Gặp lại Sài Gòn

Lần đầu tôi đến Sài Gòn là năm 1982 trong chuyến thực tập tốt nghiệp trường sỹ quan. Mang tiếng là lính Không quân nhưng cho đến khi đó tôi mới được ngồi trên máy bay trong một chuyến bay xa.

290111276-10221669490788934-8334310597464708367-n-1656064838.jpg

Trước đó toàn còng lưng đẩy máy bay chiến đấu, ngồi buồng lái thông điện kiểm tra trên những máy bay MiG-21, nên nhìn những máy bay hàng không thật sự lác mắt ngưỡng mộ.

Hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, đập vào mắt tôi là một cảnh thật hãi hùng, chiếc An-26 đỗ cách máy bay tôi vừa bước ra khoảng mấy chục mét. Hàng chục thương binh người chống nạng, người nằm trên cáng, tất cả đều quấn băng thấm máu đỏ thắm. Họ vừa bay về từ Siêm Riệp, có lẽ đây là những người may mắn, rất nhiều đồng đội của họ không trở về. Xe tiếp chuyển có lẽ dành ưu tiên cho thương binh nên chúng tôi đi bộ từ máy bay vào nhà ga hàng không quân sự.

Ấn tượng quá sâu sắc về những người thương binh, nên chỉ đến lúc đi bộ dưới nắng lửa sân bay tôi mới nhìn quanh để cảm nhận Sài Gòn. Ngoài cái nắng lửa đột ngột thấy sốc, thì những bông hoa đại, hoa giấy chính là điều tạo cảm xúc cho tôi về Sài Gòn, bởi vì mới cách đó hai tiếng tôi đi trong mưa phùn giá rét đầu xuân của Hà Nội, thậm chí mưa phùn làm máy bay suýt hủy chuyến.

Xã hội vẫn có vẻ bình thường nhưng Trung đoàn không quân 918 ở Tân Sơn Nhất, nơi tôi thực tập, thì không khí chiến tranh nóng bỏng với những kế hoạch dày đặc lắp bom lên An-26, vận chuyển lương thực, vũ khí sang Campuchia và chở thương binh về. Chính vì vậy mà những học viên sỹ quan kỹ thuật thực tập bọn tôi không thể ngồi thư viện nghiên cứu tài liệu kỹ thuật được mà được huy động cả vào những việc bộn bề phục vụ chiến đấu.

Mãi một tuần sau tôi và Sinh, Lâm mới có giấy ra vào sân bay tạm thời. Thời ấy cổng Phi Hùng của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn do Lữ đoàn cảnh vệ 144 thuộc Bộ tổng Tham mưu đảm nhiệm. Những anh lính lữ 144 có cả chó Becgie hỗ trợ khiến sân bay thật biệt lập khỏi phố phường, nên ngay khi bước khỏi cổng sân bay tôi đã có cảm giác hoàn toàn khác, dường như chiến tranh ở rất xa.

Mỗi tối bọn tôi ra công viên Chiến Thắng mà lính cứ gọi chung cả khu vực này là Lăng Cha Cả ở ngay cổng sân bay xem ca nhạc, thời ấy chị em Bảo Yến – Nhã Phương rất nổi tiếng. Công viên này thời những năm 198x còn nổi tiếng với tệ nạn xã hội, chỉ bước chân vào là được chị em chào mời “xào khô, xào ướt” thật nhiệt tình.  Bọn tôi cũng lang thang đi bộ rất xa trên đường Nguyễn Văn Trỗi, đi qua cây cầu Công Lý nơi anh Trỗi đặt mìn để ám sát Mc Namara rồi bị bắt. Ấn tượng về con sông nhỏ ấy thật kinh khủng vì nước đen sì, đầy rác thải và những căn nhà trồ đúng như những ổ chuột ở hai bờ sông.

Chúng tôi cũng ngồi xe Lambr đến chợ Bến Thành, bến Nhà Rồng, chợ Bình Tây,… Trong mắt tôi, Sài Gòn thật rộng, hiện đại và giàu có nhưng cũng chứa nhiều tệ nạn xã hội. Hồi tại chức, tôi đến Sài Gòn trong những chuyến công tác, thời đầu chủ yếu vẫn trên máy bay vận tải quân sự An-26, sau đó đa số bằng ôtô hay bằng máy bay hàng không dân sự thơm tho hơn. Mỗi lần đến Sài Gòn tôi đều thấy sự đổi thay đẹp lên.

Sau 40 năm tôi lại có chuyến trở lại Sài Gòn, thành phố đã rộng hơn, đông hơn rất rất nhiều lần so với năm 1982. Đặc sản kẹt đường cũng không lấp được ấn tượng rất hưng phấn về một thế hệ trẻ trung năng động tạo nên thành phố sôi động nhất nước. Họ đa số không sinh ra ở đây mà từ mọi miền Đất nước chọn nơi đây làm nơi sinh sống. Nói chuyện với các bạn trẻ này thấy niềm tin về tương lai tươi đẹp hơn.  Điều này vẫn đúng khi chuyện trò khi nói chuyện với các bạn đồng nghiệp cũ dù tuổi đã già nua mà tâm hồn vẫn rất trẻ. Chính họ cũng tạo nên một TP HCM đầy tiềm năng phát triển.

Xe anh bạn chở chạy qua cầu Công Lý bắc qua Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, tôi ngỡ ngàng vì không thấy nhà trồ nữa, nước trong sạch, bờ còn có lan can. TP HCM đã thay da đổi thịt đẹp ngời ngời rồi. Ngồi uống bia ở một quán ven sông cùng ông bạn già, nhìn những chiếc máy bay hạ cánh mỗi một hai phút một chiếc tôi bảo:

- Công nhận sự đổi thay của thành phố quá nhanh, quá ấn tượng.

- Bởi vì ông già quá nhanh đấy thôi.

- Hì hì…

Chăm chú nhìn những nhánh bèo lục bình trôi ngược theo thuỷ triều, bạn kể về con cái và những bạn bè của nó. Anh bảo:

- Chúng nó đầy tham vọng ông ạ.

- Ừ, tham vọng chính là động lực khiến người ta phấn đấu để vươn lên đấy.

- Đứa lương 5000 USD, đứa nhận 4000 USD mỗi tháng mà vẫn hùng hục tìm đường nhảy việc, chẳng như mình cả đời trung thành với một nơi.

- Thành phố phát triển năng động chính nhờ những người tham vọng ấy, đến lượt sự năng động đó hút được rất nhiều tài năng ở khắp nơi về thi thố.

Gỡ hẳn cái khẩu trang khỏi mặt, anh bảo:

- Bằng giờ năm ngoái thành phố như một nhà giam, một địa ngục khổng lồ ông ạ. Nếu kéo thêm một năm nữa thì …

- Ừ khi đó dịch cúm Tàu (Covid-19) quá khốc liệt, biết bao người đã chết, kinh tế đình đốn kinh khủng. Sẽ còn rất nhiều người viết về điều này và những video về sự thật đó sau này chắc không thể tin nó từng diễn ra ở thành phố xinh đẹp này.

- Bây giờ Bắc Kinh, Thượng Hải của Trung Quốc vẫn phong toả như vậy đấy, chỉ có số người tử vong ít thôi.

- Bệnh dịch chưa từng có tiền lệ nên các cấp chính quyền bối rối, cũng vì thế người ta lúng túng, rối tung và xử lý sai bét nhè.

- Điều ấy điều chỉnh, khắc phục dần rồi cũng ổn, nhưng lòng tham của con người qua vụ này thì gây thiệt hại không khác gì bệnh dịch cả.

- Covid cũng có công lôi ra ánh sáng những kẻ táng tận lương tâm nhỉ?

- Đó là câu chuyện buồn…

Để thay đổi không khí tôi cũng góp câu chuyện về người bạn từng thất sủng, một thời khốn khó vì những sai sót đời thường, giờ bỗng anh thành công rực rỡ trên thương trường. Không chỉ vậy, các con anh đều rất thành đạt trong kinh doanh. Đúng là chỉ ở thành phố này mới có điều đó. Anh bạn nói như triết lý:

- Thế mới là thành phố năng động chứ. Hàng triệu người như bạn ấy, như những đứa con của bạn ấy đang tạo nên một thành phố đầy sức sống.

Bèo lục bình lại trôi xuôi, có lẽ chúng tôi đã ngồi uống bia lâu lắm rồi.

Có hai anh lính trẻ vừa đi vừa chụp ảnh gần chỗ chúng tôi ngồi, khiến tôi chợt nhớ về chính mình 40 năm trước từng ngu ngơ trong một thành phố lạ lẫm này.

Lòng tôi miên man nghĩ: “Không biết còn bao nhiêu lần đến đây để thấy thành phố giàu có văn minh thêm lên”.

Sài Gòn – TP HCM 6/2022

Chuyện Làng quê

Trương Thành Sơn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/gap-lai-sai-gon-a13497.html