Chúng tôi đóng quân ở xã Hùng Lý, Lý Nhân, Hà Nam. Nghe giảng viên nói vừa qua trường đào tạo chưa đi sát thực tế chiến trường. Nên khoá này sẽ có thay đổi để thích nghi hơn.
Đại để như 2w cần rút gọn thủ tục khi lên máy...thí dụ “Sông Cầu gọi sông Lô nghe rõ không trả lời” chúng tôi tham gia:”sông Cầu-sông Lô-trả lời” sau này rút gọn “01-02-03” chắc vẫn dùng cho đến ngày nay...
Để áp dụng từ học ra chiến trường, quan trọng nhất là mắc dây anten hai râu...Theo tình báo ta, trong thời gian chống Pháp duy có đài của sư 308 là bị tình báo Pháp dùng máy định vị phát hiện sóng VTD. Chủ yếu do đài có báo vụ viên phát cố tật một chữ. Khi đồng chí này lên máy là nó biết ngay sư 308 đang ở đâu...
Nắm được tin như vậy. Ta đã tương kế tựu kế cho đồng chí báo vụ đó ở lại Ninh Bình hàng ngày vẫn lên máy bình thường với bộ Quốc phòng. Còn sư đoàn bí mật hành quân lên Điện Biên mà quân đội Pháp vẫn yên trí sư 308 vẫn cố thủ bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ.
Nói chung các báo vụ viên ta được Mỹ theo giõi và đặt tên cho từng ngươi. Còn trong chống Mỹ chủ yếu lộ anten là chính chứ chưa có đài nào lộ do sóng...
Đại uý Thái Bá Chương nói chuyện (hay gọi là giảng) hai ngày liền mà cứ há hốc mồm nghe không chán. Ông nói bài này ông soạn để nói chuyện với lớp cán bộ cao cấp của BQP mà vinh dự lớp đài trưởng QK3 được duyệt giáo án.
Tôi thực sự may mắn được nghe ông giảng giải và áp dụng vào thực tế những ngày chiến đấu ở Trường Sơn.
Khoá học đến đầu tháng 3/1968 ra trường tôi về D1 đang chiến đấu bảo vệ cầu Yên-Ninh Bình, thì nhận lệnh đi B gấp bảo vệ Tây thành Huế.
Khi đơn vị vượt qua cổng Trời là đêm có trăng đầu tháng. Nhìn núi đồi trọc lóc mới thấy nơi đây ác liệt đến chừng nào. Nếu xe đang đi mà máy bay nó đến giữa nơi trống trải này dễ làm mồi cho lũ quạ sắt Mỹ như chơi...
Hôm nay không có máy bay Mỹ quần đảo thế là may mắn rồi. Sang qua cổng trời là tỉnh Khăm Muộn Lào.
Rừng bên đây vẫn đẹp nguyên, những cây gỗ to cao vút cành lá xum xuê che kín cả bầu trời, ở trong rừng đi lại máy bay không phát hiện được...
D1 đến đến Lào thì cũng là lúc Mỹ nguỵ đã chiếm lại thành Huế. Chúng tôi vẫn hưởng chế độ B nhưng ở lại phối thuộc đoàn 559.
Ở Khăm muộn thời gian thì vào khu vực bản Đông bảo vệ đường. D bộ đóng quân ở nơi rừng già nguyên sinh đẹp tuyệt. Xe ô tô có thể đi trong rừng mà không sợ máy bay phát hiện.
Gần chỗ đóng quân có con suối nước trong veo bên cánh rừng thấp lưa thưa nên hay rủ nhau ra tắm. Hôm ấy nước chẩy như thác nên nô nghịch ầm ầm. Bỗng một thằng F4H bay sát ngọn cây. Trông thấy đầu thằng lái. Nó vút qua đánh rẹt. Liền hô nhau chạy...
Tối về tôi viết nhật kí có bài thơ:
MỘT THỜI
Rủ nhau đi tắm suối
Bên bìa rừng lưa thưa
Dòng suối trong leo lẻo
Thoả thuê ta vui đùa...
Lù lù con ma đến
Bay sát trên ngọn cây
Nhìn thấy đầu thằng lái
Phải chuồn mau khỏi đây
Ầm ầm bom giội xuống
Cột nước cao kín cây
Tất cả vội nằm xuống
Vẫn đùa tao ở đây...
Trường Sơn là như vậy
Ghét cay lũ máy bay
Trò ú tim với giặc
Của một thời nơi đây...
Sau ít ngày thì sáng 10/5/1968 có lệnh cơ động vào ngầm sông Bạc bảo vệ...
Khoảng gần 5 giờ chúng tôi khiêng máy móc quân tư trang ra bãi đỗ xe ở gần đường tuyến. Lúc này ngoài đường máy bay mới vừa đánh phá, rải bom cháy đang lập loè như lũ ma chơi... mùi khói bay khét lẹt. Theo kinh nghiệm của lính lái xe khi vừa đánh xong xe ta đi sẽ may mắn hơn vì thường nó nghỉ một lúc mới quay lại quần đảo trên đường...
Ra gần đến ngầm bản Keng thấy ven đường xơ xác không còn bóng cây to thế này máy bay đến thì chả biết ẩn vào đâu. Tất cả là do số phận may rủi mà thôi.
Khi đến đầu ngầm được biết hôm nay mới mưa nên nước ngầm ngập sâu. Xe phải đều ga chắc lái kẻo chết máy gữa ngầm là tắc đương thì nguy to...
Xe từ từ xuống ngầm, anh Thuấn lái xe hôm nay tuyệt thế đã vượt ngầm một cách êm ru. Đến bên đây ngầm phía bờ Nam có nhiều cây to nên có chỗ ẩn nấp. Chúng tôi xuống xe chờ xe kéo pháo rồi cùng đi.
Vừa lúc đó nghe báo xe pháo đang chết máy, anh em D bộ xuống ngầm đẩy cho xe nổ máy ngay...
Mọi người vội xuống ngầm gần đến chỗ xe chết máy thì may sao xe đã nổ giòn đang lấy đà kéo pháo. Chúng tôi lên bờ về xe để đi ngay chứ không thể ở đây lâu được.
Lên đến chỗ xe đỗ đang họi nhau thì bỗng nghe trên đầu ba tiếng nổ: bụp...bụp... bụp. Thì ra là ba quả bon bi mẹ tách vỏ thả hàng trăm quả bom bi con rơi xuống...
Tôi chỉ nghe có thế! Khi mở mắt ra thì không thấy còn ai. Mọi người đã chạy thoát khỏi khu vực bom bi vừa đánh. Lúc này tôi thấy môi mằn mặn đưa tay lên thì thấy môi dưới rách đôi. Liền lấy khăn mặt ở túi cứu thương buộc lại chỗ môi rách cho đỡ chẩy máu. Còn ở lưng thấy nong nóng nhưng không tự băng được, phải chờ mọi người quay lại băng giúp... Tôi liền bò ra chỗ xe ô tô định ẩn tạm bên lốp, thấy mùi xăng nồng nặc. Thì ra mảnh bom đã xé rách thùng xăng. Tôi nghĩ phải cho chỗ bị thương cao hơn tim chắc sẽ giảm máu chẩy...
Một lúc sau mọi người quay lại, thấy tôi bị thương liền băng cho tôi, thì ra hai lỗ xuyên vào ngực trái phía đằng sau chắc là cách tim 1-2 cm... máu phụt ra hai vòi theo nhịp đập của tim...
Băng bó xong kiểm tra quân số thấy thiếu anh Phong cơ yếu! Mọi người đi dọc đường tuyến vẫn không thấy anh đâu. Khi quay lại để ý phía bìa rừng giống có người nằm. Đến nơi thì là anh Phong bị bom xuyên vào đùi đứt động mạch, tìm thấy đã tắt thở!...
Mấy người bị thương được đưa vào trạm phẫu binh trạm 34 kịp thời xơ cứu. Người nhẹ được ở lại rồi về đơn vị. Còn tôi, Lã Xuân Định và anh Lâm trợ lý hậu cần chuyển ra viện đoàn 559...
Đến bãi xe đợi gần 5 giờ chiều có mấy xe tới... mỗi ngươi lên một xe nếu bị máy bay oanh tạc thì một người bị thôi...
Tôi ngồi thùng xe ngắm giời ngắm đất ngắm núi rừng Lào sao mà tuyệt đẹp. Rừng cây xanh thẳm cao vút mênh mông. Khi xe trên cao nhìn xuống chân núi thấy mây trắng bồng bềnh ngỡ mình đi trên mây, thấp thoáng lúc ẩn lúc hiên, thích làm sao...
Xe đến đoạn đường trống trải thì cũng là lúc máy bay vừa thả bom cháy hai bên đường khói cay mù mịt. Lửa cháy lèm lèm bụi cây ven đường. Bỗng nghe tiếng bụp tôi giật mình thì cũng là lúc xe đánh lái rẽ vào lùm cây bên đường. Đèn dù bật sáng, thằng L19 bay vè rất thấp quay lại, nhưng xe đã ẩn kín dưới lùm cây. Nó lượn vòng vòng không thấy gì rồi chuồn thẳng...
Thấy im ắng anh lái thò đầu ra nghe ngóng liền bảo ta đi được rồi đồng chí ạ.
Xe ra khỏi nơi ẩn nấp đang chạy bon bon...bỗng đánh hự một cái người xô ngược lên rồi một loạt 20 ly nổ toé lửa ngay đầu xe. Xe bỗng rú ga lao vút, loạt thứ hai nổ toác toác ngay sau lốp nghe rợn người.
Cứ thế như mèo vờn chuột. Nó săn thì anh chạy, đánh lái, rú ga, rồi phanh, để tránh những luồng đạn quái ác của thằng L19. Ở Trường Sơn nó là nỗi sợ của lái xe vì bám dai như đỉa mà 20 ly nổ như vãi đạn nghe mà khiếp...
Đến đoạn đường có cây xanh cũng là lúc nó bay qua đầu, phải lượn lại. Anh nhanh như chớp lao xe vào chỗ có cây xanh ở xa đường. Nó quay lại thì mất mục tiêu liền bắn ào ào như mưa xuống ven đường...mấy vòng như thế, không thấy mục tiêu, liền chuồn thẳng. Thật bái phục lòng dũng cảm, trí thông minh, gan dạ của những chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Trong nhật ký tôi viết bài thơ để cảm ơn anh. Bài thơ như sau:
PHỤC ANH HẾT NÓI
Đến ngầm bản Keng
Bị bom Mỹ giội
Khoảng bẩy giờ tối
Ngày mười tháng năm
Anh Phong hy sinh
Bị thương cũng khá
Đưa vào bệnh xá
Binh trạm ba tư
Cấp cứu sơ sơ
Người đầy băng trắng
Ba đứa bị nặng
Phải chuyển viện rồi
Ra xe nằm đợi
Mỗi xe một người
Khoảng năm giờ tối
Xe mới khởi hành
Bầu trời trong xanh
Trăng sao vằng vặc
Giời im phăng phắc
Chưa có máy bay...
Phải chạy gấp ngay
Qua vùng trống trải
Nhưng chúng đã tới
Gầm rú phía xa
Pháo sáng la đà
Dọc theo đường tuyến
Hình như phát hiện
Thấy xe chúng tôi
Quần rát một hồi
Đèn dù chúng thả
Ngay đầu rõ quá...
Anh vội tìm cây
Áp sát đó ngay
Để cây che khuất
Thế là mất hút
Nó lượn vòng vòng
Anh lái ngó trông
Thôi đi được đấy
Tiếng xe vang dậy
Giữa đêm Trường Sơn
Vi vu xe trườn
Trên đường mới mở...
Trăng nay đẹp quá
Soi rõ núi rừng
Xe bò lên cao
Sương mờ chân núi
Trời cao vời vợi
Mây trắng từng chồng
Đường dài uốn cong
Mềm như dải lụa
Lập loè đốn lửa
Bom cháy ven đường
Tranh thủ khẩn trương
Càng nhanh càng tốt
Bỗng phanh đột ngột
Người xô ngược lên
Toác toác nổ rền
20 ly chúng xả...
Lái xe tuyệt quá
Phanh gấp kịp thơi
Lừa được giặc trời
Bắn ngay phía trước
Xe vội lao tiếp
Ga rú kinh người
Toác toác...một hồi
Nổ ngay sau lốp...
Lúc nổ phía trước
Khi chớp đằng sau
Ta - nó đua nhau
Ai tài thì thoát...
Bám theo quần rát
Chắc mất mục tiêu
Nó liền bắn liều
Nổ rền tứ phía
Một hồi như thế
Rồi nó bỏ đi
Lái xe cười khì
Thua ông rồi nhé
Ôi cánh tài xế
Trên đường Trường Sơn
Gan dạ phi thường
Phục anh hết nói!...
Vào viện được hai hôm, đến ngày thứ ba thấy buồn nôn tôi ngoái đầu ra khỏi sạp (giương) thổ ra cả đống máu tươi... đồng chí cùng lán thấy vậy liền gọi bác sĩ kịp thời đến tiêm liền hai mũi. Sau ba ngày tiêm thì không còn nôn ra máu tươi nữa. Tôi vẫn tự hỏi tại sao lại nôn ra máu tươi mới lạ...
Được một tuần đi lại được tôi liền tìm đến chỗ Định thì thấy toàn thân trắng băng, một mùi thối khẳn xốc vào mũi mà khiếp. Hỏi sao lại thế...Định bảo khi chạy nghe tiếng bom phía sau cũng hơi xa chắc là đuối tầm...bi nó chỉ găm ngoài nên lấy tay móc bi ra thành thử bị nhiễm trùng toàn thân! Giờ chỉ có một bộ quần áo. Áo bị thương đẫm máu...anh em bỏ lại rồi. Tôi thấy thương Định quá, liền lấy bộ quân phục không bị thương cho Định. Còn mình về đơn vị chắc có quần áo phát bổ xung. ( nhưng khi về đơn đơn vị không có đành nhận bộ quần áo bị thương của Định)
Hôm 23/5 gặp anh Lâm thì anh bảo 25/5 anh ra viện chú có xin ra về cùng cho vui. Tôi nghĩ mình chưa khoẻ hẳn đến lúc ra chỉ có một mình thì vất vả lắm. Biết đơn vị ở đâu mà về. Thế là hôm sau bác sĩ đến khám, tôi nói dối đã khoẻ để cho tôi 25/5 ra viện với anh Lâm về một thể.
Sáng 25/5 lấy giấy ra viện xong hai anh em hỏi đường ra bãi xe để xin đi nhờ. Nhưng phải chờ đến 5 giờ xe mới xuất phát.
Rừng ở đây là rừng già, bãi xe ban ngày cũng không sợ máy bay, xe chở đầy gạo nên tôi kéo mấy bao xếp lên trên chừa một chỗ hũng xuống đủ nằm để tránh mảnh bom nếu bị máy bay đuổi đánh...
Đúng là khi đi B tôi vẫn hay nói ghét nhất bị thương dọc đường thì mình lại bị thương...Cũng may vết thương nhẹ vẫn về đơn vị tiếp tục chiến đấu được!
Trái tim người lính
Lieu Phamhuy
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-nam-thang-khong-quen-a11176.html