Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 26.

V

Mùa đông năm 1775 gió se lạnh nhưng nắng vẫn chan hòa rải xuống khắp trấn Phú Yên, thành Phú Yên nhô cao lên sừng sững vững chắc. Những khẩu thần công đặt trên tường của bốn mặt thành lạnh lùng, đen sì sẵn sàng nhả đạn bảo vệ thành. Trong thành, tại dinh của Lưu thủ, Tống Phước Hiệp đang ngồi nhâm nhi ly rượu. Trong thời gian này, Tống Phước Hiệp đang rất vui vẻ xen lẫn kiêu ngạo, tự hào. Không tự hào sao được khi giặc Tây Sơn Nguyễn Nhạc đuổi quan quân chạy dài từ Phú Yên đến Gia Định, mất hết một giải đất từ Phú Yên đến Bình Thuận. Vậy mà Tống Phước Hiệp chỉ ra tay vài trận, quân Tây Sơn đã tháo chạy, quân Nguyễn thu hồi từ Bình Thuận đến Phú Yên dễ như thò tay vào túi lấy đồ vật. Tống Phước Hiệp còn yên tâm trong việc phòng thủ vì tự cho đã bố trí một thế trận liên hoàn vững chắc để bảo vệ Phú Yên.

chuynghuej-1648478866.jpg
Tranh minh họa: Nguyễn Huệ (1753-1792), còn có tên là Nguyễn Quang Bình là em út của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Nguồn: Internet.

 

Thành Phú Yên có tường đá che chắn, cao hai trượng, chung quanh thành có hào nước như sông. Trên mặt thành đặt 20 khẩu thần công có sức công phá mạnh, ngoài ra còn nhiều loại vũ khí khác như hỏa cầu (tạc đạn), súng hỏa mai, cung cứng nỏ mạnh. Trong thành có 2 vạn quân sẵn sàng phòng thủ hoặc ra ngoài thành chiến đấu. Nếu đóng cửa thành phòng thủ thì bên ngoài rất khó tấn công. Lương thực, vũ khí dồi dào đủ ăn và chiến đấu trong một năm.

Ngoài thành Phú Yên kiên cố là trung tâm, Tống Phước Hiệp còn tin tưởng vào các căn cứ bộ binh có 2 vạn tinh binh ở núi Xuân Đài do Nguyễn Khoa Kiên chỉ huy. Thủy quân có 200 chiến thuyền trang bị đại bác đóng ở đầm Lãnh Úc phía Đông Nam Đồng Xuân do Nguyễn Văn Hiền chỉ huy. Còn có 2 vạn quân do Bùi Công Khê chỉ huy đóng ở Bình Khang và đạo quân của Tống Văn Khôi ở Ứng Hòa  có thể cứu ứng cho thành Phú Yên và cùng tấn công vào Quy Nhơn nếu có thời cơ. Tống Phước Hiệp dốc cạn một ly rượu nữa, chợt có tùy tướng vào báo:

-Bẩm Lưu thủ, có người của Nguyễn Nhạc Tây Sơn muốn vào gặp.

Tống Phước Hiệp nói:

-Cho vào.

-Dạ.

Tùy tướng của Tây Sơn Nguyễn Nhạc là một võ tướng bước vào:

-Kính chào Lưu thủ, chúa công mạt tướng có thư gửi tướng quân.

Tống Phước Hiệp cầm thư bóc ra và đọc. Thư viết: “Kính chào Lưu thủ Tống Phước Hiệp, tại hạ là Nguyễn Nhạc nay muốn về hàng với Định Vương Nguyễn Phúc Thuần để chống lại quân Trịnh đang xâm lược Đàng Trong nhưng tại hạ có mong muốn là cùng tướng quân tôn phò hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương lên làm chúa của chúng ta. Nay kính Thư. Nguyễn Nhạc”.

Tống Phước Hiệp cười ha hả:

-Tốt lắm. Người đâu.

-Dạ.

-Đem bút mực ra đây.

-Dạ.

Tống Phước Hiệp viết xong thư, niêm phong và đưa cho tùy tướng Tây Sơn:

-Tướng quân về đưa thư này cho chúa công của Tây Sơn.

-Dạ, đa tạ, mạt tướng xin cáo biệt.

-Cáo biệt.

Nguyễn Nhạc bóc thư ra đọc, thư viết: “ Nếu thật lòng về hàng thì thứ nhất hãy đem Nguyễn Phúc Dương đến Phú Yên, thứ hai là ngay lập tức khởi binh đánh quân Trịnh. Kính thư. Tống Phước Hiệp”.

Nguyễn Nhạc đọc xong thư bảo tùy tướng:

-Tướng quân về ấp Tây Sơn, Tuy Viễn gọi Nguyễn Huệ về Quy Nhơn gặp ta có việc gấp.

Sau khi nhận lệnh về Quy Nhơn, Nguyễn Huệ giao hết công việc ở Tây Sơn cho nữ tướng Bùi Thị Xuân rồi cùng tùy tướng đem 2000 quân Trung Nghĩa, Hòa Nghĩa người Thượng về Quy Nhơn gặp Nguyễn Nhạc. Trong bữa tiệc rượu Nguyễn Nhạc nói với Nguyễn Huệ:

-Ta phải lấy lại Phú Yên, Diên Khánh, Bình Khang và Bình Thuận. Ta đã viết thư giả hàng Tống Phước Hiệp, hắn tin và đang lơ là cảnh giác. Việc Nam tiến nay ta giao cho đệ.

Nguyễn Huệ nói:

-Tốt lắm, nếu Tống Phước Hiệp đang chờ ta về hàng thì ta sẽ bất ngờ dụng binh. Đệ rất thích đánh bất ngờ và thần tốc.

-Ta chờ tin chiến thắng của đệ.

-Huynh yên tâm, đệ sẽ sớm đem Phú Yên, Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận về cho huynh.

Sau một đêm thức đọc sơ đồ bố trí binh lực của Tống Phước Hiệp, sớm hôm sau Nguyễn Huệ gọi tùy tướng vào nói:

-Tướng quân cầm thư này đến đưa cho tướng kỵ binh của ta là Trần Quang Sáng.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Nguyễn Huệ lại nói với một tùy tướng khác:

-Tướng quân hãy đem thư này cho tướng thủy quân ta là Phạm Ngạn.

-Dạ, mạt tướng quân lệnh.

Tại doanh trại của mình, tướng kỵ binh Tây Sơn Trần Quang Sáng nhận được thư của Nguyễn Huệ, bóc ra xem. Thư viết: “Tướng quân hãy hợp với quân của tướng quân Lương Văn Trực, với Thủy Xá Ma Khương, Tụ Nghĩa La Hiên, bất ngờ tấn công căn cứ bộ binh quân Nguyễn ở Xuân Đài, ở Đồng Xuân”.

Trần Quang Sáng lập tức thi hành lệnh hợp quân và tiến đánh Xuân Đài.

Tại căn cứ  thủy quân Tây Sơn, tướng Phạm Ngạn nhận được thư của Nguyễn Huệ. Thư viết: “Tướng quân hãy đem thủy binh phối hợp với thủy binh của tướng Lưu Quốc Hưng, Trần Văn Nhâm, bất ngờ tấn công căn cứ thủy quân Nguyễn ở đầm Lãnh Úc”. Phạm Ngạn lập tức thực hiện kế hoạch của Nguyễn Huệ.

Đạo kỵ binh và bộ binh của Nguyễn Quang Sáng cùng các tướng với 2 vạn người, ngựa bỏ chuông, không cờ không trống đi trong đêm đến Xuân Đài. Tướng Nguyễn Khoa Kiên trong bữa tiệc ban chiều nói với các tướng và binh sĩ:

-Lưu thủ Tống Phước Hiệp có nói với ta rằng giặc Tây Sơn Nguyễn Nhạc đã quy hàng Định Vương Nguyễn  Phúc Thuần, tự làm tiên phong đi đánh quân Trịnh ở Phú Xuân. Chúng ta không lo gì nữa, cứ nhậu cho thoải mái đi.

-Đa tạ tướng quân, nhậu cho thoải mái đi. Ha!ha!ha!...

-Nhậu, nhậu!ha!ha!ha!...

Nhậu tới canh ba thì tất cả binh sĩ bị ma men làm cho bất tỉnh, 2 vạn quân nằm la liệt như đã chết. Quân Tây Sơn bao vây doanh trại và xông vào chém giết. 2 vạn người không ai sống sót, thây chồng như núi, máu ngập như sông ở căn cứ Xuân Đài.

Đạo thủy binh Nguyễn ở đầm Lãnh Úc trong buổi nhậu bữa chiều, tướng Nguyễn Văn Hiền thông báo:

-Giặc Tây Sơn đã quy hàng chúng ta rồi, hôm nay các tướng sĩ được phép nhậu hết đêm.

-Thật hả, đa tạ tướng quân, lâu lắm mới được bữa nhậu suốt đêm. Ha!ha!ha!...

Thế là quân lính trên các thuyền chiến neo đậu hò reo ép nhau uống suốt đêm. Thủy quân Tây Sơn do tướng Phạm Ngạn chỉ huy bí mật bao vây các chiến thuyền của quân Nguyễn Văn Hiền và thay nhau ném tạc đạn, phun hỏa hổ vào. 200 chiến thuyền quân Nguyễn biến thành những bó đuốc cháy dữ dội vì lửa bén vào thuốc pháo và đạn dược trên thuyền. Những tiếng nổ và lửa khói như bão táp sáng rực hết cả một vùng biển trời Phú Yên. Tất cả thủy binh, kể cả tướng Nguyễn Văn Hiền đều chìm xuống lòng đầm Lãnh Úc, vùng biển Phú Yên.

Tại thành Phú Yên, Tống Phước Hiệp đang ngủ say sưa thì một tùy tướng vào báo:

-Dạ bẩm Lưu thủ, phía căn cứ bộ binh Xuân Đài và phía căn cứ thủy quân đầm Lãnh Úc hình như có chiến sự, đang giao tranh ác liệt, tiếng pháo nổ và lửa cháy rất dữ dội.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-v-tieu-thuyet-lich-su-ky-26-a11421.html