Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 20)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

 Kỳ 20.

PHẦN II. PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG CHỐNG PHÁP

I

  Dù trong những ngày chiến tranh binh lửa nhưng ban đêm kinh thành Huế tương đối yên tĩnh. Toàn kinh thành chìm trong bóng đêm mịt mùng đen sẫm. Trên trời, màn nhung đen như tấm thảm mênh mông với vô số những vì sao lấp lánh. Dòng sông Hương vẫn thản nhiên tuôn nước ra cửa Thuận An. Núi Ngự Bình xa mờ sương phủ. Gió thổi đêm khuya xạc xào cây lá.

  Tư dinh của quan phụ chính Tôn Thất Thuyết cũng chìm trong bóng đêm và cây lá che phủ. Trong căn phòng rộng sang trọng của phủ le lói ánh sáng của những ngọn đèn dầu. Quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết và phó Phụ chính Nguyễn Văn Tường ngồi đối diện với nhau trên hai ghế tràng kỷ màu nâu khảm ngọc trai, giữa là một chiếc bàn lớn màu nâu cũng khảm trai. Trên bàn đặt bộ ấm trà màu sứ trắng có hoa văn xanh. Hai người uống hết chén này đến chén khác và trầm ngâm suy nghĩ. Cuối cùng Tôn Thất Thuyết đặt chén xuống và nói:

-Sau khi Tự Đức chết, phe chủ chiến của chúng ta thuận lợi. Chúng ta đang ra sức tập hợp lực lượng, khuyến khích, giúp đỡ các đội quân ứng nghĩa của bách tính chống Pháp. Tuy vậy, tình hình ngày càng khó khăn trầm trọng. Sau lục tỉnh Nam Kỳ đã mất, bây giờ mất thêm Bắc Kỳ. Kinh thành Huế hiện nay không còn được phòng thủ nữa và cũng chưa đủ sức để phòng thủ, giặc đã ở ngoài thành, chúng muốn vào lúc nào cũng được. Sau Hiệp định Hác măng, ta mất Bắc Kỳ và nhiều nơi khác, đẩy lực lượng của triều đình chống Pháp ngoài miền Bắc như của Phò mã Hoàng Kế Viêm, Trương Quang Đản, Ngô Tất Ninh, Nguyễn Thiện Thuật, Lưu Vĩnh Phúc vào thế bất lợi. Chống Pháp lúc này thành ra chống lại Hiệp ước, chống lại triều đình, những lực lượng yêu nước kháng Pháp lại bị đẩy vào thế bất trung. Ngài có kế sách gì để lúc này vừa yêu nước chống giặc lại là trung với vua không?

chton-that-thuyet-1655035070.jpg
Tôn Thất Thuyết (chữ Hán: 尊室説; 1835 – 1913), biểu tự Đàm Phu (談夫), là quan phụ chính đại thần, nhiếp chính dưới triều Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Nguồn: vi.wikipedia.org

 

Nguyễn Văn Tường uống thêm một chén trà, đặt chén xuống và nói:

-Chỉ còn cách tìm một vị vua yêu nước chống Pháp thì mới thống nhất được yêu nước với trung quân là một mà thôi.

  Tôn Thất Thuyết nói:

-Ngài nói chí phải. Nhưng tìm đâu cho được một vị vua như vậy trong số hoàng tộc thân vương, như trường hợp vua Dục Đức thì…

  Nhắc đến Dục Đức, hai ông lại uống trà, trầm ngâm suy nghĩ và nhớ lại…

  “Vua Thiệu Trị là hoàng đế thứ ba của nhà Nguyễn, sau Minh Mệnh, tại vị từ 1841 đến năm 1847. Tự Đức là con cả của Thiệu Trị, tại vị từ năm 1847 đến năm 1883, có 300 cung nữ nhưng không có con, bèn nuôi con nuôi. Nguyễn Phúc Ưng Chân là con thứ hai của Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng, em Tự Đức, được Tự Đức nhận làm con nuôi. Nguyễn Phúc Ưng Chân đã có ý thân Pháp từ khi chưa lên ngôi. Năm 1881, Ưng Chân đã chuyển nhiều tài liệu của Đại Nam cho trú sứ (lãnh sự) Pháp ở Huế là Rơ hơ nác tơ. Ngày 19 tháng 7 năm 1883, Nguyễn Phúc Ưng Chân được lên ngôi khi Tự Đức vừa chết, đế hiệu Dục Đức. Vừa lên ngôi, Dục Đức tự sửa chữa di chúc của Tiên đế Tự Đức, có đại tang mà vẫn mặc áo màu, không mặc đồ tang theo nghi lễ, thông dâm với cung nữ của Tiên đế, đặc biệt tỏ ra gắn bó với giặc Pháp, tự tiện đưa một giáo sĩ Pháp vào hoàng thành. Phái chủ chiến không thể dung thứ cho một vị vua vừa lộng hành, vừa thân Pháp. Ngày 23 tháng 7 năm 1883, tại điện Cần Chánh, Tôn Thất Thuyết hạ lệnh:

-Quân cấm vệ đâu.

-Dạ.

-Bắt 10 tên tay chân của Dục Đức hạ ngục.

-Dạ, tuân lệnh quan phụ chính.

Trần Tiễn Thành, đại thần của Dục Đức can ngăn:

-Không được, quan phụ chính hành động thận trọng.

Tôn Thất Thuyết quát:

-Ông cũng có tội giúp vua chữa di chiếu, còn nói gì nữa.

Quan ngự sử Phan Đình Phùng lên tiếng:

-Hạ quan phản đối.

Tôn Thất Thuyết nói lớn:

-Lính đâu.

-Dạ.

-Lột áo mũ của Phan Đình Phùng, cách chức đuổi về quê.

-Ngài Nguyễn Văn Tường đâu.

-Có hạ quan.

-Ngài viết bản luận tội vua Dục Đức và đưa cho các đại thần ký tên vào để gửi lên Từ Dụ Thái hoàng thái hậu, đề nghị phế truất.

-Hạ quan tuân lệnh.

  Sau khi Nguyễn Văn Tường viết xong tờ luận tội, đưa cho các đại thần trong Hội đồng Phụ chính ký tên. Trần Tiễn Thành và các đại thần khiếp sợ, đều ký tên vào tờ luận tội Dục Đức, gửi lên xin chỉ dụ của Thái hoàng Thái hậu. Thái Hoàng Thái Hậu đồng ý. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường ra chỉ dụ phế truất Dục Đức ngày 23 tháng 7 năm 1883. Dúc Đức ở ngôi được 3 ngày, bị giáng xuống làm Thụy Quốc Công, bị giam vào ngục và không được ăn uống. Ngày 6 tháng 10 năm 1883 Dục Đức chết vì đói, thọ 32 tuổi, táng ở An Lăng".

  Tôn Thất Thuyết ngừng dòng suy tưởng, bê chén nước uống và nói tiếp:

-Sau Dực Đức, chúng ta đã đưa Nguyễn Phúc Hồng Dật, con thứ 29 của Thiệu Trị, tức là em Tự Đức, sinh năm 1847, được Tự Đức phong là Lãng Quốc Công, đế hiệu là Hiệp Hòa lên ngôi. Nhưng ngựa theo đường cũ, Hiệp Hòa lại muốn  nhận sự bảo trợ của Pháp. Đối với chúng ta, Hiệp Hòa có ý muốn tước bỏ binh quyền của chúng ta bằng cách điều ta sang làm Thượng thư Bộ binh, còn ngài sang làm Thượng thư Bộ lại.

  Nguyễn Văn Tường nói:

-Theo tin mật báo, Hiệp Hòa đã bí mật tìm sự hỗ trợ của Khâm sứ Pháp Đơ săm pơ để có lực lượng chống lại hai chúng ta. Tuy nhiên, khi ký Hiệp ước Hác măng, dưới con mắt của dân chúng và các lực lượng yêu nước, Hiệp Hòa chỉ là kẻ bán nước, uy tín của nhà vua và của triều đình tổn thương nghiêm trọng, trở thành tội đồ của lịch sử.

  Tôn Thất Thuyết nói:

-Càng tổn thương uy tín hơn khi Hiệp Hòa nghe lời Khâm sứ Pháp, ra lệnh cho các lực lượng chống Pháp ở Bắc Kỳ như Hoàng Kế Viêm, Trương Quang Đản, Lưu Vĩnh Phúc, Ngô Tất Ninh, Nguyễn Thiện Thuật phải bãi binh, giao Bắc Kỳ cho Pháp. Hiệp Hòa và triều đình khi ký và sau hiệp ước Hác măng đã hoàn toàn bán nước, làm tay sai cho giặc.

  Nguyễn Văn Tường thúc dục:

-Chúng ta nên ra tay đi. Nếu Hiệp Hòa và Pháp ra tay trước sẽ hỏng cả đại sự cứu nước, còn chúng ta sẽ bị sát hại.

  Tôn Thất Thuyết nói:

-Chờ có chứng cớ xác thực ta sẽ ra tay ngay.

  Từ đó khi gặp vua Hiệp Hòa, Tôn Thất Thuyết không chịu quỳ lạy, thường to tiếng với Hiệp Hòa cốt để thúc ép Hiệp Hòa hành động chống lại hai quan Phụ chính. Quả nhiên, Hiệp Hòa lo sợ, viết một bức thư cầu cứu tòa Khâm sứ Pháp tìm cách hạ sát hai quan Phụ chính. Thư viết đóng dấu của Hiệp Hòa và đưa cho Hồng Sâm, bí thư riêng và là anh em thúc bá với Hiệp Hòa mang sang tòa Khâm sứ. Một quan nội giám là Đạt biết được, báo cho Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Hai quan Phụ chính sai người đón đường bắt được Nguyễn Phúc Hồng Sâm và hộp sơn son trong đựng thư của Hiệp Hòa. Trưa ngày 29 tháng 11 năm 1883, Tôn Thất Thuyết ra lệnh đóng hết cửa hoàng thành và nhóm họp triều đình. Tôn Thất Thuyết đưa thư ra trước đình thần và nói:

-Hoàng thượng đã tư thông với khâm sứ Pháp nhằm bức hại đại thần.

  Các đại thần xem thư gửi Khâm sứ Pháp có đóng dấu của nhà vua. Hiệp Hòa không thể chối cãi được. Tôn Thất Thuyết nói thêm:

-Ngoài tội cấu kết với giặc, hoàng thượng còn phạm tội tham lam công quỹ, không chịu nghe lời khuyến cáo của các quan phụ chính. Các quan đại thần có lời tấu gì không?

  Nguyễn Văn Tường nói:

-Hoàng thượng tội đã rành rành, không xứng đáng là vua nữa. Ngài hãy tuyên bố thoái vị đi.

  Tôn Thất Thuyết gọi:

-Giám quan đâu.

-Dạ, có hạ quan.

-Ngài hãy thảo chiếu thoái vị và cho đóng dấu vào.

-Tuân lệnh.

Chiếu thoái vị thảo xong, Hiệp Hòa đóng dấu vào văn bản, sau đó rời khỏi điện Cần Chánh dưới sự giám sát của binh sĩ và của Ông Ích Khiêm. Hiệp Hòa về đến nội cung thì Trần Xuân Soạn và một bát thuốc độc đã chờ sẵn. Hiệp Hòa buộc phải uống hết. 16 giờ về đến tư dinh thì vua tắt thở. Bấy giờ là ngày 30 tháng 11 năm 1883, Hiệp Hòa thọ 36 tuổi. Mấy hôm sau, viên bí thư riêng của vua là Nguyễn Phúc Hồng Sâm cũng bị chém vì tội đồng lõa với Hiệp Hòa, vì từng đề đạt với vua giết hai quan Phụ chính. Phụ chính Trần Tiễn Thành không chịu ký vào biên bản phế vua, Tôn Thất Thuyết cho lính đến tận nhà đâm chết. Tuy Lý Vương vâng lệnh Hiệp Hòa giao thiệp với Khâm sứ Pháp hoảng sợ, đem vợ con chạy ra cửa Thuận An để nương nhờ Pháp nhưng dọc đường bị bắt và bị đày ra Quảng Ngãi. Phe chủ hòa thân Pháp bị phe chủ chiến chống giặc giáng những đòn mạnh, hoang mang hoảng loạn tinh thần.

  Hiệp Hòa chết, Tôn Thất Thuyết phải chọn một vua mới kế vị. Nguyễn Văn Tường bàn với Tôn Thất Thuyết:

-Để tránh một vị vua lớn tuổi, thường lo sợ mà đi kết giao với Pháp, nay ta nên chọn một vị vua nhỏ tuổi. Ngài định chọn ai?

-Tôn Thất Thuyết đáp:

-Tự Đức còn hai người con nuôi nhỏ tuổi nữa, một người là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, hai là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, cả hai là con của em Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà phủ thiếp Bùi Thị Thanh. Có thể chọn Nguyễn Phúc Ưng Đăng, sinh năm 1869, năm nay 14 tuổi, tính khí ôn hòa, lễ phép, ham văn chương, có thể nghe lời các quan phụ chính.

(Còn nữa)

CVL                                                                                                                            

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-20-a13198.html