Vợ và con trai của liệt sỹ tàu không số vươn lên từ đau thương

Đến dâng hương liệt sỹ Nguyễn Văn Thị tại Thôn Tư Thế xã Trí Quả, huyện  Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chúng tôi vô cùng phấn khởi, thán phục trước nghị lực và sự vươn lên của vợ, con liệt sỹ Nguyễn Văn Thị, Thợ máy tàu 165 đoàn tàu không số.

vo-con-liet-si-1658877124.jpg

 

Ngôi nhà 3 tầng một tum khang trang, sáng sủa tọa trên khu đất rộng. Chỉ ra phía trước nhà, bà giới thiệu:
- Bên kia là chuồng gà, chuồng lợn. Thời trước covid có lúc các cháu có hàng trăm con gà, mươi con lợn. Tôi già rồi nên vợ chồng cháu Thành làm hết. Cháu vừa đi làm ở công ty vừa chăn nuôi, cấy hái ở nhà.
- Tôi đón cháu bé đang ngồi trên giường.. hỏi:
- Chắt thứ hai đây à bà?
Bà cười, mắt sáng ngời: Con thằng Công đấy. Bây giờ tôi có hai chắt rồi các ông ạ.
Vừa dục con dâu, con trai pha  nước, gọt hoa quả bà vừa nói: 
- Cũng thương chúng nó lắm: Làm việc quần quật suốt ngày, cháu ham công tiếc việc lắm. Bà nựng cháu: 
- Ôi cụ xương, cụ xương, con mẹ mày giờ này vẫn chưa được về cho con ăn đây.
Đêm giao thừa tết Mậu Thân ( ngày 31/1/1968) cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân miền Nam nổ ra. 

vo-con-liet-si1-1658877124.jpg
Hải ảnh trên là là vợ và con liệt sĩ. Ảnh do tác giả cung cấp

 

Bộ tư lệnh Hải Quân nhận được kế hoạch  tuyệt mật" từ Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN gửi tới với nội dung: Bí mật bất ngờ chuyên chở vũ khí đạn dược, thuốc men tiếp tế cho quân dân miền Nam trong chiến dịch Tổng tấn công xuân Mậu Thân.  4 con tàu không số mang bí số:  43, 56, 235 và 165 chất đầy hàng bí mật lên đường. Tàu 165 gồm 18 cán bộ, thủy thủ do thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm chỉ huy. Tàu chở 64 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng Cà Mau.  Đồng chí Nguyễn Văn Thị là Thợ máy của tàu. 
Ngày 29/2/1968 tàu bị 8 tàu chiến và hàng đàn máy bay bao vây với ý đồ bắt sống tàu cộng sản Bắc Việt.  Quyết không để bị địch bắt sống. Chỉ ủy họp, điện về xin ý kiến cấp trên hủy tàu. Tàu165 cùng 18  thủy thủ và 64 tấn vũ khí đạn dược nổ tung, tan thành ngàn mảnh chìm xuống đáy biển Vàm Lũng Cà Mau. Đó là đêm ngày 1/3/1968.
Thợ  máy Nguyễn Văn Thị 
nhập ngũ tháng 2 năm 1960. Cưới vợ năm 1966. Hai năm chưa có con, gia đình rất nóng ruột. Người vợ tìm về đơn vị chồng. Lần đi thăm đó chị đã mang thai. Cháu Nguyễn Văn Thành được sinh ra trong sự vui mừng khôn xiết của họ hàng. Phải 20 ngày sau anh mới được  về tranh thủ thăm vợ.  Nhìn mặt con, bế đứa con còn đỏ hỏn trên tay, ấp con vào lòng, anh cảm thấy hơi ấm của con truyền vào máu anh. 
Khi thằng Thành đã cứng cáp chị bế con về đơn vị thăm anh. Thời gian đó tàu đang lên đốc.  Ở với nhau vài hôm, hai mẹ con trở về nhà. Thật đột ngột, chỉ mấy ngày sau anh lại được về thăm nhà. Bế thằng Thành trên tay anh đi thăm hỏi ông bà, họ hàng khắp xóm. Anh biết thời gian tới, những thử thách khắc nghiệt đang chờ đón các thủy thủ đoàn tàu không số. 
Ở nhà với vợ, con một đêm. Hôm sau anh ôm vợ, hôn con từ biệt bố mẹ, ông bà trở về đơn vị. 
Nhận giấy báo tử của chồng, bà Xuân  quỵ xuống. Lúc đó thằng Thành mới được hai tuổi, bà 25 tuổi.  Bà nhớ lại buổi cuối cùng về thăm nhà, chị bồng đứa con 2 tháng tuổi tiễn anh về đơn vị, chị lau nước mắt bảo: 
- Anh không ở nhà vài ngày ẵm con cho nó quen hơi bố được sao?  Anh áp thân hình gày gò của vợ, ôm chặt đứa con trong lòng nói: 
- Anh phải đi làm nhiệm vụ đặc biệt, không biết khi nào về cả. Việc nhà, chăm lo ông bà, bố mẹ và con mới sinh anh trông cậy vào mình em cả. Em cố gắng nhé! Anh tin em, thương em nhiều. 
Chị nức nở trên bờ vai chồng:
- Anh cứ yên tâm ra đi chiến đấu. Chị linh cảm có điều gì đó đang chờ mẹ con chị. Chị và cả gia đình, hàng xóm đều lờ mờ đoán anh làm niệm vụ cực kỳ bí mặt của Hải Quân vì cán bộ xã phô rằng" Có cán bộ đơn vị về thẩm tra lý lịch, hoàn cảnh gia đình rất kỹ lưỡng" 
Anh đã đi và không bao giờ trở lại. Con tàu 165 bị cả đàn tàu chiến, máy bay Mỹ bao vây, phóng tên lửa, trút đạn như mưa hòng bắt sống con tàu.  Các chiến sỹ trên tàu đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Biết không thể thoát được vòng vây. Chính trị viên họp thống nhất trong cấp ủy, rồi điện về cấp trên xin tự hủy con tàu để bảo vệ bí mật con đường vận chuyển. Một tiếng nổ dậy vang bầu trời và vùng biển ngoài khơi Vàm Lũng. 18 cán bộ chiến sỹ cùng 64 tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men đã tan vụn thành ngàn mảnh, lặng lẽ chìm xuống đáy biển tối đen. Đó là sự hy sinh đau đớn nhất của đoàn tàu không số. Trong 18 thủy thủ đoàn hy sinh có nhiều chiến sỹ chưa biết cổ tay con gái tròn hay méo. 
Chị  dấu chặt đau thương vào lòng, vùi đầu vào việc gia đình và nuôi con. Mỗi đêm tỉnh giấc ngắm nhìn khuôn mặt con trai, nước mắt chị tuôn đầy má chị, má con: 
- Con ơi! Bố con hy sinh rồi, mẹ thương con vô cùng, mẹ sẽ ở vậy nuôi con khôn lớn. 
Thời gian cứ thế trôi qua. Lúa xanh rồi lúa chín, mùa hè rồi mùa thu, sang đông. Cháu Thành lớn lên trong sự yêu thương vô vở của người mẹ trẻ,  bằng những giọt sữa thìa cơm thìa cháo chan đầy nước mắt. 
Năm 1986, Chị lấy vợ cho con trai khi Thành tròn 20 tuổi. Nhờ anh phù hộ, chị đón được cô con dâu thảo hiền, tần tảo như mẹ. Chị và hai vợ chồng cháu Thành lăn lộn với ruộng đồng, chuồng trại chăn nuôi.
Chị cùng hai vợ chồng con làm hàng xáo. Hai con đi chợ cồn, chợ Chẽm mua ngô hột, thồ về. Xay, sàng, giã. Sáng hôm sau lại mang ra chợ bán. Chắt bóp từng đồng chị và hai con đóng gạch, đốt lò được vạn gạch, dự định xây cái nhà vững chãi thay ngôi nhà tranh. Cũng thời gian đó vợ Thành sinh con gái đầu lòng, vui mừng chưa qua thì nỗi buồn ập đến. Cháu mắc bệnh úng não. Hai vợ chồng phải bán cả vạn gach xây nhà và móc những đồng tiền cuối cùng đưa con lên Hà Nội chữa chạy. Tiền hết mà cháu chẳng ở lại với bố mẹ. 
Nguôi ngoai nỗi mất con, vợ chồng Thành lại lao vào làm lụng. Nhờ tính chăm chỉ, nhờ con phù hộ, nghề làm xáo ngô đã cho gia đình khấm khá hẳn lên. Mẹ con cháu Thành xây được ngôi nhà gạch một tầng vững vàng rồi mươi năm sau lại sửa, xây thành ngôi nhà 3 tầng 1 tum  khang trang xinh xắn trên miếng đất của gia đình. 
Cháu Thành luôn tự hào vì bố mình và yêu thương mẹ.  Năm 2011, nhà nước kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, trong bộ phim huyền thoại tàu không số, giọng người thuyết minh da diết nhắc đến tên tuổi 18 cán bộ chiến sỹ tàu 165 đã tự hủy tàu, hy sinh anh dũng tại vùng biển Vàm Lũng Cà Mau.  Mẹ con chị ôm nhau khóc nấc.  Đến hôm đó chị và hàng xóm, họ hàng, con cháu mới biết sự hy sinh anh dũng của anh. Cháu Thành gọi điện về Đài truyền hình Việt Nam, liên hệ với đạo diễn Minh Chuyên,  rồi liên lạc được với Hội truyền thống đường HCM trên biển( hội Tàu không số ). Từ đó gia đình chị được sống trong ngôi nhà chung của các CCB đoàn tàu không số. Nhà nước, nhân dân, đồng đội luôn nhớ đến mẹ con chị. Ngày TBLS, ngày truyền thống đoàn tàu không số 23/10 hàng năm, ngày thành lập quân đội NDVN 22/12, ngày  tết âm lịch,  chính quyền địa phương và đồng đội đều đến dâng hương và thăm hỏi gia đình bà. Bà và cháu Thành được mời tham gia nhiều chương trình giao lưu uống nước nhớ nguồn. 
Năm nay kỷ niệm 75 năm ngày TBLS Hội tàu không số TP Hà Nội, chúng tôi thay mặt Hội tàu không số Việt Nam đến dâng hương cho liệt sỹ Nguyễn Văn Thị và thăm hỏi thân nhân gia đình liệt sỹ. Bà cười trong nước mắt:
- Nhờ đảng, nhà nước, Hải Quân và các chú trong hội Tàu không số mà gia đình tôi không cô đơn. Thắp nén nhang trên bàn thờ chồng bà khấn:
- Ông ơi! Ông sống khôn chết thiêng hãy về chứng kiến sự thật này:  Nhờ ông phù hộ cho gia đình, tôi và các con, các cháu đã có cuộc sống đầy đủ, có nhà cao cửa rộng. Thóc lúa đầy nhà, lợn gà đầy trại. Các cháu nội đều có việc làm. Ông đã có chắt rồi ông nhé, chắt nội giống ông lắm ông ơi! 
Bà Xuân và vợ chồng con trai Nguyễn Văn Thành là tấm gương tiêu biểu vượt qua đau thương, vượt qua vất vả vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Một tấm gương sáng trong Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên Biển. 
Chúng tôi cùng nhau vái liệt sỹ và cầu mong anh luôn phù hộ độ trì cho vợ, con, cháu, chắt luôn khỏe mạnh, bình an.

Trái tim người lính

Tong Hong Quan

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/vo-va-con-trai-cua-liet-sy-tau-khong-so-vuon-len-tu-dau-thuong-a14308.html