Cô Xoan

Cô Xoan là con dâu bà Bắc. Cô về nhà bà mới được hơn hai năm. Chồng cô là bộ đội, làm ở sân bay quân sự, lâu lắm mới được về nhà một lần. Nhớ chồng, cô hay đem thư của chồng ra đọc, có khi rủ cả cô bé nhà hàng xóm đọc cùng. 

co-xoan-1663476095.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Đêm đêm cô ru con ngủ, hát những bài hát ru buồn vời vợi. Tiếng ru ấm áp, ngọt ngào vang trong đêm thanh vắng, thỉnh thoảng điểm vào đó là những tiếng u ơ, hị hị của đứa trẻ.
   À ơi, Cái cò đi đón cơn mưa
   Tối tăm mù mịt, ai đưa cò về
   Cò về thăm quán, thăm quê
   Thăm cha, thăm mẹ, cò về thăm anh.

Tiếng ru của cô cứ nhỏ dần, nhỏ dần, chìm vào trong đêm thâu. Đó là lúc thằng bé con đã ngủ hẳn. Nhưng thời chiến đâu có đêm nào được ngủ yên. Cứ có kẻng báo động là mọi người trong nhà lao ra hầm hết, ai cũng ngồi xổm, bịt tai, nghe tiếng máy bay gầm rít và chờ đợi bom nổ. Sát sân nhà, gần mấy gốc chuối có cái hầm chữ A, chỉ cần chạy qua sân là tới. Một lần con cô Xoan ốm, khóc èo ẹo cả đêm. Máy bay địch bắn phá, thả bom trong xóm đến ba lần, cô Xoan ôm con chạy được một lần đầu. Lần sau mặc cho máy bay quần thảo, gầm rú trên đầu, mặc tiếng bom đạn ầm ĩ, tiếng thét gọi và giục giã của mọi người vọng qua sân, cô vẫn cứ nằm ôm con ngủ.

Người thì trách cô liều mạng sống của hai mẹ con, người thì lo cô trông con mệt quá, ngủ say không biết có máy bay địch đến. Lo vậy nhưng không ai dám chạy lên nhà gọi cô, vì cả ngôi nhà và khoảng sân sáng rực trong ánh pháo sáng, ánh đèn máy bay và đạn lửa loang loáng trên đầu. Máy bay đi rồi, nghe mẹ chồng trách, cô nói vì mệt, ngủ say quá chạy không kịp nên thôi, sống chết có số, với lại cũng buồn ngủ quá. Đêm đó may nhà cô không trúng bom, nhưng cách đó hai nhà thì một mảnh máy bay lớn làm sạt cái chuồng trâu, con trâu bị thương nặng phải đem làm thịt còn ngôi nhà đầu xóm bị trúng bom, người trong nhà chết hết.

Cô Xoan thường xuyên mặc cái áo sơ mi màu xanh sĩ lâm, chiết eo bó sát thân hình tròn lẳn. Đó là màu áo thanh niên thời chiến hay dùng, vừa dễ nguỵ trang vừa dễ giặt vì thời ấy không có nhiều xà phòng, áo lấm bùn đất rất dễ bị ố vàng. Mỗi khi cô đi làm đồng về, chiếc áo dán chặt vào cái thân hình săn chắc, sẫm mồ hôi và loang những vệt muối đã khô trắng, hai bên ngực áo nhô cao sờn vải cũng trắng lên.

Bước chân về đến nhà, quăng đôi quang gánh ra sân giếng là cô tháo đôi xà cạp**, múc vội mấy gầu nước, vừa tu mấy ngụm vừa dội ào ào lên người cho mát. Rồi cô dội mấy gầu nước vào cái giỏ để trong quang gánh, vừa dội vừa xóc xóc cho sạch, đoạn quày quả chạy vào bếp lấy ra cái niêu, dốc giỏ, đổ hết đám cua cá to nhỏ, lộn xộn mà cô tranh thủ bắt được trong lúc làm đồng vào đó, đổ tương, cắt mấy lát giềng vào rồi treo lên tường bếp và nhóm lửa nấu cơm. Lũ cua cá quẫy xành xạch trong niêu, có khi làm vênh cả cái vung, đặt lên bếp rồi vẫn nghe chúng quẫy. Vừa đắp rơm và trấu để vùi nồi cơm, nồi cá xong cô chạy ra hái rau để nấu canh rồi bắc nồi cám cho lợn. Cô cứ thoăn thoắt chạy ra chạy vào như con thoi. Thoáng một cái cơm canh đã xong, trong niêu những con cá cong mình, thơm nức. Thằng cu con nhà cô Xoan rất thích món đó, mới hai tuổi nó đã biết nhằn xương những con cá bé tí như ngón tay. Nó chưa bao giờ lèo nhèo quấy mẹ mà cứ tha thẩn chơi với mấy cái que hay trêu con chó, con mèo. Chỉ khi mẹ nó dọn dẹp, tắm táp thay quần áo xong thì nó mới đánh đu lên người mẹ mà bi bô đủ thứ chuyện. Đúng là hoàn cảnh giúp rèn luyện con người từ khi còn non nớt nên những đứa trẻ cũng sớm hiểu chuyện hơn.

Buổi chiều cô Xoan làm đủ thứ việc. Khi thì chặt tre, chẻ lạt, đan các thứ rổ rá, thúng mủng, cuối tuần gom lại hun trấu cho nâu bóng để đem ra chợ phiên bán, khi thì cuốc đất trồng rau trồng chuối ngoài vườn. Rồi băm rau lang, thân chuối, ủ nồi cám lợn, gơ* mấy luống khoai, trồng thêm mấy cây sắn. Lúc nào gương mặt cô cũng đỏ bừng và óng ánh mồ hôi. Cơm tối xong một lúc thì cô may vá hoặc xay lúa, giã gạo. Dưới bếp tối đen, chỉ có ngọn đèn dầu vặn nhỏ tù mù làm bạn, cô cứ quay tay cối đều đều không ngừng nghỉ, vừa quay vừa phì phò thở, không biết cô nghĩ những gì lúc đó. Có thể cô đang nghĩ đến những công việc của ngày mai, cũng có thể cô đang nhớ tới người chồng của mình ở nơi chiến trường xa tít. Khi nào giã gạo cô mới rủ được thêm cô bé hàng xóm giã cùng. Một tay níu vòng dây buông từ trên mái xuống làm điểm tựa cho vững, một tay phe phẩy cái quạt, cô nhún chân đạp vào cần cối. Hai cô cháu trò chuyện vui vẻ trong tiếng cối thình thịch đều đều. Thi thoảng cô lại chạy lên đảo lúa cho đều.

Chỉ được một lúc, cô bé con vừa nóng vừa mỏi chân, nó bỏ ra ngồi cạnh đó để nghe cô tâm sự. Cô bé đang tuổi lớn, chưa hiểu hết những gì cô Xoan nói, nhưng nó cũng biết là cô đang rất nhớ chồng. Cô rất hay kể về chồng mình. Chồng cô cao to, đẹp trai và rất hiền. Cô bé đã mấy lần được đọc thư của chú ấy gửi cho cô Xoan. Thư nào chú cũng động viên cô hăng say sản xuất, giữ gìn sức khoẻ, chăm sóc bố mẹ và con thay chú. Cuối thư bao giờ cũng có chữ “thương yêu em và con” cùng hình chiếc máy bay đang cất cánh có kí tên chú trên đó. Cô Xoan cất những lá thư đó trong ngăn kéo bàn, mỗi khi nhớ chú lại đem ra đọc đến thuộc lòng.

Mỗi khi vào mùa gặt, cô Xoan đi cắt lúa, gánh về những gánh lúa đầy, nặng đến mức đòn gánh rung lên kẽo kẹt theo từng bước chân. Cả khoảnh sân ngồn ngộn thóc lúa. Cô Xoan kê ngược cái cối đá lớn ở góc sân để đập thóc. Quấn cái néo quanh lượm lúa, cô vung lên hạ xuống, đập liên hồi xuống cối, thóc bay rào rào, tung toé, văng hết lên đầu, lên mặt cô. Vì vậy, cô luôn phải quấn cái khăn che kín mít, chỉ hở mỗi đôi mắt lúc nào cũng nheo nheo để tránh bị thóc bắn vào. Trong làng đã có người hỏng mắt vì bị thóc bắn. Không ai giúp được cô trong công việc nặng nhọc và nguy hiểm này. Bà nội đã hơn tám mươi tuổi, chỉ quanh quẩn quét sân, dồn rơm lại.

Mẹ chồng cô thì vừa lo bếp núc, lợn gà, vừa trông hai đứa con và thằng cu cháu cho chúng nó khỏi nhào vào chơi trong đống lúa. Những ngày sau thì cô phơi lúa, bất kể trưa, chiều nắng gắt, cứ mỗi một tiếng cô lại ra sân, vừa đi vừa kéo lê bàn chân sát trên nền gạch để đảo cho lúa khô đều. Sân gạch nóng rẫy, những hạt thóc rậm và nhọn hoắt đâm vào đôi  chân trần của cô bỏng rát. Đôi chân ấy đã chai sạn vì đường đất, vì những ngày đi lúa bỏng chân, vì lội bùn, trèo cây hái quả… Mỗi ngày cô chỉ có hai lần đi dép, đó là lúc rửa chân lên giường ngủ vào buổi trưa và buổi tối. Đôi tay cũng dày lên, cứng cáp, chai sần vì muôn ngàn thứ việc có tên và không tên. Cô làm tất cả mọi việc cần đến sức mạnh của những người đàn ông và tất cả những việc cần sự nhẫn nại, tỉ mỉ, đầy yêu thương của những người đàn bà. Với những người con gái quê thời chiến như cô, đó là điều đương nhiên không thể khác.

Những người phụ nữ thôn quê ấy cứ sống một cuộc đời giản dị và đầy hi sinh như vậy. Họ mạnh mẽ và an nhiên như những cây hoa dại vẫn vươn lên trong gió táp mưa sa, lặng lẽ tô điểm cho cuộc đời này. Họ là những nữ anh hùng thầm lặng trong cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc, là hậu phương vững mạnh của những người cha, người chồng nơi tiền tuyến. Họ là những người chưa bao giờ được đeo huân huy chương nhưng thật đáng ngưỡng mộ.

* Gơ: cắt dây hay củ khoai làm giống để trồng tiếp.
** Xà cạp: tấm vải dày hình tam giác, thời trước hay dùng để quấn quanh bắp chân khi đi làm đồng, bảo vệ chân khỏi bị đỉa hay rắn cắn.

Chuyện làng quê

 

Thanh Nga

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/co-xoan-a15309.html