Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 41)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 41.

Sớm hôm sau, Hiệp thống quân vụ Nguyễn Thiện Thuật chủ tọa cuộc họp tại Bãi Sậy bàn về việc liên kết toàn bộ phong trào Cần Vương Bắc Kỳ, đẩy phong trào chống Pháp lên một cao trào mới. Nguyễn Thiện Thuật ngồi ghế chủ nhân trước một chiếc bàn gỗ đơn sơ. Các tướng lĩnh của Bãi Sậy ngồi hai hàng ghế, giữa cũng đặt những tấm gỗ dài làm bàn. Trên bàn đặt nhưng bộ ấm chén uống nước. Bên tả, gồm các tướng Nguyễn Thiện Kế (em Nguyễn Thiện Thuật), Đốc Cọp, Đốc Sung, Đề Ban, Đội Văn, Đề Tính, Bà Đốc Huệ, nhà Nho Ngô Quang Huy (Hàm Nghi phong là Tán Lý quân vụ Bắc Kỳ), nhà Nho Nguyễn Hữu Đức, danh sĩ Nguyễn Đình Mai, Nguyễn Thiện Dương, Đốc Chính, Đề Dần, Vũ Văn Đông. Bên hữu gồm các tướng Lãnh Điều, Lãnh Bộ, Lãnh Ngữ, Nguyễn Cao, Đốc Vinh, Đinh Văn Vinh (con trai Đinh Gia Quế). Trên tường treo lá cờ đỏ từ thời Đinh Gia Quế, trên cờ viết tám chữ: “Nam đạo Cần Vương, bình Tây phạt tội”. Lá cờ đỏ ấy cũng tung bay theo gió trên cột cờ trước cửa đại bản doanh.

bai-say-1656850944.jpg
Tranh minh họa cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892) là một trong các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương vì độc lập dân tộc. Nguồn: Internet.

 

Sau khi các thủ lĩnh dùng một lượt trà, Nguyễn Thiện Thuật nói:

-Thưa các quý vị, hôm nay ta họp tại đây để làm tròn và thực hiện chủ trương liên kết, phối hợp tác chiến giữa các lực lượng Cần Vương ở đồng bằng Bắc Kỳ. Các lực lượng đặt dưới sự chỉ huy chung là Bãi Sậy. Bãi Sậy sẽ là trung tâm của phong trào kháng Pháp. Các lực lượng kháng Pháp ở các địa phương phải phối hợp hành động với trung tâm Bãi Sậy, thực hiện ý chỉ của hoàng thượng Hàm Nghi và quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết. Có sự chỉ đạo chung, có thống nhất hành động mới tạo sức mạnh đánh thắng Pháp và tay sai. Cách đây sáu ngày, ta đã gửi thư đi các nơi đề nghị hợp nhất, thống nhất hành động. Ta đã nhận được hồi âm của các thủ lĩnh nghĩa quân Thái Bình, Nam Định Tạ Hiện, thủ lĩnh nghĩa quân Trại Sơn, Hai Sông Đốc Tít (1886 được hoàng thượng Hàm Nghi phong là Đề đốc quân vụ Hải Dương) ở Đông Triều, thủ lĩnh nghĩa quân Cát Bà Tiến Đức, thủ lĩnh Lưu Kỳ của nghĩa quân Lục Nam, của Đốc Kiệt, chỉ huy nghĩa quân Bắc Ninh, Đốc Khoát, Đốc Giang chỉ huy nghĩa quân Vĩnh Yên. Tất cả các thủ lĩnh đều đồng ý thống nhất chỉ huy và hành động. Đó là những tin mừng. Thực ra, đáp ứng nhu cầu thực tế chiến đấu đòi hỏi, sự thống nhất, liên kết này đã được ngài Tán lý quân vụ Ngô Quang Hưng cùng Tướng Nguyễn Cao, Tạ Hiện xây dựng lực lượng ba tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh thành Đại nghĩa đoàn, còn gọi là Tam tỉnh nghĩa quân. Nay trên cơ sở đó chúng ta phát triển thêm sự gia nhập của nghĩa quân Đông Triều của Đốc Tít (Nguyễn Đức Hiệu), nghĩa quân Cát Bà của Tiến Đức, liên kết với nghĩa quân Vĩnh Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên của Đốc Khoát, Đốc Giang.

  Dừng lại uống một ly trà, NguyễnThiện Thuật nói tiếp:

-Nhiệm vụ của các thủ lĩnh địa phương là khi Bãi Sậy bị giặc càn quét thì phải đánh sau lưng Pháp để địch trước mặt sau lưng đều bị đánh. Ngược lại khi một địa phương nào bị Pháp tấn công thì Bãi Sậy và các địa phương khác phải tấn công hỗ trợ đánh sau lưng Pháp.

-Công việc thứ hai là tại căn cứ Bãi Sậy nay ta giao trách nhiệm cho mỗi tướng chỉ huy nghĩa quân và bảo vệ một vùng. Tuy nhiên vẫn phải chi viện phối hợp với các thủ lĩnh ở các địa phương khác khi một địa phương bị giặc càn quét, hiệp đồng chiến đấu để diệt địch. Để thực hiện kế sách trên các tướng lĩnh nghe lệnh:

-Tán lý quân vụ Ngô Quang Huy.

-Có thuộc tướng.

-Hoàng thượng Hàm Nghi đã phong ngài làm Tán lý quân vụ Hải Dương, được coi là một trong số các lãnh tụ cao cấp của phong trào Cần Vương, được coi là thủ lĩnh thứ hai của nghĩa quân Bãi Sậy. Nay ta giao cho ngài phụ trách mặt trận Hải Dương và nam Bắc Ninh.

  Ngô Quang Huy chắp tay đáp:

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Đốc Chính.

-Có thuộc tướng.

-Ta cử ngài là chỉ huy trưởng, tướng quân Đề Dần là phó phụ trách mặt trận huyện Mỹ Hào và toàn bộ phía đông của tỉnh Hưng Yên và phía tây tỉnh Hải Dương.

  Đốc Chính và Đề Dần đáp:

-Chúng thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng Đốc Sung và Đề Ban nhận lệnh:

-Có thuộc tướng.

-Nay ta cử Đốc Sung là chỉ huy trưởng, ngài Đề Ban là chỉ huy phó chỉ huy mặt trận Văn Giang, Văn Lâm và bắc Hưng Yên.

-Chúng thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng Đề Tính, Đốc Cọp nghe lệnh:

-Có thuộc tướng.

-Ngài Đốc Cọp làm chỉ huy trưởng, Đề Tính làm phó, phụ trách mặt trận Khoái Châu và miền đông Hà Nội.

-Chúng thuộc tướng tuân lệnh.

-Ngài Đội Văn và tướng Vũ Văn Đồng nghe lệnh.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân Đội Văn làm trưởng, ngài Vũ Văn Đồng là phó phụ trách mặt trận Mỹ Hào và toàn bộ phía nam tỉnh Hưng Yên như các huyện Ân Thi, Kim Động, Phủ Cừ.

-Chúng thuộc tướng tuân lệnh.

-Các tướng chỉ huy từng vùng sau đây về các địa phương rà soát lại công sự, trận địa phòng thủ để gia cố, sửa chữa hoặc xây dựng thêm. Ra sức tích lũy vũ khí, lương thực, vận động nhân dân để họ đóng góp lương thực, gia nhập nghĩa quân. Trong tác chiến lấy đánh du kích là chính, tấn công tiêu diệt đồn bốt địch để phá thế bao vây của chúng, phải hỗ trợ giữa các địa phương để tác chiến diệt giặc.

  Các tướng đồng thanh đáp:

-Chúng thuộc tướng tuân lệnh.

  Nguyễn Thiện Thuật nói tiếp:

-Các tướng lĩnh sau đây nghe lệnh:

-Nguyễn Thiện Kế.

-Có thuộc tướng.

-Tướng Mậu Duyệt.

-Có thuộc tướng.

-Tướng Lãnh Điều.

-Có thuộc tướng.

-Tướng Lãnh Lô.

-Có thuộc tướng.

-Tướng Lãnh Ngữ.

-Có thuộc tướng.

-Tướng Nguyễn Cao.

-Có thuộc tướng.

-Tướng Đốc Vinh.

- Có thuộc tướng.

-Quân sư Nguyễn Hữu Đức.

-Có thuộc tướng.

-Quân sư Nguyễn Đình Mai.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân Ngô Quang Chước.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân Đinh Văn Vinh.

-Có thuộc tướng.

-Nữ tướng Đốc Huệ.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân Quản Kỳ.

-Có thuộc tướng.

  Tất cả các tướng này thuộc Tổng hành dinh Bãi Sậy, chỉ huy nghĩa quân tại đây, sẵn sàng nghe ta điều động bảo vệ căn cứ hoặc chi viện cho các mặt trận Đông-Tây-Nam- Bắc ở các địa phương..

-Chúng thuộc tướng tuân lệnh của Hiệp thống quân vụ đại thần.

  Xế chiều, cuộc hội nghị kết thúc bằng một bữa cơm rượu tại Tổng hành dinh chiêu đãi các thủ lĩnh. Sau đó, các tướng đã nhận nhiệm vụ rời bản doanh đi về các địa phương đã được phân công. Trời mùa đông xám ngắt. Gió mùa đông xô từng đợt vào rừng sậy. Rừng sậy mênh mông ngã từng đợt dập dờn như sóng đại dương gào thét đòi trả hận thù của đất nước đã mất vào tay ngoại bang.

                               *         *

                                    *

  Mùa đông năm 1885, trong Tổng hành dinh của quân Pháp tại Hà Nội, Thống tướng Rút xen O le Cuốc xi vừa cạn xong cốc rượu săm pa nhơ thì có sĩ quan tùy tùng vào báo:

-Dạ, bẩm Thống tướng, quân Bãi Sậy đã chiếm thành Hải Dương và lực lượng đang lan tỏa khắp Hải Dương và Hưng Yên ạ.

  Thống tướng  O le Cuốc xi đập bàn:

-Ra lệnh cho quân ta tấn công vào Bãi Sậy.

-Dạ, tuân lệnh Thống tướng.

  Nhận lệnh của O le Cuốc xi, thiếu tướng Nê gờ ri ê, trung tá Đôn ni ê cùng Hoàng Cao Khải với 2.000 quân mở cuộc càn quét lớn vào Bãi Sậy. Quân Pháp từ Hà Nội vượt sông Hồng sang Hưng Yên. Trước mắt thiếu tướng Nê gờ ri ê, trung tá Đôn ni ê, Hoàng Cao Khải và quân Pháp ngút ngàn mênh mông lau sậy. Gió mùa đông bắc lạnh lẽo thổi thốc tháo từng đợt làm cho rừng sậy ngã nghiêng từng đợt như sóng đại dương. Từng đàn chim cò, vạc vỗ cánh từ rừng sậy bay lên, bay về phía chân trời xa xăm. Nê gờ ri ê, Đôn ni ê, Hoàng Cao Khải đều biết trong rừng sậy rậm rạp mênh mông là căn cứ của nghĩa quân, chứa nhiều cạm bấy, hầm hố, hầm chông, quân Pháp vào đó là vào cõi chết. Nê gờ ri ê nói:

-Bãi Sậy bao trùm bốn huyện Hưng Yên, ta làm sao đủ quân mà tấn công hết. Trước mắt chúng ta tập trung tấn công Khoái Châu, nơi có đại bản doanh của Nguyễn Thiện Thuật.

  Hoàng Cao Khải nói:

-Thiếu tướng nói chí phải, ta nên tấn công Khoái Châu.

 Nê gờ ri ê nói:

-1.000 quân Việt thuộc đường hơn cho đi trước, quân Pháp theo sau hỗ trợ.

 Đôn ni ê nói:

-Tuân lệnh thiếu tướng.

1.000 quân khố xanh đi trước, 1.000 quân Pháp đi sau, Nê gờ ri ê, Đôn ni ê, Hoàng Cao Khải đi sau cùng. Càng tiến vào sâu, bùn càng lầy lội, lau sậy um tùm che lấp mắt. Ngửa mặt lên là trời, nhìn xuống là sậy che kín mắt. Thốt nhiên, từ  bốn phương tám hướng của rừng sậy vang lên những tiếng súng nổ chát chúa, đạn bay vèo vèo vào quân khố xanh và quân Pháp. Hàng chục tên gục xuống, máu tuôn xối xả. Quân Pháp chĩa súng bắn vu vơ vào rừng sậy. Chim chóc bay loạn xạ theo tiếng súng nổ đạn bay. Hoàng Cao Khải, Nê gờ ri ê, Đôn ni ê không biết quân Bãi Sậy có chết ai không nhưng trước mắt chúng, lính khố xanh và lính Pháp vẫn thi nhau gục xuống. Hoàng Cao Khải nói:

-Hơn trăm lính của ta đã chết rồi, nếu còn vào sâu chắc 2.000 lính chết hết, kể cả chúng ta.

  Nê gờ ri ê nói:

-Sai lầm của ta là không có ai dẫn đường. Bãi Sậy quả nhiên là huyền bí. Ta ra lệnh rút lui.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-41-a13711.html