Đọc – thưởng thức và cảm nhận

Cầm cuốn Truyện ký 1 CHUYỆN LÀNG QUÊ, theo thói quen khi đọc các tuyển tập truyện ngắn, tôi lướt nhanh phần mục lục, trích yếu và chân dung của các tác giả ờ đầu mỗi bài viết. 104 tác giả cho 137 tác phẩm truyện ký được đăng trong Truyện ký 1 CHUYỆN LÀNG QUÊ có phổ tuổi khá rộng, từ 29 tuổi đến 90 tuổi.

son-noi-1668516217.jpg

Chủ biên cuốn sách Chuyện Làng Quê Trương Thành Sơn và tác giả bài viết Nguyễn Văn Nọi

 

Các bài viết của những cây viết gạo cội được đăng ở những trang đầu cuốn sách. Bài viết của các tác giả khác được đăng theo thứ tự chữ cái không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, viết chuyên hay không chuyên. Tôi đã đọc các bài viết của bác  Kiều LêKiều,  Hồ Công Thiết , Phạm Việt Long  qua phây búc và rất cảm phục sự uyên bác của các bác ấy. Không ai viết hay về ý nghĩa ngôn ngữ văn hóa như bác Lê Kiều. Không ai viết về các danh thủ bóng đá, về lịch sử các đội bóng đá ở miền Bắc Việt Nam bằng bác Hồ Công Thiết. Bác Phạm Việt Long còn là một nhạc sỹ nên các bài phân tích âm nhạc của nền ca nhạc cách mạng, với những bài hát minh họa đi kèm chỉ có của tác giả Phạm Việt Long là tuyệt nhất.

Những bài viết trong Truyện ký 1 CHUYỆN LÀNG QUÊ của ba bác ấy mặc dù không thuộc sở trường nhưng là những chắt lọc trong cuộc đời của ba tác giả đã nổi danh ấy chắc chắn nên đọc để mà chiêm nghiệm. Tôi để dành các bài viết của bác Lê Kiều, Hồ Công Thiết, Phạm Việt Long.

Sáng thứ bảy tuần này, 12/11/2022, tôi tìm đọc các bài viết của những cây viết trẻ thay cho thói quen đi bộ ven Hồ Tây. Thật lạ, cả năm cây viết trẻ nhất tôi tìm đọc lại là các tác giả nữ, không có một tác giả nam nào. Chỉ định đọc để biết thế hệ 8X, 9X nghĩ gì, viết gì. Vậy mà đọc xong năm bài viết của năm tác giả nữ, trong tôi dâng tràn cảm xúc, buộc tôi phải ngồi vào bàn gõ phím máy tính để chia sẻ cảm nhận của mình với bạn đọc. Năm bài viết là năm câu chuyện khác nhau, nhưng cả năm bài viết sẽ giúp ta chợt nhận ra họ còn trẻ mà lớn hơn nhiều người lớn chúng ta – đó là cảm nhận của riêng tôi.

“NGỌC TRONG ĐÁ” – Ngọc Nguyễn 1993

Câu chuyện về mẹ chồng nàng dâu, chuyện của muôn nhà được bắt đầu bằng “Bà mắng phủ đầu mẹ: Có cái vại dưa cũng không biết mà cất, để mưa ướt hết”. Mới về làm dâu làm sao nàng dâu biết vại dưa muối mẹ chồng để quên ngoài sân khi trời mưa, ở nhà mẹ đẻ của nàng đâu có vại dưa muối ấy. Nhưng đó không phải là tất cả, trăm dâu đổ đầu tằm, cô cháu gái Ngọc Nguyễn cứ nhẩn nha kể tiếp những nỗi ấm ức của mẹ tác giả, hoặc của bạn cô khi bị mẹ chồng “ức hiếp”. Nào là “Từ việc bố nấu cơm – bà nhìn không thuận mắt…Bố đi nhậu – bà cũng thương bố, cằn nhằn với mẹ tại sao không nhắc bố”, hoặc “Bà nội rất thích quà cáp ở thành phố, hay bảo mẹ đi mua cho bà, bà mang về quê vừa khoe vừa biếu. Mẹ không thích nhưng mẹ vẫn mua”.

Rất hay là những nỗi ấm ức của cô con dâu không tạo thành những phản ứng tự vệ mà chỉ được nàng dâu chia sẻ với hai đứa con của mình theo năm tháng. “Hai đứa con của mẹ đứng ngoài mối quan hệ mẹ với bà nội nên nhìn được toàn cảnh bức tranh tối màu và hỗn độn ấy. Nhưng kỳ lạ, chưa khi nào hai đứa con mẹ trách bà nội vì làm mẹ buồn nhiều, chỉ thấy thương mẹ, và thương cả bà!”. Và đúng là “đấy chưa phải là tất cả, chưa phải toàn bộ bức tranh…”, chỉ khi mẹ bị ốm thì “Ngọc trong đá” ở bà nội tác giả hoặc bạn cô mới bộc lộ “Khi mẹ ốm, bà cũng gọi điện hỏi han qua bố. Lúc nào mẹ về quê, bà đều để mẹ dậy muộn hơn cả nhà, còn nhắc nhở mấy đứa cháu bà: Nói khẽ cho bác Hoài ngủ!”. “Ngọc trong đá” ở nàng dâu đã được chia sẻ với hai đứa con của mình “Mười lần tiền ý không mua nổi sự tận tâm chu đáo của một người bà đâu”, chẳng là “Mẹ đưa tiền bà, bà vẫn cầm…Mẹ muốn mua gì, bà lùng khắp chợ Lầm sửa soạn gửi ra”.

Câu chuyện kết thúc bằng hai câu hỏi đáp giữa con dâu và mẹ chồng trước khi bà (mẹ chồng) rời cõi tạm:

- Đến giờ mẹ còn có khúc mắc gì với con không? – mẹ hỏi bà.

- Mày quá tuyệt vời. mẹ không gì để nói – Bà đáp luôn tức khắc

“Rồi bà cười.

 Mẹ cười.

 Con mẹ thì khóc”.

“BẾP CỦI” – Phương Uyên, 1992

Chỉ là nỗi lưu luyến Bếp củi một thời mà nữ tác giả trẻ tuổi đã có một câu chuyện hay trong chưa đầy hai trang sách làm cho người đọc phải bồi hồi, phải suy ngẫm. Bếp củi những năm xưa nhà nào, từ thành thị đến nông thôn, hầu như cũng có. Năm tháng trôi qua, bếp củi ngày nay đã vắng bóng ở các đô thị và cũng đang được thay thế dần bằng bếp ga, bếp điện ở nông thôn. Chỉ có ở các vùng núi cao như Hà Giang, Lai Châu… thì bếp củi vẫn hiện hữu ở giữa những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc, luôn đỏ lửa để hong ngô, hun thịt và để xua đi giá rét.

Tác giả gợi nhớ hình ảnh “…nồi sắn đang sôi trong trên bếp, làn hơi trắng bốc mùi thơm ngào ngạt dân dã tỏa lan quanh mép vung nồi…Ôi nhớ, nhớ dáng bà khom lưng thổi lửa, nhớ đôi tay gầy khéo léo gom những cành củi khô làm bùng lên ngọn lửa…”. Người đọc sẽ nhận biết tác giả muốn dùng hơi ấm bếp củi để nói đến hơi ấm gia đình. Bếp củi có thể không còn nhưng con người luôn cần hơi ấm gia đình. Tác giả kết thúc câu chuyện “Bếp củi sưởi ấm cho từng gia đình một cách âm thầm. Ngày qua, tháng lại, một góc bếp củi rực hồng, ấm áp đoàn tụ, luôn cần cho tôi, cho tất cả mọi người những điều ấm áp bình dị ấy.

     Và tôi thấy đông không lạnh khi nhà có bếp củi”. Tôi cảm nhận mong ước bình dị nhưng không phải mọi nhà đều có thể đạt được. Tôi chúc tác giả và gia đình luôn được ánh lửa bếp củi sưởi ấm mỗi khi đông về, và giữ ấm trước gió lạnh của cuộc đời. Cám ơn tác giả Phương Uyên.

“TRUNG THU” – Kha Nguyên, 1985

Câu chuyện có vẻ được hư cấu của nữ tác giả sinh năm 1985 nhưng rất nên đọc. Một cái Tết Trung thu “khá đặc biệt” của một cậu bé học lớp hai, mẹ ốm liệt giường còn cha thì bỏ đi biệt xứ. Khanh – tên cậu bé, sau giờ học phải phụ giúp hàng ăn của Dì và đi lượm ve chai để có những bữa ăn đạm bạc qua ngày cho hai mẹ con.

“Các con lấy giấy màu ra, cô dạy làm đèn Trung thu nhé”, mở đầu câu chuyện là giờ thủ công ở lớp học của khanh. Những đứa trẻ khác đều có giấy màu trong cặp, Khanh thì không, khanh lấy vở ô ly và xé trang giữa vở để gấp đèn lồng cá chép. Đèn lồng cá chép mẫu trên màn hình màu đỏ còn đèn lồng cá chép do Khanh làm lại màu trắng kẻ ô ly. Cô giáo chợt phát hiện ra hỏi Khanh tại sao thì nhận được câu trả lời của cậu bé cùng bàn với Khanh:

- Khanh không có giấy màu đó cô – Cô không trách nó, cô cho nó tờ giấy màu xanh lam.

“Tờ giấy màu xanh lam được nó cất cẩn thận trong ngăn bàn. Nơi góc giấy có ba chữ ‘Cám ơn cô’ tròn trịa trân trọng”.

Với mong muốn có được một chiếc bánh Trung thu đủ mềm cho mẹ và cho mình, Khanh đã nghỉ vài buổi nhặt ve chai để tham gia lớp nhảy của lớp. Nếu được biểu diễn thì mỗi thành viên trong đội nhảy sẽ được thưởng một chiếc bánh Trung thu mà số tiền hiện có của Khanh không đủ để mua.

“Mai biểu diễn múa Trung thu chính thức rồi, con nhớ đi giày thể thao màu trắng nhé Khanh”, Khanh đã được chọn nhưng thử thách thì vẫn còn “Nó cúi gằm mặt nhìn đôi dép quai hậu đứt quai được nó dung dây thép khâu lại, mím môi chặt”. Khanh đã bị loại khỏi đội nhảy của lớp trước giờ biểu diễn vì thiếu một đôi giày Bata vừa chân, đồng nghĩa là không có bánh Trung thu cho hai mẹ con. Chưa hết hy vọng, Khanh dồn thời gian sức lực lao vào nhặt ve chai. Với một bao tải ve chai lớn trong một ngày, Khanh đã gần đủ tiền mua chiếc bánh Trung thu mong ước của hai mẹ con. Trong một lần đi lượm ve chai, chứng kiến một bà cụ cùng đi lượm ve chai bị xe đâm, Khanh đã tặng bao tải ve chai của mình cho cụ để cụ có thêm tiền trả viện phí. Chiếc bánh Trung thu đã xa khỏi tầm với của Khanh, nhưng Khanh vui vì đã làm được một điều có ích.

 Đêm Trung thu, “Vợ chồng dì An đưa thằng thằng em họ đi nhà hang ăn tối, rồi đi chơi Trung Thu. Vì sợ trộm vào nhà, hoặc sợ nó lang thang ngoài đường gây rối nên dì nhốt nó trong nhà cho chắc ăn”. Thằng bạn nối khố chắc đoán biết được hoàn cảnh của Khanh nên trèo tường vào chơi với nó. Thằng bạn còn mang cho Khanh mẩu bánh nướng bằng hai ngón tay sau khi “Tao phải chia phần cho con Tũn thằng Tun, ừm, miếng bánh hơi nhỏ nhưng ngon lắm. Tao cắn thử rồi, mày đừng chê. Dám chê tao đập chết”. Thằng bạn có bánh chỉ dám cắn thử, còn miếng ngon thì dành cả cho Khanh – Tình bạn nghèo mà đẹp làm sao? Câu chuyện kêt thúc “Nó nhét tọt mẩu bánh còn lại vào miệng, ngậm chặt trong mồm…” và “Trăng rằm tròn xoe dõi đôi mắt vào cửa sổ căn phòng, nhìn hai đứa nhóc vật lộn đấm đá nhau. Ánh trăng lén lút bò lên giường, chạm vào đôi mắt nhiều dấu chân chim không biết mở ra từ bao giờ.

    Bên trong đôi mắt là niềm vui nhỏ bé lấn át nỗi buồn mien man”. Kết chuyện sẽ hay hơn, theo tôi, Khanh cũng chỉ cắn thử miếng bánh rồi đưa miếng bánh vào đôi môi đang hé mở của mẹ.

Hai bài viết tiếp theo của hai cây viết trẻ, “LỜI XIN LỖI” – Kim, 1989 và ‘HẠN SỬ DỤNG CỦA TÌNH YÊU” – BODHI BODHI Phạm Thị Thu Hà, 1992 cũng là những trang viết ấn tượng đối với tôi. Tôi rất bất ngờ với năm tác giả trẻ nhất, năm cô gái của Truyện ký 1 CHUYỆN LÀNG QUÊ, chỉ định đọc cho biết vậy mà đọc xong thấy biết được nhiều điều.

 “Nhỏ mà có võ” quả là không sai! Rất trân trọng và cám ơn các tác giả. Thật may là nhờ có cuốn Truyện ký 1 CHUYỆN LÀNG QUÊ trong tay thì tôi mới được thưởng thức những món ăn lạ mà ngon đến thế. Phây búc chỉ để lướt còn để thưởng thức và cảm nhận phải đọc trên những trang giấy. Bạn có thể đọc đi đọc lại, khi bận việc khác bạn đánh dấu trang để lần sau đọc tiếp, không sợ bài viết đang đọc dở trôi đi mất hoặc bị sao nhãng bởi tin nhắn, điện thoại đổ chuông.

Chúc các bạn đọc có được những cảm nhận như tôi khi được sở hữu một cuốn sách Truyện ký 1 CHUYỆN LÀNG QUÊ

 

Chuyện làng quê

Nguyễn Văn Nọi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/doc-thuong-thuc-va-cam-nhan-a16302.html