Hà Giang: Phát triển thương hiệu sản phẩm từ tam giác mạch

Cây tam giác mạch đang được đánh giá là cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân vùng biên giới Hà Giang. Các địa phương đã chú trọng phát triển diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng trong trồng loại cây này để người dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Góp phần xóa đói giảm nghèo

Từ năm 2014, khi Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) góp mặt vào mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, khách du lịch đến với Hà Giang ngày càng đông và hoa tam giác mạch đã trở thành “cơn sốt du lịch” của giới trẻ, điều này không chỉ giúp Hà Giang thu về nguồn doanh thu lớn từ du lịch mà đồng thời cũng đặt ra “bài toán” về phát triển bền vững du lịch gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng trồng hoa.

fb-img-1673431044248-1673842958.jpg
Cây tam giác mạch được trồng ở Hà Giang

Ông Vũ Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết: Cây tam giác mạch là cây ngắn ngày, không kén đất dễ trồng, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu địa bàn 4 huyện vùng cao và 2 huyện phía Tây của tỉnh và đây là một trong những cây trồng được tỉnh xác định là sản phẩm đặc trưng hàng hoá chất lượng cao (Nghị Quyết số “17” của Tỉnh uỷ và Kế hoạch “308” của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá chất lượng cao theo chuỗi giá trị). Diện tích trồng Tam giác mạch hàng năm duy trì khoảng 500-600ha/năm (Mèo Vạc 150 ha, Đồng Văn 250, Yên Minh trên 100ha, Quản Bạ 60ha), trồng chủ yếu vụ Thu - Đông (trên diện tích đất ngô 1 vụ).

trong-hoa-1673843097.jpg
Nông dân vùng cao Hà Giang gieo trồng tam giác mạch

Trước đây, người dân vùng núi đá Hà Giang tận dụng diện tích canh tác ít ỏi của mình để trồng ngô, đậu tương để làm cây lương thực chính. Cây tam giác mạch được trồng nhưng với diện tích hạn chế, năng suất thấp, ít mang lại giá trị kinh tế. Trong năm 2015, tỉnh Hà Giang đã triển khai trồng cây hoa tam giác mạch tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá và đã tổ chức thành công Lễ hội Hoa tam giác mạch lần đâu tiên thu hút gần 2.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế tham dự.

Tại các Lễ hội hoa tam giác mạch đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch đến thăm quan, chụp ảnh, với mức phí 10 nghìn đồng/du khách; trung bình mỗi vườn hoa tam giác mạch thu về từ 2- 2,5 triệu đồng/ngày, khi đông khách có vườn thu về trên 5 triệu đồng/ngày.

Bên cạnh đó, nguồn thu lớn nhất giúp người dân nâng cao thu nhập là từ hạt tam giác mạch. Trước đây, hạt tam giác mạch chủ yếu được người dân làm bánh nướng bán ở chợ phiên, hay nấu rượu phục vụ nhu cầu của cuộc sống, thì nay, tất cả sản lượng hạt tam giác mạch được các cơ sở sản xuất rượu và bánh, kẹo tam giác thu mua hết với giá cao. Việc phát triển sản xuất các sản phẩm từ hạt tam giác mạch đã tạo một đầu ra cho người trồng Tam giác mạch, hiện nay người dân thu hoạch sản phẩm hạt bán ra trung bình hàng năm 15.000- 30.000đồng/kg. Tùy vào từng thời điểm thu hoạch diện tích từng trà và thời tiết ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng thu hoạch hạt; giá trị sản phẩm sẽ cao hơn so với thời gian thu lứa đầu đến từ 45.000-55.000 đồng/kg.

bia-tam-giac-mach-1673843166.jpg
Một sản phầm dùng nguyên liệu từ hạt cây tam giác mạch Hà Giang

Tại huyện Đồng Văn có Hợp tác xã Bắc Lan, tổ 1 Thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, thu mua sản phẩm hạt Tam giác mạch của nhân dân trong huyện (85% sản lượng) để sử dụng chế biến làm bánh kẹo, bún và được công nhận sản phẩm Ocop 3 sao cấp tỉnh; Hợp tác xã rượu Thiên Hương, tổ 6 Thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, Hà Giang thu mua sản phẩm hạt Tam giác mạch của nhân dân trong huyện  để sử dụng chế biến thành phẩm rượu mạch, bánh hạt dến  tam giác mạch.

Huyện Mèo Vạc có Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng và Hợp tác xã thương mại Pả Vi Hạ thu mua để chế biến thành bánh, bột, trà và kết hợp với du lịch dịch vụ...

Hàng năm tỉnh Hà Giang chỉ đạo ngành Nông nghiệp và giao các huyện cân đối, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân trồng Tam giác mạch từ 3triệu đồng/ha phục vụ Lễ hội hoa Tam giác mạch (khoảng 200ha) để trồng, chăm sóc, tạo điểm nhấn… phục vụ lễ hội thu hút khách du lịch đến với Hà Giang và khuyến khích người dân phát triển diện tích hiện có và đầu tư thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng góp phần sản lượng lương thực hàng năm của tỉnh.

Vươn mình ra thị trường Nhật Bản

Định hướng, phát triển cây tam giác mạch của ngành Nông nghiệp Hà Giang trong thời gian tới là duy trì diện tích hoa tam giác mạch để phục vụ Lễ hội hoa Tam giác mạch của tỉnh. Đồng thời có cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm.

cao-banh-1673843362.jpg
Tam giác mạch được trồng tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, TP Hà Giang

“Với tiềm năng đất đai, khí hậu, con người và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị việc hình thành vùng nguyên liệu tam giác mạch để xuất khẩu là rất cần thiết nhằm phát triển thành sản phẩm hàng hoá của tỉnh kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, tăng thêm thu nhập, giá trị cho người nông dân tại địa phương”, ông Vũ Văn Hiếu khẳng định.

hu-hoach-tam-giac-mach-1673843270.jpg
Nông dân thu hoạch hạt giam giác mạch để xuất khẩu

Tháng 11/2022, 5 tấn hạt tam giác mạch của nông dân Hà Giang đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây là số hạt tam giác mạch được thu hoạch nằm trong dự án trồng 50ha tam giác mạch tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, TP Hà Giang, Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản – Việt Nam đã hoàn tất quy trình đóng gói 5 tấn hạt để xuất khẩu sang Nhật Bản làm nguyên liệu sản xuất mì Soba - một loại mì đặc trưng của Nhật Bản.

hop-bao-1673843615.jpg
Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam họp báo thông tin về dự án trồng tam giác mạch tại Hà Giang

Ông Matsuo Tomoyuki, Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam cho biết, trên thực tế, nhu cầu nhập khẩu hạt tam giác mạch thô làm mì Soba của Nhật Bản rất lớn. Qua khảo sát thực tế cho thấy, chất lượng hạt giác mạch trồng tại Hà Giang cao hơn nhiều so với những nơi khác.

Hiệp hội đang hướng tới việc bán nguồn nguyên liệu hạt tam giác mạch cho các nhà máy sản xuất bột soba và tiếp cận các nhà hàng kinh doanh mỳ soba để tạo thói quen sử dụng nguồn nguyên liệu "soba Việt Nam" thay cho nguồn nguyên liệu truyền thống ở Nhật Bản, vốn được nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Mỹ hoặc Nga.

“Chúng tôi đang có hợp đồng với hai đối tác, một ở gangi (với chuỗi 3 cửa hàng Soba ở Tokyo) và còn lại là chuỗi Soba lớn nhất (có đến 200 cửa hàng). Hiện tại các công ty đang hướng tới bán nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất bột làm mì Soba và tiếp cận các nhà hàng kinh doanh Soba để tạo thói quen sử dụng nguồn nguyên liệu làm mì Soba từ Việt Nam thay cho nguồn nguyên liệu truyền thống ở Nhật Bản được nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Mỹ hoặc Nga”, ông Matsuo Tomoyuki khẳng định.

Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây tam giác mạch tại các địa phương của tỉnh Hà Giang và mục tiêu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ 300 đến 600 tấn hạt tam mạch trong năm 2023.

Lê Hoàn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/ha-giang-nang-cao-gia-thi-va-phat-trien-thuong-hieu-san-pham-tu-tam-giac-mach-a17344.html