Vĩnh Phúc: Tìm hiểu quá trình diên cách từ phủ Tam Đới đến phủ Vĩnh Tường qua thư tịch cổ

Sau đây là tham luận của TS. Nguyễn Hữu Tâm - Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, Đại học Đại Nam, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học tại Hội thảo " Tìm hiểu quá trình diên cách từ phủ Tam Đới đến phủ Vĩnh Tường qua thư tịch cổ " tổ chức ngày 22/08/2022 nhân kỷ niệm “ 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)”.

quang-canh-hoi-thao-200-nam-vinh-tuong-1669170907.jpg
Quang cảnh Hội thảo " 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)"

 

Theo các thư tịch cổ, Hùng Vương là con của Lạc Long Quân, đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc, thời Lê là một phần huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ ngày nay) . Cẩn án của các sử thần triều Nguyễn khi biên soạn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, lại xác định: Phong Châu: Sử cũ  chua “tức là Bạch Hạc”. Đường thư, Địa lý chí chép: “Phong Châu thống lĩnh năm huyện”, Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử chép: “Quận Thừa Hóa, Phong Châu xưa là nước Văn Lang. Như thế, Phong Châu tức là địa hạt phủ Vĩnh Tường và phủ Lâm Thao thuộc tỉnh Sơn Tây bây giờ. Vả lại, còn bằng cứ là huyện Sơn Vi có núi Hùng Vương và đền Hùng Vương, vậy không thể riêng Bạch Hạc được…”. Như vậy, vào thế kỷ XIX, các sử thần triều Nguyễn đã khẳng định, Phong Châu không chỉ là Bạch Hạc mà địa bàn của nó rộng hơn rất nhiều bao gồm trong đó cả phủ Vĩnh Tường, phủ Lâm Thao… 

Nhà sử học Đặng Xuân Bảng trong sách Sử học bị khảo cho rằng: “Phủ Vĩnh Tường (lỵ sở đóng ở huyện Bạch Hạc, đời Đường là ở huyện Vũ Bình…)” .  Khi chép về phủ Vĩnh Tường thuộc tỉnh Sơn Tây dưới triều Nguyễn (1802-1945), các tác giả của sách Đại Nam nhất thống chí đã cho biết vị trí địa lý cùng diên cách của phủ Vĩnh Tường như sau: “Ở cách tỉnh thành 13 dặm về phái tây bắc, đông tây cách nhau 43 dặm, nam bắc cách nhau 50 dặm, phía đông đến địa giới huyện Yên Lạc, thuộc phân phủ Vĩnh Tường 16 dặm, phía tây đến địa giới huyện Phù Ninh phủ Lâm Thao 27 dặm, phía nam đến sông Bạch Hạc đối ngạn với địa giới huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai 5 dặm, phía bắc đến núi Tam Đảo, giáp địa giới huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên 45 dặm…”, “Xưa là đất Phong Châu. Đời Trần là lộ Tam Đái. Thời thuộc Minh là châu Tam Đái (Đới). Đời Lê làm phủ lãnh 6 huyện Bạch Hạc, Yên Lãng, Yên Lạc, Phù Ninh, Tân Phong, Lập Thạch; đất rộng, người nhiều, cho nên ngạn ngữ có câu “Nhất Tam Đái, nhì Khoái Châu”…  .
Nhưng thực ra tên gọi Tam Đới (Đái) đã xuất hiện trong thư tịch cổ vào thế kỷ X. Từ khi Ngô Quyền mất năm 944, Dương Tam Kha nhân cơ hội được Ngô Quyền giao việc giúp con trai Ngô Xương Ngập giữ ngôi, đã tiếm xưng là Bình Vương. Chính việc cướp ngôi này của Dương Tam Kha khiến cho quần hùng trong nước nổi lên chiếm cứ các nơi, tạo thành một thế cục mà sử sách vẫn gọi là “Loạn 12 sứ quân”. Trong số đó, có Nguyễn Khoan tự xưng là Nguyễn Thái Bình, giữ Nguyễn Gia Loan ở Tam Đái .  Sông Tam Đới (Tam Đới (Đái) giang) được Lê Tắc giới thiệu trong sách An Nam chí lược như sau: ‘Tam Đái giang: Nước sông Quy Hóa từ Vân Nam chảy về, nước sông Tuyên Quang từ Đặc Ma chảy tới, nước sông Đà từ nguồn Chàng Long chảy về, nhân có ngã ba, nên đặt tên như vậy” .
Vào đời Trần, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm 11 (1242), vua Trần Thái Tông có thực hiện chia cả nước làm 12 lộ , nhưng không chép rõ tên các lộ. Lời chua trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã chỉ ra những lộ xuất hiện trong thư tịch: “Sử cũ (Đại Việt sử ký toàn thư) không chép rõ, nhưng căn cứ vào những tài liệu ghi chép từ trước, thì thấy các lộ như sau: Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng, Khoái, Thanh Hóa, Hoàng Giang, Diễn Châu…” . Theo nhà sử học Đào Duy Anh thống kê lại có 15 lộ từng xuất hiện trong thư tịch gồm: Thiên Trường, Long Hưng, An Khang, An Tiêm, Bắc Giang, Tam Giang, Quốc Oai, Tam Đới, Lạng Giang, Sơn Nam, Khoái, Hồng, Diễn Châu , Trường Yên, Đà Giang , như vậy thực số đã tăng thêm 3 lộ và một số tên gọi cũng có khác.  
Vào cuối đời Trần, niên hiệu Quang Thái thứ 7 (1394) của vua Trần Thuận Tông (1389-1398), mùa thu, tháng tám, Hoàng Hối Khanh được giữ chức An phủ sứ lộ Tam Đới . Như vậy, nếu như vào những năm 40 của thế kỷ XIII, khi chia đặt 12 lộ, không thấy tên lộ Tam Đới trong danh sách khu vực hành chính của triều Trần thì đến cuối thế kỷ XIV, Tam Đới đã hiện diện với chức danh hành chính là Lộ.
Đầu thế kỷ XV, khi Minh Thành Tổ vô cớ lấy danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ” xâm chiếm lãnh thổ Đại Việt, cha con Hồ Quý Ly lập tức ban bố nhiều biện pháp để chống đối với sự xâm lược của giặc Minh. Việc chuẩn bị lực lượng quân sự được vương triều Hồ ráo riết thực thi trên đất liền cũng như trên các con sông, nhằm ngăn chặn trực tiếp hướng tiến đánh của quân xâm lược phương bắc, cụ thể như: “sai Thái thú Đông lộ Hoàng Hối Khanh đốc suất dân phu đắp thành Đa Bang để chống giặc” , triều Hồ còn đưa quân vệ Đông Đô đóng cọc chặn cửa sông Bạch Hạc để chống giặc từ phía Tuyên Quang kéo đến. Sau đó, quân dân các lộ phía bắc còn được lệnh đóng cọc gỗ ở bờ nam sông Cái, từ thành Đa Bang đến Lỗ Giang và từ Lạng Châu (Lạng Sơn) đến Trú Giang để làm kế phòng thủ .   
Không chỉ chuẩn bị lực lượng quân sự, mà triều Hồ còn phát động dân chúng cả nước tham gia chống giặc, một trong những phương thức hữu hiệu là thực hiện kế “thanh dã” (Vườn không nhà trống) khi quân Minh vào được lãnh thổ Đại Việt. Quân dân lộ Tam Đới đã tích cực cùng nhân dân nhiều địa phương phía bắc nghiêm chỉnh chủ trương của triều Hồ. Sử chép “  Khi quân Minh mới vào cõi, ra lệnh cho nhân dân đều phá bỏ hết lúa má; các xứ Lạng Châu, Vũ Ninh, Bắc Giang, Gia Lâm, Tam Đới, đều nghiêm chỉnh  làm “vườn không nhà trống”. Quân Minh rút đi, nhân dân lại phục nghiệp như cũ” . Nhân dân hai lộ Tam Đới cùng với lộ Bắc Giang được triều Hồ tin tưởng giao cho việc dự trữ lương thực, vượt sông sang làm nhà ở tại những vùng đất bỏ hoang, để sẵn sàng nơi di cư cho quân dân.
Đồng thời với việc chuẩn bị toàn diện để kháng chiến chống xâm lược, cha con Hồ Quý Ly cũng tìm cách ngoại giao hòa hoãn, để kìm hãm chiến tranh phát triển nhanh chóng, làm tổn hại nhiều tới quốc gia, dân chúng. Vua Hồ Hán Thương đã từng sai An phủ sứ lộ Tam Giang là Trần Cung Túc làm Chánh sứ, Thông phán Ái Châu là Mai Tú Phu làm Phó sứ, Thiêm phán Tưởng Tư làm Thiêm sự sang nhà Minh cầu hòa và giải thích sự việc quân Minh đưa Trần Thiêm Bình về nước. Nhưng phía triều Minh ngang ngược, bắt cả đoàn sứ giam lại không cho về nước. Chỉ sau khi đã xâm chiếm Đại Việt, bắt được cha con Hồ Quý Ly, thì triều Minh mới thả cho đoàn sứ trở về . 
Giữa năm Đinh Hợi (1407), cuộc kháng chiến chống Minh của triều Hồ  mới bị thất bại hoàn toàn. Cha con Hồ Quý Ly cùng các triều thần bị bắt giải về Trung Quốc. Triều Minh xâm chiếm toàn bộ Đại Việt, vốn có dã tâm đồng hóa dân tộc, chúng thực hiện chính sách cai trị thâm độc quốc gia phương nam này. Tháng 7 năm Đinh Hợi (1407), Minh Thành Tổ (Chu Đệ) xuống chiếu buộc An Nam đổi thành quận Giao Chỉ, thực hiện chia đặt khu vực hành chính theo chế độ quận, phủ, huyện. Tổ chức chính quyền của quận Giao Chỉ gồm 3 Ty phụ trách chịu sự thống trị trực tiếp của chính quyền Trung ương triều Minh. Sách An Nam chí nguyên cho biết quận Giao Chỉ được chia thành 17 phủ châu gồm: phủ Kiến Xương, phủ Trấn Man, phủ Phụng Hóa, phủ Kiến Bình, phủ Tam Giang, phủ Tuyên Hóa, phủ Thái Nguyên, phủ Thanh Hóa, phủ Nghệ An, phủ Tân Bình, phủ Thuận Hóa, phủ Thăng Hoa, châu Quảng Oai, châu Gia Hưng, châu Quy Hóa, châu Ninh Hóa, Diễn Châu . Nhưng đến phần Núi sông trong cùng sách lại chép 19 phủ và 2 châu, thêm phủ Giao Châu, phủ Lạng Giang, phủ Lạng Sơn và thêm châu Ninh Hóa. 
Trong số 17 phủ, châu thuộc quận Giao Chỉ không thấy có tên vùng đất Tam Đái (Đới) mà trước khi quân Minh xâm lược, địa danh Tam Đới vẫn thường xuyên xuất hiện trên các thư tịch của Trung Quốc và Việt Nam. Ngay trong sách An Nam chí nguyên của tác giả Cao Hùng Trưng cũng không ít lần vẫn có nhắc đến châu Tam Đới (Đái). Xin đưa ra một vài thí dụ minh chứng: “(Trương) Phụ vào An Nam phá các cửa trạm Trạm Ải và Kê Lăng, Mộc Thạnh thống suất quân Vân Nam, hội với Trương Phụ, bèn từ cửa sông Chiêu Bố, thuộc châu Tam Đái làm thuyền bè để chiến đấu” . Phần chép về Thành và Hào của sách An Nam chí nguyên chép “Văn hiến thông khảo, chép rằng: “Mã Viện … bình định Giao Chỉ, mới điều động việc lập thành quách. Nay châu Tam Đới có di tích thành Kiển và thành Vọng Hải…” . Chép về Phủ Giao Châu, “Sông Lô có tên là sông Phú Lương, ở địa phận huyện Đông Quan, trên liền với sông Bạch Hạc ở châu Tam Đái…”  Chỉ với 3 trích dẫn về châu Tam Đái ngay trong sách của Cao Hùng Trưng, có thể khẳng định việc viết về quận Giao Chỉ có 17 phủ, châu của tác giả là không chính xác và còn thiếu. Một trong những châu còn thiếu thời thuộc Minh chính là châu Tam Đái (Đới). Theo nghiên cứu của nhà sử học Đào Duy Anh, thì cuối đời Trần đầu đời Hồ và giai đoạn thuộc Minh (1407-1417), châu Tam Đới gồm có 6 huyện: Phù Long, Yên Lãng, Phù Ninh, Yên Lạc, Lập Thạch và Nguyên Lang . 
Thời kỳ Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược, thư tịch của Việt Nam vẫn dùng tên gọi châu Tam Đới (Đái). Vào năm Kỷ Hợi (1419), khi Lý Bân triều Minh tiến đánh thành Nghệ An, có sai Lộ Văn Luật chỉ huy quân tiên phong, sau Luật bỏ trốn, Lý Bân liền bắt em trai của Luật là Lộ Văn Phỉ đang giữ chức Đồng tri châu châu Tam Đái . Trong cuộc khởi nghĩa chống Minh, quân dân vùng đất Tam Đái (Đới) đã góp phần tích cực vào chiến công chung của nghĩa quân Lam Sơn. Vào những ngày cuối cùng của cuộc khởi nghĩa, dưới sự chỉ huy của Khu mật Đại sứ Phạm Văn Xảo, Thái úy Lê Triện… quân dân Tam Đới tham gia cùng với quân dân các xứ Thiên Quan, Quảng Oai, Quốc Oai, Quy Hóa, Đà Giang, Tuyên Quang… để tiến hành việc ngăn chặn con đường viện binh của quân Minh theo đường Vân Nam . Năm 1427, nhân dân Tam Đới với các vùng Lạng Giang, Bắc Giang, Tuyên Quang, Quy Hóa cũng chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương sơ tán khỏi quê hương của bộ chỉ huy khởi nghĩa Lam Sơn, tránh những tai họa mà quân Minh trên đường tiến đánh có thể gây ra .   
Sau khi Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn gian khổ kháng chiến 10 năm, cuối cùng giành được thắng lợi đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi Đại Việt thì tên gọi hành chính các khu vực cả nước đã được thay đổi. Vào năm 1428, khi vừa lên ngôi, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, lập quốc hiệu là Đại Việt, định đô tại Đông Kinh, Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã lập tức tiến hành việc phân chia khu vực hành chính, cả nước chia làm 5 đạo: Đông đạo, Tây đạo, Bắc đạo, Nam đạo và Hải Tây đạo, bên dưới chia các phủ, huyện, lộ, trấn thuộc vào các đạo . Châu Tam Đới lại được trở về là Lộ Tam Đới. Năm Ất Mão, niên hiệu Thiệu Bình thứ 2 (1435) của vua Lê Thái Tông (1434-1442) có việc đặt lại các chức quan tại các địa phương, trong đó lấy Chuyển vận sứ Nguyễn Tất Kính làm An phủ sứ lộ Tam Đới . Niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448) triều vua Lê Nhân Tông, chuyến Tam Đới lộ Trấn phủ sứ là Lê A Hành sang giữ chức Thái Nguyên thượng bạn Kinh lược sứ .
Niên hiệu Thái Hòa năm thứ 7 (1449) đời vua Lê Nhân Tông, mùa đông, tháng 11, bắt đầu bổ Giáo thụ sung chức An phủ sứ các lộ. Đặc biệt, khi đó Lê Thiếu Đĩnh vốn là quan đại thần giữ chức Thiêm tri Thẩm hình viện, vì can tội tham tang, bãi chức về làm dân, suốt đời không được bổ dụng. Nhưng năm đó, vua Lê Nhân Tông đã ưu ái, phá lệ cho Lê Thiếu Đĩnh giữ chức Giáo thụ lộ Tam Đới . 
Cho đến thời kỳ Lê Thánh Tông trị vì (1460-1497), quốc gia Đại Việt trở nên hùng cường, phồn thịnh, võ công văn trị phát triển toàn diện, vào năm thứ 7 niên hiệu Quang Thuận (1466), triều Lê thực hiện việc cải tổ khu vực hành chính, đặt ra 12 đạo Thừa tuyên là: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và phủ Trung Đô . Đồng thời, “bãi bỏ tên các lộ, trấn và đều đặt tên là phủ, đổi An phủ sứ làm Tri phủ, Trấn phủ sứ làm Đồng Tri phủ…” . Lúc này, lộ Tam Đới theo quy chế mới được gọi là Phủ Tam Đới.
Niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), triều Lê định bản đồ trong nước, đạo Thừa tuyên Quốc Oai đươc đổi thành Sơn Tây, quản lý 6 phủ, 24 huyện . Trong sáu phủ của Sơn Tây thì phủ Tam Đái quản lĩnh 6 huyện: An Lãng, An Lạc, Bạch Hạc, Tiên Phong, Lập Thạch và Phù Khang . Từ năm 1469, phủ Tam Đới (Đái) thuộc quản lý của Thừa tuyên (Đạo) Sơn Tây.
Dưới thời trị vì của họ Mạc tại Thăng Long (1527-1592), vùng đất Tam Đới vẫn giữ nguyên theo quy chế khu vực hành chính dưới triều Lê Thánh Tông, thư tịch vẫn chép là phủ Tam Đới: 
Vảo năm 1551, anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật được sự tín nhiệm của vua Lê Trang Tông, phối hợp với lão tướng Lê Bá Ly tiến đánh Thăng Long. Hai anh em Uyên, Mật chiếm được hai phủ Tam Đới và Bắc Hà .
Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Hưng 12, Mạc Hưng Trị năm thứ 2 (1589), …Tháng 11, Tiết chế Trịnh Tùng tiến đánh ra bắc, Mạc Mậu Hợp không chống đỡ được phải chạy trốn về Kim Thành, Hải Dương…”Dân các phủ huyện Thuận An, Tam Đới, Thượng Hồng phía bắc sông Nhị…” . 
Cho đến cuối thế kỷ XVIII, Tam Đới vẫn được sử sách chép là phủ Tam Đới. Năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), khi Nguyễn Danh Phương nổi lên khởi nghĩa ở vùng Sơn Tây, sau chiếm đóng huyện Tam Dương. Các huyện phủ Tam Đái, Lâm Thao và Đà Dương đều bị Danh Phương chiếm cứ . Vào những năm trị vì của vua Lê Hiển Tông (1717-1786) trong niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) cũng có tiến hành một số thay đổi về khu vực hành chính, trong đó lấy huyện Tiên Phong của phủ Tam Đới chuyển đổi về phủ Quảng Oai , cho nên cuối thế kỷ XVIII, phủ Tam Đới dưới triều Lê chỉ còn quản lý 5 huyện như ghi chép của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí như sau: 
“Phủ Tam Đới, có 5 huyện: Yên Lãng, Yên Lạc, Bạch Hạc, Lập Thạch, Phù Khang.
Phủ Tam Đới ở bên tả sông Hát. Đoạn thượng lưu sông Thao từ huyện Trấn Yên thuộc trấn Hưng Hóa chảy qua huyện Sơn Vi, thông đến ngã Ba Hạc, lại một nhánh gọi là sông Đà, đầu dòng từ huyện Thanh Xuyên, trấn Hưng Hóa, cũng thông đến đấy, ba nhánh hợp lại một dòng, thành ra sông lớn. Năm huyện trong phủ, chỉ có một huyện Phù Khang ở bên hữu sông, huyện Yên Lãng, huyện Bạch Hạc đều ở ven sông, đất rộng”.  Khởi nghĩa Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo đã nhanh chóng biến thành phong trào khởi nghĩa trong toàn quốc, đánh bại thế lực họ Nguyễn và đập tan quân xâm lược Xiêm bằng trận thủy chiến nổi tiếng Rạch Gầm – Xoài Mút ỏ miền nam. Liền sau đó, quân khởi nghĩa Tây Sơn lại tiếp tục tiến ra bắc tiêu diệt thế lực họ Trịnh ở Thăng Long, đồng thời chấm dứt vai trò thống trị của nhà Lê. 
Triều Thanh nhân cơ hội Lê Chiêu Thống cầu viện, rất phù hợp với âm mưu bành trướng xuống phía nam của chúng, liền lập tức đưa đại quân sang  xâm lược Đại Việt. Cuối năm Mậu Thân, Nguyễn Huệ chọn ngày 25 tháng 11 âm lịch, làm lễ tế trời ở núi Bân (Bân Sơn), thuộc xã An Cựu, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế, lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung năm thứ nhất. Ngay sau lễ lên ngôi, Hoàng dế Quang Trung đã tự mình dẫn quân theo hai đường thủy, bộ tiến ra bắc thực hiện kế hoạch đại phá quân Thanh. Trưa ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30-1-1789), Vua Quang Trung cùng quân khởi nghĩa Tây Sơn đã đại thắng quân Thanh, giải phóng Thăng Long, tiêu diệt gần như toàn bộ 29 vạn quân xâm lược. 
Sau chiến thắng to lớn đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi, hoàng đế Quang Trung bắt tay ngay chỉnh đốn lại chính quyền nhà nước, đặt lại thể chế tập trung quyền lực đứng đầu là nhà vua, dưới là các quần thần có các chức Tam công, Tam thiếu, Đại chủng tể, Đại tư đồ…Lập ra các cơ quan chuyên trách như Lục bộ, đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng thư…Ngoài ra còn có các cơ quan khác cũng được thành lập như Hàn lâm viện, Sùng chính viện, Sử quán…Quang Trung đã cho đổi tên Thành Thăng Long thành Bắc thành, chính quyền địa phương các cấp cũng được chấn chỉnh lại. từ miền Trung (Quảng Nam) trở ra bắc được chia làm nhiều trấn, dưới trấn gồm nhiều phủ, mỗi phủ lại chia làm nhiều huyện trực thuộc, dưới huyện là tổng,  xã và thôn là đơn vị hành chính thấp nhất. Lúc này, phủ Tam Đới thuộc về trấn Tây Sơn. Điều này còn được bộ chính sử của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục ghi lại rất rõ. 
Vào tháng 5 năm 1802, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu Gia Long, mở đầu cho triều Nguyễn (1802-1945), trong phần thống kê các vùng đất giành lại được từ vương triều Tây Sơn, có chép: “Giặc Tây Sơn dẹp yên hết, lấy hết đất An Nam, tất cả 14 trấn, 47 phủ, 187 huyện…Trấn Sơn Tây 5 phủ là Quốc Oai, Tam Đới, Quảng Oai, Lâm Thao, Đoan Hùng, 24 huyện là Từ Liêm, Yên Sơn…Yên Lạc, Yên Lãng, Bạch Hạc, Phù Khang, Lập Thạch, Tiên Phong…” .
Gia Long lên nắm vương quyền, tiến hành kiện toàn bộ máy chính quyền Nhà nước từ Trung ương tới các cấp địa phương, đặt mới và bổ sung thêm nhiều cơ quan và các chức quan. Lúc này, ở Trung ương triều Nguyễn tuy vẫn theo quan chế của nhà Lê, song cũng có thay đổi như bỏ chức Tể tướng, tập trung quyền lực vào nhà vua. Bộ máy hành chính địa phương gần như giữ nguyên theo cách tổ chức cũ của các chúa Nguyễn (miền Nam) và của triều Lê - Trịnh (miền Bắc), chia cả nước thành 27 trấn, doanh . 
Trong thời kỳ vua Gia Long trị vì (1802-1820), cho đến năm đầu vua Minh Mệnh lên ngôi (1820-1840), trấn Tam Đới vẫn bao gồm 5 huyện như triều Tây Sơn. Đại Nam thực lục “Tân Tỵ, năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), mùa hạ, tháng 5…Lấy Tri phủ Tam Đới là Nguyễn Duy Cẩn làm Thiêm sự Hình bộ, biện lý Hình bộ, biện lý Hình tào thành Gia Định…” .  
Cuối năm 1821, phủ Tam Đới được vua Minh Mệnh cho đổi tên thành phủ Tam Đa, sử chép: “Tân Tỵ, năm Minh Mệnh thứ 2 (1821)…, mùa đông, tháng 11, Đổi phủ Thanh Đô trấn Thanh Hoa làm phủ Thọ Xuân, phủ Trà Lân trấn Nghệ An làm phủ Tương Dương…, phủ Tam Đới trấn Sơn Tây làm phủ Tam Đa…” . Nhưng chỉ 3 tháng sau, ngay tháng 2 âm lịch năm sau (1822), phủ Tam Đa lại được chuyển đổi với tên mới là phủ Vĩnh Tường (với ý nghĩa là mãi mãi tốt đẹp) “Nhâm Ngọ, năm Minh Mệnh thứ 3 (1822)…, tháng 2, ngày Giáp Ngọ…lại đổi phủ Tam Đa, trấn Sơn Tây làm phủ Vĩnh Tường”, nguyên văn chữ Hán trong sách 大南實錄正編第二紀, 卷十三: “改山西三多府為永祥府”. Như vậy tên gọi phủ Vĩnh Tường được xuất hiện lần đầu tiên trong thư tịch cổ là vào ngày 18 tháng Hai năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822), chuyển sang dương lịch vào ngày 11 tháng 3 năm 1822.
Trên đây là khái quát quá trình diên cách từ phủ Tam Đới đến phủ Vĩnh Tường, nếu tính từ năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đời vua Lê Thánh Tông đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đời vua Minh Mệnh, tên gọi phủ Tam Đới đã có 356 năm tồn tại trong lịch sử dân tộc. Trong hơn ba thế kỷ rưỡi tồn tại và phát triển, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người dân phủ Tam Đới (Đái) vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia cung cấp sức người, vật chất vào những trận chiến chống kẻ thù xâm lược và xây dựng đất nước.  

----------------------
Các tư liệu tham khảo.
1. Cao Hùng Trưng, An Nam chí nguyên, (2017), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội
2. Đại Việt  sử ký toàn thư (1998), T.1, T.2, T3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, (1994), Nxb. Thuận hóa, Huế.
4. Đặng Xuân Bảng, Sử học bị khảo, (1997), Viện sử học, Nxb. Văn hóa- Thông tin, H.
5. Lê Tắc, An Nam chí lược (2002), Nxb. Thuận hóa, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
6. Nguyễn Minh Tường (1996), Cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
7. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, T.I, T.II, (2007), Nxb. Giáo dục, H
8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, (2006), tái bản lần 2, T4, Nxb. Thuận hóa, Huế.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2002), T. Một, T. Hai, Nxb. Giáo dục, H.
10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1998), Tập I, T.II. Nxb. Giáo dục, H.

TS. Nguyễn Hữu Tâm - Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, Đại học Đại Nam, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/vinh-phuc-tim-hieu-qua-trinh-dien-cach-tu-phu-tam-doi-den-phu-vinh-tuong-qua-thu-tich-co-a16446.html