Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 3)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.

Ky 3.

  Quan Thái úy Đàm Dĩ Mông bước ra nói:

-Dạ bẩm hoàng thượng, hiện nay thiên hạ loạn lạc, không chỉ thế lực của họ Đoàn ở Hồng Châu mà hào trưởng các địa phương cũng đang xây dựng thế lực ngầm để tranh hùng trong thiên hạ. Mong hoàng thượng cho quân tiêu diệt họ Đoàn để làm gương răn dạy cho kẻ khác.

chu-geeph1-xsel-1650380921.jpg
Tượng vua Lý Cao Tông. Nguồn: Internet.

 

Lý Cao Tông nói:

-Vậy thì triều đình lại phải khó nhọc cất quân rồi.

-Đàm Dĩ Mông nghe chỉ.

-Bẩm hoàng thượng, có thần.

-Thái úy đem quân đạo Đại Thông[1] đánh Hồng Châu từ phía bắc.

-Thần tuân chỉ.

-Đại tướng Phạm Bĩnh Di nghe chỉ.

-Dạ có thần.

-Đại tướng đem quân đạo Khả Liễu đánh vào Hồng Châu từ phía Nam.

-Thần tuân chỉ.

-Đại tướng Trần Hinh nghe chỉ.

-Dạ, có thần.

-Đại tướng đem quân đạo Phù Đại[2] đánh Đoàn Thượng từ phía đông.

-Thần tuân chỉ.

-Ái khanh nào còn tấu?

Im lặng.

-Không còn tấu, bãi triều.

Quan  Thượng phẩm Phụng ngự Phạm Du vốn cũng đã nuôi chí xây dựng lực lượng để phản lại triều đình, xưng hùng xưng bá, không muốn Lý Cao Tông đàn áp lực lượng của Đoàn Thượng để sau này còn có thể liên minh, liền vào nói với Lý Cao Tông:

-Tâu hoàng thượng, việc cho rằng Đoàn Thượng ở Hồng Châu chiêu tập binh mã chống lại triều đình là không đúng.

  Lý Cao Tông hỏi:

-Ái khanh biết tin gì mới về Hồng Châu chăng?

-Thần nắm chắc Đoàn Thượng có chiêu tập binh mã nhưng là để sau này bảo vệ hoàng thượng, đối phó với hào trưởng nào chống lại nhà Lý. Cho nên thần khẩn xin hoàng thượng cho lui binh, nếu không lại giết hại những lực lượng muốn giúp đỡ triều đình, sau này nguy biến còn ai mà phò tá hoàng thượng nữa. Mong hoàng thượng suy xét kỹ.

  Lý Cao Tông nói:

-Khanh nói phải lắm.

-Quan nội thị đâu.

-Dạ, có thần.

-Khanh phái ba sứ giả đi ba nơi triệu ba đạo quân về, không cần tấn công Hồng Châu nữa.

-Thần tuân chỉ.

  Nhận được chỉ dụ của Lý Cao Tông, các tướng Đàm Dĩ Mông, Phạm Bĩnh Di, Trần Hinh cho lui binh. Từ đó lực lượng của Đoàn Thượng ở Hồng Châu ngày càng lớn mạnh, lại hình thành sự liên kết giữa Đoàn Thượng và Phạm Du ở kinh thành Thăng Long.

  Phạm Du nuôi chí chiếm cứ một địa phương, xây dựng lực lượng để xưng hùng xưng bá, suy đi tính lại chỉ còn vùng đất Nghệ An, Thanh Hóa là chưa có hào trưởng nào. Tháng 10 năm 1208, Phạm Du nói với Lý Cao Tông:

-Nay đất Nghệ An-Thanh Hóa không phải là quê hương của hoàng thượng nhưng là vùng đất quan trọng, được coi như đất đế vương thang mộc. Nay thần xin hoàng thượng cho thần vào đó trông coi việc quân, xây dựng lực lượng, hỗ trợ cho triều đình, cho hoàng thượng nhỡ khi có biến loạn.

  Lý Cao Tông mừng rỡ đáp:

-Ái khanh đúng là người biết lo xa cho triều đình. Khanh hãy vào Nghệ An nắm việc quân và xây dựng lực lượng ở đó, phòng khi thiên hạ đại loạn thì hỗ trợ cho trẫm.

-Thần tuân chỉ.

  Tháng 10 năm 1208, Phạm Du vào Nghệ An, lấy cớ là được Lý Cao Tông cho phép chiêu tập thêm binh lính, Phạm Du liền chiêu tập những người vô gia cư thành một lực lượng riêng của mình. Phạm Du dung túng cho chúng làm càn, bọn này cậy có Phạm Du, không kiêng sợ gì cả, đi khắp nơi cướp của giết người hãm hiếp. Lý Cao Tông ở Thăng Long được thám mã về báo:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, quan Thượng phẩm phụng ngự  Phạm Du ở Nghệ An chiêu tập binh làm phản, thả cho quân lính cướp bóc, giết người, đốt nhà, hãm hiếp, tội chồng như núi ở châu Nghệ An. Mong hoàng thượng minh xét.

  Lý Cao Tông nổi giận:

-Sao Phạm Du lại có thể làm như vậy, không coi vương pháp ra gì. Bay đâu.

-Dạ, hoàng thượng.

-Cho gọi đại tướng Phạm Bĩnh Di vào đây.

-Dạ.

  Phạm Bĩnh Di vào:

-Dạ, bẩm hoàng thượng.

  Lý Cao Tông nói:

-Nay Phạm Du vào đất Nghệ An coi việc quân nhưng lại chiêu tập bọn vô lại làm phản, thả sức cướp của giết người, đốt nhà hãm hiếp ở đó. Ái khanh hãy đem quân vào dẹp và bắt Phạm Du về đây.

-Dạ, thần tuân chỉ.

  Phạm Bĩnh Di kéo quân vào đến Diễn Châu đã thấy Phạm Du dàn quân đón đánh, quân lính hàng ngũ lộn xộn, ăn mặc rách rưới, hò reo ầm ĩ. Phạm Bĩnh Di biết đó là đội quân ô hợp cho nên không cần dàn trận, ngồi trên ngựa Phạm Bĩnh Di hô lớn:

-Xông lên, giết.

  Quân triều đình hò nhau xông lên, tiếng hô giết vang lừng, gươm giáo chạm nhau loảng xoảng, thây đổ máu tuôn. Đám quân của Phạm Du phút chốc chết ngổn ngang. Số còn lại vứt gươm giáo tìm đường chạy trốn. Phạm Bĩnh Di tiến vào cho đốt hết nhà cửa doanh trại của cải của Phạm Du ở Nghệ An. Phạm Du cố thoát thân, thúc ngựa chạy ròng rã hơn ngày đường mới về đến Thăng Long, bí mật về dinh cơ riêng của mình, thu gom vàng bạc rồi gọi gia nhân:

-Người đâu?

-Dạ.

-Ngươi đem vàng bạc này vào gặp quan Minh Tự có tên là Bằng và nói rằng ta không làm phản mà bị Phạm Bĩnh Di vu cáo. Chính Phạm Bĩnh Di mới là người cho quân cướp bóc, đốt nhà, giết người hãm giếp ở Nghệ An. Tội của Phạm Bĩnh Di chồng chất. Xong đưa số vàng bạc này và bức thư này cho ông ta, xong việc về ta thưởng.

-Dạ, tuân lệnh chủ nhân.

  Minh tự Bằng cũng là một gian thần, bạn thân với Phạm Du, mở thư ra đọc. Thư viết: “Huynh hãy cứu giúp ta. Ta vào Nghệ An chiêu mộ lực lượng định xây dựng một thế lực riêng nhưng chuyện sớm bại lộ, bị Phạm Bĩnh Di đánh thua, quân lính và tài sản mất hết. Đệ may mắn đã bí mật thoát thân về được Thăng Long. Nay huynh hãy nhận số vàng bạc này đem chi cho vây cánh của chúng ta, phao tin và sau đó tâu với Lý Cao Tông rằng ta bị oan. Chính Phạm Bĩnh Di vào Nghệ An mới tàn ác, giết người cướp của, tàn sát sinh linh dã man không kể xiết. Có như vậy các huynh mới cứu được đệ, mới giết được Phạm Bĩnh Di, rửa hận cho đệ”.

  Minh Tự Bằng đọc xong thư nghĩ thầm: “Chiêu vu cáo này mượn tay Lý Cao Tông để giết một trung thần như Phạm Bĩnh Di quả là cao tay tàn độc. Phạm Bĩnh Di là một trung thần, lại là một võ quan cột trụ của triều đình, giết ông ta thì triều đình nguy khốn, thế nước càng loạn lạc. Nhưng không sao, đã là trung thần thì đối lập với gian thần như nước với lửa. Ai bắt ông ta không thương lượng, lại ra tay đánh bại Phạm Du, đối lập với phe cánh gian thần của chúng ta. Thôi thì đành tuân theo ý trời vậy. Rồi Minh tự Bằng đem vàng bạc chia cho bọn đồng liêu cùng phe cánh và dặn như thế, như thế…

  Từ miệng các gian thần, triều đình đồn đại không ngớt về tội ác của Phạm Bĩnh Di ở Nghệ An. Khắp kinh thành cũng ầm ĩ tạo nên một dư luận xôn xao rằng quan Thượng phẩm phụng ngự Phạm Du vô tội, bị vu oan, kẻ có tội lớn là Phạm Bĩnh Di. Phạm Bĩnh Di đã đem quân vào Nghệ An giết người cướp của, tàn sát dã man người dân vô tội, thây tắc nghẽn cả sông Lam, máu nhuộm đỏ cả nước. Trong một buổi thiết triều, Lý Cao Tông ngồi trên ngai vàng hỏi:

-Các khanh ai có tấu?

  Minh Tự Bằng bước ra khoanh tay tấu:

-Bẩm hoàng thượng, thần có tấu.

-Ái khanh có tấu gì?

-Dạ, bẩm hoàng thượng, hiện nay kinh thành Thăng Long khắp nơi dân chúng đồn đại xôn xao về sự việc của quan Thượng phẩm Phụng Ngự Phạm Du làm phản ở Nghẹ An là bị oan. Thực tình không phải như vậy, chính Đại tướng Phạm Bĩnh Di vào Nghệ An đã cho quân lính thả sức giết người cướp của, tàn sát dã man người vô tội.

  Lý Cao Tông nói:

-Ta cũng từng nghe thám mã về báo về dư luận của dân kinh thành đồn đại về nổi oan của Phạm Du, về tội ác của Phạm Bĩnh Di. Phạm Bĩnh Di có tiếng là một trung thần trung nghĩa cơ mà?

  Minh Tự Bằng nói:

-Dạ thần  cũng không tin mới cho thám mã vào tận Nghệ An dò xét tình hình. Thám mã về báo đúng sự thật là như vậy. Mong hoàng thượng minh xét.

  Quan Ngự sử đại phu Vũ Cảnh cũng bước ra nói:

-Dạ bẩm hoàng thượng, đó là sự thật 100 phần trăm. Xin hoàng thượng gọi Phạm Bĩnh Di về trị tội, gọi Phạm Du về minh oan.

  Cả triều đình đồng thanh:

-Xin hoàng thượng nghiêm trị Phạm Bĩnh Di, cho gọi Phạm Du về minh oan.

  Lý Cao Tông vốn từ xưa đến nay ham chơi bời, thân thiết với bọn gian thần vì những lời xui nịnh dễ nghe và những trò tiêu khiển thú vị do chúng bày ra, chúng lại hay dâng những của ngon vật lạ, bày những trò chơi cuốn hút. Nhịp thở và lời nói của Lý Cao Tông là nhịp thở đồng điệu với bọn gian thần, do đó những quyết định của Lý Cao Tông không còn sáng suốt. Lý Cao Tông nói;

-Được rồi, truyền chỉ gọi Phạm Bĩnh Di và cả Phạm Du về triều.

-Hoàng thượng anh minh.

-Bãi triều.

(Còn nữa)

CVL

-------------------------

[1] .Miền Hà Đông.

[2] .Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

 

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-a-tieu-thuyet-lich-su-ky-3-a11884.html