Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 14)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 14.

Lý Huệ Tông nói:

-Nếu mà như vậy, ái khanh hãy góp phần thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực này cho hợp lý, chớ sai sót mà mang lại tai họa cho bách tính, Được như vậy ta về an nghỉ cũng an lòng.

  Không lau sau, một sáng trong phủ Thái úy phụ chính, Trần Thừa và quan Thượng phẩm phụng thừa Trần Thủ Độ, Điện tiền chỉ huy sứ tiếp kiến Phùng Tá Chu. Sau một lượt trà, Phùng Tá Chu nói:

-Hiện nay, hoàng thượng mới gần 30 tuổi không thể nói là già nhưng bệnh hoàng thượng không thuyên giảm. Vừa rồi ta tiếp kiến hoàng thượng, ngài muốn bàn giao ngai vàng cho Chiêu Thánh công chúa để về làm Thái thượng hoàng, thực tế là về nghỉ ngơi an hưởng tuổi già. Nhưng hoàng thượng muốn được nhà Trần là chỗ dựa của nữ hoàng, trực tiếp là Trần Cảnh, con thứ hai của Thái úy phụ quốc đây là phu quân để phò tá cho hoàng đế, hoặc nếu hoàng đế đồng ý sẽ nhường ngôi cho chồng để chấm dứt tranh giành quyền lực, bảo đảm hòa bình thống nhất thiên hạ, bảo đảm an toàn cho bách tính và cho dòng họ Lý. Ý của Thái úy và quan Điện tiền chỉ huy sứ như thế nào?

chtranthudo-1651332658.jpg

Thái sư Trần Thủ Độ (1194 - 1264) là người đoạt vương vị cho nhà Trần. Đây là người “đạo diễn” cho một sự thay đổi triều đại; cũng là người mang trọng trách gánh vác Hoàng triều Trần thời kỳ đầu, mở ra một vương triều huy hoàng trong cả việc giữ nước, chống giặc ngoại xâm, lẫn việc xây dựng đất nước. Nguồn: Internet.

 

  Trần Thừa nói:

-Hoàng thượng có ý như vậy là lo nghĩ cho bách tính, phúc cho bách tính và thiên hạ, chỉ sợ người đời dị nghị lại cho rằng họ Trần nay nắm binh quyền ỷ thế mạnh cướp ngôi nhà Lý.

  Trần Thủ Độ nói:

-Ý định là như vậy nhưng còn phải xem Lý Chiêu Hoàng có muốn kết duyên với cháu Trần Cảnh hay không? Rồi sau nữa có muốn nhường ngôi cho chồng hay không? Đó hoàn toàn là tự nguyện, không ai ép buộc được, thuận theo mệnh trời. Còn thiên hạ đàm tiếu là chuyện bình thường, như thái hậu Dương Vân Nga nhường ngai vàng nhà Đinh cho nhà Lê để cứu nước mà còn bị thiên hạ dị nghị này khác nhưng làm sao cản được mệnh trời.

  Sau những cuộc thương nghị như vậy thì tháng 6 năm 1225, trong điện Càn Nguyên, Lý Huệ Tông đang thiết triều. Bá quan văn võ quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ hoàng thượng.

  Lý Huệ Tông nói:

-Các ái khanh đều biết trẫm năm nay chưa ngoài 30 tuổi mà sớm mắc bệnh hiểm nghèo, nửa tỉnh nửa say làm cho thiên hạ lo lắng và các ái khanh đau lòng. Nay trẫm thoái vị về làm Thái thượng hoàng để dưỡng bệnh. Quan nội thị đâu.

-Dạ, có thần.

-Tuyên chỉ.

-Dạ.

-“ Phụng thiên thừa vận, hoàng để chiếu viết: Nay ta hoàng đế Đại Việt, đế hiệu Lý Huệ Tông, 10 năm trên ngôi báu nhưng nay bị bệnh hiểm nghèo không làm tròn chức trách và bổn phận, nay truyền ngôi lại cho con gái là Chiêu Thánh công chúa, đế hiệu Lý Chiêu Hoàng, niên hiệu Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ nhất. Tất cả đại thần quan lại lớn nhỏ trong triều đình, vương thất nhà Lý, tướng sĩ trong quân đội phải tuân theo thánh chỉ mà phò tá Chiêu Thánh hoàng đế để trọn đạo hiếu trung, giúp cho nước nhà hòa bình, thiên hạ không loạn lạc, bá tính yên vui. Khâm thử”.

  Quan nội thị đọc xong, bá quạn văn võ còn chưa hết bàng hoàng vì quá đột ngột thì từ trong cửa tả của điện Càn Nguyên. Lý Chiêu Hoàng bước ra đẹp như tiên nữ. Hoàng đế mới 8 tuổi được nội thị đỡ lên ngai vàng, áo hoàng bào cỡ nhỏ nhưng vẫn rộng thùng thình, mũ miện từng dây ngọc buông xuống lấp lánh, lung linh trước khuôn mặt đẹp. Hai con rồng vàng ở áo và ở ghế như bao lấy nữ hoàng bé nhỏ. Các quan văn võ vội quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Thái thượng hoàng thiên tiên tuế.

  Lý chiêu hoàng mĩm cười nói:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

  Sự thay đổi hoàng đế, nhường ngôi và nhận ngôi nhanh quá khiến các đại thần như vừa qua một giấc mơ, khi tất cả thất thểu bước ra sân rồng để về mới biết đó là sự thật.

  Năm Ất Dậu 1225, Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng và xuất gia, cùng Đàm Thái hậu ra ở chùa Chân Giáo trong nội điện, sau chuyển ra chùa Phù Liệt, pháp danh là Huệ Quang Thiền Sư, tạ thế ngày 10 tháng 8 năm Bính Tuất (1226). Lý Huệ Tông ở ngôi 14 năm, đi tu 2 năm, thọ 33 tuổi, di cốt táng ở tháp chùa Bảo Quang, tôn miếu hiệu là Huệ Tông hoàng đế. 

VII.

  Vài ngày sau, trong phủ Thái úy phụ chính có mặt chủ nhà là Trần Thừa, Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, Thái phó Phùng Tá Chu và quan Tả Phụ Nguyễn Chánh. Bốn người ngồi trên hai ghế tràng kỷ màu gụ chạm khắc hoa lá tinh vi, khảm ngọc trai sáng bóng. Giữa bốn người đặt chiếc bàn màu nâu bong loáng. Trần Thừa mời:

-Kính mời thái phó và quan Tả phụ dùng trà cho nóng.

-Đa tạ, mời quan Thái úy.

  Bốn người cạn một lượt trà, đặt chén xuống, Trần Thừa nói:

-Tháng trước nghe quan Thái phó nói, nhưng không ngờ Thái thượng hoàng rời bỏ ngai vàng, truyền ngôi cho Chiêu Thánh công chúa cũng thật là đột ngột, không biết bên trong có ẩn tình gì không?

  Phùng Tá Chu bê chén nước vừa uống vừa nói:

-Trước đó vài ngày, Thái thượng hoàng có mời hạ quan đến nói rõ tâm ý của người, đại lược lên ngôi đã 10 năm rồi mà chiến tranh binh lửa liên miên, Lý do là triều Lý suy yếu không đủ mạnh để khống chế thiên hạ. Thái thượng hoàng muốn có một quân vương mạnh, một triều đại mạnh ra đời để thống nhất thiên hạ, đưa thiên hạ đến thái bình, tạo phúc cho bá tính.

  Nguyễn Chánh ngạc nhiên:

-Đưa  công chúa mới 8 tuổi lên ngôi mà muốn tạo ra một triều đại mạnh sao?

  Phùng Tá Chu nói:

-Ngài chưa nghe ta nói hết.

-Ngài nói tiếp đi.

-Công chúa dù là nữ hoàng nhưng cuối cùng vẫn phải lấy chồng. Người mà Thái thượng hoàng nhằm tới cho nữ hoàng không ai khác mà chính là Nhị Lang Trần Cảnh, con thứ hai của quan Thái úy phụ chính đây. Thái thượng hoàng đã khen Trần Nhị Lang còn nhỏ mà tướng mạo phi thường, có thể giúp đời yên dân. Cho nên Thái thượng hoàng muốn nhận công tử làm con mà làm chủ cơ nghiệp nước nhà, Vả lại Lý Chiêu Hoàng cũng xứng đôi với Trần Nhị Lang. Khi kết duyên xong, Trần Nhị Lang tài giỏi sẽ giúp cho nữ hoàng cai trị, hoặc nếu nữ hoàng đồng ý nhường ngôi cho chồng thì triều đại nhà Trần mạnh mẽ sẽ ra đời mà không cần một cuộc tranh giành biến loạn đau thương nữa, vừa bảo vệ cho bách tính, vừa bảo vệ cho dòng họ Lý, giống như nhà Lê đã thay nhà Đinh, hoặc như nhà Lý đã thay nhà Lê cách đây 200 năm.

  Nguyễn Chánh nói:

-Vương triều Lý do Lý Thái Tổ sáng lập năm 1009, đến nay đã hơn 200 năm, trải quan 8 đời vua, là triều đại có công xây dựng bảo vệ đất nước Đại Việt hùng cường như ngày nay, lập chiến công hiển hách, đánh Tống bình Chiêm, ơn mưa móc dồi dào thấm vào thiên hạ, khiến người người, đời đời mang ơn. Cho dù là 10 năm nay chiến tranh biến loạn nhưng thiên hạ mãi không quên được công ơn của triều Lý. Còn việc quan Thái Phó nói nhỡ ra đó là phép thử của Thái thượng hoàng xem nhà Trần có là trung thần hay là phản nghịch. Khi đó có khi lại thành ra là tội đồ cướp ngôi, bị thiên hạ chê cười thì sao?

  Trần Thủ Độ nói:

-Lời của quan Tả phụ sai rồi, nếu như Thái thượng hoàng có con trai mà tính nhường ngôi cho Trần Nhị Lang thì việc trái nghĩa ấy ta không thể vâng mệnh được. Nay Thái thượng hoàng muốn chọn người hiền để phó thác ngôi cao, nhằm mục đích vì xã tắc, vì muôn dân, vì thiên hạ, vì bách tính, ta không vâng lời là phụ sự ủy thác của người. Trần Nhị Lang được Thái Thượng hoàng chọn là ý trời, trời ban mà không nhận là có tội, mong Thái úy suy xét.

  Trần thừa nói:

-Đó là ý muốn của Thái thượng hoàng và chúng ta, việc có thành hay không còn phụ thuộc vào hoàng thượng Chiêu Hoàng có đồng ý hay không. Thứ nhất là Lý Chiêu Hoàng có đồng ý lấy Trần Cảnh hay không? Thứ hai là lấy xong rồi hoàng thượng có đồng ý nhường ngôi cho chồng hay không? Chúng ta không thể ép nữ hoàng lấy Trần Cảnh, cũng không thể ép nữ hoàng nhường ngôi cho chồng. Thiên hạ và lịch sử sẽ chê cười chúng ta. Việc này ta giao cho Phùng Tá Chu là thầy học của hoàng thượng và của Trần Cảnh và giao cho Trần Thủ Độ có thể tác động.

-Xin tuân lệnh Thái úy.

  Thái úy phụ chính Trần Thừa là anh trai của Trần Tự Khánh, sau Trần Tự Khánh là Trần Thị Dung, sau Trần Thị Dung là Trần Tam Nương. Trần Thừa có hai con trai, con đầu là Trần Liễu, con thứ hai là Trần Cảnh. Trần Thị Dung tức Thuận Trinh hoàng hậu có hai công chúa với Lý Huệ Tông. Thuận Thiên công chúa đã lấy Trần Liễu, còn Chiêu Thánh công chúa là em đã được Lý Huệ Tông nhường ngôi là Lý Chiêu Hoàng. Như vậy Lý Chiêu Hoàng phải gọi Trần Cảnh là anh con ông bác. Thực ra Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh không xa lạ gì nhau, ngoài quan hệ anh em thì hai người còn là đồng môn vì cùng học một thầy là sư phụ Phùng Tá Chu.

  Một hôm Trần Thủ Độ gọi Trần Cảnh đến và bảo:

-Nay cháu đã lớn rồi phải nhận chức để làm việc trong triều.

(Còn nữa)

CVL         

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-a-tieu-thuyet-lich-su-ky-14-a12166.html