Mổ lợn chung

Ngày tôi còn bé ở quê, còn dăm tháng nữa mới tết nhưng vài nhà là một nhóm rủ nhau "đụng" chung một con lợn ăn tết và sẽ có một nhà nhận nuôi (giá cả cứ theo thỏa thuận trước) để đến 28, 29 hoặc 30 tết là mổ thịt chia nhau. (lợn ngày ấy là lợn Móng Cái nuôi 5-6 tháng mới được khoảng 60kg à),

mo-lon-1643446283.jpg

 

Ngày 28 - 29-30 tết là cả xóm không lúc nào vắng tiếng lợn kêu eng éc rộn rã. Thường là 4 nhà chung một con cho dễ chia. Khoảng 7 giờ hơn là các ông ở các nhà kia đến nhà chủ nuôi lợn bắc nồi nước làm lông, trong lúc chờ nước sôi ngồi uống chè hút thuốc nói chuyện xôm tụ lắm, rồi thì xúm nhau bắt con lợn trói lại ch.ọc tiết, bao giờ cũng lấy một phần tiết hãm cho không đông để chia nhau về làm mó tiết canh ngon nhất với các ông uống rượu.

Đun một nồi nước để luộc lòng, thủ. Các ông xúm nhau vào cạo lông, mổ rất nhanh, rất sạch rồi chia ra người làm lòng, người chia thịt cho đều phần nào cũng đủ từng thứ, từng loại của con lợn nhé. Quả tim, hai quả bầu dục được để biếu ông bà già nấu cháo mà không chia.

Nồi nước sôi là bỏ cái thủ đã chẻ đôi vào trước, lũ trẻ xúm quanh từ lúc bắt lợn kìa bắt đầu xâu vài miếng thịt nhỏ xíu các cụ cho vào cái lạt bỏ vào chút là chín, xách ra chia nhau xuýt xoa ngon tuyệt. Cái đuôi, cái bong bóng (bọng đái), bộ óc các cụ gói lá chuối bỏ vào, chín xách ra xắt chia cho từng đứa từng miếng ăn ngay ở đó, ôi! Sao nó ngon thế chứ lị!

Các ông chia thịt xong là nhà nào nhà ấy bưng về ngay để thịt còn ấm làm giò mới ngon nhất là giò lụa, một lúc sau bắt đầu tiếng giã giò rộn rã cả xóm ấy. Nào là giò lụa, giò lựu, giò cuốn, giò xào, chả, sườn rang chua ngọt, thịt luộc, thịt kho đông. . . Mỡ thắng để dành, xương hầm dành nấu canh mấy ngày tết. Thịt ba chỉ chọn miếng ngon để làm nhân bánh chưng.

Xong rồi lại chạy sang chia lòng, thủ đã luộc chín, chia nước dùng mỗi nhà một ơ nữa bưng về để nấu mỳ, nấu canh ngày tết ngon lắm.

Đến trưa là xong hết, các ông uống rượu ở nhà chủ nuối lợn với tiết canh và một vài thứ chừa lại. Chiều có mâm cúng xong, cả nhà ăn chung bữa cơm tất niên ngon nhất đó vì có đầy đủ mọi thứ của con lợn. Chúng tôi thích nhất các món lòng dồi, lòng non luộc, gan, . , đến thịt thủ luộc. Từ trưa ngày cuối năm khi các nhà cúng gia tiên đón ông Táo, đón các Cụ đã khuất về ăn tết là bắt đầu có tiếng pháo nổ đì đùng, đến đêm đón giao thừa là pháo nổi rộn ràng khắp thôn làng vui lắm.

Mới đúng là tết đến rồi:

Thịt, mỡ, dưa, hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh!

Nghe kể mấy năm trước ở quê ngày cuối năm vợ, chồng vẫn còn dầm mưa sương dãi rét ngoài đường, ngoài chợ để mong bán được hết sản phẩm làm ra, đến gần tất niên không hết phải đổ bỏ để về kịp giao thừa thắp nén hương vái gia tiên, tiễn năm cũ đón năm mới cầu làm ăn tốt hơn. . . thật khổ, khổ hơn cả ngày ấy nhiều lần! Năm nay lại còn dịch Covid19 nữa, chưa biết sao đây, đời nông dân sao khổ thế.

Theo Chuyện Làng Quê

Lê Văn Sơn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/mo-lon-chung-a10229.html