Chuyện về hai người lính

Từ tết Mậu thân năm 1968, đế quốc Mỹ thực hiện mưu đồ mở rộng chiến tranh sang Lào và Campuchia, chúng đánh phá ác liệt tuyến vận tải chiến lược dọc đường Trường Sơn nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến miền Nam Việt Nam, cắt đứt đường tiếp tế và các cơ sở hậu phương của ta. Ông Đạt vẫn còn nhớ như in ngày này cách đây hơn 50 năm, đơn vị ông đã chặn đánh sư đoàn quân Mỹ và quân ngụy tiến công lên Đường 9 - Nam Lào.

dh-2367788-1658800429.jpg
Ảnh minh hoạ Internet

Mùa xuân năm ấy, Nguyễn Quốc Đạt đang là giáo viên cấp II giảng dạy tại quê nhà nhất quyết viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Gia đình rất ngỡ ngàng khi anh cầm giấy báo nhập ngũ trên tay. Mọi sự chuẩn bị rất chóng vánh. Đơn vị của anh được lệnh hành quân cấp tốc vào miền Tây, tỉnh Quảng Bình. Sau một thời gian huấn luyện chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu, đơn vị của Đạt bí mật hành quân vào chiến trường, chiếm lĩnh các khu vực tác chiến, giấu quân, tránh thám báo và máy bay trinh sát địch lùng sục phát hiện. Lệnh của cấp trên là: “kiên trì mai phục chờ địch đến…”. Ngay từ chiều hôm trước, đơn vị đã tổ chức cho bộ đội ăn Tết sớm để sẵn sàng bước vào những trận đánh lớn, ác liệt, dài ngày. Đúng như kế hoạch nhận định của ta, địch kéo quân vượt biên giới Việt Nam sang Lào. Do có sự chuẩn bị từ trước, đơn vị của Đạt đã dũng cảm chiến đấu liên tục bẻ gãy nhiều đợt tấn công với quy mô lớn của địch. Sư đoàn bộ binh 304 của ta lần lượt tiêu diệt địch ở các khu vực trọng điểm như: Cha Ky, Huổi San, Lao Bảo, Làng Vây… Quân địch bé tắc rơi vào ổ phục kích của ta, chúng bị tiêu hao sinh lực và tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, cánh lính trẻ đơn vị của Đạt cũng thương vong quá lớn.        

Sau ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), trên thân mình mang nhiều vết thương nên đơn vị cho ông đi điều trị, thời gian sau ông phục viên về quê. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là Trung - người bạn chiến đấu cùng chung chiến hào và là người đồng hương thân thiết của ông cũng phục viên vào thời điểm đó. Niềm vui sướng và hạnh phúc của hai người không thể tả nổi. 

Ở làng, ai cũng gọi tên là ông giáo Đạt, các cụ đặt cho nghe rất gợi cảm, nó nhắc đến sự phong lưu, phát đạt. Nhưng nhìn vào con người và gia cảnh của ông cũng không khấm khá gì. Người ông nhỏ nhắn, nước da xám nâu, chẳng thấy mấy khi ông mặc quần dài nên đôi chân để lỏng khỏng trơ ra dưới hai ống quần xà lỏn. Bình thường thì ông ở trần. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên tạo cho ông thói quen như thế. Nhà ông lúc nào cũng mở cửa để giao lưu với bạn bè, khác hẳn với những ngôi nhà còn lại trong dãy cứ đóng im ỉm cả ngày. Nhà ông Trung ở xóm trên. Sau mỗi buổi sáng, con cháu đi làm hết, ông Trung lại lọ mọ sang nhà ông Đạt chơi cho khuây khỏa. Chả là bạn chiến trường, chết đi sống lại mấy lần với bom đạn của giặc Mỹ. Thấy ông Đạt lom khom xách từng xô đất từ bờ kênh về tôn hiên nhà. Vì nền nhà ông thấp hơn mặt ngõ nên mỗi khi có mưa nước chảy lênh láng vào cả gian thờ. Ông Trung nhanh nhảu lên tiếng:

- Sao ông không bảo con cháu làm cho, một mình thương tật làm chi cho cực.

Nhìn thấy ông Đạt xách từng xô đất bước đi chệnh choạng, chân nam đá chân chiêu, thấy tội nghiệp quá. Bỏ xô đất xuống nghỉ, ông thở hổn hển:

- Ông Bạn ơi! Mình còn làm được thì cần gì nhờ chúng nó.

Ông Đạt nhìn thẳng vào ông Trung bằng đôi mắt vui sướng như ngày nào đánh giặc ở chiến trường. Hai tròng mắt đen láy, ông mở to. Âm thanh thều thào từ cái miệng cười tươi roi rói. Ông Trung quay ra nhìn căn nhà của ông… Giá như gia đình ông sống cách đây bốn năm thập niên thì chẳng nói làm gì. Ở giữa thời bê tông hóa mà căn nhà ông cứ trơ trơ không chịu làm lại. Tường được xây mỏng dính, mái lợp tôn, không trần chống nóng, cứ thả sức cho mặt trời hun đốt. Gian trong là phòng ngủ, gian ngoài cô con dâu út đang lạch cạch bên chiếc máy khâu cũ rích, xung quanh vứt ngổn ngang những tập quần áo cũ khách mang đến nhờ sửa chữa. Đứa cháu nội, bé gái chừng tám chín tuổi gương mặt thanh tú đang nửa quỳ, nửa đứng bên chiếc giá vẽ tự tạo. Những nét vẽ thô sơ, nhưng có hồn sống động đến đáo để. Có lẽ đây là tài sản lớn nhất mà ông Đạt có được trong phần đời còn lại của mình. Một người làm, một người đứng nói chuyện vu vơ trên trời, dưới đất. Nghĩ vậy, ông Trung đứng lên lẩm bẩm một mình:

- Con trai ông Đạt làm ăn gì ở Biên Hòa hay Bình Dương gì đó mà không có mặt ở nhà, tội nghiệp cho ông. Cũng là cái sự lạ, bỏ cả cha già như trái chín cây mà đi được…

Sáng sớm hôm sau, khi con, cháu đã đi làm và đến trường hết, ông Trung lại mang chiếc cuốc ra vườn vun mấy gốc chuối đang vào vụ thu hoạch. Vừa bổ được mấy nhát cuốc thì ông Đạt đến gọi sang nhà uống nước. Tốt quá, thật là đúng lúc, ông Trung buông cây cuốc xuống vệ đường rồi thủng thẳng bước vào với ông. Khoảng hiên nhà mà mấy hôm trước ông cặm cụi xách từng xô đất tôn tạo còn lỗ chỗ nhấp nhô, nó được chừa lại một nửa lấy lối vào nhà, còn nửa phía trong ông kê một chiếc giường đơn. Phần tiếp giáp với đầu giường ông đặt một bàn thờ. Nơi thờ tự cũng tạm bợ, chỉ là chiếc bàn làm việc sau khi nghỉ mang từ cơ quan về. Sau bát nhang là tấm ảnh đen trắng in hình một người đàn bà rất đẹp. Những nét đẹp còn lưu lại với thời gian, chiếc cổ cao vạch đủ ba ngấn, đeo chiếc vòng tràng hạt đen bóng, đôi mắt lá răm quyến rủ. Khuôn mặt đầy đặn, toát lên một vẻ kiêu sa và cả sang trọng nữa.

Ông Đạt đang ngồi bên bàn thờ, trước mặt đặt hai bát chè xanh sóng sánh, bao thuốc lá Bến Thủy và hộp diêm. Hơi nóng chè xanh và khói thuốc lá cứ cuộn tròn và tỏa lên nghi ngút. Ông Trung ngỡ chiếc ghế bỏ không và bát chè xanh đã đặt sẵn với nhã ý mời mình nên định ngồi xuống. Nhưng ông Đạt vội khua tay ngăn lại, rồi vào nhà lấy thêm chiếc ghế nhựa. Ông đưa mắt nhìn vào tấm ảnh và kể: đấy là bà Khanh, vợ của ông, đã mất cách đây mười năm. Về già ông không chụp cho bà được tấm ảnh nào, phải lấy chứng minh thư cũ ra nhờ hiệu ảnh phóng cho một chiếc để thờ, ngày ngày ngắm bà cho đỡ nhớ. Ông Đạt nghèn nghẹn nói tất cả mọi thứ ông sắp đặt cho bà như mười năm trước mỗi sáng thức dậy, ông bên này bà bên kia ngồi nói chuyện với nhau. Mười năm chứ hai mươi năm nữa ông sẽ vẫn duy trì cái lệ này. Nghe câu chuyện, người ông Trung rân rân, đầu óc như chững lại, ngước nhìn ông, khuôn mặt tàn héo đã sụp xuống, nhưng vẫn thản nhiên không thấy biểu lộ một trạng thái nào của tình cảm. Có lẽ đây chỉ là phần nổi, còn phần chìm ông nuốt ngược cả vào trong. Rất tò mò, nhưng ông Trung không dám hỏi lúc này, chỉ nói khẽ thôi:

- Anh để em thắp nén hương cho chị.

Được, ông đồng ý. Ông Trung đốt ba nén hương thắp lên với tấm lòng trân trọng. Khói hương lan tỏa, nhân ảnh mờ ảo. Những đường nét xinh đẹp trên khuôn mặt người chị quá cố như lung linh xao động. 

Trông bề ngoài ông Đạt cục mịch như vậy, nhưng khi tiếp xúc nhiều thấy ông cũng không đến nỗi nào. Nói đến lĩnh vực gì ông cũng tham gia được. Tuy không sâu, nhưng cũng đủ để hai ông ngồi với nhau cả buổi. Sau năm bảy lăm, gia đình ông có rất nhiều đất do các cụ để lại, nhưng yêu cầu của chính quyền xã, ông đã hiến đất để mở rộng đường và xây nhà văn hóa cộng đồng. Ông chỉ giữ lại diện tích vừa đủ để làm mảnh vườn nho nhỏ trồng cây vui thú với bạn bè. Đám con nhà ông, chúng nó biết bố mình có đất tức có tiền, đất nhân thành tiền nên cứ đang tâm moi mãi. Rốt cuộc ông Đạt vẫn nghèo túng. Chúng nó moi làm gì thì ông Trung không dám hỏi nữa, cũng không nên đi sâu vào nội bộ gia đình người ta…

Mỗi lần gặp ông Đạt, nhắc đến chuyện con cái là lập tức khuôn mặt ông rúm ró, tối sầm lại như có đám mây đen lướt qua, rồi lẩm bẩm: giá như các con ông biết nghĩ như con cái nhà mình thì đỡ khổ. Bạn bè, đồng đội với nhau đã từng chia lửa ở chiến trường nhưng về quê đứa nào cũng “nghèo rớt mồng tơi” nên chẳng có gì giúp đỡ nhau cả…

Câu chuyện cứ loãng đi, chẳng vui chút nào. Rồi ông đứng dậy sốt sắng kéo tay ông Trung đi tham quan công trình. Hai bên bờ mương lấy nước tưới cho vườn đã được ông Đạt cải tạo bắt nó trở lại xanh trong. Hai con đường mới song song chạy thông suốt lên quốc lộ, giảm tải cho những con đường cũ xuống cấp mà bà con trong xã đang phải oằn mình gánh chịu lượng xe chật như nêm sau mỗi buổi chiều. Nhìn những hàng cây xanh ngã bóng trên dòng kênh, ông Trung càng cảm phục nghị lực phi thường của người thương binh Nguyễn Quốc Đạt. Thế ra, hai ông tuy bị thương tật nhưng đã có công lao vận động mọi người xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, đẹp đẽ. 

Trời miền Trung, mùa hè nắng nóng như chảo lửa, sém da, sém thịt. Nắng nghiệt ngã sấy đất đai khô cằn và kiệt quệ. Đi giữa những hàng cây rì rào xanh mát, thỉnh thoảng ông Trung lại nắm chặt tay và động viên ông Đạt:

- Bây giờ con cái đi làm xa, chúng nó hay moi tiền, thân ông như đốm lửa sắp tàn biết tắt lúc nào… Thôi, ông cứ nghỉ ngơi cho khỏe.

Ông Đạt vừa thở hổn hển, vừa nói về chuyện mặt bằng trước đây vẫn nằm đắp chăn không thấy động đậy thi công, chẳng biết còn mắc kẹt ở khâu nào. Dân mòn cổ trông đợi cả chục năm mà vẫn là dự án treo. Ông bức xúc lắm, vì ông già rồi, sống nay chết mai, còn nhiều chuyện phải lo nghĩ… Nhờ công sức của bao người mới được như hôm nay. Ông Đạt nói trong nước mắt… Ông đã dồn sức già vào đám đất mà dự án trừ lại. Thửa đất ấy đâu chỉ có căn nhà mà còn chứa thêm ngôi mộ của người vợ. Con đường vừa được giải tỏa xong thì bà cũng mất. Đây là thứ duy nhất của quá khứ còn vương lại với cuộc đời ông cho đến giờ. Trong giây phút bùi ngùi, ông Đạt lặng thinh rồi dắt tay ông Trung đi vào ngôi mộ. Sẵn có bó hương, hai anh em, người che gió, người châm lửa thắp trên ngôi mộ, xong kéo nhau về nhà tránh cái nắng cuối chiều xiên khoai mà vẫn hầm hập ngột ngạt oi ả đến váng cả đầu. Ông Đạt nói cười vậy thôi, nhưng thỉnh thoảng vẫn lên cơn đau nhức nhối. Ông thích ra đây, ở gần người vợ thân yêu của mình, ở trong mảnh đất của mình. Nhìn khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ, tội nghiệp, ông Trung nghĩ động viên cũng là thừa và an ủi cũng không cần thiết, vì tất cả với ông, nó lặn sâu xuống tận tâm can, chìm vào hoang hoải cả rồi. Sự gợi lại chuyện chiến trường chỉ ào qua như cơn rung bất chợt. Có lẽ nên phá tan nỗi u uất bằng cách lái ông về câu chuyện vui, đó là chuyện tình yêu được khởi xuất ra sao giữa ông với người vợ đẹp hương trời, sắc nước.

Ông Trung bỗ bã hỏi ông Đạt về chuyện tình của ông với người vợ đẹp kia, so với ông có gì đó cọc cạch không cân xứng. Tưởng rằng ông giận nhưng không, mắt ông bỗng sáng quắc lên, cái miệng cười móm mém nhìn lâu càng thấy duyên. Chính bà Khanh, vợ ông mới là người tán ông, bà đã xiêu lòng trước. Ông Trung bị cuốn hút ngay vào câu chuyện tình của ông Đạt. Có lẽ ông Đạt như cảm đoán, đây là một chuyện tình hi hữu được khơi lại để nhớ cái thời mà cuộc đời đã ban phát cho ông, kí ức bừng tỉnh dậy.

Hóa ra, ngày ấy ông Đạt rất điển trai, cả gia đình làm nghề giáo, nhà có của ăn, của để. Đi chơi với bạn bè ông thường mặc áo cổ cồn trắng sơ vin. Tuổi mười tám đôi mươi của chàng trai trẻ bẻ gãy sừng trâu, làm việc quên mệt từ sáng đến tối. Mỗi buổi tan trường, cô gái lại đến đón về nhà ăn chè đỗ đen. Ông cứ vô tư ngồi ăn rồi thi thoảng giả vờ ngẩng đầu lên để chiêm ngưỡng dung nhan cô gái, nước da trắng bông, đôi tròng mắt thì đen huyền sóng sánh như đong đầy nước, còn cái miệng lúc nào cũng chúm chím như nụ hoa tươi. Ông Đạt vừa đến độ, đang khao khát tình yêu, nhưng đâu dám nhìn công khai cô gái, chỉ giả đò như vô tình đưa mắt liếc qua vụng trộm rồi đêm về tơ tưởng. Từ đấy, cô gái luôn nhìn Đạt với cái nhìn say đắm. Từ ngàn đời nay, khi mà trai gái yêu thương nhau, cái biểu hiện đầu tiên để họ thông báo cho nhau là qua ánh mắt. Cho đến tận lúc này, tuy đã khuất mặt cách lòng, ông vẫn không sao quên nổi ánh mắt của bà khi xưa dành cho mình. Mà tất cả chuyện yêu đương ban đầu chỉ dừng ở đó, ông đời nào dám công khai chuyện tình cảm của riêng mình. Mỗi lần được gần bà người ông lại run lên cầm cập, tâm trí bần thần lơ lửng tận đâu… Kể đến đây, Ông Trung càng thương bạn mình, cuộc đời binh nghiệp, chiến tranh đã cướp đi một phần thân thể của ông cũng như bao người lính khác…

Rồi một ngày… đứa con trai của ông Đạt từ Bình Dương trở về. Sau ba tháng xây dựng nhà cửa trên nền đất cũ, ông Đạt đã có một cơ ngơi tương đối hãnh diện với bạn bè. Ông Trung vừa chân ướt, chân ráo đi thăm con ở trong Nam về tới đầu làng thấy rất ngỡ ngàng, sự đổi thay đã làm ông khựng lại. Căn nhà của cha con ông Đạt đã được đập ra xây mới. Thế này thì mừng cho ông Đạt quá, hẳn là thằng con trai cả đã tu tỉnh quay về chí thú với vợ con, lại còn dành được tiền xây lại căn nhà. Đứa cháu gái trúng tuyển vào học trường Nhạc họa Trung ương - Nó là giọt máu của bà ấy nhỏ lại…

Nguyễn Duy Hiếu

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/chuyen-ve-hai-nguoi-linh-a14283.html