Nhớ về Lương Thịnh

Lương Thịnh là một xã miền núi thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, là quê của Hoàng Quân - bạn đồng ngũ với tôi.

luong-thinh-1660207040.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Những năm ở Yên Bái, thỉnh thoảng tôi thường vượt bến Âu Lâu, có lần vượt Ngòi Lâu sang Lương Thịnh thăm gia đình Quân (Quân công tác ở một đơn vị vận tải của quân chủng Phòng không - Không quân đóng quân ở Hà Nội). Khi chưa có cầu Yên Bái đi Nghĩa Lộ, Văn Chấn thì quãng đường từ thị xã (thành phố) Yên Bái sang Lương Thịnh là 9 ki lô mét, đường đi nhiều đoạn vắng vẻ đến rợn người. Thông thường, tôi đạp xe đi một mình. Hãn hữu lắm tôi mới rủ được bạn đi chơi cùng, vì ai nể lắm mới đi chứ không ai thích đạp xe đường dài vào nơi rừng xanh núi đỏ ấy. 
Bến Âu Lâu (hay bến phà Âu Lâu) là một địa danh nổi tiếng ở Yên Bái, nó nằm trên địa bàn xã Âu Lâu và phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái. Năm 2012, nó đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Bến Âu Lâu gắn với nhiều sự kiện trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam ta; đặc biệt là nó đã góp phần quan trọng trong việc vận chuyển cán bộ, bộ đội, dân công, vũ khí trang bị, lương thực… cho các chiến dịch lớn thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mở đường cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng Năm năm 1954. Mùa nước lên thì tôi đi phà; mùa nước cạn thì có cầu phao để qua sông. 
Nhớ mùng 4 tết năm Tân Mùi 1991, chú Bùi Xuân Huy ở Tuyên Quang sang chơi với em họ là Bùi Xuân Hải. Huy muốn đi chơi và tôi lại đang có ý định sang Lương Thịnh nên Hải bảo tôi rủ Huy đi chơi cùng. Quá trưa, tôi và Huy đạp xe đi. Trời Yên Bái hơi mù dù đã sang Xuân. Đường ngày Tết đỡ hiu quạnh hơn những ngày bình thường. Vì không hẹn trước được nên khi chúng tôi sang đến nơi thì Quân không có ở nhà. Quân về nghỉ tết và hôm đó đang đi chúc tết nhà ông bác cách nhà Quân "vài con dao quăng", chờ Quân về thì đã 4 giờ chiều. Gia đình Quân giữ chúng tôi ở lại ăn cơm. Rượu miền núi, thịt nướng, canh măng lưỡi lợn… và lâu ngày không gặp lại nhau nên chúng tôi lai rai mãi tối mới tàn. Tôi và Huy đạp xe về, "mưa xuân phơi phới bay", nhiều đoạn đường ướt át toàn bùn đất. Về đến trước nhà may Lan ở xã Nam Cường, Yên Bái, cách đơn vị khoảng 2 ki lô mét thì xe tôi bỗng dưng mất lái, tôi ngã lộn mèo rồi dựng xe đạp tiếp. Về kiểm tra, chiếc áo bông chiến sỹ (sỹ quan nghèo, lấy áo bông chiến sỹ mặc thay áo khoác) lấm một chút ở cẳng tay bên phải. Huy bảo: "Anh lộn giỏi thế, lấm có một chút". Tôi đùa: "Chuyện. Anh có nghề mà”.
Từ ngày đó chưa bao giờ gặp lại Huy, nhưng gần đây, qua mạng xã hội, tôi biết, sau nhiều năm lăn lộn trong cuộc sống, nay Huy bán dụng cụ thể thao ở Hà Nội trong đó có bóng chuyền hơi Anh Huy...
Một lần khác, tôi rủ thằng bạn Nguyễn Văn Thắng đi chơi cùng. Lần đó, khi đi qua ngòi Lâu, hai thằng phải lên một cái mảng làm bằng vài cây luồng khô, người dân làm dịch vụ (cầu Yên Bái đã thông tháng 12 năm 1992 nhưng cách khoảng 5 ki lô mét thì chưa có cầu qua ngòi), sợ phát khiếp vì tôi không biết bơi. Sang đến bờ bên kia, tôi thở phào nhẹ nhõm, biết là đã sống. Thấy Thắng mặt căng thẳng, hỏi ra mới biết cậu ấy cũng không biết bơi. Thắng là dân Hà Tây (cũ). Lần đó, rút kinh nghiệm, chúng tôi không về quá muộn nữa...
Sau này, do điều kiện khó khăn về thời gian, tôi ít có dịp sang thăm gia đình Quân nữa. Một lần, khoảng năm 1998, tôi qua chơi thì thấy nhiều nhà dân đã chuyển ra mặt đường nhựa. Cuộc sống vùng đất này đã đông đúc hơn, một số quán sá mọc lên cung cấp hàng hoá thiết yếu cho bà con trong thôn bản…
Cuối năm 2014, đập chứa bùn số 3 Nhà máy tuyển quặng sắt của Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc bị vỡ, làm nhiều lúa, hoa màu,...của xã Lương Thịnh bị ngập, may không có thiệt hại về người.
Ngày 25 tháng 4 năm 2015, VTV1 đưa tin: Bể chứa chất thải của một Công ty khoáng sản ở Yên Bái bị vỡ, tràn ngập đất ruộng của dân. Dân yêu cầu trả lại hiện trạng, chính quyền thu hồi đất cho công ty làm bãi thải. Còn hai bể chứa nữa đang nứt nẻ...   
Từ đó đến nay, tôi không có điều kiện quay lại hỏi thăm tình hình Trấn Yên, không biết đến nay các bể chứa khắc phục tốt chưa?
Hy vọng rằng, nhân dân Lương Thịnh, nhân dân Trấn Yên và các nhân dân các dân tộc Yên Bái dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ có cuộc sống khấm khá hơn.
Lần gần đây nhất tôi đến Lương Thịnh một ngày đông lạnh (cuối 2015 hoặc đầu 2016), mấy chú em của Quân đã ra cả mặt đường nhựa, có nhà riêng cả, cuộc sống cũng ổn định...
Nếu có dịp về lại Yên Bái, có thời gian tôi sẽ đến thăm vùng lòng chảo Lương Thịnh.

Chuyện làng quê
 

Nguyễn Hưng 

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/nho-ve-luong-thinh-a14619.html