36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 3)

Trân trọng giới thiệu sách “36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 3.

SỰ KIỆN 2: HÀ NỘI –MÊ LINH – KINH ĐÔ CỦA TRƯNG NỮ VƯƠNG (40-43)

  Sau khi hoàn thành xâm lược, Triệu Đà đã thủ tiêu nền độc lập, sáp nhập Âu Lạc vào bản đồ Nam Việt, chia Âu Lạc thành hai quận: Quận Giao Chỉ gồm toàn bộ miền Bắc đến Ninh Bình (ngày nay), quận Cửu Chân từ Thanh Hoá đến Quảng Bình. Đứng đầu quận là Quận sứ. Dưới quận nhà Triệu vẫn duy trì đơn vị hành chính cấp Bộ do Lạc tướng người Âu Lạc nắm giữ. Như vậy, Hà Nội thời thuộc Triệu nằm trong quận Giao Chỉ.

de-hai-ba-trung-1668851097.jpeg

Đền Hai Bà Trưng với lối cấu trúc chữ Tam . Nguồn: Internet,

         

Năm 202 TCN, Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ trong cuộc chiến tranh Hán-Sở, thống nhất Trung Quốc và lập ra nhà Hán bao gồm Tây Hán (202 TCN - 8 SCN) và Đông Hán (25-220 SCN). Năm 111 TCN, nước Nam Việt bị nhà Hán tiêu diệt, lãnh thổ Âu Lạc bị sáp nhập vào nhà Hán. Nhà Hán lập ra Bộ Giao Chỉ do Thứ sử người Hán đứng đầu bao gồm 9 quận, trong đó 3 quận thuộc đất Âu Lạc: Quận Giao Chỉ gồm toàn bộ miền Bắc đến Ninh Bình, Quận Cửu Chân gồm Thanh Hoá ngày nay, Quận Nhật Nam bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đứng đầu mỗi quận là một Thái thú ngươì Hán. Dưới quận là huyện đứng đầu là quan huyện ngườì Việt. Dưới huyện là công xã nông thôn đứng đầu là Bồ Chính người người Việt (Âu Lạc), dưới công xã nông thôn là làng bản do người Việt đứng đầu. Trụ sở của chính quyền cai trị đóng ở Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành Bắc Ninh). Hà Nội khi đó thuộc quận Giao Chỉ.

Bọn thống trị phong kiến Trung Quốc ra sức bóc lột, cướp bóc kinh tế, du nhập quan hệ sản xuất phong kiến vào nước ta, ra sức đồng hoá văn hoá. Chúng du nhập chữ Hán, đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho và phong tục tập quán Trung Quốc vào Âu Lạc. Về khách quan đã làm cho kinh tế và xã hội Âu Lạc chuyển biến và bước vào xu hướng phong kiến hoá. Trên cơ sở đó giai cấp phong kiến Việt Nam ra đời và ngày càng lớn mạnh. Cùng với dân tộc, họ mâu thuẫn gay gắt với phong kiến Trung Quốc nên họ đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

          Mở đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc là cuộc khởi nghĩa bùng nổ năm 40 do Hai Bà Trưng lãnh đạo chống nhà Đông Hán. Hai Bà Trưng: chị là Trưng Trắc em là Trưng Nhị, dòng dõi bên ngoại Hùng Vương xưa, quê ở Mê Linh ( quận Mê Linh, Hà Nội ngày nay) đã phất cao lá cờ đại nghĩa, kêu gọi nhân dân vùng dậy trả thù nhà đền nợ nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà, nhân dân khắp Âu Lạc nổi dậy tạo nên một làn sóng đồng khởi mãnh liệt như thác lũ, phá tan 65 thành trì. Quân ta nhanh chóng chiếm Luy Lâu, đầu não của chính quyền cai trị. Tên Thái thú Tô Định khét tiếng tàn bạo bỏ chạy về nước. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà xây dựng một quốc gia độc lập, xây dựng một vương triều mới. Hai Bà xưng Vương, lấy Mê Linh làm kinh đô của đất nước. Lần thứ 2, vùng đất Hà Nội lại trở thành kinh đô. Trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhân dân Hà Nội đã tham gia và đóng góp nhiều cho cuộc trung hưng dân tộc. Các đạo quân của Đô Tam Trinh ở Mai Động (nay thuộc Quận Hoàng Mai), của Nàng Tía ở Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Thanh Trì), của Công chúa Vinh Huy ở Vân Hà, của Đông Bảng ở Gia Lộc (nay thuộc huyện Đông Anh); của Công chúa Quốc Hương ở Kiêu Kỵ, của vợ chồng Đào Kỳ (nay thuộc xã Ngọc Thụỵ, Long Biên) và của ba anh em họ Đào ở Đa Tốn (nay thuộc huyện Gia Lâm)[1].

          Năm 43 vua Hán Quang Vũ nhà Đông Hán sai phục Ba tướng quân Mã Viện làm chủ soái, Lưu Long làm phó soái đem 20 vạn quân tràn vào nước ta. Hai Bà Trưng đem toàn bộ quân chủ lực lên đánh một trận quyết chiến với giặc ở Lãng Bạc (Thuộc vùng Luy Lâu-Bắc Ninh ngày nay). Quân ta thua trận, 1 vạn nghĩa quân hy sinh. Hai Bà Trưng lui quân về Cấm Khê (nay thuộc Thạch Thất, Hà Nội). Mã Viện đem quân truy kích, quân ta hy sinh thêm 2 vạn. Hai Bà nhảy xuống sông Hát (nơi đầu nguồn sông Đáy) tự vẫn. Sự kiện bi thảm này là ngày 6 tháng 3 năm 43 âm lịch. Sau ba năm độc lập, nước ta lại rơi vào ách thống trị của nhà Đông Hán. Kinh đô Mê Linh bị giặc tàn phá. Đây là tai hoạ thứ hai của kinh đô thuộc vùng đất Hà Nội.

          Sau cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng, nhà Đông Hán củng cố hơn nữa bộ máy hành chính, xiết chặt ách cai trị. Nhà Hán đổi Bộ Giao Chỉ thành Châu Giao Chỉ vẫn có 9 quận, đất Âu Lạc vẫn ba quận như xưa, cái mới là nhà Hán củng cố chia nhỏ cấp huyện, lập thêm huyện mới và cử người Hán xuống làm huyện lệnh (Quan huyện). Lưu ý rằng trong hơn 1.000 năm thống trị, các triều đại Phong kiến Trung Quốc dù cố gắng cũng chỉ nắm tới cấp huyện. Từ cấp Công xã nông thôn trở xuống vẫn do Bồ Chính người Việt đứng đầu. Đất Hà Nội khi đó trở thành trung tâm của một huyện mới thành lập: Huyện Tống Bình.

SỰ KIÊN 3: HÀ NỘI - LONG BIÊN – KINH ĐÔ CỦA NHÀ NƯỚC VẠN XUÂN ĐỘC LẬP (544 - 602)

          Nhà Hán diệt vong, Trung Quốc bước vào cục diện Tam quốc: Nguỵ, Thục, Ngô. Từ năm 220 đến 280 nước ta bị nhà Đông Ngô thống trị. Kết thúc cục diện Tam quốc từ năm 280 đến năm 316 nước ta bị nhà Tấn thống trị. Năm 316 nhà Tấn diệt vong, Trung Quốc bị phân liệt thành cục diện Nam-Bắc triều. Nước ta bị nhà Lương ở Nam triều thống trị.

          Dưới thời nhà Lương, Lý Bí (Lý Bôn), một hào trưởng ở Long Hưng (Thái Bình ngày nay) đã lãnh đạo nhân dân ta nhất tề nổi dậy lật đổ chính quyền đô hộ. Thứ sử Tiêu Tư bỏ chạy về nước. Nhà Lương Tổ chức hai cuộc phản kích vào các năm 542, 543 nhưng đều bị quân ta đánh bại. Tháng 1 năm 544 (Giáp Tí), Lý Bí lên ngôi vua, xưng là Lý Nam Đế, đặt niên hiệu Đại Đức, đặt quốc hiệu Vạn Xuân, định đô ở Long Biên (Tống Bình-Hà Nội). Lần thứ 3 đất Hà Nội lại trở thành kinh đô của một quốc gia độc Lập: nước Vạn Xuân. Lý Nam Đế đã xây dựng một chính quyền độc lập với một triều đình qui mô có hai ban văn-võ. Ban quan văn do Tinh Thiều đứng đầu, Ban quan võ do Phạm Tu đứng đầu. Triệu Túc làm Thái phó. Trước đó, tháng 5 năm 543, Lý Nam Đế thân chinh cầm quân đánh bại Chiêm Thành (Vương quốc của người Chăm, lãnh thổ từ Quảng Trị đến Bình Thuận ngày nay), ổn định biên giới phía nam.

          Tại Long Biên (Tống Bình), Lý Nam Đế là người đầu tiên đã cho xây dựng một toà thành luỹ bằng tre và gỗ ở cửa sông Tô Lịch vào năm 545 và cho tướng Phạm Tu (quê của ông nay thuộc Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) coi giữ để bảo vệ kinh thành. Lý Nam Đế còn cho xây dựng chùa Khai Quốc (mở nuớc) trên bờ bắc Nhị Hà (tên xưa của sông Hồng).[2].

          Ngày 20-7-545 (Ất Sửu) nhà Lương sai tướng Dương Phiêu và Trần Bá Tiên tấn công kinh đô Long Biên của nước Vận Xuân. Thành Long Biên vỡ, tướng Phạm Tu đã hi sinh  trên chiến luỹ ở sông Tô Lịch, kinh thành một lần nữa rơi vào tay quân giặc. Quân ta rút lui và kháng chiến lâu dài. Lý Nam Đế ốm và mất vào tháng 4 năm 548. Quân ta do Triệu Quang Phục (con của Phạm Tu) chỉ huy rút về Đầm Dạ Trạch (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) tiến hành chiến tranh du kích để kháng chiến. Năm 550 nhà Lương bên Trung Quốc có biến loạn, Trần Bá Tiên đem quân về nước cướp ngôi nhà Lương. Nhân thời cơ đó Triệu Quang Phục phản công thắng lợi, giết chết tướng giặc Dương Sàn, giành lại độc lập, lập lại nước Vạn Xuân, Long Biên lại trở thành kinh đô của nước nhà. Triệu Quang Phục lên ngôi xưng là Triệu Việt Vương.

          Năm 571, cháu của Lý Nam Đế là Lý Phật Tử mặc dù được Triệu Việt Vương chia cho một phần lãnh thổ và gả con gái cho con trai y nhưng y vẫn bất ngờ đánh úp Triệu Việt Vương để đoạt toàn bộ quyền lực và xưng là Hậu Lý Nam Đế. Năm 581 Dương Kiên thống nhất Trung Quốc kết thúc cục diện Nam-Bắc triều lập ra nhà Tuỳ. Năm 602 nhà Tuỳ sai tướng Lưu Phương sang xâm lược Vạn Xuân. Lý Phật Tử bị đánh bại. Kinh đô Long Biên lại trải qua thảm hoạ lần thứ 4 rơi vào tay giặc. Nước Vạn Xuân tồn tại được 60 năm với 3 đời vua: Lý Nam Đế (544-548), Triệu Việt Vương (549-571) và Hậu Lý Nam Đế (571-602). Nước Vạn Xuân tồn tại hơn nửa thế kỷ đánh dấu sự trưởng thành về mặt chính trị của giai cấp phong kiến Việt Nam, của tinh thần dân tộc, tinh thần quốc gia. Là sự khẳng định nền độc lập dân tộc, sự phủ định dứt khoát quyền bá chủ đô hộ của phong kiến Trung Quốc. Với nhà nước Vạn Xuân và kinh đô Long Biên, sự hình thành quốc gia và nhà nước của ta đã rõ rệt, là kết quả 500 năm lịch sử đấu tranh và phát triển toàn diện của Việt Nam, là bước chuẩn bị cho sự ra đời quốc gia phong kiến độc lập sau này. Hơn nửa thế kỷ tồn tại, kinh đô Long Biên và nước Vạn Xuân đã in dấu ấn không phai mờ trong tâm trí nhân dân ta, là nguồn cổ vũ to lớn để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh cho nền độc lập dân tộc.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] .Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội . Lịch sử Hà Nội. NXB Hà Nội. 2004. Tr. 8.

[2] .Năm 1615 chùa Khai Quốc được dời vào đảo Kim Ngư  (Cá Vàng) Hồ Tây.

 

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/36-su-kien-lich-su-tieu-bieu-cua-thang-long-ha-noi-ky-3-a16387.html