Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 22)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 22.

Lê Quý Ly nói:

-Cũng đành như vậy thử xem.

  Trong cung, Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng thì có quan nội thị vào báo:

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, có Lê Quý Ly xin vào gặp.

-Cho vào ngay.

  Lê Quý Ly vào quỳ hành lễ. Trần Nghệ Tông nói:

-Miễn lễ, ngồi đi.

-Đa tạ Thái thượng hoàng.

  Sau một lượt trà, Thái thượng hoàng hỏi:

-Ái khanh có việc gì không?

chtrnghetong-1652018688.jpg
Tranh minh họa: Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông. Nguồn: Interner.

 

Dạ bẩm Thái thượng hoàng, thần nhận được một tin chính xác và khẩn cấp, cách đây hai hôm hoàng thượng đã bàn bạc với Lê Á Phụ, Thái úy Trần Ngạc, đại thần Lê Dữ Nghị sẽ gọi thần đến và cho phục binh giết chết vì nghi ngờ thần có quyền lực sẽ cướp ngôi nhà Trần.

  Trần Nghệ Tông đang bê ly trà uống, vội vã đặt xuống bàn và hỏi:

-Có chuyện đó sao?

-Dạ, chính tên lính hầu hoàng thượng Vũ Như Mai nghe được và nói lại với thần. Thần được Thái thượng hoàng tin cậy cất nhắc đã thề một lòng trung thành với Thái thượng hoàng, với hoàng thượng để hoàn thiện kế hoạch cải cách chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa để Thái thượng hoàng thực hiện cứu vãn triều đình, cứu vãn đất nươc, đưa thiên hạ đến thái bình hưng thịnh. Nay công việc đang dở dang, vua bắt thần chết thì thần phải chết. Sau khi thần chết mong Thái thượng hoàng cẩn trọng và nhớ câu châm ngôn đã lưu truyền nhiều đời trong dân gian: “Chưa có ai bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi con”. Kính mong Thái thượng hoàng bảo trọng. Thần xin bái biệt.

  Nói rồi Lê Quý Ly rập đầu xuống nền cung điện, máu chảy đầm đìa cả mặt. Trần Nghệ Tông thấy vậy vội nói:

-Ái khanh đứng dậy đi, trong thiên hạ và trong triều đình hiện nay chỉ còn mỗi khanh là đồng lòng, đồng chí hướng với ta để cứu đất nước, cứu lê dân bách tính. Ái khanh có thể đề ra cải cách toàn diện để làm điều đó. Hoàng thượng không chia sẻ nỗi lo của ta, không lo cho đất nước, chỉ lo cho cái ghế của mình, mưu giết hại tể tướng, như vậy là phá hoại công việc to lớn mà ta đang tiến hành. Hoàng thượng không xứng đáng là hoàng thượng nữa. Khanh cứ về đi, ta sẽ có kế hoạch bảo vệ khanh.

  Lê Quý Ly lại rập đầu:

-Đa tạ Thái thượng hoàng đã cứu mạng.

  Mấy hôm sau, Trần Phế Đế đang ngồi uống trà trong cung sau bữa ăn sáng thì có quan nội thị vào báo:

-Bẩm hoàng thượng, Thái thượng hoàng đã xa giá về Yên Sinh, cho gọi hoàng thượng đến để bàn việc.

  Trần Phế Đế ngạc nhiên:

-Bàn việc nước sao không ở Tử cấm thành, lại ra Yên Sinh?

-Dạ, thần không rõ, thần chỉ truyền khẩu dụ.

-Ta biết rồi.

-Dạ, thần cáo lui.

  Trần Phế Đế gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Chuẩn bị xa giá đến Yên Sinh.

-Dạ.

  Gần trưa, xa giá đến nơi, Trần Phế Đế đi vào cung của Thái thượng hoàng. Thái thượng hoàng đang ngồi uống trà và đợi. Trần Phế Đế đang định quỳ hành lễ thì Thái thượng hoàng quát:

-Bay đâu, bắt đứa phản nghịch này cho ta.

  Bốn võ sĩ đã mai phục sẵn xông ra, bẻ quặt hai tay của hoàng thượng về phía sau và còng lại. Trần Phế Đế kêu:

-Thái thượng hoàng, cháu bị oan, cháu bị oan.

  Thái thượng hoàng nói:

-Oan cái nỗi gì? Nhà ngươi đã bàn kín với Thái úy Trang Định Vương Trần Ngạc, Lê Á Phụ, Lê Dữ Nghị mưu giết tể tướng Lê Quý Ly có phải không? Còn nữa, Trần Húc là con đẻ của ta, là phò mã của Đại Việt, dù có đầu hàng giặc Chiêm Thành, dẫn giặc về đánh lại đất nước nhưng nếu muốn giết cũng phải hỏi bố nó một câu. Nhà ngươi không hỏi ta lấy một lời đã đem giết nó, vậy có coi ta ra gì không?

  Trần Phế Đế đáp:

-Bẩm Thái thượng hoàng, cháu chỉ muồn giữ ngai vàng cho họ Trần. Còn về huynh Trần Húc bị giết là đúng vì phản quốc đầu hàng giặc, lấy công chúa của giặc, lại dẫn giặc về dày xéo non sông đất nước, lại xưng vương mưu lập một triều đình mới ở Nghệ An tháng 5 năm 1378.

  Trần Nghệ Tông nói:

-Ngai vàng chỉ là của nhà Trần khi vua quan đủ tài đức đưa đất nước đến hưng thịnh, bá tính no ấm, thiên hạ thái bình. Khi không còn đủ khả năng làm được những điều đó thì phải thay thế, đưa vào những ai mà thực hiện được. Khi nhà Lê hết số đã phải trao ngai vàng cho Lý Thái Tổ, khi nhà Lý suy vi đã phải trao ngai vàng cho Trần Thái Tông. Nhà Trần ta hết thời vận cũng phải tìm người tài giỏi mà trao lại. Ngươi không hiểu được điều đó ư? Còn Trần Húc giết đi là đúng, trong các tội thì duy nhất tội phản quốc là không thể tha thứ. Nhưng ta bảo nhà ngươi giết nó sao không hỏi ta một lời? Nhà ngươi sợ ta tha thứ cho nó chăng?

-Vậy là Thái thượng hoàng đang dọn đường để trao ngai vàng vào tay Lê Quý Ly sao?

  Thái thượng hoàng nổi giận:

-Hỗn xược. Bay đâu.

-Dạ.

-Đem hoàng thượng giam vào chùa Tư Phúc, chờ ta định đoạt sau.

-Dạ.

  Nghe tin Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông giam Trần phế Đế vì mưu giết Lê Quý Ly, tôn thất nhà Trần, các tướng lĩnh, bách tính ai cũng bàng hoàng. Thực ra ai cũng biết rằng sớm muộn Lê Quy Ly cũng sẽ giành ngôi nhà Trần, nhưng không rõ vào thời điểm nào, có lẽ sau khi Trần Nghệ Tông chết? Các đại thần, tôn thất triều đình đa số mong giết được Lê Quý Ly nhưng không biết hành động ra sao vì sợ liên lụy. Vả lại, cơ nghiệp nhà Trần cũng đến hồi tan rã không một sức mạnh nào có thể ngăn cản được. Con đường giết Lê Quý Ly của Trần Phế Đế cũng chỉ là một biện pháp tạm thời. Con đường trao ngai vàng cho Lê Quý Ly của Thái thượng hoàng cũng là một giải pháp, một lối thoát chung cho Đại Việt mà trước đó thái hậu Dương Vân Nga đã chọn, sau nữa là Lý Huệ Tông đã thực hiện. Bây giờ Trần Nghệ Tông học theo con đường đó. Nhưng ai biết sau khi ngồi trên ngai vàng, Lê Quý Ly sẽ lập một triều đại thế nào, có đáp ứng được những nhiệm vụ mà đất nước và thiên hạ đang đòi hỏi hay không?

  Dù sao cũng chưa có một Thái thượng hoàng nào vì một kẻ ngoại tộc mà bắt giam hoàng thượng còn đang tại vị, lại là cháu của mình.

  Nghe nói hoàng thượng bị bắt giam, một số tướng lĩnh phẫn nộ. Tướng chỉ huy quân Thiết Liêm Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, tướng chỉ huy quân Thiết Giáp là Nguyễn Kha, Lê Lặc, tướng chỉ huy quân Thiết Sang Nguyễn Bát Sách họp bàn nhau cứu Trần Phế Đế. Nguyễn Bát Sách nói:

-Ta hãy đem số quân mà chúng ta có giải thoát hoàng thượng khỏi chùa Tư Phúc ở Yên Sinh đem về Thăng Long.

  Tướng Lê Lặc nói:

-Nhưng như vậy chúng ta đã công khai chống lại Thái thượng hoàng, có khi bị chu di ba họ.

  Mọi người con đang lúng túng thì có thám mã tâm phúc của Trần Phế Đế đến đi vào và nói:

-Có thư của hoàng thượng.

  Nguyễn Khoái mở tờ giấy bé, trong đó Trần Phế Đế viết hai chữ: “ Giải giáp”.

  Người thám mã đưa thư nói thêm:

-Hoàng thượng nói là không được làm trái ý của Thái thượng hoàng. Các tướng nên nghe lời hoàng thượng nếu không chuốc họa chu di tam tộc.

  Lê Lặc nói:

-Nhưng như vậy hoàng thượng sẽ bị giết.

  Mọi người im lặng thở dài. Tướng Nguyễn Kha buồn rầu nói:

-Chúng ta đành phải lỗi đạo quân thần rồi. Than ôi, sao trời lại bày đặt một sự việc oái ăm như vậy!!!

  Tại Yên Sinh thám mã báo cho Trần Nghệ Tông:

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, tại Thăng Long, các tướng Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Kha, Lê Lặc, Nguyễn Bát Sách định tập trung quân đội đến giải cứu cho hoàng thượng nhưng hoàng thượng ra lệnh không được chống lại lệnh của Thái thượng hoàng nên họ đã tự giải tán rồi.

  Trần Nghệ Tông nói:

-Cháy nhà mới ra mặt chuột. Ta sẽ diệt hết phe cánh của Trần Phế Đế, mở đường đi tới đại cục mà không có vật cản nào. Bay đâu:

-Dạ.

-Truyền khẩu dụ của ta gọi các tướng Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Kha, Lê Lặc, Nguyễn Bát Sách, Lê Anh Phụ, Trần Ngạc tới cung Yên Sinh yết kiến.

-Dạ.

  Chiều hôm đó, tất cả các tướng là những người bàn việc giải thoát Trần Phế Đế và giết Lê Quý Ly đã về Yên Sinh gặp Thái thượng hoàng. Mọi người quỳ hành lễ:

-Thái thượng hoàng vạn vạn tuế.

  Trần Nghệ Tông mắng:

-Các ngươi âm mưu với Trần Phế Đế mưu giết tể tướng, âm mưu dấy binh chống lại ta, làm chuyện phản nghịch. Bay đâu

-Dạ.

-Đem tất cả ra ngoài chém.

-Tuân chỉ.

  Các đao phủ lôi các tướng ra ngoài và chém chết hết. Sau khi giết hết các tướng và các đại thần thì Trần Nghệ Tông ra lệnh cho Trần Phế Đế thắt cổ mà chết tháng 2 năm 1388. Trần Phế Đế tên húy là Trần Hiện, còn gọi là Trần Nhật Vĩ, con của Trần Duệ Tông Trần Kính, cháu gọi Trần Nghệ Tông là bác, là vị hoàng đế thứ 11 của nhà Trần, ở ngôi 11 năm (1377-1388), thọ 27 tuổi (1361-1388), tên hiệu Giản Hoàng, tước hiệu Linh Đức Đại Vương, lăng mộ ở phường Đại Dương, ngoại thành Thăng Long.

  Trang Định Vương Trần Ngạc, con của Trần Nghệ Tông, không đến Yên Sinh mà theo đường biển trốn ra Vạn Ninh. Trần Nghệ Tông sai Khiển Ninh vệ Đại tướng quân Nguyễn Nhân Liệt đuổi bắt và giết hại theo lệnh Lê Quý Ly. Đó là năm 1391. Trần Ngạc được phong là Mẫn Vương. Sau này biết Trần Ngạc bị giết, Trần Nghệ Tông hỏi ai giết, Nguyễn Nhân Liệt sợ thắt cổ chết.

  Nhập nội Hành Khiển tả ly Lê Dữ Nghị bị đày ra Trại Đầu và sau cũng bị Lê Quý Ly bí mật sát hại.\

(Còn nữa)

CVL

                                                                       

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-a-tieu-thuyet-lich-su-ky-22-a12344.html