Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 15)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.         

Kỳ 15.

Cha Lô ve sten sốt ruột hỏi:

-Bao giờ thì tướng quân thả ngài Sét nây và Lô gi u.

-Trong thư gửi ngài Lê Hoan và Công sứ, ta đã nói trình tự ghi trong Hiệp ước, đại lược là Sét nây và Lô gi u sẽ được trả cuối cùng sau khi người Pháp đã thả tù binh Yên thế, rút quân khỏi Yên Thế và trả xong tiền chuộc đầy đủ.

-Vậy đa tạ, xin chào tạm biệt ba tướng quân.

-Xin chào cha.

Người cựu binh Yên Thế cũng bước lại cúi đầu:

-Xin chào chủ tướng, chào hai hai tướng quân.

-Chào, thượng lộ bình an.

-Đa tạ chủ tướng, đa tạ hai tướng quân.

ch1dsc-6518-1658492362.jpg
Lễ hội Yên Thế thường được tổ chức từ ngày 15-17/3 để tưởng nhớ người anh hùng áo vải Đề Thám đã cống hiến vì dân tộc, đất nước. Nguồn: VOV.VN

 

Hôm sau tại phủ Khâm sai Bắc Ninh, Lê Hoan và Ma hê nhận lại hai văn bản Hiệp ước có thêm chữ ký của Đề Thám và một bức thư của Đề Thám. Thư viết: "Kính gửi ngài Lê Hoan và ngài Công sứ Ma hê, sau đây là mốc thời gian các ngài phải thực hiện những cam kết đã ký: Ngày 30 tháng 10 năm 1894, các đồn binh Pháp phải rút khỏi Yên Thế, cùng ngày đó tất cả các tù binh Yên Thế bị bắt phải được thả hết. Ngày 1 tháng 11 năm 1894, các ngài đem tiền chuộc đặt cách đồn Hữu Nhuế 500m để quân Yên Thế ra lấy. Sau khi có báo hiệu đã đủ tiền thì ngài Sét nây và Lô gi u sẽ được thả. Các ngài vào gần Hữu Nhuế 500m đón mà không sợ hỏa lực” (Chủ tướng quân Yên Thế, Đề đốc Hoàng Hoa Thám).

Lê Hoan đọc xong thư đưa cho Ma hê và nói:

-Ngài Công sứ đọc đi và thực hiện Hiệp ước để Sét nây và Lô gi u được giải thoát, chúng ta cũng thoát được một trách nhiệm nặng nề.

Ma hê đọc xong thư, tức giận nói:

-Chúng ta bị ép quá chừng.

Lê Hoan nói:

-Ngài không nhớ ngài Toàn quyền Đông Dương và ngài Thống sứ Bắc Kỳ nói phải chuộc Sét nây bằng bất cứ giá nào à. Giải thoát xong Sét nây, ngài muốn xé bỏ Hiệp ước lúc nào chả được, muốn tấn công Đề Thám lúc nào chả được.

-Ma hê gật gù:

- Ngài Khâm sai nói chí phải.

Sau đó quân Pháp thực hiện đầy đủ các bước mà Hoàng Hoa Thám yêu cầu. Sét nây và Lô gi u được thả và hòa bình ngừng bắn được một năm.

                  

 VI.

         

Tháng 11 năm 1895, gió lạnh như cắt thổi từng đợt khắp không gian Hà Nội và khắp Bắc Kỳ của Liên Bang Đông Dương. Trong căn phòng sang trọng của phủ Thống sứ Bắc Kỳ, A gu stin Phơ rét mới được bổ nhiệm đang ngồi trên chiếc ghế mà bao tiền nhiệm đã ngồi. Trước mặt vẫn là chiếc bàn gỗ màu gụ trang trí kiểu Á Đông khảm trai bóng loáng. Trên trần nhà hoa văn kiểu La Mã được soi sáng bởi những chùm đèn pha lê rực rỡ. A. Phơ rét ngồi nhâm nhi chén rượu vang suy nghĩ vấn đề đang nóng bỏng nhất Bắc Kỳ là vấn đề khởi nghĩa nông dân Yên Thế. A. Phơ rét gọi:

- Người đâu.

- Dạ.

- Đem bản báo cáo tình hình giữa quân Pháp và quân Yên Thế năm 1895 lên đây.

- Dạ, tuân lệnh Thống sứ.

Lát sau người sĩ quan phòng lưu trữ đem tài liệu vào phòng.

- Dạ, bẩm Thống sứ, đây là báo cáo ngài cần ạ.

- Cảm ơn.

Người nhân viên đi ra. A. Phơ rét rót một cốc rượu nữa, ngồi vào ghế tựa cạnh chiếc bàn con và đọc. Tài liệu viết: “ Mặc dù Hiệp ước giảng hòa đã được ký kết giữa Pháp và quân Yên Thế, nhưng các lực lượng có quan hệ với Đề Thám ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phúc Yên vẫn không ngừng chiến. Tháng 2 năm 1895, Đề Nguyên ở Thái Nguyên đã tấn công đồn Tam Đảo, giết chết lính điện đài Hôn lây và bắt Sa bót về Kẻ Thượng của Phùng Ba Chỉ. Đêm 23 tháng 2 năm 1895, Thống Luận, một tướng của Đề Thám chỉ huy 40 lính dùng thuyền tấn công quân Pháp ở Phả Lại.

Tháng 2 năm 1895, Phủ Bắc Giang tách khỏi tỉnh Bắc Ninh và thành lập tỉnh riêng với trấn trị là Phủ Lạng Thương.

 Đêm 30 tháng 4 năm 1895, Đốc Thu cùng em là Đốc Xuyết chỉ huy nghĩa quân tấn công thành Bắc Ninh, giết chết lính đưa thư, nhân viên thuế đoan Mun hun, hai hiến binh là Véc đi ê và Nê ghi.

Tháng 8 năm 1895, một số nghĩa quân rời bỏ Lương Tam Kỳ ở Thái Nguyên, về với Đề Thám. Đề Thám vẫn tiếp tục liên hệ với Đề Công và Thương Lâm ở Tam Đảo.

Ngày 4 tháng 10 năm 1895, quân Yên Thế tấn công một số làng ở Bắc Ninh và trấn trị Phủ Lạng Thương, Bắc Giang. Ngày 13 tháng 10 cùng năm, quân của Thống Luận và Thống Trứ tấn công khu vực phủ Đa Phúc”.

  Đọc hết báo cáo, Thống sứ A. Phơ rét uống thêm một hớp rượu và gọi:

 -Người đâu.

Người sĩ quan cận vệ xuất hiện:

- Dạ, ngài Thống sứ.

- Cho gọi tướng Bi sô, Công sứ Bắc Ninh, Tổng đốc Bắc Ninh, Khâm sai đại thần Bắc Kỳ Lê Hoan và Đại tá Ga li en ni bảo 8 giờ ngày mai về phủ Thống sứ họp.

- Dạ, tuân lệnh Thống sứ.

  Sáng hôm sau, đúng 8 giờ, vẫn trong căn phòng lộng lẫy của phủ Thống sứ, A. Phơ rét ngồi bàn chủ tọa, dưới là Tướng Bi sô, Đại tá Ga li en ni, Tổng đốc Bắc Ninh Vũ Quang Nhạ, Công sứ Bắc Ninh Ma hê, Khâm sai đại thần Lê Hoan. Trên bàn đặt những cốc rượu săm pa nhơ. A. Phơ rét nâng cốc:

-Ta mới ngồi vào ghế Thống sứ được mấy ngày, hôm nay có cuộc họp quan trọng cũng là ngày hội ngộ đầu tiên giữa ta và các ngài. Nào, xin mời các ngài nâng cốc mừng cuộc hội ngộ.

Tất cả đứng dậy nâng cốc:

-Xin chúc mừng ngài Thống sứ.

-Đa tạ, đa tạ.

Mọi người cạn, đặt cốc xuống bàn và ngồi xuống. A. Phơ rét nói với sĩ quan giúp việc:

-Hãy phát cho các ngài ở đây mỗi người một bản báo cáo về tình hình chiến sự năm 1895 mà hôm qua ta đọc.

-Dạ.

Sau khi mỗi người đã cầm một bản báo cáo, A. Phơ rét nói:

-Các ngài hãy đọc lướt qua sẽ thấy tình hình Yên Thế nguy hiểm như thế nào?

Sau khi mọi người đã đọc nhanh, Thống sứ A. Phơ rét nói tiếp:

-Chúng ta là một nhà nước quy trách nhiệm cho người đứng đầu cấp. Đã 10 năm nay không dẹp được cuộc nổi dậy của nông dân một huyện. Nay quy trách nhiệm, giới quân sự Bắc Kỳ, Công sứ Bắc Ninh, Tổng đốc Bắc Ninh, Khâm sai đại thần Bắc Kỳ còn gì để nói?

Tướng Bi sô nói:

-Thưa ngài Thống sứ, giới quân sự ở Bắc Kỳ xin chịu trách nhiệm, nhưng khách quan mà nói, chúng ta đứng trước một đối thủ rất giỏi tổ chức chiến tranh du kích, giỏi phân tán, giỏi đánh nhỏ, giỏi vận động chiến, lại có một chỉ huy là Đề Thám giỏi về quân sự, giỏi tổ chức chiến đấu. Các thủ lĩnh và nghĩa quân là những nông dân mang khí chất của anh hùng hảo hán, không sợ chết, rất trung thành với minh chủ. Súng trường bắn nhanh, đến đại bác các cỡ của quân ta họ cũng không sợ. Họ lại dựa vào dân, được dân che dấu, giúp đỡ, cung cấp lương thực, nhân lực. Cho nên thuộc cấp cho rằng, muốn đánh bại Yên Thế phải đàn áp dân không thương tiếc, tách dân ra khỏi Đề Thám. Lại nữa, mỗi cuộc càn quét tấn công, phải tăng đại bác lên hàng trăm, quân số phải lên hai vạn thì mới có thể đè bẹp được Yên Thế.

Thống sứ A. Phơ rét nói:

-Ngài Bi sô đã đưa ra những giải pháp mà chúng ta cần phải nghiên cứu, tham khảo. Thế nào, ngài Đại tá Ga li en ni có cao kiến gì không?

 Đại tá Ga li en ni đáp:

-Thuộc cấp tán thành các biện pháp quân sự của tướng Bi sô. Ngoài tăng đại bác lên hàng trăm, quân số lên hàng vạn, khi tấn công còn phải bao vây bốn phía. Nhưng lưu ý hiện nay đường sá không có, rất hạn chế cho hàng vạn quân hành quân tấn công, như là vận chuyển lương thực, thực phẩm dài ngày, cả tháng, có khi cả năm. Cho nên, suốt 10 năm nay chúng ta cứ tấn công càn quét dù là thắng lợi hay thất bại đều rút về, tạo điều kiện cho quân khởi nghĩa hồi phục, lại củng cố để tồn tại. Vì thế, suốt 10 năm nay không dẹp được Yên Thế, một phần là do không có đường sá thuận tiện. Không có đường sá thì làm sao kéo hàng trăm khẩu pháo hạng nặng, hạng nhẹ vào rồi lại kéo ra, chưa nói là phải có xe tải lớn để chở đạn dược, thuốc men cứu thương, lương thực, thực phẩm, nước uống vào. Cho nên, chiến thuật tác chiến của tướng Bi sô là hay nhưng trong 5 năm, 10 năm tới mà không mở đường sá thì cũng không thực hiện được. Trách nhiệm khi đó không chỉ thuộc giới quân sự mà còn thuộc cả Chính phủ Đông Dương, tức là Chính phủ rất chậm chạp trong việc khai mở thuộc địa cả về kinh tế và phục vụ quân sự.

A. Phơ rét nói:

-Ý kiến của ngài Đại tá Ga li en ni không chỉ để cho giới quân sự  mà cả cho Chính phủ Đông Dương phải tham khảo. Đó là mở mang đường sá không chỉ phục vụ khai thác kinh tế mà còn để phục vụ  quân sự. Nhưng trong khi đường sá Yên Thế chưa được mở mang thì chúng ta vẫn phải mở những chiến dịch càn quét, chả lẽ vì đường sá khó khăn mà chúng ta để cho quân Yên Thế yên ổn lớn mạnh lên sao? Có ngài nào còn cao kiến gì không?

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-vii-tieu-thuyet-lich-su-ky-15-a14202.html