Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 4)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 4.

Đơ giơ nu di gật gù:

-Đức cha nói có phần đúng. Ta cho rằng trình độ mọi mặt của Đại Nam hiện nay chắc tương đương phong kiến Trung Quốc. Qua các trận đánh trong chiến tranh thuốc phiện lần 2, ta thấy đại bác của nhà thanh bắn thì kêu to nhưng đạn bay xuống không nổ để công phá và sát thương mà như những cục sắt. Đó là những chiếc máy bắn đá thì đúng hơn cho nên Liên quân bị tổn thất rất ít, chỉ ai đạn trúng đập vào người mới tử thương, người bên cạnh không việc gì. Ha!Ha!Ha!...

-Ha!Ha!Ha!...

  Cả bọn cười ha hả.

chls01-1-1653659698.jpg
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng năm 1858. Nguồn: baotanglichsu.vn

 

  Đại tá Lan da rốt nói:

-Đại bác của Đại Nam chắc cũng như vậy. Ha! Ha! Ha!...

  Đô đốc Đơ giơ nu di nói để kết luận:

-Thế thì ta bắt tay vào chuẩn bị. Để khắc phục quá ít về quân số, ta mượn thêm của Tây Ban Nha vài trăm lính cùng với quân ta, cố gắng lấy 3.000 quân và 14 tàu chiến. Về chiến lược, chúng ta phải đánh nhanh thắng nhanh. Muốn vậy, trước tiên chúng ta phải đánh Đà Nẵng vì Đà Nẵng là một hải cảng quan trọng, sâu rộng thuận tiện cho tàu chiến vào ra. Đà Nẵng nằm trên trục Bắc-Nam- Đông -Tây có thể sang Lào và Căm bốt. Đà Nẵng chỉ cách kinh đô nhà Nguyễn là Huế 100 km, thuận lợi cho chiến lược đánh nhanh thắng nhanh. Từ Đà Nẵng tấn công vào Huế qua đèo Hải Vân buộc nhà Nguyễn ký hàng ước công nhận nền bảo hộ của nước Pháp mà không cần phải tốn công sức đánh chiếm Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Từ Huế chúng ta sẽ làm chủ cả ba miền của Đại Nam. Gần hải cảng này là vựa lúa của đồng bằng Quảng Nam, Quảng ngãi có thể nuôi quân. Đà Nẵng có nhiều giáo sĩ và giáo dân. Họ có thể hỗ trợ giúp đỡ chúng ta. Tham gia chiến dịch này, tôi điều động đại tá Rây nô, đại tá Phôn Côn, đại tá Đa rốt, đại tá Ốt xa rít, thiếu tá Gi be ri và đại tá Lan da rốt người của hạm đội Viễn Đông Tây Ban Nha chỉ huy 450 lính sang liên minh với chúng ta cùng tấn công Đại Nam. Đức cha Pen lơ ranh làm hướng đạo dẫn đường.

  Sáu sĩ quan cấp tá có tên đứng dậy dập chân nghiêm:

-Chúng tôi xin tuân lệnh Đô đốc.

 Đơ giơ nu di nói tiếp:

-Các ngài được 5 ngày chuẩn bị cho 14 chiến hạm và 3.000 quân, rõ chưa?

  Tất cả đều đáp:

-Tuân lệnh Đô đốc.

5 ngày sau, sáng 29-8-1858, 2.250 lính Pháp, 450 lính Tây ban nha, 14 tàu chiến, mỗi tàu gắn 50 đại bác hiện đại nhất thời đó có sức công phá lớn do soái hạm Nơ me xi có tốc độ cao tập trung tại vùng biển phía tây đảo Hải Nam Trung Quốc. Sóng biển mênh mông bát ngát, bầu trời mùa thu xanh trong. Cờ tam tài của Pháp, cờ của vương quốc Tây Ban Nha bay phấp phới trên đỉnh những con tàu. Đơ Giơ nu di ra lệnh cho tàu của Tây Ban Nha do đại tá Lan da rốt chỉ huy đi kỳ hạm, các tàu khác theo sau. Soái hạm Nơ me xi của Đơ giơ nu di đi giữa, 6 chiến hạm đi sau cùng hộ vệ. Cả đoàn tàu theo hướng nam mà hành trình. Mũi tàu đi theo 180 độ của kim la bàn. Sóng vỗ vào mạn những con tàu sắt như những con quái vật trắng xóa. Tốc độ tàu 12 hải lý giờ. Hành trình được một ngày một đêm thì Đơ giơ nu di hạ lệnh:

-Bẻ lái 90 độ kinh tây.

-Tuân lệnh, 90 độ kinh tây.

  Trên bản đồ hàng hải, đoàn tàu viễn chinh đang chạy vào cảng Đà Nẵng của Đại Nam. Đoàn tàu hành trình nửa ngày nữa thì quân viễn chính đã nhìn thấy đất liền. Hoàng hôn đang xuống. Toàn bộ vùng đất liền và vùng biển nhuộm một màu tím pha lẫn màu vàng, màu tối sẫm. Đó là buổi hoàng hôn chiều tối 31-8-1858. Pen lơ ranh chỉ cho Đơ giơ nu di:

-Núi trước mặt là bán đảo Sơn Trà, từ bán đảo đi vào được Đà Nẵng. Nối cửa biển là con sông lớn gọi là sông Hàn mà tàu chiến có thể theo sông thọc vào nội địa.

  Đơ giơ nu di nói:

-Cảm ơn đức cha.

  Rồi y nhìn xuống bản đồ, phác qua sự bố trí binh lực, các mũi tấn công để hôm sau khai hỏa mở màn cuộc tấn công đánh chiếm Đại Nam. Đơ giơ nu di ra lệnh:

-Đại tá Rây no, thiếu tá Gi be ry nghe lệnh.

-Thuộc cấp nghe lệnh.

-Hai ngài chỉ huy ba tàu chiến, 1.000 thủy binh có nhiệm vụ tập trung hỏa lực bắn vào các đồn trên bán đảo Sơn Trà, yểm trợ cho bộ phận 2, bộ phận của đại tá Phôn côn tiến đánh đồn cửa sông Đà Nẵng

-Tuân lệnh Đô đốc.

-Đại tá Phôn côn, đại tá Lan da rốt, đại tá Ốt xa rít nghe lệnh.

-Chúng tôi đợi lệnh thưa Đô đốc.

-Khi có hỏa lực của đại tá Rây nô yểm trợ, các ngài hãy tấn công vào cửa sông Đà Nẵng đánh chiếm đồn Đông và đồn Tây và tiến sâu vào nội địa.

-Tuân lệnh Đô đốc.


                                      *   *
                                         *

   Đó là ngày 31-8-1858, Đà Nẵng chìm trong nắng cuối hạ đầu thu mơn man gió biển. Dinh Tổng đốc Nam-Ngãi là tòa thành kiến trúc kiểu vô băng vươn lên bề thế trong không gian. Sóng biển vẫn hát lên lời ca của thủy triều muôn thuở. Bán đảo Sơn Trà xanh tươi cây lá soi bóng xuống sông Hàn. Những đám mây trắng trôi lang thang trên bầu trời vô định. Trong dinh, tổng đốc Trần Hoằng đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng. Chợt có viên tuần phủ vào báo:

-Dạ bẩm Tổng đốc, hôm kia 14 tàu chiến Pháp và Tây Ban Nha đã vào gần bán đảo Sơn Trà. Ngài đã có kế hoạch đối phó gì chưa?

  Trần Hoằng uống thêm một chén trà nữa rồi chậm rãi đáp:

-Ta đã viết tấu gửi về triều đình rồi nhưng chắc chúng chỉ vào quậy phá một hồi rồi đi như mấy lần trước chứ không dám tấn công lên bờ đâu. Vả lại tại đây ta có 2.000 quân, vừa rồi hoàng thượng lại cho tăng viện thêm 2000 quân nữa. Sợ gì cái bọn mắt xanh mũi lõ chứ.

  Trần Hoằng vừa dứt lời thì một tên lính tay cầm phong thư hốt hoảng chạy vào báo:

-Dạ bẩm Tổng đốc, tướng Pháp Đơ giơ nu di gửi tối hậu thư ạ.

  Trần Hoằng run rẩy xé phong thư. Thư viết bằng chữ Hán. Tối hậu thư viết: “ Bản Đô đốc chỉ huy 14 pháo hạm, 3.000 quân của liên quân Pháp và Tây Ban Nha đến hỏi tội triều đình Đại Nam vô cớ tàn sát giáo dân và bắt giam những giáo sĩ người Pháp. Nay thế trận của Liên quân đã dàn sẵn ngoài biển gần bán đảo Sơn Trà. Bản Đô đốc hẹn cho ngài 2 giờ nữa phải mở cửa thành đón tiếp Liên quân. Nếu chậm trễ bản Đô đốc sẽ nổ súng”. Đô đốc chỉ huy Liên quân Pháp Tây Ban Nha: Sác lơ Đơ giơ nu di.

  Thực ra đây không phải là việc bất ngờ. Chiều 31-8-1858, Trần Hoằng đã được báo về tàu của Pháp đã vào cửa biển Đà Nẵng nhưng Tổng đốc vẫn án binh bất động, không thị sát phòng tuyến, không lường trước khả năng và tình thế để ứng phó. Cho nên, khi nhận được tối hậu thư, Trần Hoằng choáng váng. Việc mà Tổng đốc nghĩ tới là ra thị sát xem quân pháp hành động ra sao để còn tìm cách đem gia đình, của cải thoát thân. Trần Hoằng, đề đốc, tuần phủ, án sát, bố chánh vừa ra khỏi dinh thì đã nghe đại bác nổ rầm rầm. Đạn dưới biển từ 14 pháo hạm của Pháp tuôn ra đỏ rực nối đuôi nhau như sao sa. Bán đảo Sơn Trà trúng đạn bốc lên từng quầng lửa và bốc cháy dưới tiếng gầm của đạn trái phá. Trần Hoằng và các quan tỉnh Nam-Ngãi chưa bao giờ chứng kiến một trận pháo kích điên cuồng dữ dội như vậy. Với tư cách là chỉ huy cao nhất của mặt trận Đà Nẵng nhưng Tổng đốc bất lực, không biết ra mệnh lệnh gì cho quân, dân, chỉ đứng nhìn và run sợ, trông cậy vào sự cầm cự chiến đấu của binh lính các đồn. Ở các đồn phòng thủ, đại bác của quân Việt cũng bắn ra nhưng do kỹ thuật lạc hậu, thao tác bắn phức tạp nên tốc độ bắn rất chậm, đạn rơi xuống không nổ, không sát thương được quân địch. Pháo quân Pháp áp đảo quân Việt và chỉ hai giờ tấn công, thám mã về báo:

-Dạ bẩm Tổng đốc.

-Có gì nói mau.

-Dạ, đồn Đông và đồn Tây bán đảo Sơn Trà đã thất thủ. Quân Pháp đã chiếm được bán đảo Sơn Trà rồi ạ.

-Hả…

  Sau tiếng kêu của Trần Hoằng thì hàng loạt đạn đại bác như sấm sét của quân Pháp dội xuống cửa sông Đà Nẵng. Trước vũ khí hiện đại và áp đảo của quân Pháp, quân Việt trên bán đảo Sơn Trà và các đồn ở cửa sông Đà Nẵng bị tổn thất quá lớn, vừa đánh vừa rút lui về lập phòng tuyến Lưu Trì trước huyện Hòa Vang để ngăn cản giặc không cho chúng tiến vào nội địa. Kết thúc trận chiến ngày 1-9-1858, quân Pháp đã chiếm được bán đảo Sơn Trà, chiếm hai đồn An Hải và Điền Hải.

  Cùng trong lúc đó, tại điện Cần Chánh ở kinh đô Huế, vua Tự Đức đang họp Hội đồng cơ mật và với các đại thần. Tự Đức nói:

-Quân Pháp đã gây hấn xâm lược ở Đà Nẵng. Nếu Đà Nẵng thất thủ thì kinh thành Huế bị đe dọa nghiêm trọng. Các ái khanh có kế sách gì để cứu Đà Nẵng không?

  Tôn Thất Thuyết nói:

-Tâu hoàng thượng, thần cho rằng nên phái Hữu quân Đô thống Lê Đình Lý và Tham trị Bộ hộ Phạm Khắc Thận đem 2000 quân tiếp ứng.

(Còn nữa)

CVL                                                                                            

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-4-a12808.html