Kết qủa nghiên cứu Bãi đá có hình khắc nguyên thủy tại Suối Cỏ, Mỹ Thành, Lạc Sơn, Hòa Bình

Sau đây là Báo cáo kết quả nghiên cứu và đề xuất bảo quản bước đầu về Bãi đá có hình khắc nguyên thủy tại Suối Cỏ, Mỹ Thành, Lạc Sơn, Hòa Bình

I. KHẢO SÁT BÃI ĐÁ CÓ HÌNH KHẮC TẠI SUỐI CỎ, XÃ MỸ THÀNH

1 -Vị trí địa lý

Có thể dễ dàng nhận ra trên Google Map và trên các bản đồ miếng cỡ lớn một thung lũng hẹp nằm ở khoảng tọa độ 20°34’29” Vĩ độ Bắc, 105°30’55” Kinh độ Đông, cao độ 200-210m trên mặt biển, thuộc sườn phía đông nam sơn khối basalt / granite Kim Bôi, nơi có đỉnh Cốt Ca cao độ khoảng 1200m. Tuổi thành tạo của sơn khối Kim Bôi được địa chất xác định là P3 (Cuối kỷ  Perme, khoảng 250-300 triệu năm trước), tức trước khi thành tạo hệ khối đá vôi Tam Điệp tuổi Trias sớm (T1). (hình 1 – google map)

ch2-nv2-1664871375.jpg

Đây là rìa núi có bề mặt phủ đá granite (hoa cương) là chính xen lẫn các khối nhỏ đá basalt. Thung lũng có độ dốc khá lớn về phía tây bắc (khoảng 45°-50°) được phủ dày bởi các khối đá lăn kích thước trung bình tạng tướng ngưu tượng (tầm cỡ trâu – voi, 1m3/viên đến 5 m3/viên). Độ phong hóa bề mặt các khối đá cho thấy hiện tượng đá lăn bào mòn đã diễn ra từ hàng nhiều triệu năm trước và hiện trạng, vị trí các khối đá lớn đã “yên vị” từ khá lâu rồi (hình 2 cảnh quan thung lũng đá) . Theo bản đồ chịa chất thì thành phần vật liệu chính của các khối núi đã bao quanh suối cỏ gồm basalt (bazan) porphyry, dacit porphyry, trachydacit và tuff  Viên Nam (T1vn) thành tạo trong khoảng 245-250 triệu năm trước. Nửa phía Mỹ Thành (Lạc Sơn) và Cuối Hạ (Kim Bôi) xuất lộ mảng khối khổng lồ granite thuộc phức hệ Pia Bioc thành tạo sau khoảng vài ba chục triệu năm và xen kẽ với khối basalt nền trước đó tạo ra nguồn vật chất thành tạo địa chất chính của sơn khối Kim Bôi (Kimboi massiv). Tuy khu vực mà lượng basalt hay granit chiếm ưu thế khác nhau. Tại Suối Cỏ, thống kê sơ bộ dễ dàng nhận ra ưu thế tuyệt đối của đá lăn có nguồn gốc granit phong hóa (granit biotit) với thành phần cấu trúc chính từ  thạch anh, feldspar kali và plagioclaz (Nguyễn Đức Tùng và Tạ Phương 2022).

ch3nv3d-1664871504.jpg
Toàn cảnh thung lũng Suối Cả.

 

Đã có những cơn lũ lớn trong lịch sử làm lở đất cuốn theo các tảng đá granit và basalt từ trên cao xuống nứt gãy Suối Cỏ này. Trong lịch sử địa lý thế giới và khu vực thì khả năng mưa lớn tạo ra hiện tượng nứt đá và lở núi lớn gần nhất có thể diễn ra vào khoảng thời gian từ 13-8 ngàn năm trước dưới tác động biến đổi khí hậu toàn cầu sau băng hà Wuerme (cuối Cánh tân – đầu Toàn tân). Các hiện tượng các khối đá vôi lớn tự bong, rơi xuống các cửa hang người tiền sử đang sống như ở Xóm Trại, Làng Vành đã giúp củng cố giả thiết này.

Suối cỏ là một nứt gãy khá lớn nhận nước từ nửa phía đông nam của sơn khối nơi giáp ranh giữa hai huyện Lạc Sơn và Kim Bôi (các xã Mỹ Thành và Cuối Hạ). Khe nứt này dẫn tạo nhánh đường nước từ góc đông nam của sơn khối Kim Bôi (Kim Bôi Massiv) đổ vào sông Tang (sông T’láng – sông Trắng) chảy qua các xã Bình Hẻm, Yên Phú huyện Lạc Sơn hợp lưu với nhánh suối lớn từ Mường Vang chảy ra tại ngã ba Vụ Bản trước khi nhập vào sông Bưởi, sông Mã ra biển. Đường tỉnh lộ nối thị trấn Bo đi Ngã Ba Xưa đến địa phận xóm Cỏ, xã Mỹ Thành sẽ có đường liên thôn dẫn vào khu thung lũng suối cỏ. Con đường bê tông hẹp qua xóm Bui Rậm hiện tại có thể là đường xe ô tô đi tới tận bờ tới suối, từ đó phải đi bộ đến bãi đá có hình khắc khoảng 500 m do địa hình bị các lạch suối nhỏ ngăn cách. Địa hình thung lũng khu vực phân bố các khối đá có hình vẽ khá bằng phẳng, bề ngang chỗ rộng nhất đo được khoảng 300m, chỗ hẹp nhất khoảng 150m, độ dốc cao sườn thung lũng ở về phía hữu ngạn.

Phần lớn diện tích thung lũng có bãi đá khắc hình, nơi có độ rộng ước chừng 300 -150m phân bố ở độ cao 10m so với mắt nước hiện tại, kéo dài khoảng 1200m, hiện nay được khai thác tạo thành các thềm thang ruộng bậc trồng lúa thấp dần về phía đông cao hơn về phía tây, bắc. Dân cư người Mường hiện lập xóm ở cả phía trên cao, phía tây bắc, độ cao cách trên mặt suối khoảng 50m và ở ven đường vào thung lũng (xóm Cỏ) ở độ cao 10-15m trên mặt suối.


Mật độ đá lăn nhô trên mặt ruộng cũng như dưới lòng suối đạt khoảng 10-30%, dày đặc hơn ở lòng suối.

ch4nv4d-1664871656.jpg
Suối Cỏ chụp từ viên đá B ngược lên thượng nguồn.

 

2.  Hiện trạng bãi đá có hình khắc

Cho đến nay mới phát hiện hai khối đá lăn có hình khắc nằm cách nhau khoảng 25m đường chim bay. Cả hai khối đá này đều thuộc loại đá lăn dạng granite tướng “ngưu tượng” (trâu, voi), tức có kích cỡ lớn khoảng trên dưới 5 m3, đều ở thế chân ngập nước rìa phía đông của con suối. Khu vực này có mật độ đá lăn khá cao. Trong báo cáo này chúng tôi đặt khối A (gần hơn theo hướng từ đường vào) và khối B. Khối A có một hình khắc lớn. Khối B có 4 cụm tạo thành 4 hình khắc độc lập. Vị trí hình khắc hiện thấy nằm ở tư thế dễ thấy và hướng lên phía trên, độ cao khoảng 2m so với mặt nước hiện tại (cuối tháng 12 dương lịch) và 1,5m vào mùa mưa (cuối tháng 7 dương lịch) . Các dấu mài mòn trên bề mặt cho phép phỏng đoán khi mùa nước lớn sẽ ngập và bào mòn cả phần đỉnh khối đá nơi có hình khắc. Tuy nhiên không có dấu hiệu bị ngâm nước lâu. Có thể mưa lũ chỉ tràn qua trong một khoảng thời gian ngắn.

Chưa thấy phân bố đặc biệt dưới tác động của con người. Mới chỉ thấy việc con người đã và ứng dụng tình thế tự nhiên của bãi cuội vào nhu cầu cuộc sống của mình. Ví như trường hợp tạo hình khắc như đã thấy, tạo các lỗ thần bí, bàn kê có thể của mộ quây đá tự nhiên… Hiện trạng cho thấy tính ổn định hàng ngàn năm nay của các khối đá lăn lớn trên thung lũng này. Với địa hình và tính chất độc đáo của thung lũng đá Suối Cỏ nên từ xưa nơi đây đã được chọn như một thế giới ngự trị của thánh thần, ma quỷ. Ngôi đền thờ tuy giản đơn nhưng rất huyền bí hiện còn nép cạnh rìa thung lũng báo hiệu nhận định trên cho đến tận ngày nay của chúng tôi.

* Mô tả hình khắc, số lượng, nội dung, kỹ thuật

- Khối đá A :

Đập ngay vào mắt mọi người là hình khắc khá lớn (khoảng 25cm x 35cm) nằm xiên theo mặt dốc phía đông của một khối đá lăn khoảng 4-5m3 (khối đá A). Khối đá này nằm sát bờ bên trái dòng suối theo chiều nước chảy xuôi. Hình khắc được tạo hình ở độ cao 1,5m so với mặt nước suối ngày hôm đó, và chỉ khoảng 1m so với bờ cỏ sát bên cạnh. Kỹ thuật tạo hình được làm bởi các rãnh đục chìm rộng khoảng 1,5cm, sâu khoảng 0,7cm thể hiện rất rõ đồ án như hình một người bụng phệ giơ hai tay lên trời. Phía đỉnh hai tay là hai hình tròn đồng tâm có chấm ở giữa, đường kính vành ngoài khoảng 6-7cm, trông mô típ vòng tròn đồng tâm này rất quen thuộc trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn. Phần “mặt” khá mờ nên “mắt, mồm” cũng có thể chỉ đường viền của mộ ô trang trí mà thôi. Phần “bụng” có đáy bằng, tạo trong lòng thành các khoanh với lõi nhân hình hạt đậu rìa cong lên phía trên (hình khối đá có người đứng làm mẫu và hình tả riêng hình khắc).

clip2anv2-1664872024.jpg
clip3anv3-1664872163.jpg
Hai ảnh trên: Khối đá A và một hình khắc lớn duy nhất trên đó

- Khối đá B

Tiếp tục đi về phía thượng nguồn chừng 20-25m sẽ thấy một khối đã lớn hơn khối A một chút, cũng ở sát bờ bên trái dòng suối. Các hình khắc ở đây phân bố trên bề mặt khá phẳng của đỉnh chóp khối đá. Độ cao so với mặt nước khoảng 2,5m.  Diện tích phân bố các hình khắc vào khoảng 40cm x 60cm gồm 4 cụm hình khá giống nhau (hình phân bố chung các đồ án hình khắc). Đặc trưng chung của mỗi cụm là hai hình tròn đồng tâm đường kính khoảng 7-8 cm ở phía trên. Phía dưới là một ô hình gần vuông có khoét hình giống như hai lỗ mũi như kiểu mõm lợn hoặc khuôn lòng hình hạt đậu như mặt khỉ…

clip4anv4-1664872326.jpg
Hình khắc dạng “mặt khỉ” với mắt kiểu vòng tròn đồng tâm

 

- Khối đá C

Trên đường từ phía xóm Bui Rậm đi vào nơi có các viên đá có hình khắc, trên ruộng lúa hiện tại có một cụm đá granit nằm chìm trong đất ruộng, chỉ nổi lên chừng 30cm, trong đó có một tảng đá vỡ được kê lên tạo dáng như một bàn thờ, trong khu hai tảng lớn phía dưới xòe ôm như một hốc mộ. Một viên đá khác nhỏ hơn nằm trong long “mộ”. Từ cụm đá này đi ngược suối lên khoảng 100m là vị trí hai viên đá A và B. Chúng tôi ngờ rằng đây có thể là một ngôi mộ cổ. Dịp khảo sát gần đây dự kiến khai quật kiểm tra “mộ” này, nhưng nước ngập do trồng lúa đã ngăn cản kế hoạch của chúng tôi. Xin ghi nhận trong báo cáo này để thực hiện trong dịp khác.

clip5anv5-1664872434.jpg
 Cụm đá quây dạng mộ cổ với đá “bàn thờ”.

 

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC BƯỚC LƯU TRỮ, BẢO VỆ CÁC HÌNH KHẮC TRÊN ĐÁ TẠI SUỐI CỎ, XÓM RẬM, XÓM CHUM BÙI XÃ MỸ THÀNH HUYỆN LẠC SƠN, TỈNH HÒA BÌNH

1. Kết quả sau thực hiện các bước lưu trữ, bảo vệ các hình khắc trên đá tại suối Cỏ, xóm Rậm và xóm Chum Bùi, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn

1.1. Đổ khuôn silicon lấy mẫu các hình khắc trên đá, phủ keo bảo quản hình khắc tại chỗ

Để thực hiện việc đổ khuôn lấy mẫu các hình khắc trên đá các chuyên gia đã sử dụng Silicon công nghiệp A500 để tạo khuôn âm bản trực tiếp các hình khắc trên đá tại Suối Cỏ. Quá trình tiếp tục được diễn ra khi silicon bám sát các khe lõm kẽ đá được người xưa khắc đục sẽ dùng một vài lượt lưới sợi đỡ lưng để chống co, rách, biến dạng khuôn. Sau khi đủ độ cứng, khuôn silicon âm bản sẽ được tạo đế cứng bằng thạch cao trộn epoxy trước khi bóc ra khỏi bề mặt tạo khuôn.

clip6anv6-1664872589.jpg

 

Sau khi tiến hành các bước đổ khuôn Silicon (ảnh trên) và lấy mẫu các hình khắc trên đá, các nhà nghiên cứu tiếp tục sử dụng keo Paraloid B7 phủ lên bề mặt các hình khắc để bảo quản lâu dài tránh được các tác động của môi trường và thời tiết.

1.2. Nhân bản mẫu hình khắc trên đá

Sau khi công việc đổ khuôn Silicon lấy mẫu các hình khắc trên 02 khối đá lớn được tạm đánh dấu là khối A và khối B hoàn thành, đã cho ra 02 phiên bản (chất liệu composite) có kích thước:

- Phiên bản lớn: dài nhất: 117,5cm; rộng nhất: 74cm; dày nhất: 7,5cm.

- Phiên bản nhỏ: dài nhất: 59cm; rộng nhất: 42cm; dày nhất: 7cm.

Hiện nay, các phiên bản đã được hoàn thiện và chuyển giao cho bảo tàng tỉnh Hòa Bình để lưu giữ và bảo quản phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.

clip1anv1-1664871236.jpg
clip7anv7-1664872995.jpg

                                             

1.3. Tổ chức điều tra, khảo sát, kiểm kê mở rộng

Tiếp tục khảo sát đoàn còn phát hiện ra một khối đá granit lớn nằm chìm trong lòng đất ruộng. Cách 02 khối đá lớn có hình khắc khoảng 50m. Phần hở lên khỏi mặt đất có hình như một con cá lớn nằm hở lưng trên mặt ruộng, chiều dài 125cm rộng nhất hiện trên mặt ruộng là 60cm. Điểm độc đáo đáng chú ý nhất là trên thân phần đá hở ra đếm được 9 hốc đá lõm xuống dạng lòng bát. Đường kính miệng hốc khoảng 6-9cm. Tạo hình tự nhiên khiến tưởng tượng như hình cá với đầu và mắt là phía có hốc đá sâu, rõ nhất. Có thể từ những hốc đá tự nhiên con người đã khoét thêm mỗi khi thờ cúng nên tạo ra hình hài viên đá như ngày nay. Nhân dân địa phương cho biết viên đá này từ lâu, coi như một vật linh thiêng và cũng từng làm lễ cầu xin khi có việc. Theo nhận định ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng viên đá này cùng hai viên đá khắc A, B nằm trong tổng thể những viên đá được dùng cho một nghi lễ tâm linh nào đó thời xa xưa.

clip8anv8-1664873230.jpg
clip9anv9-1664873284.jpg
Hai ảnh trên: Viên đá hình cá có các hốc lõm được thờ cúng ở Suối Cỏ.

 

1.4. Chụp ảnh tư liệu, lập hồ sơ ảnh di tích

Hoàn thiện việc xây dựng hồ sơ ảnh với tổng số 70 ảnh màu. Đây là bước lưu trữ quan trọng, thông qua những bức ảnh tư liệu này các nhà nghiên cứu, khách tham quan có thể thấy được từng công đoạn cùng như thực trạng khu vực suối cỏ, các hình khắc và quá trình thực hiện các bước lưu trữ và bảo vệ các hình khắc trên đá mộ cách chi tiết, rõ ràng.

1.5. Định vị toạ độ GPS và sa bàn hoá bằng Flycamera 3D

Đây là Công nghệ mới được sử dụng trong việc xác định vị trí tọa độ và quét Flycamera 3D với độ chính xác cao. Công nghệ này cho phép sa bàn hóa chi tiết từng vị trí bằng công nghệ 3D ảo trên toàn bộ các khối đá và hình khắc trên đó cũng như toàn cảnh khu vực suối Cỏ. Thông qua công nghệ này giúp cho các nhà nghiên cứu, khách tham quan không nhất thiết phải đến thực địa mà vẫn có thể sử dụng sa bàn để ngắm nhìn, thu phóng toàn bộ thung lũng đá, các hình khắc tại suối Cỏ một cách chi tiết, sinh động và trực quan. Đồng thời giúp cho biết khoanh vùng quản lý, bảo vệ di tích sau xếp hạng.

Hiện nay các sản phẩm đã được hoàn thiện và chuyển giao cho bảo tàng tỉnh Hòa Bình để lưu giữ và bảo quản.

  III. ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT BƯỚC ĐẦU

  1. Phát hiện hình khắc trên các khối đá granite ở suối Cỏ xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có ý nghĩa rất to lớn đối với nghiên cứu tiền sử, lịch sử của huyện, tỉnh và của đất nước ta, thậm chí có ý nghĩa quốc tế. Lý do ở chỗ đây là những hình khắc không phải tùy tiện mà có ý thức và kỹ năng rất rõ ràng liên quan đến tín ngưỡng cổ truyền của các cộng đồng cư dân cổ xưa sinh sống quanh vùng sơn khối lõi của tỉnh Hòa Bình, nơi phân bố nhiều di tích gốc của văn hóa Hòa Bình có niên đại trên 20 ngàn năm trước. Chúng tôi tin rằng sẽ còn phát hiện nhiều hình khắc khác nữa trong khu vực bãi đá này.

  2. Hình khắc không phải bàn cãi, đó là do con người tạo ra. Hiện tại do mới chỉ phát hiện hai hòn đá với 5 đồ án, trong đó rõ nét mới chỉ thấy 3 còn 2 khá mờ chưa nhận ra. Tuy nhiên có thể nhận thấy phong cách nghệ thuật khá nhất quan với chủ đề chung là các khuôn mặt người dạng thú. Các vòng tròn đồng tâm mang phong cách trang trí Đông Sơn thể hiện mắt người và phần thu nhỏ thể hiện mũi, miệng khá đồng nhất ở cả 5 hình khắc. Hình khắc ở hòn A đặc biệt quan trọng vì kích cỡ lớn hơn, vị trí hướng ra phía người thờ cúng. Tư duy bộc lộ của người khắc cho thấy vừa như muốn thể hiện một người đứng giơ hai tay nâng hai vật tròn đồng tâm. Nhưng khi đối chiếu với 4 hình ở hòn đá B, nếu thống nhất vòng tròn đồng tâm là mắt thì bức khắc ở đá A có thể là chân dung mô phỏng của một vị thần, trong đó đôi mắt được đưa cao lên ra khỏi khuôn mặt. Hiện tại chỉ có thể dựa vào lịch sử cư trú trong vùng để phỏng đoán chủ nhân hình khắc này có thể  như sau :

Hoặc họ là những người săn bắt hái lượm hay trồng trọt sơ khai thuộc giai đoạn cuối của văn hóa Hòa Bình từ 4000 -1000 năm trước. Rất ít khả năng thuộc các nhóm hoabinhian sớm hơn, vì dựa vào các chứng cứ mỹ thuật khảo cổ học khai quật được thì chưa từng thấy các yếu tố kỹ thuật cũng như tư duy nguyên thủy cao như vậy. Những hình khắc trên vách hang Đồng Nội đã được chứng minh không phải của hoabinhian mà thuộc chủ nhân thời Âu Lạc. Những nét khắc to thô và kém mỹ thuật hơn nhiều so với hình khắc trên đá A và B ở Suối Cỏ. Tài liệu khảo cổ học cho thấy khoảng 3500 trước có nhiều cuộc viếng thăm của cư dân trồng lúa thời Phùng Nguyên – Mán Bạc và sau đó đến tận thời Đông Sơn từ vùng hạ lưu sông Bưởi lên vùng này. Ở núi Trại, trong và ngoài hang dấu tích của họ khá đậm thể hiện trên số lượng đồ gốm, rìu, vòng đá  mài toàn than và nhất là các vết cưa mớm trên đá để tách các mảnh tước mỏng sắc. Dấu tích này thấy cả ở Làng Vành. Họ và những người hoanhian cùng thời có thể là chủ nhân của các nghi lễ tâm linh có kèm theo các hình khắc này.

Phía trên đỉnh núi, vị trí Đồi Thung, Quý Hòa hiện nay, nơi có độ cao mà các khối đá granit, basalt có thể bị lũ lăn xuống, đã từng tồn tại một làng cổ có niên đại khoảng 1000 năm trước. Họ đốt rừng làm ruộng bậc thang và chôn người chết tập trung trong một khu mộ nay có tên là Mả Đáo.  Cuộc khai quật của chúng tôi tại khu mộ này năm 1987 ghi nhận những huyệt mộ kè bằng đá granit được “bóc” từ các khối granit. Đồ tùy táng có niên đại thế kỷ 10-12.  Có thể có nhiều làng sớm như vậy dựa trên phân bố các khu mộ niên đại thế kỷ 10-12 thấy không ít ở trong vùng. 

Điều đáng nhấn mạnh và đáng chú ý là các đồ án khắc trên đá thể hiện sự chuyên môn, điêu luyện của các thày cúng thời tối cổ. Nét khắc và nội dung khá thống nhất. Dụng cụ khắc khá chuyên nghiệp. Hoàn toàn không phải tự tạo ngẫu hứng của người đi rừng hay trẻ chăn trâu nào cả. Vì thế chúng ta có quyền hy vọng phát hiện thêm ở xung quanh những chứng cứ lễ nghi cổ truyền, ví dụ như hòn đá 9 lỗ và mộ cự thạch mà thoạt đầu chúng tôi ngờ ở cụm đã khoanh có phiến đá phẳng kê bên trên.

Liệu đó có phải hình người đứng dơ tay, mặt lợn hay mặt khỉ, mặt quỷ như cảm nhận ban đầu của chúng ta hay không thì còn cần thêm thời gian phát hiện, đối chiếu nhiều hơn nữa. Hiện tại đây mới chỉ là cảm nhận ban đầu, được dung trong báo cáo này như ngôn ngữ mô tả mang tính thông tin chứ chưa thể là những nhận định khoa học nghiêm túc. Vì vậy, một mặt chúng ta cần đầu tư thêm thời gian nghiên cứu, phát hiện, so sánh mở rộng và tiến hành một sinh hoạt học thuật chuyên môn sâu trước khi có khẳng định công bố rộng rãi.

Đặt trong hệ thống các hình khắc trên đá ở Việt Nam chúng ta thấy hình khắc ở bãi đá Suối Cỏ, Mỹ Thành giống các đá ở Sa Pa (Lào Cai) ở chỗ thể hiện trên các khối đá lăn granit cổ. Nhưng ở trình độ mỹ thuật và kỹ thuật cao hơn Sa Pa. So với những hình khắc Đồng Nội thì có điểm giống là chỉ thể hiện đầu người dáng thú, nhưng chất liệu và kỹ thuật thì khác hẳn : Suối cỏ khắc trên nền đá lăn granit ngoài trời trong khi ở Đồng Nội là đá vôi vách hang. Về dụng cụ khắc thì Suối Cỏ gần với Sa Pa giai đoạn đầu, tức là dùng các dụng cụ đục khá chuyên nghiệp thể hiện những nội dung mang tính mục đích và tính chuyên nghiệp cao.

IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Từ kết quả các bước lưu trữ, chúng tôi cho là quan trọng đã được đoàn khảo sát trao đổi với các cấp chuyên ngành địa phương, đó là :

1. Công tác bảo tồn, phục vụ việc nghiên cứu và phát triển du lịch trong tương lai, đề nghị tiếp tục mở rộng, điều tra trong với hy vọng phát triển thêm các hình khắc tương tự trên địa bàn xã và các vùng lân cận cùng với các huyện giáp danh với huyện Lạc Sơn như: xã Cuối Hạ, Kim Truy, Thượng Tiến, Vĩnh Tiến (huyện Kim Bôi) để điều tra, phát hiện tránh bỏ sót các di sản quý.

2. Đề nghị các cấp (xã, huyện, tỉnh....) cùng phối hợp nghiên cứu và tổ chức các hình thức trao đổi khoa học thích hợp để tiến tới giải mã triệt để ý nghĩa và giá trị của các hình khắc tại suối cỏ trong lịch sử, mở rộng, so sánh với các hình khắc khác trên đá đã từng được phát hiện ở Việt Nam, Đông Nam Á và trên thế giới.

3. Để phục vụ, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới thì việc xây dựng một mô hình sa bàn thu nhỏ của bãi đá suối cỏ tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình là rất cần thiết. Bởi vì qua điều tra nghiên cứu, tại thực địa chúng tôi nhận thấy rằng di tích của bãi đá tương đối rộng, đường đi vào, ra bãi đá chưa thuận lợi.

Hiện tại có 2 cách để tạo ra sa bàn tại bãi đá suối cỏ:

Cách 1: làm theo cách truyền thống như sa bàn quân sự thường thấy trong các bảo tàng quân sự.

Cách 2: Sử dụng kỹ thuật 3D - Flycamera sau đó tạo khuôn trong điều kiện khoa học, kỹ thuật hiện nay. Chúng tôi với các chuyên gia nhất trí đề nghị làm theo hướng 3D- Flycamera, bởi vỉ phương pháp này cập nhất với các phương pháp khoa học hiện đại và có độ chính xác cao, giá thành thấp hơn so với phương pháp truyền thống.

4. Qua thực tế nghiên cứu và đánh giá, giá trị di sản tại bãi đã suối cỏ các nhà khoa học thống nhất đề nghị di tích cần được xếp hạng theo Luật di sản.

T.S. Nguyễn Việt (Trung Tâm Tiền Sử Đông Nam Á)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/ket-qua-nghien-cuu-bai-da-co-hinh-khac-nguyen-thuy-tai-suoi-co-my-thanh-lac-son-hoa-binh-a15605.html