Ra mắt sách: “Thời thanh xuân của âm nhạc ái quốc”

Ngày 4/12 vừa qua, sự kiện ra mắt sách “Thời thanh xuân của âm nhạc ái quốc” của nhà văn Nguyễn Trương Quý được diễn ra tại Hội trường Nguỵ Như Kon Tum, Trường Đại học Tổng hợp, số 19 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

ra-mat-sach-1-1670320599.jpg
Cuốn sách “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc” của tác giả, nhà văn Nguyễn Trương Quý

 

“Thời thanh xuân của âm nhạc ái quốc” đưa độc giả đến với không khí thấm đẫm âm nhạc của Hà Nội thời kỳ “Tân nhạc” thông qua các tư liệu, sử kiện dày dặn, được tác giả xử lý, khai thác ở nhiều góc nhìn như văn học, lịch sử, xã hội, mỹ thuật, âm nhạc,… hứa hẹn sẽ khơi gợi nhưng suy tư mới, góc nhìn mới về buổi đầu của Tân nhạc Việt Nam gắn với sự khởi sinh của chủ nghĩa dân tộc đầu thế kỷ XX.

Đến với cuốn du khảo, người đọc sẽ có “cơ hội” được gặp lại rất nhiều những nhân vật quan trọng trong đời sống văn nghệ và chính trị Việt Nam những năm 40 của thế kỷ trước như: Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Mỹ Ca, Trần Văn Khê, Mai Văn Bộ, Thế Lữ, Phan Huy Quát,…

Thời kỳ “Tân nhạc”

Vào khoảng đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây tràn vào Việt Nam, chúng ta bắt đầu hình thành những sự học hỏi các bút pháp sáng tác, mở ra một thời kỳ “Tân nhạc Việt Nam”. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ những bài hát do người Việt Nam sáng tác bằng việc vận dụng các bút pháp sáng tác phương Tây nhưng khai thác chất liệu dân tộc nhằm phản ánh tâm tư, tình cảm của con người thế hệ mới.

“Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc” tái tạo một sinh quyển lịch sử

Trong bối cánh Đông Dương thuộc Pháp năm 1940, những người sinh viên và thanh niên chưa đến hai mươi tuổi đã viết những bài hát kể về chiến công xa xưa của các anh hùng dân tộc, kêu gọi tập hợp lực lượng kiến tạo một đất nước tương lai.

Lưu Hữu Phước, Văn Cao cùng những nhạc sĩ tiền chiến đã tạo ra một bầu khí quyển âm nhạc sôi sục bằng những bài hát “thanh niên - lịch sử”, thúc giục một lớp người Việt nam mới giành lấy chính quyền trong cao trào giải phóng dân tộc năm 1945.

Thông qua sự hình thành của những bài hát ái quốc trong giai đoạn lịch sử đầy sắp các sự kiện lớn, du khảo “Thời thanh xuân củ tân nhạc ái quốc” khắc hoạ câu chuyện văn hoá về việc các hội đoàn xã hội đã can dự vào cuộc đấu tranh giải thực và sự chuyển hoá của chúng dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân.

Một Hà Nội “tinh hoa” là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo của một tổ chức đã vượt ra khỏi khuôn khổ một hội đoàn trí thức - Ban âm nhạc Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương - với hạt nhân trung tâm là Lưu Hữu Phước cùng nhóm Hoàng Mai Lưu. Một Hà Nội lầm than là nơi những lời ca gai góc bi tráng của Văn Cao khởi lên cho một đoàn quân Việt Nam đi trong tưởng tượng, để rồi trở thành dự báo cho cuộc đấu tranh vũ trang chi phối lịch sử mà số phận đất nước đã nếm trải.

 

ra-mat-sach-2-1670320599.jpg
 

“Thời thanh xuân của Tân nhạc ái quốc” tiếp mạch du khảo văn hóa - đô thị

Nối tiếp cuốn du khảo Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca (NXB Trẻ, 2018), về câu chuyện giải trí đô thị Hà Nội trước và sau 1954 thông qua cuộc đời sáng tạo của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nghiên cứu mới này tiếp cận những nhân vật có hành trình khác trong dòng chảy tạo dựng một không gian văn hóa đại chúng ở quy mô phức tạp hơn, qua đó khảo cứu sự truyền bá những tư tưởng ái quốc thông qua các sản phẩm văn hóa truyền thông đại chúng, trong công cuộc tạo dựng hình ảnh Việt Nam hiện đại vào thập niên 1940. Có thể coi chúng là hai mảnh ghép trong chân dung mang tính vi lịch sử của không gian đô thị có hạt nhân là Hà Nội giai đoạn chuyển từ mạt kỳ thuộc địa sang chính thể độc lập.

Về cuốn sách “Thời thanh xuân của âm nhạc ái quốc”, tác giả Nguyễn Trương Quý chia sẻ: Mỗi lần viết, tôi như đang đi cuộc du khảo trong tâm trí. Tôi đi lang thang trên các văn bản tra cứu như đi nhặt hạt dẻ. Có lúc tôi nhặt được những món đồ quý. Tôi lục lại trí nhớ về những trải nghiệm của mình trong cuộc sống như người giở album ảnh. Có lúc tôi sững sờ vì gặp lại kỷ niệm đã bị quên lãng. Tôi là người viết chắp nối những mạch quá khứ và hiện tại. Tôi biết mình thuộc về thế hệ sẽ còn phải giải quyết các câu chuyện có tính lịch sử của xứ này. Việc viết của tôi, về mặt nào đó gần gũi với nhu cầu xê dịch, cho dù tôi có viết nhiều về nơi tôi sống là Hà Nội. Những người viết thường có nhu cầu lạ hoá thực tại để tim những góc cạnh mới làm cảm hứng sáng tác. Điều băn khoăn nhất mỗi lần viết với tôi là: cái lạ mình tìm ra đấy, nó lạ đến chừng nào? Tôi có khác chính tôi của ngày hôm qua? Mỗi ngày viết là một hành trình tìm kiếm một tôi khác”.

Sự kiện ra mắt sách còn có sự góp mặt của PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; nhà báo Kiều Trinh và dẫn chương trình, nhà phê bình văn học TS Mai Anh Tuấn.

Chương trình được biểu diễn các tiết mục mang hơi thở thời kỳ mà buổi ra mắt sách nhắc tới, như “Lên đàng” - nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và “Dạ khúc” - Nhạc Nguyễn Mỹ Ca, lời Hoàng Mai Lưu do ca sĩ Trung Ka trình bày.

ra-mat-sach-3-1670320599.jpg
 

 

 

 

Mạc Anh Vân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/ra-mat-sach-thoi-thanh-xuan-cua-am-nhac-ai-quoc-a16728.html