Nghệ thuật và Khoa học về Thiền (Kỳ 18)

Trân trọng giới thiệu tiếp nội dung cuốn sách " Nghệ thuật và Khoa học về Thiền" của Tiến sĩ Newton Kondaveti, M.D Chitra Jha, được ấp ủ và hình thành bởi Tiến sĩ Newton Kondaveti, M.D do TS Nguyễn Hoàng Điệp hiệu đính sửa chữa bản tiếng Việt lần cuối và Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành

Chương 17

Thiền định: Hành trình từ cái biết đến cái không biết

Loài người bản chất là một kẻ khám phá nhưng những khám phá bên ngoài không là gì so với những khám phá bên trong. Hành trình nội tâm là hành trình đích thực vì nó mang chúng ta đến đối diện với Sự Thật của chúng ta.Thiền định giúp chúng ta thực hiện hành trình đi từ tần số của những điều đã biết đến với tần số của những điều chưa biết. Nó là hành trình đi từ nhận thức giới hạn của chúng ta đến với cái vô hạn; từ ý thức tâm-thân đến Tâm thức Bản Thể.

chuythienf1b-1645027758.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Khi Thiền, chúng ta ngừng đồng nhất mình với cơ thể, tâm trí, cảm xúc, sự kiện và lịch sử cuộc sống. Chúng ta bắt đầu hiểu rằng tất cả những khía cạnh này của bản thể chúng ta chỉ là tạm bợ. Chúng ta học được rằng bất kỳ điều gì tạm bợ cũng không thể là con người chúng ta. Chúng ta biết rằng chúng ta là vĩnh cửu và chiều kích vĩnh cửu duy nhất chúng ta có chính là cõi hư vô bên trong. Vì vậy chúng ta chuyển từ những khía cạnh đã biết về bản thân như cơ thể, tâm trí, suy nghĩ, cảm xúc, ham muốn và các sự kiện cuộc sống tới các khía cạnh chưa biết về bản thân vốn nằm trong cái hư vô này. Mỗi chúng ta có thể bước đi trên hành trình này và khám phá Sự Thật, nhưng nó cần sự thực hành, nhận biết và kiên nhẫn. Hành trình này là con đường dẫn đến tự do.Chiều kích chưa biết cũng được gọi là Ý Thức Tập Thể, vì chúng ta chia sẻ chiều kích này với muôn loài. Tâm trí Thiền định khám phá phần chưa biết của bản thân thông qua sự tin tưởng tuyệt đối, biết rằng “Bản Thể” chỉ có thể được nhận ra khi chúng ta tin vào sự vô hạn.

Thiền định là một quá trình tự nhiên trong trẻo đưa chúng ta lên con tàu Thần Thánh từ cái biết đến cái không biết.

Cõi không biết

Khi chúng ta đến một đất nước mới, nó là một trải nghiệm rất khác biệt. Chúng ta thấy mọi thứ đều mới mẻ; ví dụ như con người, văn hoá, ngôn ngữ, ẩm thực, và trang phục. Trong môi trường mới lạ, các giác quan của chúng ta trở nên rất nhạy bén. Chúng ta trở nên nhận thức hơn về môi trường xung quanh. Chúng ta duy trình tỉnh táo và ý thức. Chúng ta thực sự sống từng khoảnh khắc và tận hưởng chính mình. Nhiều người có thể cùng ghé thăm đất nước này nhưng khi trở về, mỗi người mang một trải nghiệm, ký ức và các món quà khác nhau từ vùng đất đó. Người hướng dẫn viên du lịch có thể cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin về địa điểm này, nhưng không người hướng dẫn nào có thể quyết định trải nghiệm độc đáo của bạn về nó.Tương tự, khi chúng ta đến với chiều kích chưa biết, mỗi trải nghiệm đều mới lạ, cá nhân và độc đáo. Rất nhiều tài liệu tôn giáo, sách, giáo viên có thể hướng dẫn chúng ta trên hành trình ấy như không một minh sư hay thánh thư nào có thể nói cho chúng ta biết về sự trải nghiệm của chúng ta sẽ như thế nào và nên như thế nào? Trải nghiệm về cái chưa biết không thể được khái quát hóa bởi vì không bao giờ có hai trải nghiệm diễn ra cùng một cách. Tất cả những trải nghiệm đều khác nhau và không thể so sánh với nhau. Cõi Không Biết được hiển lộ như một trải nghiệm cá nhân trong từng khoảnh khắc.

Trước khi tới thăm một đất nước mới, chúng ta có thể nghiên cứu nhiều về nó. Chúng ta có thể tham khảo bản đồ và qua những người đã từng tới đó; nhưng khi chúng ta đặt chân tới nơi này, chúng ta có thể thấy mọi thứkhá khác so với những gì chúng ta được nghe kể. Chúng ta có thể có ấn tượng mới về cùng sự việc. Cuối cùng, sẽ được tận hưởng nhiều hơn nếu chúng ta ngừng so sánh các trải nghiệm của mình với những gì đã được tiết lộ trong lúc lên kế hoạch.

Lúc Thiền, chúng ta cần rộng mở chính mình với tất cả các chiều kích. Một tâm trí mong muốn sự an toàn, thoải mái và chắc chắn sẽ không thể trải nghiệm những điều chưa biết. Ở cõi không biết, chúng ta phải chào đón những điều không chắc chắn, và luôn mở lòng với bất kỳ điều gì được trải nghiệm. Thiền tạo ra một môi trường đón nhận những điều chưa biết để trở thành điều đã biết. Một tâm trí chờ đợi những điều chưa biết là một tâm trí thiền.

Cái ly rỗng

Để chào đón những điều chưa biết, chúng ta cần bỏ đi tư duy “Tôi biết rồi”. Chúng ta cần biến mình thành cái ly rỗng. Chỉ khi chúng ta nhận thức được sự vô minh trong mình, thì những điều chưa biết mới hiển lộ trước chúng ta. Nhưng điều tuyệt vời nhất là khoảnh khắc chúng ta “biết” những điều chưa biết và rồi nó trở thành những kiến thức cần được đánh rơi. Vì thế, mỗi khoảnh khắc chúng ta biến những điều chưa biết thành đã biết và bỏ đi những gì vừa biết được để luôn trong tâm thế cái ly rỗng để tiếp nhận nhiều hơn.

Chúng ta cần hiểu rằng không gì có thể chứa đựng được Cái Vô Hạn. Nó không thể được biết hết cùng một lúc. Những điều chưa biết trở thành đã biết theo các liều tăng dần, và chúng ta chỉ nhận được liều tiếp theo khi chúng ta đã thấm nhuần tinh hoa của liều thứ nhất và vứt bỏ những lời sáo rỗng.

Giống như chúng ta liên tục thay đổi trong từng khoảnh khắc, thì Cái Vô Hạn cũng vậy. Do đó, không có lúc nào nó được biết hết tất cả. Những điều chưa biết mới lạ được liên tục tạo ra trong mỗi khoảnh khắc.

Một tâm trí Thiền sống từ lúc này đến lúc khác. Nó không tích lũy kiến thức. Nó luôn đón nhận những điều chưa biết.

Bản ngã thu thập thông tin và các trích dẫn từ các thánh thư, nhưng tâm trí Thiền định hiểu rằng sách vở, giáo viên hay trải nghiệm của người khác chỉ mang tính cung cấp thông tin bởi vì kiến thức không bao giờ có thể vay mượn. Thời khắc chúng ta vượt qua các kiến thức tích lũy, sự học đích thực mới bắt đầu.

Khi chúng ta sống trong từng khoảnh khắc, loại bỏ từng trải nghiệm và khi nó được “biết đến”, chúng ta bắt đầu ôm ấp những “điều chưa biết”.

Tất cả là một

Mặc dù, chúng ta sử dụng cụm từ “bỏ đi những điều đã biết”, nhưng vẻ đẹp của quá trình này nằm ở chỗ những điều đã biết hay tâm trí ý thức không thực sự bị bỏ đi; mà thực tế tâm trí ý thức mở rộng khi những điều chưa biết trở thành điều đã biết hay cái vô thức trở thành ý thức.Và nó liên tục mở rộng cho đến khi không còn sự tách rời giữa điều đã biết và điều chưa biết; giữa ý thức và vô thức.

“Sự Hợp Nhất” này mang đến niềm vui đích thực từ sâu bên trong chúng ta. Và đây mới là điều mà tâm linh hướng đến. Nó khiến chúng ta hiểu ra tình anh em của loài người và chúng ta trở thành những người giữ gìn hoà bình cho Thế giới. Chúng ta hiểu rằng chúng ta bình đẳng trong Vương quốc của Thượng Đế. Không có gì phải tranh đấu, không có gì phải xấu hổ và không có gì phải tự hào. Nó không có gì khác biệt nếu chúng ta cai quản Thế giới hay ăn xin trên đường. Sự nhận thức bên trong mang đến cho chúng ta tự do.

Thiền giúp chúng ta khám phá và chấp nhận sự vĩ đại của chúng ta trong sự khiêm nhường.

Sự thật cá nhân và sự thật vay mượn

Vì những điều chưa biết chỉ có thể được trải nghiệm ở đây và bây giờ, khoảnh khắc thực tại trở thành cánh cổng dẫn đến với Thần Thánh, đến với Vô Hạn. Sự thật ban đầu được hiểu bằng lý trí, sau đó được nội bộ hóa và được thấm nhuần cho đến một ngày nó trở thành một phần không thể thiếu của chúng ta. Khi chúng ta nội bộ hóa sự thật này, chúng ta hoàn toàn chấp nhận từng khoảnh khắc đều thánh thiện và đích thực. Chúng ta cũng nhận ra rằng bất kỳ điều gì bên ngoài cái ở đây và bây giờ đều là ảo ảnh.

Khi cái chưa biết bắt đầu được biết đến theo những cách độc đáo riêng của chúng ta, chúng ta trải nghiệm sự thật cá nhân của mình từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Đó là lúc chúng ta nhận ra sự thật của người khác chỉ dành cho chính họ. Nếu chúng ta quá dựa dẫm vào sự thật của người khác, thì nó sẽ trở thành cai ngục của chúng ta. Sự thật vay mượn sẽ không bao giờ giải phóng chúng ta; mà thực tế nó cầm tù chúng ta trong những giáo điều và sự mong đợi.

Tóm lược

Con người bản chất là khám phá nhưng những khám phá bên ngoài không là gì so với khám phá bên trong.

Thiền giúp chúng ta thực hiện hành trình đi từ tần số những điều đã biết đến với tần số của những điều chưa biết.

Mỗi chúng ta có thể tham gia hành trình này và khám phá Sự Thật, nhưng nó cần thực hành, nhận biết và kiên nhẫn.

Cõi chưa biết còn được gọi là Ý Thức Tập Thể, vì chúng ta chia sẻ chiều không gian nãy với muôn loài.

Khi chúng ta đến với cõi chưa biết, mọi trải nghiệm đều mới lạ, cá nhân và độc đáo.

Trải nghiệm về những điều chưa biết không thể được khái quát hoá vì không có hai trải nghiệm nào xảy ra theo cùng một cách.

Chúng ta không thể tiếp nhận những điều chưa biết, trừ khi chúng ta vứt bỏ hết tất cả những gì chúng ta đã biết; bao gồm cả những kiến thức tâm linh.

Một tâm trí mong muốn sự an toàn, thoải mái và chắc chắn thì không thể trải nghiệm những điều chưa biết.

Để chào đón những điều đã biết, chúng ta cần loại bỏ tư duy “tôi biết rồi”.

Trừ khi chúng ta nhận thức về sự vô minh của mình, nếu không thì những điều chưa biết sẽ không hiển lộ trước chúng ta.

Những điều chưa biết trở thành đã biết qua các liều tăng dần; và chúng ta nhận được liều tiếp theo chỉ khi chúng ta đã thấm nhuần tinh hoa của liều thứ nhất và vứt bỏ những từ sáo rỗng.

Bản ngã thu thập thông tin và những trích dẫn từ thánh thư, nhưng tâm trí Thiền hiểu rằng sách vở, giáo viên và kinh nghiệm của người khác chỉ đem đến thông tin mà thôi bởi vì kiến thức không bao giờ có thể được vay mượn.

Khi chúng ta sống từng khoảnh khắc và loại bỏ từng trải nghiệm và khi nó trở thành điều “đã biết”, chúng ta bắt đầu ôm lấy “những điều chưa biết”.

Thiền giúp chúng ta khám phá và chấp nhận sự vĩ đại của mình với khiêm nhường.

Vì những điều chưa biết chỉ có thể được trải nghiệm ở đây và bây giờ, nên khoảnh khắc hiện tại trở thành cánh cổng dẫn đến Thần Thánh, đến Vô Hạn.

Khi những điều chưa biết bắt đầu trở nên được biết theo cách riêng của chúng ta, chúng ta trải nghiệm sự thật cá nhân của mình trong từng khoảnh khắc.

Sự thật vay mượn không bao giờ có thể giải phóng con người; mà thực tế nó cầm tù chúng ta trong những giáo điều và sự mong đợi.

“Khi chúng ta dâng hiến chính mình lên cái hợp nhất chúng ta với linh hồn thông qua Thiền định, chúng ta đẩy nhanh điều gì đó bên trong chúng ta mà nó vĩnh cửu và không bị giới hạn bởi sinh và tử. Ngay khi chúng ta trải nghiệm phần vĩnh cửu này bên trong mình, chúng ta sẽ không còn hoài nghi về sự tồn tại của nó. Do đó, Thiền là con đường dẫn đến sự hiểu biết và chứng kiến cốt lõi thiết yếu, vĩnh cửu, không thể bị phá hủy của chúng ta.”

Rudolf Steiner

(Còn nữa)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/binh-luan-nghe-thuat-va-khoa-hoc-ve-thien-ky-17-a10660.html