Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 68- Hết)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 68.

GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA

Trên Biển Đông, Việt Nam có hai quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời kì phong kiến Việt Nam, các triều đại Việt Nam đã thực thi chủ quyền và quản lí hành chính Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời kì chiến tranh chống Mĩ - ngụy (1954-1975), hai quần đảo này thuộc quyền quản lí hành chính của Việt Nam cộng hòa (chính quyền Sài Gòn). Riêng quần đảo Hoàng Sa, năm 1974 do sự suy yếu của chính quyền Sài Gòn mà hải quân Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo và không trả lại cho Việt Nam từ đó cho đến nay.

dh1a-hinh-1-50-1668438446.png
Bến tàu không số K15 ở Hải Phòng - nơi khởi nguồn con đường huyền thoại chở hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trên biển năm xưa, đã được Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, là điểm đến lịch sử ghi dấu những chiến tích hào hùng của dân tộc. Nguồn: Internet

         

Mùa xuân 1975, làn sóng Tổng tấn công và nổi dậy của nhân dân miền Nam đã đẩy Chính quyền Sài Gòn đến thời khắc sụp đổ hoàn toàn. Tổng hành dinh ra lệnh cho Hải đoàn dùng tàu chở các chiến sĩ  Hải đoàn, của Trung đoàn 126 (đặc công hải quân) và các chiến sĩ đặc công của Quân khu V nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa, không để cho nước ngoài thừa thời cơ đánh chiếm trước, như đối với quần đảo Hoàng Sa.

          Tháng 4 năm 1975, Ban chỉ huy các lực lượng giải phóng Trường Sa được thành lập do đồng chí Mai Năng (Đoàn đặc công hải quân 126) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Dương Tấn Kịch (Hải đoàn cảm tử 125) làm chỉ huy phó. Cũng trong thời gian đó các tàu của Hải đoàn cảm tử đã bí mật chở các chiến sĩ của Hải đoàn, đặc công hải quân, đặc công Quân khu V bí mật ra tiếp cận bờ biển Trường Sa. Tàu 673 do Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng, tàu 674 do Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng, tàu 675 do Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng, trong đó tàu 674 là tàu chỉ huy tất cả. Các tàu vẫn giả dạng là tàu đánh cá nhưng trong khoang trước đây chở vũ khí đạn dược thì bây giờ chở các chiến binh.

          Tháng 4, mùa hè trên biển phương Nam thường có những ngày thời tiết đẹp, mặt biển sóng lăn tăn hiền hòa xanh trong bao la, nắng chan hòa. Trời xanh gợn những làn mây trắng trôi lang thang vô định, biến ảo những hình thù kì quái. Trong đất liền, cuộc Tổng tấn công nổi dậy mùa xuân 1975, ta đã giải phóng Tây Nguyên, giải phóng từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, giải phóng Xuân Lộc. Sài Gòn, “Thủ đô” của Việt Nam cộng hòa đang có nguy cơ bị quân ta bao vây tứ phía, chế độ Việt Nam cộng hòa đang trong giờ hấp hối. Ngoài biển và hải đảo hải quân Sài Gòn không còn bụng dạ nào mà kiểm soát tuần tra. Vì thế các tàu “đánh cá” của hải đoàn đã tiếp cận các bờ biển Trường Sa một các dễ dàng.

          5 giờ sáng ngày 14 tháng 4 năm 1975 tàu 673 chở bộ đội đến đảo Song Tử Tây. Phân đội giải phóng Song Tử Tây do đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế (đặc công hải quân) chỉ huy. Đảo Song Tử Tây buổi sáng có vẻ thanh bình nhô lên trên biển xanh. Bỗng vang lên những tiếng nổ dữ dội của súng DKZ, đạn bay đỏ lừ vào sở chỉ huy ngụy. Đó là tín hiệu cho quân ta tấn công. Quân ta hai mũi xung phong chia cắt quân địch và tiêu diệt. Quân ngụy ở Song Tử Tây chống cự yếu ớt. 6 giờ 14 phút lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng năm cánh của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam đã phấp phới bay trên đảo.  7 tên lính ngụy bị tiêu diệt, 33 tên bị bắt sống và bị nhốt ở khoang tàu 673. Tàu HQ 16 và HQ 402 của hải quân Sài Gòn ra cứu viện nhưng bị đánh bật ra phải lùi về đảo Nam Yết.

          Phát huy thắng lợi, 2 giờ 30 phút đêm 25 tháng 4, tàu 641 (do Trần Tú làm thuyền trưởng mới được bổ sung) có sự yểm trợ của tàu 673 áp vào đảo Sơn Ca đưa bộ đội lên đảo và tấn công. Súng nổ dữ dội, đảo rung lên. Quân ngụy kháng cự yếu ớt. 3 giờ sáng ngày 25 tháng 4 quân ta làm chủ được đảo Sơn Ca. Toàn bộ quân ngụy ra đầu hàng.

          Từ đảo Sơn Ca quân ta tiến đánh đảo Nam Yết. Tham gia trận chiến gồm các tàu 673, 674, 675. Để tăng cường lực lượng, thuyền trưởng Trần Phấn chỉ huy tàu 642 chở thêm bộ đội đặc công Quân khu V ra chi viện. Ngày 21 tháng 4, các tàu của Hải đoàn đã bí mật chở bộ đội tiếp cận gần bờ đảo Nam Yết. Ngày 27 tháng 4, trước sức ép của quân ta, địch phải tháo chạy khỏi đảo. Như một phản ứng dây chuyền, ngày 27 tháng 4 địch cũng tháo chạy khỏi đảo Sinh Tồn. Đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn nhanh chóng vào tay quân ta.

          Trận quyết định giải phóng quần đảo Trường Sa là giải phóng đảo Trường Sa Lớn (đảo lớn nhất). Tham gia giải phóng Trường Sa Lớn có các tàu 673, 674, 675 và 641, lực lượng tham chiến vẫn là bộ đội Hải đoàn cảm tử, đặc công hải quân (Đoàn 126), đặc công Quân khu V. Ngày 29 tháng 4, quân ta ào ạt tấn công. Quân ngụy trên đảo Trường Sa Lớn tháo chạy. Trường Sa Lớn được giải phóng. Ngày 29 tháng 4 năm 1975 cũng là thời khắc ta giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa (trừ một phần đảo Song Tử Tây cắm cờ Philipin, một đảo nhỏ Ba Đình cắm cờ Đài Loan - Trung Hoa cộng hòa dân quốc). Ta đã làm chủ hoàn toàn quần đảo Trường Sa.

          30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn được giải phóng, chế độ Việt Nam cộng hòa hoàn toàn sụp đổ. Đất nước thống nhất. Quần đảo Trường Sa và các đảo khác của Việt Nam cũng về với một Việt Nam thống nhất. Hải đoàn cảm tử đã góp phần giải phóng Trường Sa, một phần  lãnh thổ thiêng liêng, máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.

VANG MÃI KHÚC TRÁNG CA      

          Có thể nói Hải Phòng là Tổng hành dinh của Hải đoàn cảm tử, trong đó  Đồ Sơn, đất thuỷ tổ khai sinh ra Hải đoàn tàu không số. Phong cảnh Đồ Sơn núi đồi uốn lượn, dưới chân sóng vỗ tung bọt trắng xoá, xa xa biển xanh rờn trong nắng chiều chói loá. Ngày nay, trên những quả đồi đã mọc lên những khu nhà nghỉ mát nhiều tầng, nhiều sao. Ở các đồi núi quanh Đồ Sơn, những đường phố, nhà hàng mùa hè tấp nập, ban đêm đèn điện sáng trưng.                                                                   

Trên bờ biển khắp nước ta ngày nay có nhiều Đài tưởng niệm các chiến sĩ Hải đoàn cảm tử đã hi sinh. Đồ Sơn, một trong những cái nôi đầu tiên của Hải đoàn cũng có một đài kỉ niệm lớn, quy tụ 117 hương hồn các anh hùng liệt sĩ về đây, nơi để cho các chiến sĩ còn sống của Hải đoàn hàng năm đến tri ân tưởng niệm những người đã mất. Khoảng đầu năm 2010, các cựu chiến binh của Hải đoàn về tụ hội ở Đồ Sơn theo lời mời của Hội cựu chiến binh Hải quân về tham dự buổi lễ cầu siêu cho các liệt sĩ hải quân đã hi sinh vì nước, thi hài máu thịt đã hòa với biển xanh. Trước đó, Hội đã phát cho những cựu chiến binh những bộ quân phục, mũ sĩ quan màu trắng, quân hàm quân hiệu vàng lấp lánh ở cổ áo và cầu vai. Các cựu chiến binh mặc quân phục như còn tại ngũ và đi dự lễ cầu siêu cho những đồng đội của mình, những “tráng sĩ” ra đi và không bao giờ trở về. Đêm đến, ở một bãi biển bằng phẳng và rộng rãi gần bờ biển, dưới ánh điện lung linh một biển người mặc quân phục xen lẫn thường phục của thân nhân các liệt sĩ và nhân dân hướng lên lễ đàn. Lễ đàn căng phông xanh đỏ, những ngọn nến cháy như sao sa và đầy hương khói. Trên lễ đàn có đặt tượng các bồ tát và cao hơn hết là tượng Thích Ca Mầu Ni. Một sĩ quan lên tuyên bố lí do. Chúng tôi đứng dậy làm lễ chào cờ và mặc niệm. Sau đó trên lễ đàn nhường chỗ cho các vị sư mặc áo cà sa vàng đọc những bài kinh với giọng trầm trầm sầu thảm hoà với tiếng nhạc mõ và chuông nghe bi ai thánh thót. Trong cảnh trang nghiêm cảm động và đầy huyền ảo đó không rõ hồn tử sĩ có về được hay không? Nếu về, họ tươi cười hay họ khóc khi thi thể của họ đã hoà tan với nước biển đại dương, nghĩa trang trên đất rất ít những nấm mồ của họ. Họ khóc hay không thì không rõ nhưng cha mẹ, vợ con họ đã khóc họ không biết bao nhiêu lần, đã cạn dòng nước mắt cả trong và sau chiến tranh. Những cựu binh của Hải đoàn cũng đã khóc những đồng đội của mình không biết lần thứ mấy. Mong rằng kinh Phật sáng láng soi đường cho họ đi tới Niết Bàn, vì họ là những anh hùng bất tử của dân tộc.

Hai mươi tư giờ đêm, buổi cầu kinh siêu độ kết thúc, các nhà sư rời khỏi lễ đàn. Đồng đội, thân nhân của họ và nhân dân dự lễ thay nhau lên đốt những nén hương cho những anh hùng liệt sĩ của mình. Tiếp theo, đồng đội, người thân và nhân dân đã đem những ngọn nến cháy buộc lên những chiếc phao con rồi thả trôi trên một hồ nối liền với biển. Phía biển, nơi làm lễ cầu siêu, hàng trăm ngọn hoa đăng trôi lềnh bềnh trên nước sáng lung linh kì diệu. Mỗi ngọn nến là một linh hồn, một ngôi sao toả sáng của các anh.

          Những cựu binh của Hải đoàn còn đến Đồ Sơn nhiều lần. Trong đó có lần là ngày 17 tháng 10 năm 2010, Hội cựu chiến binh Tàu không số tổ chức cho các hội viên tới dâng hương tại Đài liệt sĩ cho các liệt sĩ của Hải đoàn. Đài liệt sĩ nằm trên một mỏm đồi được san bằng phẳng. Bên phải biển lõm vào tạo thành vịnh, bên kia vịnh là đồi núi uốn vòng cung xanh rì cây lá. Giữa vịnh còn trơ lại những cọc xi măng của một chiếc cầu cảng, xưa có tên là K15. Chính trên chiếc cầu cảng này, con tàu đầu tiên và sau đó nhiều con tàu khác của Hải đoàn cảm tử xuất phát và đã hoàn thành nhiệm vụ vinh quang, mở ra những trang trong lịch sử vận tải vũ khí vào Nam oanh liệt.

Cầu cảng đã không còn, chỉ còn khoảng 12 cọc sắt nhô lên, đoạn nhô lên khỏi mặt nước khoảng gần 50 xentimet nom rất chơi vơi hiu hắt. Dấu tích lịch sử này đã sắp tiêu tan chìm sâu dưới nước để rồi vài trăm năm sau các nhà khảo cổ học và sử học lại mất công phán đoán tìm kiếm với một độ không chính xác giống như ngày nay ta đi tìm bãi cọc Bạch Đằng của Ngô Vương và của Trần Hưng Đạo. Thời đó, các cụ chưa có ngành bảo tồn, bảo tàng. Bây giờ ta đã có một bộ máy, một hệ thống bảo tồn, bảo tàng nhiều cấp thì không thể để cho dấu tích quan trọng, trang lịch sử cụ thể đầu tiên của Hải đoàn hai lần anh hùng, di sản lịch sử quý giá ngay trong thời đại mình và cả trong thời đại tương lai của con cháu mình biến mất.       

          Đài liệt sĩ nằm trên mõm quả đồi cao mà hai bên đông và nam gắn liền với biển vịnh. Đường kính nền khoảng 200 mét, chung quanh có bậc lên thu hình nón úp hẹp dần ốp đá màu đỏ, trên đó người ta đã xây một tháp bằng xi măng cốt thép cao khoảng 10 mét trên có tượng hình chiến sĩ hải quân. Trên bậc và dưới chân tháp có lư hương. Phía bắc đài kiến trúc cũng như vậy nhưng tất cả bậc đá hai bên có gắn những hình mỏ neo con tàu, phía tây nơi con đường nhựa đi vào có gắn biển ghi những dòng chữ: Đài liệt sĩ Tàu không số, tưởng nhớ 117 chiến sĩ của Trung đoàn đã hi sinh trong thời gian chống Mĩ.

Khoảng hơn 100 cựu binh mặc quân phục chỉnh tề cùng với những người vợ của mình xếp hàng lần lượt dâng hương và đặt những bó hoa tươi thắm, tưởng niệm những đồng đội của mình. Nhiều chị đã rút khăn lau nước mắt. Biển Đồ Sơn rất bình yên, gió se lạnh, vàng lửa và khói tung bay nghi ngút làm ấm lại tượng đài vốn dĩ nhiều cô quạnh. Khắp đất nước, ở đâu cũng có tượng đài liệt sĩ, nhưng tượng đài liệt sĩ Hải đoàn cảm tử có khác là khi hi sinh phần lớn thi hài các anh đã tan theo sóng biển đại dương nên có rất ít mộ phần riêng nơi nghĩa trang.  Bởi vậy, tượng đài ở đây còn có ý nghĩa tâm linh hồi hướng hương hồn liệt sĩ về cùng đoàn tụ nơi đài tưởng niệm. Bên đài tưởng niệm,  những ngày lễ, Tết,  đồng đội, thân nhân gia đình  và nhân dân đến đây như được gặp lại những người thân yêu của mình. Nơi đây, sóng nước, biển trời và nắng gió vẫn như ngân nga mãi khúc tráng ca về  những người anh hùng  quả cảm  trên Biển Đông Đất Việt.

(Hết)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-68-het-a16287.html