Nỗi sợ sau chiến tranh

Bố vợ tôi là người lính đặc công thời chống Mỹ, nhập ngũ năm 1965. Thuộc lữ đoàn 367 chuyên đánh phối thuộc cùng công trường 5 (sư 5) miền Tây nam bộ và Campuchia.

anh-minh-hoa-1658576379.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Ngày đầu tiên, khi vợ tương lai dẫn về giới thiệu, nhìn ông cũng hốt, vì cái tướng hơi dữ, nhưng tôi trấn tĩnh ngay, cơ bản là ...chưa biết có nên cơm cháo gì hay không, sợ đek!

"Mày uống được rượu không?" Ông vừa đẽo khúc rễ cây vừa hỏi. Tôi tỏ vẻ từ bi" Dạ, cháu cũng không uống được mấy". Cái khúc rễ đó là của cây mật gấu Cao Bằng, cho vào rượu chuyển sang màu vàng, đắng nghét, uống một lúc thấy vị ngọt hậu thoang thoảng. Có lẽ vì vị đắng - ngọt đó hay vì sợ nhạc phụ tương lai mỗi lần ông nhâng chén tôi cũng nhâng theo mà tôi học đủ nghị quyết "sáu lăm" với ông. Cũng chả biết xưng bố con lúc nào, thi thoảng húng lên vỗ vai nhau cứ như thân quen từ lâu lắm rồi í. Hóa ra ông rất hiền.

Đêm đó, cả nhà không ngủ được vì chuyện lính tráng của bố con tôi.

Từ đấy, những đợt gặp hội đồng đội, ông vẫn gọi tôi vào cùng tiếp rượu.

Đơn vị ông, số người sống sót hầu như không còn mấy, những người lính đặc công hao hụt dần không kịp bổ sung sau những trận đánh mật tập, suốt từ bên đất K, Lò Gò, Sa mát cho tới chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trước khi ngồi xuống mâm, họ đều đứng một chút mặc niệm, tưởng nhớ những người anh em đã mất. Chén đầu là chén uống cho đồng đội đã ra đi, chén sau mới uống cho người còn sống

Trong câu chuyện của họ, thật và sống động đến nỗi, tôi nghe cảm nhận được cái lạnh mỗi khi cởi trần phơi sương cho hết mùi lừa chó becgie, sự hồi hộp ngoài hàng rào dây thép gai bò vào căn cứ địch, cái dữ dội của pháo bầy, sự sống chết trong gang tấc khi bị trực thăng đuổi thổi rẽ cây như rẽ tóc trên đầu phải chém vè, và cái tôi muốn nghe nhất là tình đồng đội của họ.

Lính đặc công, mỗi khi ra trận, ít khi có thông tin đi theo, thường họ chỉ trông vào người chỉ huy.

Họ hy sinh, phần nhiều không lấy xác được, ngay khi mang đồng đội ra cũng chẳng mảnh tăng bạt thay áo quan, chỉ mỗi chiếc quần đùi trên người, đồng chí gạt nước mắt tiễn đưa nhau xuống dưới nền đất lạnh.

Ông cụ nhà tôi, có lẽ số may mắn, bị thương nhiều lần nhưng tử thần không động đến.

Ngày chúng tôi sắp cưới, ông được gọi lên kiểm tra , xét nghiệm chất độc màu da cam. Trước mặt hai đứa, ông thông báo và im lặng chờ. Vợ tôi không hiểu, nhưng tôi hiểu: Ông sợ rằng, cái di chứng của thứ chất độc khai quang đó sẽ truyền sang thế hệ sau, con không bị nhưng cháu có thể.

Ông chăm chú chờ sự phản ứng của tôi.

"Vâng, dù sao họ đã quan tâm, muộn vẫn hơn không có bố ạ", tôi thản nhiên. Gương mặt ông thoáng giãn ra nhẹ nhõm.

Nhưng, tôi cũng không hẳn không có mối lo.

Đứa con đầu lòng, đích tôn dòng họ nhà nội tôi trong bụng vợ lớn dần. Hai người đàn ông, tôi và bố vợ, âm thầm hồi hộp theo dõi, mỗi khi đọc xong kết quả siêu âm lại yên tâm một chút.

Rồi đến ngày vợ tôi sinh, ngoài các bà nội ngoại, vẫn có hai người đàn ông, một già một trẻ đứng bồn chồn bên ngoài. Ai nhìn cũng tưởng sốt ruột chờ cháu, họ không biết suy nghĩ của bố con tôi, tuy không nói ra nhưng chắc chắn đều chung một điều rất giống nhau.

Bố tôi tóc bạc thêm và già hơn đi trong buổi chiều đó.

Tiếng oe oe trước phòng hộ sinh, mẹ tôi bế cháu ra. Cả hai lao tới, động tác đầu tiên là...cầm tay chân xem.

Con tôi hoàn toàn bình thường về mọi hình hài, thể chất. Thậm chí còn gào hơi to và đạp hơi mạnh khi ông ngoại động vào.

Tiếng thở nhẹ nhõm từ hai lồng ngực cùng vang lên.

Vài giọt nước mắt chảy xuống lăn trên gò má nhăn nheo của ông. Tôi cũng thấy mắt mình cay cay...

Trái Tim Người Lính

CCB Dũng Hà

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/noi-so-sau-chien-tranh-a14218.html