Quảng Ngãi: Xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh

Sáng 3/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh và UBND Thị xã Đức Phổ để nghe và cho ý kiến về nội dung xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. 

Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện năm 1909, tại Sa Huỳnh Quảng Ngãi và được lấy tên địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là “Văn hóa Sa Huỳnh”. 

 

1-ong-tran-hoang-tuan-pct-ubnd-tinh-chu-tri-cuoc-hop-1664785608.jpg
Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì cuộc họp

Di tích khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1997. Di tích được phân bố chủ yếu ở Long Thạnh, Thạnh Đức (phường Phổ Thạnh) và Phú Khương (Phổ Khánh). Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã liên tục phát hiện các dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử. Từ những hiện vật phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ tại các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cho thấy Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh và sự hiện diện của nền văn hóa cổ này thật sự là một thế mạnh mà không phải nơi nào cũng có được.

 

2nha-trung-bay-van-hoa-sa-huynh-xa-pho-thanh-duc-pho-nguyen-dang-lam-1664785941.jpg
Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh tại Sa Huỳnh

Theo báo cáo của Sở VHTT&DL, hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh được lập gồm 5 địa điểm: Di tích Long Thạnh, Di tích Phú Khương, Di tích Thạnh Đức, Di tích đầm An Khê - lạch An Khê và Quần thể di tích Chăm pa. 

 

1abao-vat-quoc-gia-bo-suu-tap-binh-gom-dat-nung-long-thanh-co-nien-dai-cach-day-tren-duoi-3nam-tai-di-tich-van-hoa-sa-huynhjpg-1664785608.jpg
Bảo vật quốc gia- Bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh có niên đại cách đây trên dưới 3000 năm được khai quật tại Di tích Văn hóa Sa Huỳnh.

Theo ý kiến đánh giá của các đại biểu dự họp, Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh, từ môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo… đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, là “bảo tàng sống” cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững. Di sản văn hóa dân gian của cư dân sống quanh đầm An Khê, nương tựa vào đầm An Khê là một di sản văn hóa phong phú, đặc trưng, cần phải được sưu tầm, nghiên cứu toàn diện…Do vậy, việc bảo vệ quần thể Di tích đầm An Khê là hết sức cần thiết.

 

3hoi-dua-ghe-tren-dam-an-khe-sa-huynh-xa-pho-khanh-1664785608.jpg
Ngày hội đua ghe trên đầm An Khê- Sa Huỳnh

Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành và UBND Thị xã Đức Phổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn cơ bản thống nhất tiếp tục triển khai lập Hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh; đồng thời, yêu cầu Sở VHTT&DL khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, UBND tỉnh sẽ xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để trình Bộ VHTT&DL, trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng theo quy định.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu UBND thị xã Đức Phổ phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan, xem xét, rà soát định hướng phát triển du lịch, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản khu vực liên quan đến các địa điểm nằm trong Hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh đảm bảo phát huy giá trị di tích trong việc phát triển du lịch và KT-XH của địa phương.

 

 

Tin ảnh Nguyễn Đăng Lâm

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/quang-ngai-xay-dung-ho-so-di-tich-quoc-gia-dac-biet-van-hoa-sa-huynh-a15592.html