Hồi ký chiến tranh: Chuyện ở bẩn

Nghe câu " Ở Bẩn " không có cảm tình chút nào hết phải không mọi người? Nhưng mà mọi người thử đọc coi, " Ở Bẩn " dễ thương lắm đấy! Nếu ai sẵn có tính đa cảm, đa sầu thì tôi tin rằng người ấy cũng sẽ rưng rưng rớm lệ vòng quanh. Nhất là ai có người thân của lính chiến, thì chắc chắn rằng nước mắt sẽ lã chã rơi! Mặc dù thời gian đã đi qua nửa thế kỷ rồi.

Sau tròn một tháng trời chiến đấu quyết liệt đổ bao nhiêu xương máu, đúng 10 giờ 30 phút ngày 28/4/1972, thì Sư Đoàn 308 của tôi đã làm chủ được thị trấn Đông Hà, cái gọi là " Bất khả xâm phạm " mà Mỹ và QĐ VNCH thường vỗ ngực rêu rao.

Thừa thắng xông lên và với sức tấn công như vũ bão, đúng hai ngày sau, tức là sáng ngày 01/5 thì Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng. Sư Đoàn 308 của tôi lại vội vàng hành quân khẩn cấp vào sâu trong rừng lánh nạn, bởi máy bay B.52 của Mỹ sẽ chẳng tha thứ chúng tôi. Chúng sẽ bay tới từng đàn, để giải thảm trả thù, vì vụ Mỹ và QĐ VNCH vừa bị thất bại thảm hại nặng nề chưa từng thấy.

dh1aq1-1670387497.jpg
PẢnh tác giả chụp CM sau ngày ký Hiệp định Parir 27/01/1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Khoảng một tuần lễ sau Sư Đoàn tôi đi làm nhiệm vụ mới, đó là bảo vệ vùng giải phóng. Tôi không biết rằng đơn vị bạn E 36 và E 88 cùng Sư Đoàn 308 của tôi, hiện giờ đóng quân ở đâu? Nhưng E 102 chúng tôi đã từng đóng quân ở : Ngã tư Sòng, nhà thờ La Vang, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và Hải Lăng. Đây là quãng thời gian im tiếng súng và cũng là quãng thời gian sung sướng nhất của tôi, cũng như thời gian sung sướng nhất của anh em đồng đội trong toàn Sư Đoàn.

Khoảng ngày 20/6 Sư Đoàn hành quân lên núi rừng Trường Phước, rồi băng rừng về Thừa Thiên Huế. E 102 của tôi vừa hành quân chớm đến huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế thì lại phải hành quân thần tốc quay đầu về Hải Lăng vì ngày 28/6/1972 QĐ VNCH lại mở cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị và cũng là những ngày tháng " Ở Bẩn ". " Ở Bẩn " đến lỗi thật khó ai tin. Nhưng tôi lại không sợ bạn đọc cho tôi là người nói điêu, mà người miền Nam gọi là nói láo. Bởi tôi có hàng vạn cán bộ và chiến sỹ của các Sư Đoàn tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ công nhận " Ở Bẩn '' là có thật, thật 100% luôn.

Vâng! Suốt trong 81 ngày đêm chúng tôi toàn ngủ trong hầm sâu chật chội. Có nhiều đêm mưa nước tràn ngập hầm, chúng tôi ngồi ngâm mình dưới nước đất đục ngầu, bởi không thể tài nào tát nước được, đương nhìn là quần áo ướt sũng bẩn thỉu. Ướt sũng bẩn thỉu cũng đành phải chịu vậy thôi vì biết làm sao được? Vậy đó có phải là " Ở Bẩn " không mọi người?

Đọc đến đây khéo nhiều bạn trẻ thắc mắc: " Sao các anh không ngủ trên nóc hầm? ". Ui! Có mà sui dại. Chúng tôi sẽ được cấp giấy báo tử ngay về cho bố mẹ là cái chắc, bởi ở đây lúc nào cũng có bom Mỹ, pháo Mỹ 24 h/24h ầm ầm rình rập tính mạng chung quanh.

Vâng! Suốt trong 81 ngày đêm tôi chưa hề đánh răng, rửa mặt, bởi lấy đâu ra kem đánh răng mà xỉa? Ngồi trong hầm có được một bình tông nước lã để uống cũng là hạnh phúc lắm rồi, thì lấy đâu ra mà rửa mặt?

81 ngày đêm tôi chưa hề tắm giặt, cũng như tôi chưa hề được thay quần áo. Đêm đi lấy đạn, lấy gạo, cáng thương binh... Trèo đèo toát mồ hôi, rồi lội suối ướt hết quần áo coi như đó là mình được tắm. Xong nó lại tự khô, coi như đó là mình đã phơi khô.

Và còn một chuyện " Ở Bẩn " nữa là " Rác Thải ". " Rác Thải " ở đây là những xác chết. Xác của vật nuôi vô chủ đói ăn và trúng bom, trúng pháo kích. Xác của người lính VNCH lẫn trong xác của thường dân vô tội không phải là không có. Xác của những ngôi mộ chung quanh bốc hơi mùi ngây, ngây rất khó chịu.

" Rác Thải " của lính ta khai nồng và thối hoắc chung quanh, bởi lính ta ai dám đi xa khỏi hầm? và lính ta có ai biết Tolet là cái gì đâu? Vậy thì " Ở Bẩn " quá rồi còn oan chi nữa?

" Ở bẩn " như thế đấy, vậy mà vẫn cứ ôm nhau ngủ ngon lành, chẳng thấy anh nào kêu hôi hám, bẩn thỉu. Bởi hoàn cảnh thế thì phải chịu thế thôi.

" Ở bẩn " như thế đấy, vậy mà tôi không thấy anh nào bị ghẻ lở hay hác lào như hồi sáu tháng huấn luyện tân binh ở miền Bắc, mọi người có thấy lạ không? Riêng tôi không thấy lạ, bởi tôi nghĩ, có lẽ nguồn nước ở Quảng Trị bị nhiễm thuốc bom, thuốc hóa học nặng nề quá rồi, thành thử chúng tôi lội suối hằng ngày bị ướt, chính là chúng tôi được bôi thuốc diệt khuẩn vi trùng ghẻ lở, hác lào hằng ngày rồi đấy.

Chiến tranh đã lui xa, quá khứ đã khép lại, vậy mà tình cảnh người lính ngày xưa thỉnh thoảng cứ hiện về trong trí não tôi. Phải chăng đây là một căn bệnh của người lính già, mà khoa học gọi là " Hội chứng chiến tranh ". " Hội chứng " này không được thể hiện như những bài viết này, thì một vài năm nữa thôi, lớp trẻ sẽ không ai biết được thế hệ cha ông đã từng " Ở Bẩn " như thế nào./.

L.H

Đà Nẵng 03/12/2022

Trái tim người lính

 Lương Hòa

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/hoi-ky-chien-tranh-chuyen-o-ban-a16739.html