Đoàn quân cũng không đi tập trung thành đoàn như khi vào mà chủ yếu chia nhỏ thành các đại đội, trung đội. Các trung đội chủ động kế hoạch hành quân ra Hải Phòng Quảng Ninh nên có nhóm đi bộ, có nhóm được đi nhờ xe ô tô quân sự, có nhóm đi xe khách, thậm chí có nhóm còn chặn xe dọc đường để đi. Tuy nhộn nhạo, nhốn nháo hơn nhiều so với khi vào nhưng " 100% chiến sỹ về đến đơn vị mới an toàn. Phương thức hành quân vẫn là ngày nghỉ, đêm đi.
Bộ phận tiền trạm của Hải quân đã liên hệ trước nên gần sáng lính đến đâu là được phân vào nhà dân nghỉ. Mệt mỏi do đường dài, do thức trắng đêm nên hầu như các chiến sỹ đến nhận nhà là nằm vật ra ngủ luôn. Cung đường hành quân với đoàn về Vân Đồn Quảng Ninh gần 300km, đoàn về Yên Hưng Quảng Ninh gần 200km. Chúng tôi phải vượt qua các thị xã, thành phố, cầu phà vừa bị bom Mỹ oanh tạc. Từ Thanh Hóa qua Ninh Bình, rồi sang Nam định, qua phà Tân Đệ sang Thái Bình, dọc đường 10 đến Hải phòng, qua phà Bính, phà Rừng lên Quảng Yên, Quảng Ninh.
Tôi nhớ, gần sáng, khi hành quân qua nhà máy dệt Nam Định. Được nhân dân cho biết, hôm trước thành phố vừa hứng trận bom và rốc két Mỹ. Rất nhiều người đã chết, chúng tôi thấy những dãy mồ mới đắp, cỏ chưa kịp mọc ở cánh đồng ven đường trước khi vào thành phố. Trước cửa nhà máy, những kiện bông của Liên Xô, to như con trâu còn nguyên 4 đai sắt, cháy đen.
Có kiện bị bom đánh vỡ tung, lòi bông trắng tinh như hàm răng của người da đen. Hàng cây ven đường trước cổng nhà máy cháy trụi lá, cành đen thui, những cánh bông bị hơi bom, gió tung lên trời rồi rơi xuống bám vào cành cây cháy đen tạo nên một cảnh trắng đen bi tráng.
Được phân công vào nghỉ tại xóm nhỏ gần nhà máy dệt. Trương Tấn Ngạn, Lại Vĩnh Mùi sinh viên Đại Học Tổng Hợp, La Bình, Sử, Nguyễn Minh Tuấn Đại học Mỹ Thuật Hà Nội vào một nhà cấp bốn rộng rãi. Chủ nhà đã đi sơ tán để lại nhà cho tốp công nhân kiêm tự vệ nhà máy ở. Cô công nhân trẻ tên Lan có thân hình rắn chắc, hàm răng trắng bóng mặc trang phục công nhân khỏe mạnh, tự tin. Cô giúp nhóm nấu cơm. Có gái, cả tiểu đội vui như tết, anh nào cũng muốn như chú công đực xòe cánh dụ nàng. Cơm chín, cô bưng lên cho các anh rồi tạm biệt để vào nhà máy trực chiến. Nhìn cô công nhân khoác súng đi ra, các chàng lính sinh viên đẹp trai, dẻo mỏ tiếc ngẩn ngơ.
Chẳng ai kịp nắm tay, ghi địa chỉ của nàng. Gần tối lại lên đường, mọi người thi nhau bàn luận về cô gái. Người thì ước giá được ôm tấm thân chắc nịch vào lòng, người thì ước được đặt một cái hôn lên cái miệng có hàm răng trắng bóng luôn cười. Tuấn khòng, chàng họa sỹ của Đại học Mỹ thuật Hà Nội thì buông một câu:
- Nếu cô ở nhà, tao sẽ xin vẽ nàng. 50 năm đã trôi qua, không biết cô công nhân, tự vệ nhà máy dệt Nam Định ấy giờ ở đâu, cô gái đã sống mãi trong ký ức những chàng lính sinh viên.
Qua cầu Bo Thái Bình, đi gần chục km thì trời sáng, đoàn vào nghỉ tại một làng đầy cây ổi có tên ổi Bo. Đói quá, thấy người dân đang hái ổi, chúng tôi hỏi xin, hỏi mua. Những quả ổi Bo chín vàng ròn cầng cậc, ngọt lịm làm dịu cái đói cái khát của chúng tôi. Xa xa là nhà máy xay, câu ca dao:
Thái bình có cái cầu Bo,
có nhà máy cháo
có lò đúc muôi
lại vang lên trong đường hành quân.
Một nhóm khác có Bùi Xuân Thềm, Nguyễn Ngọc Minh, Vũ Hồng Hải vào nghỉ ở một nhà dân. Hải đi chợ mua về dăm bìa đậu cho bữa trưa. Thềm rim đậu với muối. Nhìn thấy chai có màu đen đỏ cạnh bếp. Thềm ta nghĩ bụng: Chắc là nước mắm? Chủ nhà ra đồng không ở nhà, Thềm xin vắng mặt một chút đổ vào nồi đậu. Chắc mẩm có nồi đậu rim ngon. Ai ngờ khi ăn sặc mùi dầu. Hóa ra đó là chai dầu ma dút chủ nhà dùng để nhóm bếp cho nhanh.
Đến phà Tân Đệ vào lúc nửa đêm. Phà đang ở bờ phía Thái Bình. Đoàn quân dài mệt mỏi nằm lăn ra vệ đường ngủ luôn, anh nhân viên phà hốt hoảng. Thế này không được, đây là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Nó quay lại trải bom bi có mà chết hết! Mặc, lính trẻ, lính mệt, lính cứ ngủ.
Trưởng đoàn, đại úy tên Được gương khẩu AK bắn ba phát lên trời để phía bên kia nghe, nhìn thấy. Cũng phải hơn hai tiếng sau phà mới sang đến nơi. Đại úy điên tiết chỉ mặt tay lái phà: Đây là những hạt giống quý của Hải quân, ông có chịu trách nhiệm được không? Không làm được thì cút mẹ về nhà đi!
Vào đêm qua thành phố Hải Phòng. Tôi thực sự ngỡ ngàng khi lần đầu tiên nhìn thấy những con tàu nước ngoài to hơn toà nhà 4 tầng là ký túc xá sinh viên trường tôi. Những hàng cần cẩu tháp giống hệt con bọ ngựa, gục đầu như có lỗi trên cảng. Do bị Mỹ thả thủy lôi phong tỏa nên những tàu này đã phải nằm lại tại cảng hàng năm nay. Có một chiếc tàu bị sệ đuôi xuống, đó là con tàu của Ba Lan bị trúng bom, tên lửa của Mỹ mấy ngày trước khi chúng tôi tới. Tiếng còi tàu ủ ê trong đêm nghe thật não lòng.
Cũng đêm đó, khi hành quân đến đầu thành phố Hải Phòng. Bình đen nguyệch ngoạc vào mảnh giấy một tin nhắn cầu ơ, gửi người đi xe đạp bên đường nhờ chuyển cho anh bạn học cùng lớp A0 ĐHTH tên là Nguyễn Đăng Thành, số nhà 19 phố Chợ Con Hải Phòng. Người đi xe đạp nhiệt tình chuyển lá thư tới tận nơi, ngay trong đêm cho anh lính. Đoàn quân vừa qua cầu Niệm, Bình đen đã thấy Thành đón ở đầu cầu. Thành đi cùng đoàn quân xuyên thành phố Hải Phòng trò chuyện đến tận phà Bính mới chia tay. Sau này Bình đen có việc qua Nghệ An gặp lại Thành, khi đó đã là phó bí thư tỉnh ủy Nghệ An. Hai thằng bạn ôm chầm lấy nhau, ôn chuyện cũ bên bàn tiệc đầy ắp tình người. Ngày xưa ơi, tình người, tình bạn thật đáng trân trọng!
Qua phà Bính, rồi đến phà Rừng, tôi thật sự ngạc nhiên vì sao cái sông Rừng nó to, rộng đến thế. Sông Hồng quê tôi có phà Âu Lâu. Mùa cạn hai bờ gần nhau đến mức còn gọi cho nhau được. Nóng quá, tôi chạy sát mép nước, khoát nước định vốc lên rửa mặt. tôi bỗng giật mình rụt tay lại vì thấy có những giọt sáng như lân tinh bám vào tay. Chắc mọi người sẽ bật cười vì sự ngây ngô này của tôi. Đúng thôi vì tôi là người rừng, chưa bao giờ thấy biển. Đó cũng là kỷ niệm đầu của tôi về biển.
Sau một tuần hành quân, lúc đi bộ, lúc đi xe. Ngày nghỉ, đêm đi. Vượt qua nhiều địa phương. Chứng kiến nhiều xóm làng, cầu đường bị bom đánh tan, gãy gục. Thấy những nấm mồ người dân vô tội đã chết vì bom Mỹ. Lòng chúng tôi sôi sục, căm thù bọn giặc Mỹ.
Đơn vị mới của chúng tôi ở Hải quân là Đội 5 - đoàn 126 đặc công Hải quân, hay còn gọi là đặc công nước. Đoàn đóng quân tại thôn Bùi Xá, xã Tiền An, huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh. Hôm sau, tập trung toàn tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng quán triệt:
- Đây là đoàn đặc công nước Hải quân, các đồng chí sẽ được huấn luyện bơi, lặn, võ thuật và kỹ năng chiến đấu trên biển. Sau huấn luyện chiến sỹ phải bơi được từ 10 km trở lên. Bơi chìm ( tức là ngậm ống thở bơi ngầm dưới nước ) phải trên một km. Sau huấn luyện, các đồng chí sẽ được điều động vào chiến trường miền Nam, ra đảo ... để đánh tàu chiến, đánh cảng biển của Mỹ Ngụy. Trời ơi! Tránh vỏ dưa lại găp vỏ dừa. Vừa vui mừng thoát khỏi chảo lửa Quảng Trị thì nay mai lại vào Nam, ra đảo... tôi thầm nghĩ. Tiếng tiểu đoàn trưởng vẫn oang oang:
- Đơn vị ta là đơn vị đặc biệt, làm nhiệm vụ bí mật, vì vậy các đồng chí sẽ được học và phải giữ bí mật tuyệt đối nội dung huấn luyện sắp tới! Bỗng dưng một niềm tự hào vô hình trào dâng trong tôi:
- Mình là lính thủy, lại còn là đặc công Hải quân nữa. Lũ bạn cùng trường, cùng quê biết tin chắc phải thán phục lắm đây! Tối về tôi ghi và tô đậm dòng chữ ĐẶC CÔNG HẢI QUÂN vào nhật ký.
Tiểu đội tôi được phân công về ở nhà dân tại xóm Duối. Tiểu đội có hơn chục người. Nguyễn Văn Lai trung sỹ cán bộ khung là tiểu đội trưởng. Tôi nhớ có anh Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Hữu Xuân, Nguyễn Ngọc Thạch sinh viên năm thứ tư khoa đia Đại học Tổng Hợp. Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Văn Mai sinh viên năm thứ tư khoa Sử Đại học Tổng Hợp. Nguyễn Cao Siêu, Vũ Anh Tuấn, tôi và mấy bạn nữa là sinh viên Đại học Kinh tế Kế hoạch nay là ĐH.KTQD. Ở cùng nhà với tôi là Nguyễn Cao Siêu và Nguyễn Ngọc Thạch. Sống với các anh tôi được mở mang trí óc rất nhiều. Từ việc trái đất hình thành thế nào đến vụ nổ big bang ra sao? Thậm chí tôi còn được nghe về tình yêu của anh Thạch với cô giáo viên cấp 3 Lập Thạch Vĩnh Phú, người mà sau này sinh cho anh 3 ả tố nga. Vợ anh đã từng là Chủ tịch UBND Phường Đồng Xa Cầu Giấy Hà Nội. Anh được phong Giáo sư muộn nhất, lớn tuổi nhất so với Giáo sư Xã Hội học Trịnh Duy Luân và Giáo sư Khoa học Kỹ thuật quân sự - chuẩn đô đốc Phạm Hồng Thuận, đồng đội của chúng tôi.
Gia đình nhà chủ chúng tôi ở Tiền An khi đó rất nghèo, nghèo như cả thôn Bùi Xá. Đàn ông đi biển, đàn bà đi bắt ngao, bắt còng, móc ngán. Phụ nữ đi làm mặc bộ đồ, theo tôi nghĩ phải đạt kỷ lục Guinness. Bộ quần áo hàng trăm miếng vá không ngoa. Tay, chân đi ghệt vải. Mặt chùm khăn kín mít chỉ hở đôi mắt long lanh. Ẩn trong bộ quần áo đi làm ấy là thân hình rắn chắc cân đối, hừng hực sức sống của gái miền biển. Chẳng thế mà đồng đội Triệu Xuân Hoãn đã thành rể Bùi Xá. Đại tá nguyên chánh văn phòng Vũ Hồng Hải, thượng tá trợ lý phòng Tác chiến Bùi Xuân Thềm của Bộ tư lệnh Hải quân đã có mối tình đẹp như mơ với các cô gái bắt ngao, móc ngán Bùi Xá Tiền An.
Lại nói về con còng, con ngao, con ngán. Hôm đầu tiên ra bãi tập. Thủy triều vừa rút. Bước chân lên lớp cát ướt tôi thấy những chú cua lạ mắt chạy rất nhanh chui tọt xuống tổ. Đây là điều ngạc nhiên thứ hai của người rừng. Sao con cua thì bé mà cái càng của nó lại to kềnh càng bằng cái thân. Màu đỏ có, vàng có, thậm chí là xanh? Mấy đồng đội dân ven biển bảo đó là con còng. Nước mắm còng rất nặng mùi nhưng cũng rất ngon. Buổi tối chuyện về con còng đã được tôi kể vài trang giấy trong thư gửi về nhà.
Vùng đất chua phèn pha cát của Tiền An lúa mọc lơ phơ nhưng cực hợp với trồng khoai sọ. Nồi cơm của anh chủ nhà chủ yếu là khoai sọ, sắn, điểm xuyết vài hạt gạo. Bữa cơm nào cũng phải có một nồi canh ngao hoặc ngán nấu với khoai sọ. Mùi thơm của bát canh khoai sọ bốc lên ngào ngạt làm tôi buột miệng:
- Ôi thơm quá, ngon quá!
Anh chủ nhà nghe vậy liền múc cho một bát tô:
- Các chú mời đi! Món ăn nhà nghèo sợ các chú chê nên tôi không dám mời.
Hơi bẽn lẽn, tôi nói câu cảm ơn! Ba thằng sẻ canh ngán khoai sọ ra bát B52 chén sạch. Nước canh ngọt lừ, khoai sọ bở, thơm phưng phức làm tôi nhớ đến tận bây giờ. Khi đã thân quen, một hôm anh chủ truyền đạt kinh nghiệm:
- Những đợt huấn luyện trước các chú ở nhà tôi khi đi lấy gạo hay ghé qua nhà sẻ một ít gạo lại, tôi sẽ nấu cháo, nấu canh ngán cho mà ăn!
Một sáng kiến đơn giản nhưng vỹ đại sánh với Ơrêka của Acsimed khi phát minh ra định luật " sức đẩy của nước". Đương nhiên nhiên buổi đi lấy gạo sau, một phần gạo đã vào hũ nhà anh chủ và hiển nhiên chúng tôi thường xuyên được ăn canh ngao, ngán nấu khoai sọ, cháo ngao, thậm chí cả cháo gà.
Ở Thanh Hóa chúng tôi đắp đất, phơi lưng dưới nắng hè chói chang để tập thì ở đây chúng tôi đắp bệ cát tập bơi trong rừng phi lao. Gió biển thổi vào đồi phi lao làm thành bản hòa tấu xào xạc, du dương, mát rượi cứ kéo mi mắt đóng sập lại. Võ thuật là môn tôi thích nhất nhưng cũng đau người và mệt nhất. Đã thế khi về nhà đồng đội Cao Siêu lại còn bổ túc thêm:
- Khi đánh võ, ông phải luôn nhìn vào mắt đối phương. Di chuyển liên tục, một chân luôn bám đất làm trụ. Tay luôn ở vị trí tấn công. Vừa làm đông tác, vừa thực hành. Khi tôi chưa kịp hiểu gì thì uỵch! tôi đã nằm chỏng vó lên trời, mông giáng xuống nền nhà đau điếng, may mà ở đây nền nhà là đất pha cát, lèn chặt chứ nếu bằng xi măng thì đã gãy xương. Tôi gầm lên:
- Ông phải nói trước chứ! Siêu cười hềnh hệch hở cái răng khểnh tinh quái:
- Bảo trước thì sao còn gọi là võ thuật.
- Phải tinh mắt, tinh tay thì mới thoát chết! Tôi nhớ mãi câu nói này của Cao Siêu.
Môn võ thuạt tôi thích bao nhiêu thì môn bơi và lặn ống tôi sợ bấy nhiêu. Bơi thì ai cũng biết thế nào rồi, nhưng lặn ống thì có lẽ nhiều người chưa biết. Cái ống thở dài khoảng 30 cm, có dây để quàng qua cổ. Nếu bơi ta nằm sấp, chân đạp, đẩy người về phía trước thì lặn ống thì phải ngược lại. Nằm ngửa, mồm ngậm ống, toàn thân chìm dưới nước, chỉ 1 phần ống nổi lên mặt nước để thở. Phải giữ cho người ổn định, thăng bằng. Nếu dập dềnh lớn, nước sẽ vào ống gây sặc. Muốn tiến đến mục tiêu phải lấy mốc ở phía ngược lại. Ví dụ muốn lặn ống đến con tàu đang neo ngoài cửa sông, ta phải xác định vị trí của nó.
Tìm xem đối diện với nó có vật tiêu cố định như cây cối, ngọn núi, cột điện nếu là ban ngày. Ngọn đèn, ngôi sao trên trời nếu là ban đêm. Khi xác định được tiêu, chiến sỹ đặc công nước khoát nhẹ tay giữ thăng bằng, chân đạp nước cho người tiến về phía trước. Mìn rùa cũng được gắn phao sao cho lơ lửng dưới nước, không chìm mà cũng không trồi lên mặt nước và được kéo theo chiến sỹ đặc công bằng 1 sợi dây. Mìn rùa là loại bộc phá có sức công phá cực mạnh có hình con rùa. Mìn rùa có nam châm, khi tiếp cận được tàu, chiến sỹ đặc công nước gắn mìn vào thân tàu. Nam châm sẽ làm mìn bám chặt vào vỏ sắt của tàu. Nếu bị phát hiện, đối phương mà dứt mìn ra, mìn sẽ nổ tung, tàu thủng lỗ to như cái mẹt. Chẳng mấy chốc là chìm.
Nói thì đơn giản nhưng khi tập bơi, tập lặn ống mới khổ, mới khó, mới sợ đến nhường nào. Bụng tôi chướng lên vì uống nhiều nước, lọng óc thường xuyên vì nước sộc vào mũi. Chân tay mỏi rời vì vùng vẫy, đạp, quạt nước bơi dưới nước. Hôm nào tập bơi, tập lặn về tôi đều như thằng mất hồn. Tóc dựng ngược, mặt trắng bợt, bụng to phình, tay nhăn nheo như bà già chín mươi. Chân bước lảo đảo như thằng say rượu. Cũng may về nhà được anh chủ cho bát canh ngao khoai sọ nên tỉnh người. Thương đồng đội chậm biết bơi, thỉnh thoảng Cao Siêu lại rủ ra tập thêm.
Nhìn anh ấy bơi nhẹ như con nhái mà thèm. Anh giảng về cách khoát tay, cách lấy hơi, cách thở ra v v... nên sau vài buổi tôi đã không chìm, đã bơi được vài mét. Một buổi chiều, ăn cơm xong, trời còn sáng mấy anh em rủ nhau ra sông Chanh tắm, kết hợp luyện bơi. Khi bơi ra thì thủy triều đứng. Khi bơi vào thủy triều rút. Tôi bơi theo các anh mà cứ thấy thụt lùi. Đứng xuống thì nước ngập đến cằm. Tôi còn nhớ dưới nước là lớp bùn pha cát lạnh ghê người. Tôi lại dướn lên, tay bám vào ngọn xú kéo, giữ người lại. Phựt! Ngọn xú đứt, tôi chìm và trôi xa theo dòng nước chảy. Cố dướn người nhìn lên thấy anh Siêu và mấy người khác đã cách xa vài trăm mét.
Tôi hô trong tiếng sặc nước: Anh Siêu...ặng ặc cứu, cứu!!! chẳng biết mọi người có nghe thấy không. Tôi mơ hồ như có người túm tóc, chân đạp vào lớp cát. Thì ra tôi trôi dạt vào bờ, cũng vừa lúc mọi ngươi ào tới túm tóc lôi vào. Tôi vừa chối lời gọi của hà bá. Chẳng phải mình tôi, trong số 180 chiến sỹ về Hải quân cũng hơn chục anh suýt chết đuối khi tập bơi, lặn. Từ đấy tôi biết bơi nhưng khi các đồng đội đã bơi được 3 đến 5 km thì tôi mới chỉ bơi được hơn trăm mét. Đương nhiên tôi, tiểu đội tôi luôn đứng thứ bét trong mỗi buổi hội thao cuối tuần.
Cũng trong thời gian tập, được tiếp xúc với cán bộ khung: A trưởng Lai người Nghệ Tĩnh, hiền lành ít nói, trung đội trưởng Tuân, đại đội trưởng Cường, đoàn trưởng Nguyễn Văn Tình mới được phong AHQĐ, chúng tôi mới biết và khâm phục họ. Họ đã từng vào Cửa Việt, mang mìn bơi hàng chục km ngoài biển để gắn mìn đánh chìm tàu dầu của Mỹ. Một trong ba người làm nên chiến công to lớn đó là Trần Quang Khải. Khi về học Đại học kỹ thuạt quân sự, tôi lại gặp anh, cùng đại đội với anh. Anh học về xây dựng nhà bộ đội. Tôi học về công nghệ chế tạo cơ khí. Năm 2016 anh mới được phong danh hiệu AHLLVT. Chuyện được phong AHLLVT của anh cũng ly kỳ và đầy tính nhân văn. Một người bạn học cùng khóa với tôi là phó tổng thanh tra quân đội.
Học với nhau, từng nghe về những chiến công của Khải. Một hôm anh làm việc với bộ trưởng bộ Quốc phòng, lúc nghỉ anh đã kể cho bộ trưởng nghe câu chuyện, hoàn cảnh của chiến sỹ đặc công đánh chìm tàu Mỹ năm xưa. Bộ trưởng xúc động đã chỉ thị cho BTL Hải quân làm thủ tục đề nghị và năm 2016 Trần Quang Khải, người thứ hai trong tổ 3 người đã đánh chìm tàu Mỹ ngoài khơi biển Cửa Việt năm 1971 đã vinh dự được phong tặng danh hiệu AHLLVT.
Còn nữa
Trái tim người lính
Tong Hong Quan
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-tau-dem-di-ve-huong-nam-ky-1-ve-hai-quan-a11177.html