Sao không trao nhau yêu thương

Hai ông bà dắt nhau ra tòa ly hôn. Ông tầm 55 tuổi, bà cũng ngoài 50 rồi. Họ có với nhau hai mặt con đủ trai gái, đứa con gái út cũng vừa lập gia thất xong.

trao-nhau-yeu-thuong-1663663243.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Bên ngoài nhìn vào họ là gia đình chuẩn mực, tuy không giàu có nhưng ổn và đủ đầy. Hai người đều là công viên chức sắp đến tuổi hưu nhưng trông họ còn cứng cáp, khỏe khoắn và nhanh nhẹn. Tòa nhìn họ cũng thầm tiếc gia đình chỉn chu vậy mà sắp tan vỡ. Tòa hỏi:
- Ông bà không ai tằng tịu, có tình nhân bên ngoài, không có lý do chính đáng sao lại đòi ly dị. Từng này tuổi, cũng sắp hưu rồi, hòa giải sống vui phần đời còn lại, con cháu mỹ mãn vậy mà, căn cớ chi...
Bà ngắt ngang lời tòa:
- Tôi hết chịu nổi thằng cha này rồi. Tôi biết vậy ngày xưa không thèm lấy đâu!
- Tôi cũng biết bà vậy nỏ thèm yêu chứ đừng hòng mà nói lấy.
Tòa gõ búa, ra hiệu yên lặng
- Lấy nhau 30 năm rồi lại trở chứng đòi chia tay sao không đòi sớm hơn để còn thời gian mà làm lại từ đầu để đến hôm nay...
- Tòa không ở vào hoàn cảnh tòa không hiểu đâu! 
Bà gằn giọng rồi tiếp một hơi dài:
- Lấy nhau 30 năm nào có hiểu bao nhiêu, sáng dắt xe đi làm, chiều về lu bu việc nhà, ngủ với nhau, đẻ nuôi con vất vả, lâu lâu ổng nghỉ phép, tôi đi làm, ổng làm tôi nghỉ, tết nhứt mấy ngày lo cúng kính.... thời gian đâu mà hiểu nhau...
Tòa chen ngang:
- Ai cũng vậy mà, có công ăn việc làm, con cái ngoan... hạnh phúc rồi, phải biết tận hưởng chứ!
Ông nghe nóng ruột xổ một tràng:
- Ở nhà trong gần hai năm giãn cách dịch covid tôi hiểu ra là mình chọn nhầm người rồi, bao nhiêu thói hư tật xấu của bà lộ ra hết, giỏi che giấu quá ha...
Bà nổi xung:
- Tôi cũng bạc phước lấy cha mắc dịch này vừa lười, vừa cộc tính, ăn no nằm dài như lợn... may mà nhờ đợt dịch ở nhà chung thời gian mới hiểu hết bản chất ông rồi...
Tòa nhìn phân vân quá, nghĩ thầm sao giống mụ vợ ở nhà mình thiệt, may mà mình xung phong đi chống dịch né được mụ không thì...
Như hiểu ra bản chất vụ việc, tòa trầm ngâm:
- Tôi hiểu anh chị thời gian gần nhau của vợ chồng nhiều quá không hay nhưng cũng do dịch bệnh thôi, nay đã hết dịch rồi, bước vào bình thường thì mọi việc sẽ lại như trước thôi. Chúng ta không vì mình cũng vì con cái, thời gian còn lại bao nhiêu đâu...
Cả hai đồng thanh:
- Chúng tôi nhất định chia tay không chịu được nữa vì sắp hưu rồi mà ai cũng khỏe mạnh thế này là còn tra tấn nhau nhiều năm nữa sao chịu nổi, nhất định chia tay, nhất định chia tay...
Tòa nhìn ngơ ngác, không ngờ họ quyết liệt nhau đến vậy. Ông chùng xuống:
- Bản thân vợ chồng tôi cũng không khác anh chị, chịu tra tấn nhau trong đợt dịch ghê lắm, nhiều lúc nghĩ mình chết quách trong dịch cho rảnh của đời nhưng mà nhìn họ đưa nhau về bằng hũ tro cốt mới thấy quí giá trị cuộc sống và bỏ qua cho nhau, thương nhau hơn, mình còn đủ cặp là quí quá rồi. 
Hai ông bà nhìn nhau ngập ngừng:
- Nhưng chúng tôi...
Tòa cắt ngang:
- Không nhưng nhị gì hết, chuyện ly hôn không chính đáng. Vợ chồng về ai lo công việc nấy. Khi nghỉ hưu thấy không ổn thì hẵng ra tòa chưa muộn. Bãi tòa!!!
Họ ngập ngừng ra về mỗi người mỗi xe mà coi bộ còn phân vân ấm ức lắm.
Bẵng đi thời gian hơn một năm, vị quan tòa gặp bà đang chăm ông trong bệnh viện. Bà tâm sự: ông bị tai biến nhẹ may mà còn giữ được mạng sống. Bác sĩ bảo tập vật lý trị liệu để phục hồi mất cả năm. Nhìn ánh mắt hiền dịu và nụ cười méo mó của ông trên giường bệnh nhưng không giấu được vui mừng khi gặp lại cố nhân. Ông nghĩ may mà vị quan tòa không quyết chứ không thì chẳng biết thế nào. 
Vị quan tòa nắm tay ông nhìn bà mỉm cười. Cả ba nhìn ra hành lang bệnh viện, một vài ca phủ ra trắng đẩy xuống nhà xác, thầm nghĩ:
Cuộc đời vô thường thật, sao không cho nhau yêu thương khi chúng ta còn sống.

Chuyện làng quê
 

Nguyễn Thế Hưng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/sao-khong-trao-nhau-yeu-thuong-a15350.html