo không tư duy thì mãi mãi chỉ đi vào lối mòn. Tuy mang trong mình nét truyền thống của dân tộc ta từ xưa nhưng cần phải thay đổi sao cho phù hợp với cuộc sống đời thường.

nhung-kho-khan-cua-nghe-thuat-cheo-hien-dai-2-1663426063.jpg
Vở chèo “Tây Thiên Quốc Mẫu” đem đến cho khán giả những cảm xúc tự hào về dân tộc. 

Bà đưa ra ví dụ vở chèo “Tây Thiên Quốc Mẫu” là điển hình cho việc Nhà hát chèo Việt Nam đã dày công dựng lên, làm sống dậy một thần thoại, khi thế gian thần tiên còn chung sống gần với loài người. Từ công cuộc giữ nước, giết giặc, được người trên chỉ lối dẫn đường. Một vở chèo hướng tới du lịch nhưng hội tụ được tất cả yếu tố công nghệ, mang tính chất huyền thoại, ca ngợi đất nước, con người được thể hiện trên sân khấu, những người có công với đất nước, đồng thời ca ngợi đất nước, con người, thiên nhiên Việt Nam.

Với sự tham gia và góp mặt của nhiều nghệ sĩ gạo cội cho tới trẻ như NSƯTThuý Hạnh, NS Hà Thanh Thảo, NSƯT Trần Xuân tài, NSƯT Kim Liên…. Thành công của vở diễn lần này không chỉ là của một cá nhân mà đó là sự nỗ lực, cố gắng, đồng lòng của nhiều nghệ sĩ nhà hát Chèo Việt Nam. Vở chèo vừa để cho người xem hiểu hơn về văn hóa dân gian cũng vừa quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch trong và ngoài nước đến với Việt Nam.

Từ lâu, câu hát chèo đã đi sâu vào tâm khảmcủa nhiều ngừoi dân Việt Nam. Trước đây, khi phim ảnh, âm nhạc chưa phát triển, thì chèo là một trong những món ăn tinh thần chủ yếu của người dân, luôn nhạn được sự đón đợi. Nhưng giờ đây, trước thời đạicông nghệ số bây giờ thì nghệ thuật truyền thống gặp những khó khăn, thì giới trẻ có chút gì đó hơi hờ hững với nghệ thuật truyền thống.

NSND Thanh Ngoan cũng tâm sự, dù cuộc sống có phát triển như thế nào thì nghệ thuật truyền thống – nghệ thuật chèo vẫn là hồn cốt của dân tộc, tinh hoa hun đúc bao nhiêu truyền thống lịch sử cha ông của chúng ta. Nghệ thuật chèo sẽ là món ăn tinh thần trong văn hoá của người Việt Nam. Hãy nhớ đến chèo như là một tình cảm mà chúng ta dành cho dân tộc Việt Nam.

Và hơn bao giờ hết, khi mạng xã hội phát triển, những người đang làm nghệ thuật truyền thống, trong đó có chèo nên biết phát huy điểm mạnh này, để làm sao thu hút được đông đảo người xem. Và để làm được điều này, chèo phải khai thác đề tài hấp dẫn hơn, hợp thời đại. Để người xem yêu chèo hơn. Qua đó, từ chèo, chúng ta sẽ thêm yêu dân tộc.

 

(Bài đã đăng báo Pháp luật Việt Nam)

Bạn đang đọc bài viết "Những khó khăn của nghệ thuật chèo trong đời sống hiện đại" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn