Tấm ảnh bà nội (Tiếp theo và hết)

Hồi ấy bà nội vẫn hăng hái lao vào công tác. Giờ nghĩ lại, hồi mới hòa bình ấy, bà mới ở vào đầu độ tuổi năm mươi. Sức còn dẻo dai, còn đầy trí lực và tâm huyết. Có điều, bà làm gì cũng nếu không hỏng thì lại mắc tai bay vạ gió. Và cũng lạ, dường như lúc nào bà cũng được cứu giúp, hay có quý nhân phù trợ, như người đời vẫn nói.

ch1dvh2a-1660094947.jpg
Chú thích ảnh

 

Nhớ một chuyện thời ấy, khi gia đình tôi đang ở 5 Đinh Lễ (mà tôi vẫn tưởng con phố mang tên Đinh Lê, vì bảng tên phố viết thế), nhiều đêm ngủ rồi vẫn nghe tiếng bố và bà tranh luận thì thào. Đâu như bà bảo, dân đang sôi nổi lắm, phải về Phúc Yên thôi. Hồi ấy chú Kỷ chưa về Hà Nội, mình bố tôi không giữ nổi bà ở lại. Kết quả là bà vừa về thì lập tức bị công an bắt. Vì một lỗi cực ngớ ngẩn, bà viết khẩu hiệu, do ít chữ, Hồ Chủ Tịch viết thành “Hồ Chú Tịt.” Đó chỉ là cái cớ, nghe họ gọi bà nội tôi là “con mẹ địa chủ gộc.” Dù từ lâu trước đó, theo chủ trương được trên quán triệt, bà đã hiến hết ruộng đất rồi.

Trong nhà giam, nhớ con bà viết thư trải lòng với chú Kỷ, em ruột duy nhất của bố tôi. Thư chú gửi về bị công an thu giữ rồi bảo, “A, con mẹ địa chủ này có con chui sâu leo cao gớm.” Rút cục, chú đang học phi công khóa đầu tại Trung Quốc cùng ông Đào Đình Luyện bỗng bị gọi về. Cũng may, chú không về thẳng Hà Nội, mà vừa đến Lào Cai đã lập tức lao vào tiễu phỉ trên vùng biên ải ấy. Đến năm 1956, khi đã qua đi cơn bão tố Cải cách, mà có người ví như chỉ có trong chuyện Liêu trai chí dị, chú mới về. Thế nên thoát.

Nhìn chung nhà tôi đâu đến nỗi như gia đình cụ Nguyễn Thị Năm (hay Cát Hanh Long), một người ở góa nuôi con như bà. Nghe nói hồi kháng chiến bà Năm từng đã nuôi cả Trung ương lẫn đại đoàn (sau là sư đoàn) 308. Nhà bà, bản thân bà bị xử bắn, con cái đều liên lụy nặng. Cả người con đang làm trung đoàn trưởng một trung đoàn thuộc 308 cũng bị lôi về, đày ải khốn khổ. Hàng chục năm sau gia đình mới hết hàm oan. Nghe bảo, cái Cải cách ấy do cố vấn Trung Quốc đích thân chỉ đạo. Và vụ cụ Năm họ đã chỉ đích danh, coi là án đột phá.

Vậy nhưng trong nhà, bà là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của trận cuồng phong Cải cách. Có điều, dẫu bị giam cầm khổ sở nhưng bà vẫn được xung quanh hết lòng chăm sóc. Có người đang đêm lén ném cho nắm cơm. Bà kể, hôm sau ra ngoài mới biết. Riêng có bà Hai Bào, mẹ bác Khắc Minh bạn bố, dù bị hù dọa đủ điều vẫn đều đều tiếp tế cho bà. Còn bảo, bà cụ đã tham gia cướp chính quyền tỉnh nhà, công to lắm, cả tỉnh ai chả biết.

Phải đến khi sửa sai, bố tôi mới tranh thủ lên Phúc Yên, nhờ ông Kim Ngọc bí thư tỉnh lúc bấy giờ giúp, đưa được bà về. Bà nội ra tù, còn ở lại nhà cụ Minh (anh họ bà) trên ấp Hiền Lương, một ấp do cụ Cai bà (mẹ của bà nội) khai phá khi xưa, cũng trên đất Phúc Yên. Sau nghe cụ Minh kể, “Cụ nhà kêu nóng lắm. Chỉ cởi trần, su su ăn thay cơm. Hàng tháng.”

Rồi sau thấy bà nội về làm tại một cơ sở tư nhân, gọi là Hợp Thành. Cụ muốn tham gia sản xuất, với cái lí phải cho “tài hóa lưu thông” mới được, như đã học trong chỉnh huấn xưa. Nơi bà làm tít tận chợ Bưởi. Nhớ có lần mấy mẹ con lếch thếch đi xe điện lên thăm. Đến hết ga cuối còn cuốc bộ một đỗi dài. Thấy bà đang dệt màn, thứ màn vải xô như phát cho bộ đội sau này. Bà nội góp vào đấy mấy cây vàng, những cây cuối cùng. Xưởng phá sản, số vàng mất cả vào đấy. Bà đi kiện. Nghe người ta nhỏ to, mấy mụ tư sản cắn nhá nhau í mà. Hơi đâu mà xử. Lúc ấy ở Miền Bắc đã bắt đầu cải tạo công thương.

Trong kháng chiến, nghe theo Đảng, bà nội không chỉ hiến hết ruộng đất của mình, mà còn góp hàng tấn thóc tô, đã thu trước đó. Bà cũng nộp đồng tiền vàng được chính quyền Việt Minh trao tặng hồi khởi nghĩa 1945, lấy một đồng tiền mạ vàng nhẹ hơn nhiều, và đâu như một ít công trái. Tổng cộng, được một xấp công trái dày tày gang, sau hòa bình đưa chú Kỷ đem đến ngân hàng. Số tiền nhà nước chi trả chỉ đủ mua một chiếc mô tô. Có nhẽ đó là chiếc mô tô đầu tiên của chú. Đến khi chú lấy vợ, cô Hà của chúng tôi, chiếc xe vẫn còn. Nó được chú dùng để đi săn bắn. Và dường như cuộc đời chú gắn với môn thể thao mô tô từ đấy.

Có dạo, bà nội làm ở hợp tác xã mua bán trên tận Cầu Xây, Phúc Yên. Hồi ấy, tôi theo bà mang lưỡi cuốc lưỡi cày và những nông cụ khác về Hương Gia, quê ngoại. Vẫn nhớ, đêm ấy trăng sáng, trời trong veo. Thế mà đến sáng mưa đổ ngập trời. Dù vậy dân vẫn nao nức đến mua hàng. Sau chẳng hiểu vì sao, bà không làm ở nơi này nữa. Thay vào đó, thấy bà về làng Cói ở với cụ Cả. Bảo, để tham gia công tác ở quê nhà. Rồi chả hiểu sao, nghe bà làm phân rác, chả may làm cháy một chiếc chuồng trâu. Phải đền, mà nào đã xong. Thế là bà đành phải về lại Hà thành ở với bố tôi, trai lớn bà không mấy ưa, vì nói năng không khéo.

Phải thừa nhận, dù luôn bị hỏng việc, dù gặp toàn trái ngang với oan trái thế, bà nội tôi vẫn tin tưởng sắt son ở Bác, ở Đảng. Đảng ta, với những trái tim đầy nhiệt huyết và chân thành, như những con người trong “hội kín” của ông nội từ thuở còn trứng nước. Em trai tôi vẫn nhớ, chú Kỷ tôi có cách chỉ đường lạ đời. “Đến phố ấy, thấy nhà nào có cờ đỏ sao vàng treo cao, cứ vào hỏi chắc chắn là nhà bà cụ.” Trước đấy, khi còn tại nơi giam giữ, một đêm bà đã mơ gặp Bác Hồ, mà bà vẫn biết chính là cụ Nguyễn Ái Quốc xưa. Bác an ủi, “Tôi hiểu hết nỗi oan khuất của cô rồi.” Thế là từ hôm ấy, bà nội tỉnh táo hẳn. Chả bao lâu, bố tôi đến, đón bà ra khỏi trại giam.

Một điều khá lạ, ngoài nhà tôi bức ảnh này của bà còn được lưu giữ tại không ít những nơi khác. Một trong số đó là nhà ông Trọng, tác giả của không ít chuyện thiếu nhi tôi từng đọc hồi còn thơ ấu. Ông cho biết, ông bằng tuổi bố tôi, từ hồi Pháp thuộc ông đã ở nhà bà nội, được bà nuôi dưỡng và cho đi học cùng bố, tại trường Albert Sarraud Hà Nội. Em trai ông, tôi gặp ở Đình Bảng, cũng giữ tôi lại, nhắc mãi những câu chuyện về bà từ ngày xưa ấy. Nhất là chuyện bà chăm sóc cho cháu con những người đang gặp khó khăn, đói khổ. Trong số đó có bác Tiếu trong họ tôi, và anh em ông, những người khác họ.

Bà nội tôi mất vào năm 1980, khi non sông đã liền một giải, em trai tôi đi bộ đội đã được về nhà đi học. Bà mất tại một căn hộ phố Trương Định mang tên bà, dưới danh nghĩa được nhà nước ta cấp. Hôm ấy, em Hoàn con chú Kỷ đến thăm, thấy bà đang tắm. Trời nóng. Khi ra ngoài, bà vui vẻ lấy hoa quả cho em, hôm ấy đúng rằm tháng bẩy ta. Chợt bà ngã nhoài ra, rồi bằn bặt thiếp đi. Bố mẹ tôi vội đưa vào khoa cấp cứu A9 của bệnh viện Bạch Mai. Song bà không bao giờ tỉnh lại nữa.

Sự ra đi của bà dẫn đến một sự kiện, đúng hơn một công trình tại bệnh viện Bạch Mai, giờ vẫn còn. Số là khi được báo tin bà nội tôi, cụ Phạm Văn Đồng bảo, sẽ đến viếng. Nghe tin ấy, viện trưởng vội cầu cứu thành phố, xin làm gấp một con đường trong viện, kẻo xấu mặt cả bệnh viện lẫn Hà Nội. Chỉ một đêm, con đường khấp khổm vốn chỉ dành cho xe tải và xe tang đã biến thành một con đường mới. Rộng rãi, nhựa tráng phẳng lì. Bệnh nhân kháo nhau, có bà cụ nào mất trong viện mà đến nỗi thủ tướng phải vào viếng, và dân được một con đường thật là đẹp.

Sau này, mẹ tôi cũng vào điều trị rồi cũng ra đi từ khoa A9 của Bạch Mai như bà nội. Và bên con đường mới ấy, chỗ khoa lây cũ đã mọc lên một khu điều trị cao tầng khang trang. Đâu như năm 2016, bố tôi từng nằm tại đấy khi phải chạy thận lọc máu cấp cứu. Nhớ hôm vào trông bố, anh em tôi đã từ trên tầng cao nhìn xuống con đường xưa, nay xe cộ và người lại qua nhộn nhịp suốt đêm ngày.

Cuộc đời bà nội tôi sao gợi nhớ đến thế bài thơ vịnh chiếc bánh trôi của một nữ sĩ nổi tiếng, nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Cứ như những câu chữ “ba chìm bảy nổi với nước non,” mà rút cục “vẫn giữ tấm lòng son,” đã được đúc rút ra chính từ cuộc đời bà. Một tấm lòng thủy chung sắt son với Đảng, với Bác Hồ, với đồng bào đồng chí và non sông đất nước Việt Nam trăm dấu ngàn yêu này.

Hồi em út tôi, Hải Bằng còn nhỏ, em đã nghịch ngợm bóc hết ảnh trong an bom gia đình, để lấy cuốn sách đem chơi. Tưởng bức ảnh đã mất. Sau mới hay, bức ảnh đó được em thứ ba, Hòa Bình cất giữ cẩn trọng. Sắp giỗ bà nội rồi, đúng rằm tháng bẩy âm, viết vài dòng tưởng nhớ bà. Tưởng nhớ cuộc đời đầy chìm nổi, chen lẫn nỗi buồn da diết với niềm vui vỡ òa. Nhớ hình ảnh bà nội lúc sinh thời, với chiếc áo chàm, chiếc tay nải bạc màu, và đôi hài sảo đầy bụi bặm dưới chân, nhẹ bước trên triền đê cỏ xanh trải dài tít tắp. Như đến tận chân trời.

08/08/2022

Trịnh Xuân Tiến

Ảnh lưu trữ của gia đình

Bà nội và ảnh đại gia đình

BỨC ẢNH ĐẠI GIA ĐÌNH

Đây là bức ảnh bà nội tôi chụp với cả một đại gia đình. Trước hết đó là gia đình bác Khuê, con cụ Cả Tân, gồm bác và hai người con trai, anh Nam và anh Tú. Thứ hai là chị bé Thủy, đại diện cho gia đình bác Lã tôi, cũng là con gái cụ Cả. Và ba là gia đình tôi, chủ nhà, gồm bà nội, bố mẹ tôi, và ba anh em Tiến, Dũng (Triển), Bằng. Lúc đó, em trai thứ ba Trịnh Hòa Bình còn đang chiến đấu trong Miền Nam, chưa ra.

Bức ảnh được chụp khi gia đình chúng tôi còn ở số 1 phố Trần Khánh Dư, một con phố nằm sát đê sông Hồng. Căn phòng rộng tới gần 40 mét vuông, có hai cửa sổ nhìn ra bờ đê, và xa nữa là dòng sông nước dường như bao giờ cũng đỏ sậm phù sa. Và xa hơn nữa, có thể thấy được những chiếc máy bay cất hạ cánh từ sân bay Gia Lâm phía bên kia sông.

Trong những năm sơ tán, đây là nơi lại qua liên hệ cũng như cư trú tạm thời của những người thân quen với gia đình tôi, như bác Khuê và chú Kỷ. Trong số những người hay cư ngụ tại đây có bác Khuê. Còn chú Kỷ, trong một lần về qua, đã được dịp đưa mẹ tôi đi đẻ ông em út tôi, Trịnh Hải Bằng. Sau đó, Hải Bằng còn được bác Khuê đem bó hoa hồng to tướng đến đón về. Cũng là có duyên.

Bởi thế, với chúng tôi bức ảnh gần như có mặt cả đại gia đình sau ngày non sông liền một dải, với sự có mặt của bà nội tại địa chỉ này là một kỉ niệm khó nhạt phai. Của cả một thời đạn bom và li tán, đã xa.

(Hết)

Trái tim người lính

Trịnh Xuân Tiến

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/tam-anh-ba-noi-tiep-theo-va-het-a14586.html