Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 32)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

 Kỳ 32.

Phan Đình Phùng bê một chén nước uống và chậm rãi nói:

-Phân tích của Tổng binh là đúng, kế hoạch cũng rất hay nhưng hiện giờ ta không đủ lực lượng để thực hiện.

-Xin Thống đốc quân vụ cho quân đánh thành Nghệ An và chiếm Nghệ An. Nếu thành công thì ta phá được thế bao vây, lo gì thiếu lực lượng. Còn khống chế được cả biển.            

cao-thangb1-1656074050.jpg
Phan Đình Phùng và Cao Thắng. Hình vẽ được họa theo di ảnh của Phan Đình Phùng. Cao Thắng bên cạnh, tay cầm súng trường vì ông là người đã sáng chế súng cho nghĩa quân. Nguồn: edu.viettel.vn

        

Phan Đình Phùng im lặng, nhâm nhi ly nước và suy nghĩ: “Không làm theo kế hoạch của Cao Thắng thì hậu quả, kết cục đang hiện rõ, bị bao vây, kiệt lực và thất bại. Nếu theo kế hoạch của Cao Thắng thì biết đâu lại mở ra một cục diện mới cho cuộc khởi nghĩa, tốt đẹp, phát triển của phong trào Cần Vương cứu nước”. Nghĩ vậy, Phan Đình Phùng nói:

-Thôi được, ta giao cho Tổng binh 1.000 quân cùng các tướng Cao Nữu, Nguyễn Niên tiến đánh thành Nghệ An.

Cao Thắng nói:

-Đa tạ Thống đốc quân vụ đại thần, thuộc tướng xin chấp hành mệnh lệnh.

Cao Thắng, Cao Nữu, Nguyễn Niên rời Đại bản doanh của Phan Đình Phùng, về bản doanh của mình, chuẩn bị quân số, vũ khí, lương thực cho cuộc hành quân tiến đánh thành Nghệ An.

  Tháng 10 năm 1893, núi rừng Hà Tĩnh, Nghệ An chìm trong gió lạnh. Gió thổi thốc tháo từng cơn lay động cây lá đung đưa xạc xào. Bầu trời màu xám xịt. Sương trắng dăng tỏa như khói mây trên những dãy núi rừng cao thấp, uốn lượn quanh co. Những âm thanh mang tác của voi kêu, vượn hú làm cho không gian rừng sâu càng thêm hoang dã.

  Trên con đường thượng lộ miền núi Hà Tĩnh dẫn ra Nghệ An, thấp thoáng 1.000 quân Hương Khê quân phục màu nâu, thắt lưng xanh, vai mang ba lô, tay nặng súng hỏa mai, súng trường kiểu Pháp, hoặc gươm, dao âm thầm bước đi, xuất phát từ căn cứ Ngàn Trươi tiến ra phía Bắc. Cao Thắng và Nguyễn Niên chỉ huy 500 quân đi tiên phong, Cao Nữu dẫn 500 quân đi hậu quân. Nghĩa quân đi đã được hai ngày hai đêm, ước tính đã vượt được 200 km. Vào chiều ngày hôm thứ ba, nghĩa quân dừng lại bóc bánh chưng ra ăn và nghỉ ngơi. Trong khi đó, Cao Thắng ra lệnh cho hai người lính:

-Anh Đản và anh Đài nghe lệnh.

-Dạ.

-Hai anh đi do thám xem trước mặt có đồn trại của giặc không?

-Dạ, tuân lệnh Tổng binh.

Canh giờ sau, hai người lính về báo:

-Báo cáo Tổng binh, chúng ta đã đến đất Thanh Chương, Tây Nam Nghệ An. Trước mặt cách đây không xa có một cái đồn, gọi là đồn No do tên thiếu úy tên Phiến chỉ huy. Trong đồn khoảng 100 lính khố xanh.

  Cao Thắng nói:

-Phải phá tan đồn này thì mới tiến về thành Nghệ An được. Nguyễn Niên đâu.

-Thưa tổng binh, có thuộc tướng.

-Ngài chỉ huy quân tiếp viện, ta và Cao Nữu dẫn 200 quân đánh đồn.

Nguyễn Niên nói:

-Dạ, thưa chúng 100 tay súng, ta 200  là được nhưng Tổng binh là tổng chỉ huy cuộc tiến công thành Nghệ An, hãy giao chỉ huy đánh đồn cho thuộc tướng là được.

Cao Thắng nói:

-Đề đốc nên biết trật tự hành quân, ta đang đi tiên phong, gặp địch sao lại hèn nhát lùi xuống hậu quân.

  Nguyễn Niên biết Cao Thắng là người tài giỏi và can đảm, không chỉ chế tạo súng trường nổi tiếng mà còn không biết sợ hãi, trận nào cũng xông pha đi đầu diệt giặc, không nghĩ tới vai trò của mình, là cánh tay phải của Phan Đình Phùng, là trụ cột của cuộc khởi nghĩa. Biết có tranh luận cũng vô ích, Nguyễn Niên nói:

-Dạ, thuộc tướng xin chấp hành mệnh lệnh, chỉ xin Tổng binh bảo trọng.

  Khi Cao Thắng và nghĩa quân ăn xong thì bóng tối đã bao trùm toàn bộ không gian. Hoàng hôn tím nhạt dần. Rừng núi chìm trong bóng đen. Cao Thắng và 200 tay súng âm thầm tiến về phía trước thì gặp đồn No xây bằng đá ong và đất sét, diện tích đủ cho 100 lính cư trú. Trên cao của bốn bức tường đồn có các lỗ chĩa súng trường ra, sẵn sàng nhả đạn ra bên ngoài. Tường chặn đường đi về thành Nghệ An, có một cửa rộng 1m, cao 2 m, cửa bằng gỗ. Cao Thắng và 200 lính đang tiến vào đồn gần cửa thì đạn trên các lỗ châu mai bắn ra dữ dội. Nghĩa quân  nằm xuống, bắn lại. Tiếng súng ở các lỗ chau mai bỗng nhiên im bặt. Cao Thắng hô;

-Xông lên, phá cổng đồn.

  Cao Thắng và 200 lính đứng dậy xông vào phía cửa đồn. Chợt súng ở các lỗ châu mai lại bắn cấp tập và bất ngờ hàng loạt súng từ hai bên sườn, từ phía sau bắn xối xả vào nghĩa quân. Cao Thắng bỗng nhiên thấy đau buốt ở sống lưng, mặt mũi tối xầm và lảo đảo. Cao Nữu kêu lên và chạy lại đỡ:

-Tổng binh, anh ơi.

  Cao Thắng buông rơi khẩu súng, ngã vào tay của Cao Nữu. 200 nghĩa quân vội chĩa súng ra hai bên rìa đường và phía sau bắn như mưa, che chở cho Cao Nữu cõng Cao Thắng rút khỏi chiến trường. Về đến nơi mà 800 nghĩa quân cùng Nguyễn Niên đang đợi, Cao Nữu đặt Cao Thắng nằm xuống, xem xét thì Cao Thắng bị một phát đạn bắn từ phía sau, xuyên qua ngực, máu chảy đầm đìa. Cao Thắng chợt mở mắt lần cuối, nhìn Cao Nữu, Nguyễn Niên và nghĩa quân, môi mấp máy muốn nói gì đó nhưng tắt thở qua đời, thọ 29 tuổi. Cao Nữu, Nguyễn Niên và 1.000 nghĩa quân khóc nức nở nghẹ ngào thương xót đau đớn. Cao Nữu nói trong nước mắt;

-Thì ra tên Phiến đã biết cuộc hành quân của chúng ta, đã cho một bộ phận lính ra bên ngoài mai phục, một bộ phận trong đồn thực hiện trong đánh ra, ngoài đánh vào.

  Nguyễn Niên nói:

-Ta đem quân lại tiếp tục đánh đồn, bắt tên Phiến đền tội, trả thù cho Tổng binh.

  Cao Nữu nói:

-Hai anh Đình và Tạc.

-Dạ, thưa Đề đốc.

Hai anh cùng 200 quân đem thi hài Tổng binh lại phía cây to, rậm chờ chúng tôi, hạ xong đồn chúng tôi sẽ quay lại.

-Dạ, tuân lệnh Đề đốc.

800 nghĩa quân do cao Nữu, Nguyễn Niên dẫn đầu đi vào hai ven rừng của đồn No sục sạo càn quét nhưng không có một tên lính mai phục nào. Nghĩa quân tiến vào đồn No thì cánh cửa đồn mở, bên trong đồn trống rỗng, không một tên lính nào. Thì ra tên Phiến biết nghĩa quân sẽ quay lại, lượng sức không chống nổi 1000 tay súng nên đã tháo chạy. Cao Nữu hỏi Nguyễn Niên:

-Chúng ta có tiếp tục hành quân về đánh thành Nghệ An không?

  Nguyễn Niên đáp:

-Tên Phiến đã thoát nhưng trước sau chúng ta cũng sẽ tìm ra nó. Nhưng thành Nghệ An chúng ta cũng chưa thể đánh được vì cuộc hành quân của ta đã bại lộ do tên Phiến đã báo, quân Pháp sẽ tập trung binh lực phòng thủ, ta không đủ lực lượng. Thứ hai, phải quay lại làm lễ mai táng cho Tổng binh. Không thể không bố cáo cho 15 quân thứ biết cái tang lớn, sự tổn thất nặng nề này.

  Cao Nữu buồn bả nói:

-Đề đốc nói phải lắm.

  Rồi nghĩa quân chặt cây đan nứa làm cáng, lấy cờ ngũ sắc phủ lên thi hài Cao Thắng và hành quân trở về. Ba ngày sau thì về đến căn cứ Ngàn Trươi.

  Trong tổng hành dinh ở Vụ Quang, Phan Đình Phùng đứng ngồi không yên, sau khi đồng ý cho Cao Thắng đi rồi, lòng dạ ông nóng như lửa đốt. Một sớm, sau khi ăn sáng xong, Phan Đình Phùng ra đứng trước tổng hành dinh, chợt một cơn gió mạnh như lốc đi qua, một trong những lá cờ vàng lớn của nghĩa quân rơi xuống đất. Trong việc quân, cờ rơi xuống báo hiệu việc chẳng lành. Đến khi ngài ăn cơm xong, đang ngồi uống nước thì thám mã vào báo:

-Dạ, bẩm Thống đốc quân vụ đại thần, tổng binh cao Thắng trên đường tiến về Nghệ An đã hy sinh ở Tây Nam huyện Thanh Chương trong khi chỉ huy đánh đồn No do tên thiếu úy khố xanh tên là Phiến làm đồn trưởng.

  Cụ Phan nghe tin như sét đánh ngang tai, mắt tối xầm, cụ lảo đảo gần như sắp gục xuống. Người lính vội lại đỡ và kêu:

-Cứu, cứu.

  Hai nghĩa quân cận vệ túc trực ngoài cửa vội chạy vào đỡ Phan Đình Phùng, một người chạy ra gọi:

-Gọi thầy lang nhanh lên.

Một lát, thầy lang trong doanh trại đến, bắt mạch cho Phan Đình Phùng. Thầy lang cầm tay ngài mà ứa nước mắt. Suốt 8 năm chiến đấu trong gian khổ, lo nghĩ về việc quân, ăn uống cam khổ, cộng với tuổi cao, sức khỏe cụ Phan ngày càng sa sút, thân thể chỉ còn da bọc xương. Chỉ còn đôi mắt sáng là tỏa ra ánh sáng cương nghị và bất khuất. Một lát sau Phan Đình Phùng tỉnh lại. Phan Trong Mưu vào báo:

-Dạ, bẩm Thống đốc quân vụ, Nguyễn Niên và Cao Nữu cùng 1.000 nghĩa quân đã đưa thì hài Tổng binh Cao Thắng về đến Ngàn Trươi. Mong ngài quyết định tang lễ.

  Phan Đình Phùng nói:

-Ra lệnh cho toàn quân và các tướng lĩnh ở đại bản doanh và các căn cứ để tang, treo cờ rũ. Lệnh cho 15 quân thứ bốn tỉnh cũng làm như vậy.

-Dạ, tuân lệnh.

 Ngày mai táng vĩnh biệt Tổng binh Cao Thắng, một tướng lĩnh kiệt xuất của phong trào Hương Khê, người và trời đều buồn thảm. Trời mùa đông u ám, gió lạnh xạc xào như than khóc, cây trút lá vàng, cờ ngũ sắc ủ rũ. Hàng nghìn quân lính đầu buộc khăn tang trắng, nước mắt đầm đìa. Cụ Phan Đình Phùng đau buồn khóc tiễn thuộc tướng tài năng.

  Ở 15 quân thứ, các thủ lĩnh và nghĩa quân cũng bàng hoàng trước sự hy sinh của Tổng binh Cao Thắng. Ngày ở đại bản doanh cử hành tang lễ thì ở hành dinh 15 quân thứ cũng treo cờ rũ và tất cả đều buộc khăn trắng trên đầu. Tới ngày chung thất, cụ Phan Đình Phùng đọc bài văn tế chữ Nôm lâm ly thống thiết khiến nghĩa quân càng tuôn rơi nước mắt.

  Một hôm, Phan Đình Phùng nói với các tùy tướng:

-Thù với bọn cướp nước thì có thể trả lâu dài, nhưng có hai món nợ phải trả ngay, nếu không sẽ không biết đến khi nào làm được.

  Nguyễn Niên hỏi:

-Thưa Thống đốc quân vụ, đó là hai việc gì ạ?

Phan Đình Phùng đáp:

-Đó là món nợ phản quốc phản vua của tên Trương Quang Ngọc, tên Nguyễn Đình Tình, chúng là thủ túc tin cậy của vua Hàm Nghi mà phản bội, dẫn đường cho giặc bắt vua. Cần phải xử chúng tội chết.

(Còn  nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-32-a13499.html