Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 – 1973 (Kỳ 6)

Trong những năm tháng chiến tranh ấy, trên thực tế, hàng ngày - đôi khi vài lần trong ngày, có khi cả ban đêm - ở một khu vực nào đó của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những tiếng còi vang lên báo động cho người dân Việt Nam về những cuộc oanh kích của không quân Mỹ. Sau những cuộc oanh tạc ấy là những ngôi nhà, những trường học, những con đường, những công trình thuỷ lợi và bệnh viện bị phá huỷ.

Tiện thể tôi cũng nói thêm rằng hồi ấy báo chí Mỹ nhiều lần đưa tin cho biết các máy bay Mỹ chỉ ném bom vào các cơ sở quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng theo các số liệu của ủy ban điều tra tội ác của Mỹ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì: tính đến tháng 10-1966 các cuộc ném bom của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam đã phá huỷ 294 trường học, 74 bệnh viện, 80 nhà thờ và 30 ngôi chùa. Nếu đó là những cơ sở có ý nghĩa quân sự chiến lược, vậy thì liệt những gì vào danh sách các công trình dân sự?

dieu-khien-1645746075.jpg
Chuyên gia Anatôli Nararốp hướng dẫn học viên trong buồng điều khiển tên lửa

Trong những năm chiến tranh, mãi đến tận năm 1974, khi tôi trở lại làm việc tại Sứ quán Liên Xô ở Hà Nội, tôi đã có dịp mỗi năm vài lần đáp máy bay đến Việt Nam trong những lần tháp tùng các phái đoàn và đi công tác một mình. Trong những chuyến công tác như vậy có nhiều chuyện xảy ra. Nhưng tôi chỉ kể về một chuyến đi như thế. Tháng 3-1967 phái đoàn của chúng tôi, đứng đầu là Chủ tịch ủy ban quan hệ văn hóa của Liên Xô X. C. Rômanốpxki, đã đáp máy bay quá cảnh Trung Quốc để sang Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hồi đó ở Trung Quốc "cách mạng văn hoá" đã đạt đến đỉnh điểm.

Nói chung, tôi ghi nhớ chuyến đi này vì nhiều nguyên nhân: vì rằng ở mọi nơi phái đoàn chúng tôi luôn được các cảnh binh đeo súng tiểu liên đón tiếp... Và cũng còn vì lẽ trên đường bay trở về Mátxcơva, cùng với trên chuyến bay ấy có một họa sĩ mới mở đầu con đường sáng tác của mình, nhưng nay đã nổi tiếng trên toàn thế giới - đó là người trùng họ với tôi - họa sĩ Ilia Gladunốp. Do nghề nghiệp, họa sĩ ấy mang một số lượng khổng lồ giấy vẽ và đến đâu cũng thực hiện các bức ký họa bằng bút chì, trong đó có cả những bức ký họa các nghệ sĩ nghiệp dư đã từng trình diễn cho chúng tôi xem và ca ngợi Mao Trạch Đông giữa tiếng reo hò thán phục của người Trung Quốc.

Tại mỗi sân bay mà chúng tôi được cung cấp đồ ăn thì họa sĩ Ilia Xécghêêvích đều tranh cãi với các nhân viên chạy bàn người Trung Quốc đem món ăn đến cho chúng tôi theo yêu cầu. Tôi yêu cầu các món Trung Quốc, còn họa sĩ Ilia Xécghêêvích thì gọi các món châu Âu. Nhưng các nhân viên chạy bàn Trung Quốc không rõ vì sao cứ luôn luôn nhầm lẫn tôi với họa sĩ: họ mang món ăn do tôi gọi đến chỗ họa sĩ Ilia Gladunốp. Ông ấy lập tức lớn tiếng phản đối rằng ông sẽ không ăn món đó. Họ lại đem món do ông ấy đặt đến chỗ tôi sau đấy, giữa tiếng cười của mọi người, các nhân viên chạy bàn đã ngượng nghịu chuyển đổi các món ăn.

Thời tiết buộc chúng tôi lưu lại Nam Ninh thêm một ngày nữa. Trong thời gian cực chẳng đã phải ngồi không ở Nam Ninh, tôi đã nhờ các cán bộ của Lãnh sự quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sở tại cung cấp một số tờ báo Việt Nam và tôi chăm chú đọc những số báo ấy, tường thuật lại nội dung chủ yếu những gì đã đọc cho các đồng chí của tôi trong phái đoàn.

Ví dụ, báo "Nhân Dân" số ra ngày 5-3-1967 đã viết như sau về tỉnh Hà Tĩnh. Tờ báo nêu lên rằng tỉnh này rất nghèo và thường xuyên phải chịu thiên tai (lũ lụt, hạn hán) và viết tiếp:

"Ngoài ra, năm 1966 tỉnh này còn gánh chịu những trận đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm 1966 số lượng lần đánh phá đã tăng hơn 3 lần so với 6 tháng cuối năm 1965. Ngoài những trận bắn phá các bệnh viện, trường học, nhà thờ và chùa chiền, máy bay Mỹ đã ném bom 166 lần vào các công trình thuỷ lợi của tỉnh này, gây ra thiệt hại đáng kể về vật chất và những hy sinh về nhân mạng".

Chuyến đi này còn được ghi nhớ, vì khi bay đến gần biên giới Việt Nam máy bay của chúng tôi rơi vào một cơn dông cường độ rất mạnh. Vào thời kỳ ấy chúng tôi đi máy bay đến Việt Nam chủ yếu vào ban đêm, tắt các đèn trên thân sườn máy bay, vì ban ngày các phi công Mỹ hết sức đeo bám quấy rầy các máy bay của chúng tôi trên đường bay, thật sự nhòm thẳng vào các máy bay này. Trong những chuyến bay sau này đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôi đã nhiều lần nhìn qua cửa sổ và thấy rõ mặt các phi công Mỹ bay quanh máy bay chúng tôi.

Khi máy bay chúng tôi bay gần đến biên giới Việt Nam trên bầu trời tối đen bỗng vang lên một tiếng ầm hết sức mạnh, làm im bặt tiếng động cơ máy bay. Một ánh chớp loé lên sáng chói, làm đau cả mắt. Nó như một thanh kiếm lửa xé toang bầu trời ban đêm. Ghế ngồi của tôi không rõ biến đi đâu mất. Máy bay bị hạ độ cao rất nhiều và đột ngột. Sau cùng là những tiếng kêu hoảng hốt của các cô gái tiếp viên Trung Quốc mà trước đó một giờ đã "chiêu đãi" chúng tôi bằng những đoạn trích trước tác của Mao Trạch Đông. Tất cả tình cảnh ấy đã buộc chúng tôi quên đi những điều nhỏ nhặt hàng ngày trong cuộc sống, chúng tôi bắt đầu vĩnh biệt nhau. Tình hình lúc ấy thật hoàn toàn bi đát. Rồi đột nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng động cơ, nghe hết sức phấn chấn! Hoan hô! Thế là máy bay của chúng ta vẫn bay.

Trong nhật ký của tôi có đoạn ghi rất ngắn về sự cố này:

"Khoảng 30 phút trước lúc hạ cánh, thiên nhiên đã đón chào chúng tôi nồng nhiệt. Thoạt đầu ở mạn bên phải máy bay, bầu trời như bị vỡ làm đôi, còn tia lửa ngoằn ngoèo của sét đã ngước nhìn chúng tôi với vẻ hung dữ. Sau đấy, người đẹp ấy thấp thoáng phía bên trái với tiếng nổ hết sức mạnh mà tiếng vang rền của nó còn theo đuổi chúng tôi mãi".

Sau cuộc thử thách ấy chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Hà Nội trong tình trạng hoàn toàn kiệt quệ. Cũng khó nhận ra tổ lái Trung Quốc - họ cũng rất khó nhọc bước ra khỏi máy bay.

Sau khi ổn định nơi nghỉ tại khách sạn, chúng tôi đã quyết định đi dạo quanh Hà Nội vào buổi tối. Tôi lại trở lại đọc cuốn nhật ký cũ nát. Trong đó có đoạn ghi:

"Ở đây tôi phải thú thật rằng sau Nam Ninh tôi đã đến Hà Nội như trở lại nhà mình. Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu của cảm nhận này là: tại đây tôi được gặp lại nhiều người quen. Cảm tưởng trước hết về buổi tối ở Hà Nội là tựa hồ như không có chiến tranh và hòa bình đang ngự trị trên đất nước Việt Nam. Chỉ có một cảnh đập vào mắt là trên đường phố có rất ít người, có ít thanh niên mà trước kia thường sóng đôi bên nhau đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm. Có một dấu hiệu nữa của chiến tranh - chung quanh hồ này có nhiều hầm tránh bom, những tường nhô cao của những hầm này luôn đập vào mắt. Một sự sắp xếp lại cho phù hợp với hoàn cảnh.”

Tình hình ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quả thật rất phức tạp. Đại sứ Liên Xô I. X. Sécbacốp cũng cho chúng tôi biết tình hình này trong buổi gặp gỡ với phái đoàn chúng tôi. Các đồng chí Việt Nam cũng nói đến điều đó. Những cuộc bắn phá của không quân Mỹ vẫn tiếp diễn - mỗi ngày có 150 - 250 lần chiếc máy bay. Mặc dù những chiến sĩ bảo vệ Việt Nam có tinh thần chiến đấu cao, nhưng sự mỏi mệt về tâm lý, tình trạng thiếu ngủ thường xuyên, khó khăn về lương thực - tất cả những yếu tố ấy đã tác động đến tâm trạng của dân chúng. Có nhiều người bắt đầu bộc lộ hoài nghi về khả năng chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. Điều này cũng được những người trò chuyện với chúng tôi không giấu giếm nói ra tại Hà Nội, cả trong lần về Nam Định.

Nhân tiện xin nói, ngay vào thời gian ấy trong cuộc trò chuyện với tôi, giáo sư Chung (TЮHR), chuyên gia nổi tiếng về khoa thần kinh hồi ấy tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã nêu ý kiến cho rằng những cuộc ném bom thường xuyên cả ngày lẫn đêm đã làm cho mọi người kiệt quệ, thời gian gần đây đã gia tăng mạnh số người mắc các bệnh thần kinh, đặc biệt trong các trẻ em. Vì thiếu lương thực, tình trạng suy dinh dưỡng cũng khá phổ biến.

Ban lãnh đạo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa biết rõ những vấn đề ấy và đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức đời sống và lao động của mọi người trong những điều kiện thời chiến hết sức khó khăn. Đầu năm 1967, trong bài phát biểu tại tỉnh Thái Bình, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã nói như sau:

"Việc phòng không nhân dân phải làm tốt hơn nữa. Địch càng thua càng liều lĩnh. Chiến tranh có thể còn gay go hơn. Cho nên phải đào nhiều hầm hào để bảo về tính mạng và tài sản của nhân dân".

Tại từng gia đình, tại nơi sản xuất, hễ ở đâu có người thì đều phải có hầm trú ẩn. Cần tổ chức ở khắp mọi nơi các đội cấp cứu, các đội cứu hoả, đảm bảo kịp thời chuyển những người bị thương vào bệnh viện. Các đội dân quân tự vệ phải trở thành nòng cốt và người khởi xướng toàn bộ công tác này.

Bài phát biểu này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đăng trên báo "Nhân Dân", số ra ngày 17-1-1967. Tôi dẫn ra bài phát biểu này vì tôi đã đọc nó trên đường từ Hà Nội đến Nam Định. Nội dung bài phát biểu này hoàn toàn khớp với những gì tôi đã nhìn thấy và nghe thấy. Do vậy, nó gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt.

Ngày 26-3 tôi ghi những dòng dưới đây trong nhật ký:

“Vào lúc 15 giờ đã bắt đầu cuộc hội đàm chính thức tại trụ sở ủy ban liên lạc văn hóa. Sau đó ít phút người ta loan báo máy bay Mỹ cách Hà Nội 20 km. Còi báo động rú lên. Các đồng chí Việt Nam khẩn thiết đề nghị chúng tôi xuống hầm trú ẩn. Cuộc bắn phá kéo dài 40 phút. Chúng tôi không muốn ngồi trong hầm trú ẩn theo yêu cầu của các đồng chí Việt Nam và chỉ đứng cạnh đó thôi. Chúng tôi nhìn thấy những chiếc máy bay bay qua và nghe thấy tiếng bom và đạn rốc két nổ, cũng như những loạt súng máy phòng không và pháo cao xạ nổ chát chúa. Chúng tôi đã đội những chiếc mũ sắt do phía Việt Nam phát và thậm chí đã chụp ảnh.”

Sau khi báo yên, Chủ tịch ủy ban liên lạc văn hóa là ông Thuần (Txyah) đã nói đùa:

"Ngài Giônxơn đã thu thuế 40 phút của chúng ta, là khoản thuế trả về bước mở đầu cuộc hội đàm".

Dù gì đi nữa, nhưng cuộc hội đàm về hợp tác văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô đã mở đầu từ cuộc tránh bom. Đối với tôi, tất cả những cái đó như có ý nghĩa biểu tượng: chiến tranh đang diễn ra. Vậy mà chúng tôi lại tiến hành hội đàm về hợp tác văn hóa và khoa học. Chắc chắn điều này chứng tỏ chúng tôi đã tin vào thắng lợi chung của chúng tôi. Nhân tiện xin nói, sang ngày hôm sau tôi ghi những dòng sau đây:

"Cả ngày hôm qua chúng tôi đã có cuộc hội đàm khó khăn, kéo dài tới tận đêm. Trên bầu trời Hà Nội đã có 3 máy bay bị bắn hạ".

Đặc biệt cần kể về chuyến đi đến thành phố Nam Định. Chúng tôi khởi hành từ Hà Nội ngày 27-3-1967, đi trên 2 chiếc ôtô, có đội bảo vệ đi theo. Thật ra xe đã phải chạy suốt đêm, mặc dù quãng đường đến Nam Định chưa đến 100 km. Theo lộ trình, chúng tôi phải đi qua thị xã Phủ Lý. Chung quanh khu vực này có các khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Cho nên Mỹ đã ném bom đặc biệt tàn khốc khu vực này. Nhật ký ghi như sau:

"Phủ Lý là địa danh Liđixe (tên một thành phố ở Ba Lan bị tàn phá khủng khiếp trong Chiến tranh thế giới thứ hai - BT.) ở Việt Nam. Hiện nay trong thị xã này không còn một bóng người. Mọi nhà cửa đã bị phá huỷ. Tất cả dân cư đã rời khỏi thị xã. Anh tài xế trên xe chúng tôi kể rằng Mỹ đã ném bom Phủ Lý suốt mấy ngày liền".

Chúng tôi không được phép đi ngang qua thị xã Phủ Lý, vì theo lời của các chiến sĩ bảo vệ chúng tôi thì tất cả các cây cầu trong thị xã này đều đã bị phá hủy và đi qua thị trấn ấy vào ban đêm là không an toàn. Khi xe chúng tôi đến gần Phủ Lý thì chúng tôi bị kẹt trong cuộc tập kích dữ dội. Sự việc xảy ra như sau: Chúng tôi đi trên con đường nham nhở hố bom, nắm chặt vào tay vịn trên xe và bám chắc vào nhau để không văng ra khỏi xe. Cả lúc này, cả trong những lần sau đó đến Việt Nam trong thời chiến, tôi đều rất ngạc nhiên trước tài năng của các chiến sĩ lái xe Việt Nam. Họ có thể lái xe trong bóng tối của đêm miền nhiệt đới, với ánh sáng tối thiểu của một đèn pha - ít khi cả hai đèn sáng - có chụp đèn che kín.

Dọc đường, phía bên dưới các hàng cây, thường lập loè ánh sáng le lói của những con đom đóm. Có người trong phái đoàn nói rằng trong rừng nhiệt đới có nhiều loài côn trùng phát ra ánh sáng. Nhưng trong trường hợp này không phải là những con đom đóm, mà đó là những đội tuần tra thanh niên trực đêm. Họ được trang bị bằng những cây đèn dầu bé nhỏ được làm từ vỏ đạn súng máy cỡ lớn. Những chàng trai và những cô gái đi tuần tra dọc suốt con đường.

Đến gần Phủ Lý họ buộc chúng tôi dừng xe và cho biết không thể đi tiếp vì sắp đến giờ máy bay địch oanh tạc. Ngay lúc ấy chúng tôi nghe thấy tiếng ầm ầm của những chiếc máy bay đang đến gần. Đột nhiên, ngay phía trên đầu chúng tôi vụt sáng lên một quả pháo sáng do máy bay thả xuống. Chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên được thứ ánh sáng trắng bệch, chói lòa làm đau nhức mắt, chỉ muốn lập tức vùi đầu vào nền đường. Cả hai chiếc xe của chúng tôi đã rẽ ngoặt - một cách kỳ lạ, gần như ngay tại chỗ - và lập tức ẩn dưới rặng cây. Các chiến sĩ trong đội tuần tra chộp lấy tay chúng tôi và lôi vào ẩn nấp dưới tán cây.

Ngay vào giờ phút ấy đã mở màn "buổi hòa nhạc" trong đêm. Một cây cầu nhỏ, cách chúng tôi không xa, mà lẽ ra chúng tôi phải vượt qua đó, đã bay tung lên không trung. Đã nghe thấy những tiếng nổ, xa hơn một chút đã xuất hiện những vầng lửa, làm nổi lên đám khói dầy đặc. Bầu trời bừng sáng với những đường đạn bay lên từng loạt, với những loạt rốc két và đạn pháo cao xạ nổ. Đâu đó rất gần đã nghe thấy những mảnh đạn quen thuộc rơi ào ào xuống những ngọn cây quanh chúng tôi. Sau một hồi "buổi hòa nhạc" kết thúc. Trở lại im lặng hoàn toàn. Sự im lặng ấy đặc biệt thật nặng nề trong bóng tối mù mịt. Phải một lúc sau, sau những ánh sáng chói loá, những con mắt mới lại nhận biết trong bóng tối.

Sau đó chúng tôi lại lên đường, vòng phía sau Phủ Lý. Con đường chạy ngoằn ngoèo trên một địa hình bằng phẳng. Lần đầu tiên tôi đi trên một con đường như thế, và dĩ nhiên, tôi ngạc nhiên nhìn vào những hàng cây hùng dũng được trồng ven đường. Đó là những cây bạch đàn. Có thể giấu cả đàn trâu dưới tán lá một số cây bạch đàn ấy. Chúng tôi đi được chừng 30-40 km tôi thì mải suy nghĩ về bức tranh hòa bình, tôi ngước nhìn lên bầu trời tối đen về đêm và trông thấy vầng trăng đỏ như bị nung chảy. Trên cánh đồng lúa chạy dọc con đường là nhũng con đom đóm bay lập loè ánh sáng xanh lam hoặc ánh sáng xanh. ánh sáng của những chiếc đèn pha được che đậy thỉnh thoảng lại làm lộ rõ trong bóng đêm những tốp thanh niên đứng bên đường, hoặc bóng một cô thôn nữ trở về nhà sau một ngày lao động, hoặc một con trâu. Tất cả đều tạo thành bức tranh yên bình và hòa bình, tựa hồ như chưa diễn ra cuộc bắn phá vừa rồi, tựa hồ như chưa xảy ra những cuộc bắn phá của máy bay và đạn pháo của Mỹ trên mảnh đất yên lành này.

Trái tim người lính

Nhiều tác giả - Nhà xuất bản ЄKЗAMEH Mátxcơva, 2005/Phạm Thúy Hậu

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/chien-tranh-viet-nam-la-the-do-1965-1973-ky-6-a10833.html