Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 21)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 21

IX.TÀU MỸ NỔ Ở CẢNG BIỂN NHA TRANG

1. Vũ Trọng Nhượng sinh ra dưới một mái tranh nghèo ở nông thôn miền Bắc. Quê nghèo nhưng làng của anh đẹp như một bài thơ. Những mái nhà gianh màu xám ẩn núp dưới màu xanh của cây cối và đặc biệt là những rặng tre. Những bụi tre xanh um, từng cây tre xanh cao thấp khác nhau thân uốn dẻo dai, lá ru theo gió xào xạc dũng cảm vươn lên trước bốn mùa mưa nắng. Một dòng sông xanh biếc như giải lụa uốn quanh làng. Những con thuyền đánh cá lững lờ xuôi ngược trên dòng sông, bóng soi lung linh đáy nước.

Tuổi ấu thơ của Vũ Trọng Nhượng trôi dần trong hương vị của quê nhà với bao kỷ niệm buồn vui, êm đềm và dữ dội, với bao ước mơ cháy bỏng trong cảnh lao động nhọc nhằn giúp bố mẹ, trong cảnh vui cùng bạn bè khi cắp sách đến trường.

bao-hai-quan140919ha16-1664368283.jpg
Tổ chiến đấu Đội 1 của Đoàn 126 chuẩn bị vũ khí đánh tàu địch. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Hải quân

 

Cơm gạo rau cháo ngon lành thôn quê đã nuôi Vũ Trọng Nhượng lớn lên thành một thanh niên cường tráng. Nhượng lớn lên trong thời buổi đất nước chiến tranh. Miền Bắc đang gồng mình chi viện sức người, sức của cho miền Nam chống Mỹ cứu nước. Những trái bom của máy bay Mỹ đã rơi xuống khắp miền Bắc. Khói lửa bom đạn chiến tranh lan tràn khắp nước. Những chàng thanh niên thôn quê đã gác bút nghiên theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông lên đường nhập ngũ chống giặc. Vũ Trọng Nhượng cũng tạm biệt cha mẹ, anh em, tạm biệt làng quê thân yêu nhập ngũ vào chiến trường để thỏa chí làm trai thời khói lửa khi tổ quốc cần. Do sức khỏe và nhanh nhẹn, anh được vào bộ đội hải quân và từ bộ đội hải quân anh được vào đặc công nước, trung đoàn 126, thuộc Bộ Tư lệnh hải quân.

Bộ đội đặc công nói chung và bộ đội đặc công nước nói riêng cũng được huấn luyện những kỹ chiến thuật như bộ binh. Nhưng do nhiệm vụ tác chiến đặc biệt nên bộ đội đặc công được huấn luyện những chiến kỹ thuật mà bộ binh không có. Người lính đặc công phải sử dụng được tất cả những phương tiện như xe cộ và vũ khí chiến tranh thô sơ đến hiện đại, sử dụng thành thạo điện đài, điện báo, lái được các loại xe cơ giới 2 bánh đến 4 bánh. Người lính đặc công được rèn luyện võ nghệ cá nhân ”cao cường”, có sức chịu đựng dẻo dai, được tôi luyện trong hoàn cảnh và môi trường khắc nghiệt, ngoài sức chịu đựng của người bình thường, đòi hỏi người lính đạt đến trình độ điêu luyện phi thường.

Khi được tuyển vào đội đặc công nước, Vũ Trọng Nhượng hỏi một sĩ quan hải quân, người trực tiếp đại diện cho trung đoàn 126 về tuyển chọn anh:

-Thưa thủ trưởng, vào làm lính của cụ Yết Kiêu có khó không đống chí?

Viên trung úy hải quân đáp:

-Đây là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ nên không tuyển quân trực tiếp từ nông thôn mà các đồng chí thấy đấy, tuyển những chiến sĩ ưu tú nhất trong các đơn vị của Binh chủng hải quân. Tuyển chọn cực khó. Mai các đồng chí trải qua và sẽ biết.

Hôm sau đúng 7 giờ tại địa điểm thi vào ”lính của cụ Yết Kiêu” khoảng vài trăm thí sinh ngồi xếp hàng chờ đến lượt theo thứ tự. Người mang quân hàm trung úy hải quân phổ biến:

-Các đồng chí sẽ được ngồi trên chiếc ghế xoay chong chóng trong ba phút. Sau khi ghế dừng lại các đồng chí phải đi qua một lối đi đã kẽ vạch rộng 8cm, dài 2m. Khi đi không được dẫm lên vạch. Đến chiếc bảng ở cuối đường, các đồng chí phải viết đúng một chữ theo yêu cầu của Hội đồng giám khảo. Đây là phép thử xem thần kinh các đồng chí có vững như thép không. Ai qua được bài kiểm tra này sẽ trúng tuyển đặc công nước.

Hàng trăm lính ồ lên:

-Bài thi khó quá cụ Yết Kiêu ơi!

Trong ngôi nhà cấp 4, tường gạch mái ngói của Bộ tư lệnh hải quân có 4 phòng ghế quay như vậy nên lính tráng không phải chờ đợi lâu. Đang suy nghĩ miên man thì tiếng người sĩ quan đọc vang lên:

-Đồng chí Vũ Trọng Nhượng phòng D.

-Báo cáo đồng chí, có.

Trong phòng hai viên sĩ quan hải quân mang quân hàm thượng úy và thiếu úy ngồi ở hai bàn, một nữ y tá hải quân giúp việc, giữa là một chiếc ghế quay. Gần liền với ghế quay là vạch đường đi rất hẹp, cuối đường đi 2m là một cái bảng màu đen và một hộp phấn đặt ở chiếc bàn con gần bảng. Viên thượng úy nhìn danh sách và hỏi:

-Đồng chí là Vũ Trọng Nhượng?

-Báo cáo, tôi là Vũ Trọng Nhượng.

Viên sĩ quan nhắc:

-Đồng chí quan sát kỹ lối đi và chiếc bảng để khi xuống ghế bước đi không nhầm lẫn.

-Báo cáo tôi rõ.

-Đồng chí ngồi vào ghế!

Vũ trọng Nhượng ngồi vào ghế. Nữ y tá hải quân giúp Nhượng buộc dây chằng vào ghế để khi quay lực ly tâm lớn Nhượng không bắn ra ngoài. Nữ y tá bấm nút điện, chiếc ghế từ từ chuyển động và sau đó đạt tốc độ chóng mặt như trò chơi chong chóng. Nữ y tá theo dõi đồng hồ. Đúng 3 phút cô bấm nút điện và ghế quay dừng lại.

Viên sĩ quan nói:

-Đồng chí đi giữa hai vạch lại chiếc bảng. Không được dẫm vào vạch!

Vũ Trọng Nhượng từ ghế quay bước xuống nền nhà và bước đi. Dù là ngươì khỏe mạnh nhưng mắt anh hoa lên, hai vạch kẽ màu trắng nhảy múa trước mắt trên nền gạch màu nâu như bảy sắc cầu vồng, chỉ một suýt nữa thì chân anh dẫm vào vạch. Dù sao anh cũng đã tiến lại được chiếc bảng đen. Có tiếng ra lệnh:

-Đống chí cầm phấn và viết tên đồng chí!

Cô y tá đưa cho anh viên phấn. Tay anh run run áp viên phấn vào mặt bảng. Màu đen của bảng như một vòng xoáy chao đảo trước mắt. Anh cố lấy hết nghị lực viết nguệch ngoạc tên mình lên bảng. Có tiếng nói phía sau:

-Đồng chí đã trúng tuyển vào đặc công nước. Sớm mai 7 giờ đồng chí có mặt tại đây để dự tuyển vào ”Người nhái”. Đồng chí nhắc lại!

Nhượng vui mừng nhắc lại nguyên văn người sĩ quan giám khảo nói tuy chưa hiểu người nhái là binh chủng gì?

Sáng hôm sau ăn sáng xong, Vũ Trọng Nhượng đến để thi thành người nhái. Vẫn viên sĩ quan  hôm qua cầm danh sách điểm danh. Vũ Trọng Nhượng thấy số lượng ít đi nhiều so với hôm qua. Không phải chờ đợi lâu viên trung úy hải quân giải thích:

-Qua mấy ngày chúng tôi kiểm tra ”thần kinh thép” của 1.000 chiến sĩ hải quân, chỉ có 50 đồng chí có mặt hôm nay là trúng tuyển đặc công nước. Tôi xin chúc mừng các đồng chí!

50 người vỗ tay dòn dã. Viên sĩ quan nói tiếp:

Hôm nay 50 đồng chí sẽ dự thi tuyển người nhái. Các đồng chí sẽ vào một cái máy tăng áp suất và người ta sẽ gia tăng áp lực cực lớn lên cơ thể các đồng chí. Đồng chí nào có khả năng chịu đựng áp lực như vậy mới có khả năng lặn sâu và lâu dưới nước để gắn mìn vào tàu địch.

Có tiếng lính tráng:

-Khó quá thủ trưởng ơi, ngày xưa cụ Yết Kiêu có phải thi thế này đâu?

Người sĩ quan đáp:

-Khi tuyển vào làm gia tướng, Yết Kiêu cũng được Hưng Đạo Vương kiểm tra rất nghặt nghèo. Ở Lục Đầu Giang, trước Hưng Đạo Vương và các tướng lĩnh, Yết Kiêu phải phải làm một bài thi khó khăn: Lặn dưới nước 50 dặm không nổi lên một lần nào, không mang ống thở.

Tiếng các chiến sĩ xuýt xoa thán phục:

-Thật là kỳ tài, một dặm là bao nhiêu thủ trưởng.

Người sĩ quan tươi cười:

-Một dặm là 500m.

-Chao ơi, ông Tổ của đặc công nước chúng ta lặn một hơi 25km?

Người sĩ quan nói to hơn hào hứng:

-Chưa hết, Yết Kiêu còn đi trên nước như đi trên đường nhựa mà không bị chìm.

-Ôi, thật xứng đáng là Thánh tổ người nhái của chúng ta. Thủ trưởng biết nhiều lịch sử quá. Chúng em cũng khát khao biết nhiều lịch sử nước nhà.

-Thế thì phải học và phải đọc. Thôi bây giờ các đồng chí vào thi Người nhái.

Ngươì sĩ quan gọi danh sách một tốp 5 người một. Vũ Trọng Nhượng và 4 đồng đội được đưa vào một chiếc máy khối trụ nhưng hình o van rộng khoảng 10m2. Người nữ y tá hải quân đóng máy lại và bấm nút điện. Áp lực của máy tăng dần. Cơ  thể Vũ Trọng Nhượng gần như muốn nổ tung. 4 đồng đội cùng e kíp với anh trong hộp o van ngất xỉu.

Kết quả chung cuộc bài thi ép nhái, 50 thí sinh chỉ trúng tuyển có 5 người vào đội người nhái, trong đó có Vũ Trọng Nhượng.

Sau khi trúng tuyển vào đội đặc biệt người nhái, Vũ Trọng Nhượng được biên chế vào trung đoàn 126 thuộc Bộ tư lệnh hải quân. Anh được huấn luyện 3 tháng ở một đảo thuộc vùng biển Đông Bắc. Sau khóa huấn luyện, Nhượng đã có thể bơi được hàng chục km, có thể nằm ngửa trên nước được 12 giờ, lặn sâu hơn chục mét dưới biển khoảng 5 giờ mà không cần ngoi lên thở để tấn công mục tiêu. Nhượng và đội người nhái còn được huấn luyện võ công trên bộ và võ công dưới nước để chiến đấu với người nhái của địch. Kết quả trên là trải qua một thời kỳ huấn luyện gian khổ với sức chịu đựng phi thường và lòng kiên quyết đạt kết quả cao nhất trong rèn luyện chiến kỹ thuật theo yêu cầu của một loại chiến sĩ tác chiến trong hoàn cảnh đòi hỏi sự tinh nhuệ đặc biệt mới chiến thắng, mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-21-a15492.html