Cánh chim non vượt bão (Tiểu thuyết trinh thám - Tiếp 4)

Nhà văn Phạm Xuân Đào đã có gần 20 đầu sách, gồm: các tập Truyện vụ án; truyện ngắn; thơ và Tiểu thuyết. CÁNH CHIM NON VƯỢT BÃO là một trong những tác phẩm của ông. Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

pham-xuan-dao-1620459656.jpg
 

 

5

Quốc Tuấn định bay ra Hà Nội cùng người yêu tìm cách giải quyết công việc, nhưng đến phút chót, anh chỉ ra sân bay để tiễn Gia Linh rồi phải quay trở về quê. Bố anh bỗng nhiên bị xuất huyết não ở tận Đồng Tháp. Vậy là Gia Linh phải trở về Hà Nội một mình.

Mấy ngày liền, Gia Linh ở miết trong nhà, không ra khỏi cửa. Cô ăn quấy quá mấy gói mỳ tôm, bật tivi lên cho có tiếng người rồi đắm mình vào những suy nghĩ xung quanh việc mẹ cô bị bắt với tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Rồi cô đọc đi đọc lại cái địa chỉ của nhân vật có tên Trần Hoạt, cố hình dung ra con người ấy và tìm cách lý giải về mối quan hệ giữa mẹ và người đàn ông này, nhưng cô không sao hình dung nổi và cũng không lý giải được. Một buổi chiều, Gia Linh sang nhà gặp bà Nghiêm để tìm hiểu thêm sự việc.

Bà Nghiêm nhìn cô gái, ái ngại:

- Bác cũng không biết gì hơn cháu đâu. Hồi mẹ cháu chưa bị bắt, thi thoảng sang chơi, có lần bác thấy một người đàn ông. Có thể đó là ông Hoạt cũng nên. Đó là một người đàn ông có cá tính và mạnh mẽ. Họ vui vẻ và quyến luyến nhau lắm. Mẹ cháu khoe “Anh ấy đã giúp đỡ em nhiều lắm chị ạ”. Nhưng có một lần, ở bên nhà, bác nghe thấy hai người to tiếng với nhau, có vẻ căng thẳng lắm. Về chuyện gì thì bác không biết. Sau này có dịp hỏi thì mẹ cháu chỉ cười, bảo “Anh ấy hiểu lầm em chị ạ”. Nghe vậy, bác cũng không hỏi thêm nữa. Thế rồi chẳng hiểu sao mẹ cháu lại vướng vào vòng lao lý ấy. Rõ khổ.

- Thế còn cái ông Tommy bị bắt cùng với mẹ cháu, bác có biết gì về ông ta không ạ?

Bà Nghiêm cười:

- Bác lắm việc nên cũng không quan tâm tới chuyện của mẹ cháu đâu. Nhưng sau khi mẹ cháu và cái người đàn ông kia cãi nhau, bác không thấy ông ta đến nhà cháu nữa. Thời gian sau, bác thấy ông người Tây xuất hiện. Sau thì… hai người bị bắt. Hôm công an mời bác sang làm chứng, bác thấy mẹ cháu có vẻ hốt hoảng. Hình như mẹ cháu không hề biết chuyện gì xảy ra, còn ông Tây kia thì bàng hoàng ngơ ngác lắm.

Ngồi nghe người hàng xóm nói chuyện, Gia Linh thấy hình như có điều gì đó không ổn. Cô không tin là mẹ mình lại túng quẫn đến mức lao vào buôn bán cái chất chết người kia. Hình như chuyện này có điều gì uẩn khúc, không bình thường. Hình như mẹ cô bị oan thật. Nhưng ai sẽ là người minh oan cho mẹ đây? Chỉ có cô, người có khả năng làm việc này và thực sự thì cô đã được mẹ trăng trối, gửi gắm trước khi bà bị đưa vào trại giam. Nhưng Gia Linh vẫn hi vọng sẽ cải thiện được vấn đề bởi chính thứ trưởng Lê Khuất đã hứa giúp cô điều đó. Hơn ai hết, cô phải có bổn phận và trách nhiệm tìm cách minh oan cho mẹ. Và việc này phải làm ngay, không thể chần chừ và chậm trễ  hơn được nữa.

*

Sau nhiều ngày suy tính, một buổi chiều muộn, Gia Linh phóng xe tìm đến  cái số nhà mà chính mẹ cô đã đọc cho cô hôm bà bị bắt. Hỏi mãi, cuối cùng cô cũng đến được nơi cần đến. Dừng xe trước cổng. Do dự mãi, cuối cùng Gia Linh quyết định bấm chuông và chờ đợi. Từ trong nhà, một người đàn ông tầm thước khoảng trên bốn mươi tuổi đi ra. Nét mặt ông ta không mấy vui vẻ. Có lẽ ông không muốn tiếp những người khách không mời mà đến. Nhưng khi nhìn thấy một cô gái rất trẻ, rất đẹp tự nhiên nét mặt ông ta giãn ra, dịu lại. Vừa mở cổng, ông ta vừa hỏi:

- Cô hỏi ai?

- Dạ… tôi muốn gặp ông Trần Hoạt.

- Tôi là Hoạt đây. Có việc gì không cô bé?

- Có chứ ạ. Nhưng chả lẽ ông lại tiếp khách ở ngoài này?

Thấy cô bé cực trẻ, nét mặt khá xinh đẹp, khẩu khí khá tốt và hình như cô ta đang xúc phạm tới lòng tự trọng của mình, Trần Hoạt nở một nụ cười, rút chốt cổng rồi nghiêng người, đưa tay làm động tác mời khách rất kiểu cách:

- Vậy thì mời cô vào nhà!

Gia Linh dắt xe đi theo Trần Hoạt. Dựng xe ở sân, cô theo chủ vào nhà. Căn nhà của Trần Hoạt khá bình dị. Chủ nhà mời cô ngồi, với tay lấy phích rót nước, đặt một chén trước mặt Gia Linh:

- Cô là ai, tên gì? Gặp tôi có việc gì nào? Cô có thể vừa uống nước vừa cho biết được không?!

Gia Linh nhìn thẳng vào mắt người đàn ông đang ngồi trước mặt mình, điềm tĩnh. Có lẽ từ trước tới nay chưa bao giờ cô điềm tĩnh như lúc này:

- Tôi là Gia Linh, con gái bà Linh Nga hiện bà đang nằm trong trại tạm giam.

- À, ra thế ! đã có lần tôi được mẹ cô giới thiệu sơ qua về con gái của mình. Nhưng tôi không nghĩ con gái Linh Nga lại xinh xắn, đáng yêu và mạnh mẽ đến thế. – Trần Hoạt nhìn như xoáy vào chiếc cổ trắng ngần với khe ngực khêu gợi và vồng ngực căng đầy của Gia Linh.

- Tôi biết trước đây, ông và mẹ tôi rất quý nhau, nếu không muốn nói là người tình của nhau. Thế tại sao ông lại hại mẹ tôi ?

- Ôi cô bé. Phải nói là tôi rất thích cái tính thẳng thắn của cô. Nhưng tôi phải đính chính rằng, trước đây tôi và mẹ cô đã là của nhau. Chúng tôi đã có những giây phút bên nhau và không tiếc nhau bất cứ một thứ gì kể cả vật chất và xác thịt...

- Hức! Thế mà ông lại hại bà ấy ? – Gia Linh bực bội ngắt lời.

- Bình tĩnh đã cô bé. Tôi là người rất rạch ròi. Đã yêu, yêu hết mình. Còn đã ghét thì ghét đến tận xương tận tủy, nhất là đối với những kẻ phản bội.

- Thế mẹ tôi đã làm gì để ông hại bà ấy ?

- Ôi, cái đó thì cô hãy về hỏi mẹ cô thì khắc rõ. Nhưng tôi nói để cô biết thêm rằng, từ xưa tới nay những kẻ phản bội tôi, trước sau gì đều bị chết ! – Trần Hoạt cười khùng khục trong miệng, đôi vai rung lên, trông thật đểu cáng.

- Ông là một thằng hèn, một kẻ đốn mạt.

Trần Hoạt rời chỗ ngồi, đứng dậy vòng ra phía sau Gia Linh, vừa đi vừa nói :

- Đừng nóng cô bé ! Em rất đẹp, rất đáng yêu và quyến rũ hơn mẹ em nhiều. Đừng để sự bực bội làm lu mờ vẻ đẹp của em đi. Những câu nói vừa rồi không nên phát ra từ khóe miệng rất đẹp rất duyên này, cô bé ạ.

Gia Linh bắt đầu nhận thấy đây là một kẻ rất gian manh và xảo trá. Hắn có thể và sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi hắn muốn. Nghĩ vậy, cô đứng dậy. Nhưng Gia Linh chưa kịp đứng lên thì đã bị Trần Hoạt dùng hai bàn tay cứng như sắt ghì vai, buộc cô phải ngồi xuống. Cô gái không đủ sức thoát ra khỏi hai bàn tay ấy, đành ngồi trở lại ghế. Vừa lúc, một bàn tay của Trần Hoạt  thục mạnh vào cổ áo. Hắn bóp mạnh vào bầu vú tròn trịa, rắn chắc của cô. Như một phản ứng tự nhiên, Gia Linh co người lại, hai bàn tay cô giữ chặt bàn tay hắn, không cho nó tự do sờ soạng. Đồng thời, Gia Linh cúi xuống cắn một phát thật mạnh vào cổ tay kẻ sàm sỡ. Như bị điện giật, Trần Hoạt rút nhanh tay ra, cùng với một câu chửi thật tục :

- Đ.mẹ  đồ chó. Mày dám chơi tao hả ? Con mẹ mày ghê gớm thế nào tao còn trị được nữa là ranh con như mày. Hôm nay, tao sẽ lột trần truồng  mày ra để xem mày có hấp dẫn hơn mẹ mày không.

Hắn nhảy qua ghế sopha, đưa hai tay chộp lấy Gia Linh. Nhanh như một con sóc, Gia Linh thoát khỏi chỗ đứng. Trần Hoạt cũng rời khỏi chỗ đó và lừ lừ đi tới. Mắt hắn hau háu nhìn vào chiếc cổ áo đã rộng hơn khi một chiếc cúc áo của Gia Linh vừa bị đứt để lộ ra bộ ngực trắng ngần. Cô bỗng hốt  hoảng bởi đây là một tình huống mà trước khi tới đây cô không hề nghĩ tới. Cô gái lùi về phía chiếc tủ gần đó. Dựa lưng vào cánh tủ, hai tay Gia Linh đưa về phía sau nắm vào hai chiếc nắm inox, nghĩ cách đối phó. Bất thần Trần Hoạt lao tới. Gia Linh cúi thấp người làm hắn vồ trượt. Hắn lảo đảo. Nhưng ngay tức khắc, hắn xoay người tóm được cánh tay cô gái. Gia Linh lấy hết sức bình sinh kéo Hoạt về phía mình. Cùng với đó là một cú đá quét cực mạnh vào chân. Trần Hoạt bị mất đà ngã dúi. Gia Linh bay trên không và bàn chân phải đá một phát cực mạnh trúng mặt Trần Hoạt. Hắn ngã nghiêng, thái dương đập xuống gờ bậc cầu thang. Tay hắn chới với. Mắt hắn trợn trừng, đầu và tâi ri rỉ máu, miệng hắn ngoác ra ngáp ngáp. Cú ngã quá mạnh – Gia Linh nghĩ - có thể hắn sẽ chết. Cô bàng hoàng không tin ở mắt mình. Thế là hết, mình đã giết người – cô nghĩ . Có cái gì đó lạnh toát chạy dọc sống lưng. Cô hốt hoảng xốc lại quần áo rồi nhanh chóng rời bỏ căn phòng, chạy nhanh ra sân lấy xe, lật đật mở cổng, tìm cách tẩu thoát. Lúc này cô không nghĩ được gì hơn, chỉ mong hãy thoát khỏi đây càng nhanh càng tốt. Ngồi trên xe, mồ hôi cô vã ra như tắm. Cô phóng xe như ma đuổi lạng lách qua mấy con phố rồi phóng ra phố chính, tiến thẳng về nhà mình. Mở cổng, vứt xe vào trong nhà, Gia Linh lao vào nhà vệ sinh, mở vòi, vục mặt vào bồn nước lạnh. Cô không nghĩ sự việc lại diễn ra quá nhanh, quá đột ngột như vậy. Làm sao bây giờ ? Lòng cô rối bời. Cô lật đật lấy điện thoại, điện cho người yêu. Chỉ thấy tiếng tút tút đều đầu. Quốc Tuấn không bắt máy. Không biết người yêu đi đâu mà không nghe. Gia Linh đi ra phòng ngoài. Cô đi đi lại lại tìm cách thoát khỏi tình trạng hoảng loạn này. Và cuối cùng cô đã nghĩ ra một cách: ra sân bay, bay vào thành phố Hồ Chí Minh ngay trong đêm để không ai phát hiện cô đã có mặt tại Hà Nội. Và rằng, để chứng minh cô không hề liên quan gì tới cái chết của Trần Hoạt.

Gia Linh vội vàng khóa cửa, khóa cổng, ra đường vẫy tắc xi. Một chiếc tắc xi táp vào vệ đường. Gia Linh mở cửa ngồi vào xe. Cô bảo người lái cho xe chạy ra đường cao tốc hướng về phía Nội Bài. Khi đó đã gần 20 giờ tối.

Ngồi trên xe, cô liên tục giục người lái xe tăng tốc kẻo chậm chuyến bay. Người lái tắc xi bình thản bảo “ Chị cứ bình tĩnh. Phóng nhanh, công an phạt thì chết em”. Gia Linh càng sốt ruột hơn. Điện thoại trong túi cô bỗng rung lên, cô hấp tấp mở máy. Đầu giây bên kia là Quốc Tuấn. Mắt nhìn qua gương chiếu hậu, quan sát người lái tắc xi, miệng cô lập bập :

- Anh à ? Sao em gọi, anh không bắt máy ? Anh đừng nói gì cả, nghe em nói này, em có… chuyện rồi. Bây giờ em đang ra sân bay. Em sẽ bay chuyến mười một giờ ba mươi. Anh đón em ở Tân Sân Nhất nhé... Rồi ! vào tới nơi em sẽ nói cụ thể... Thế nhé, Ok anh!

Tắc xi dừng lại trên cầu trước cửa sân bay, Gia Linh trả tiền cho người tài xế rồi vội vã ào vào quầy bán vé. Rất may, vé vẫn còn. Cô trả tiền, nhận vé và nhận lại chứng minh thư, nhanh chóng đến cửa ra vào. Qua cửa soát vé, Gia Linh rất hồi hộp. Cô ngoái lại phía sau xem có ai đi theo mình không. Tất cả bình yên. Cô hít một hơi thật sâu như muốn vỡ tung lồng ngực rồi đi tới khu nhà chờ. Còn gần ba mươi phút nữa máy bay mới cất cánh. Gia Linh cảm thấy thời gian sao trôi đi sao chậm chạp đến thế. Cô mong lên được máy bay càng nhanh càng tốt. Vừa lúc ấy, tiếng loa của nhà ga hàng không thông báo “ Hành khách đi chuyến bay Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ra cửa số ba để lên máy bay... ”. Gia Linh vội vã đứng dậy, lẫn vào dòng người. Con đường từ nhà chờ ra sân bay có một quãng nhưng sao cô thấy nó dài như hàng kilomet. Cô nghĩ, thế là yên tâm, chuyến đi của mình có thể coi như trót lọt. Chìa vé cho tiếp viên hàng không đứng ở cửa máy bay xong, cô nhận lại vé và vội vã vào bên trong, tìm ghế. Đây rồi, số ghế 47. Gia Linh ngồi xuống, ngả người ra sau. Kể từ lúc tung cú  đá vào mặt Trần Hoạt, làm  cho hắn đổ nghiêng trên bậc cầu thang, cô cảm thấy toàn thân căng thẳng. Đến phút này, cô mới có cảm giác như được thư giãn.

Hành khách đã ngồi hết vào các hàng ghế. Các tiếp viên hàng không duyên dáng đang đứng trên lối đi, hướng dẫn hành khách những điều cần biết, phòng khi máy bay có sự cố. Gia Linh không hề quan tâm. Cô đã bay không biết bao nhiêu chuyến rồi nên với cô tất cả những hướng dẫn đó là quá thừa, nhất là vào lúc này. Cô chỉ mong máy bay cất cánh ngay để cô mau chóng rời khỏi thủ đô, rời khỏi nơi mà cô đã vô tình gây ra những chuyện tày đình. Tiếng loa trong máy bay lại cất lên “Hành khách chú ý. Máy bay chuẩn bị cất cánh, yêu cầu hành khách thắt giây an toàn ... ”. Gia Linh mỉm cười, vậy là cô sẽ thoát, không ai biết gì về việc cô đã đến nhà Trần Hoạt và sự cố diễn ra. Nhưng sao máy bay vẫn đỗ trên đường băng, không thấy chuyển bánh. Gia Linh hồi hộp, lo lắng. Cô nhìn trước, nhìn sau và bỗng thấy một tiếp viên xuất hiện, theo sau có ba người đàn ông mặc thường phục đi thẳng tới chỗ mình. Một người nhìn Gia Linh, hất hàm :

- Cô là Gia Linh, vận động viên Vovinam?

Gia Linh run bắn, giọng lắp bắp :

- Dạ… vâng, là… em đây ạ.

- Chúng tôi là Công an. – vừa nói, anh ta vừa chìa chiếc thẻ đỏ ra trước mặt Gia Linh rồi lạnh lùng - Cô đã bị bắt !

Một người lôi cô ra khỏi ghế. Chiếc còng số tám được bập xuống hai cổ tay cô. Toàn thân Gia Linh run lập cập, miệng lắp bắp :

- Không, tôi không có tội, tôi không cố ý… giết ông ta!

Mặc cho cô hoảng hốt và khẩn khoản phân trần, ba sỹ quan Công an vừa cầm tay, vừa đẩy vào vai, đưa Gia Linh rời khỏi máy bay. Ngay dưới chân cầu thang, một chiếc xe đặc chủng đã đợi sẵn. Cửa xe đã mở. Họ ấn cô lên xe. Rồi cửa xe đóng sầm lại. Chiếc xe rung lên, quay đầu chạy ra khỏi phi trường. Phía sau, sân bay rực sáng ánh điện và chiếc máy bay bắt đầu chuyển bánh trên đường băng rồi bay vút lên trời đêm.

*

Trong phòng đợi tại sân bay Tân Sân Nhất, Quốc Tuấn ngồi từ mười một giờ đêm hôm trước tới tận bảy giờ sáng hôm sau nhưng vẫn không thấy người yêu đâu. Anh điện thoại nhưng chỉ nhận được ở đầu giây bên kia một giọng nói hết sức vô cảm “thuê bao quý khách vừa gọi, hiện không liên lạc được…”. Quốc Tuấn cố nán lại đến hơn mười một giờ trưa. Nhưng cũng chẳng ích gì, anh mệt mỏi rời sân bay, lên xe về nhà. Trong anh rối như tơ vò. Anh nghĩ, chắc chắn Gia Linh đã gặp chuyện chẳng lành và có thể là rắc rối lắm. Không vậy thì tại sao khi ngồi trên tắc xi ra sân bay, cô nói với anh giọng hốt hoảng “Em có chuyện rồi… vào trong đó, em sẽ nói cụ thề…”. Vậy mà anh đã chờ, chờ suốt đêm, chở hết nửa ngày vẫn không thấy cô đâu.

Buổi tối, Quốc Tuấn vẫn không liên lạc được với Gia Linh. Buồn chán đến não lòng, anh ngồi xuống ghế salon trong phòng. Tiện tay, anh cầm điều khiển hướng về màn hình tivi. Và anh hết sức bàng hoàng khi kênh truyền hình ANTV thông báo “Khoảng hai mươi giờ đêm qua, một thiếu nữ còn rất trẻ tên là Gia Linh đã đột nhập vào một gia đình tại quận Hai Bà Trưng trong thành phố. Trong lúc mở tủ, lấy trộm tiền, thị bị gia chủ đi về phát hiện. Thay vì bỏ chạy, Gia Linh đã ra đòn, quật ngã chủ nhà và lấy đi ba mươi ngàn đô la Mỹ. Rất may chủ nhà chỉ bị thương và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Công an đã bắt được Gia Linh tại sân bay khi thị đang tìm cách bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Hiện cơ quan công an đang tiến hành điều tra làm rõ…”. Ảnh của kẻ phạm tội cũng được trương lên. Quốc Tuấn bàng hoàng, không tin ở mắt mình. Đúng là Gia Linh của anh rồi. Thảo nào, cô không vào được thành phố như đã nói trong điện thoại. Nhưng làm sao lại ra nông nỗi này chứ? Gia Linh đâu có túng thiếu. Mà dù có túng quẫn đến mấy thì cô cũng không bao giờ làm việc đó. Cô không phải là con người như thế. Có điều gì không ổn với em chăng?

Suốt đêm, Quốc Tuấn không sao ngủ được. Anh không lý giải được sự kiện động trời mà người yêu anh vừa thực hiện. Anh đã cố không tin vào điều đó nhưng không được. Chẳng lẽ cơ quan pháp luật lại thông báo sai và Gia Linh đã bị bắt nhầm? Cũng có thế lắm, bởi ở trên đời này mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nhưng nghĩ, kể từ khi hai đứa biết và yêu nhau tại trung tâm thể dục thể thao, Gia Linh của anh sống rất chân thành và ngây thơ, trong trắng. Gia đình cô là gia đình khá giả, đâu đến nỗi phải đi làm cái trò xằng bậy ấy. Phải chăng, sau cái chuyện mẹ cô bị bắt vì liên quan đến việc tàng trữ trái phép chất ma túy, Gia Linh không có tiền tiêu xài nên cô đã làm liều chăng? Và anh quyết định sẽ bay ra Hà Nội để tìm hiểu thực hư sự việc.

Quốc Tuấn lên chuyến bay lúc chín giờ sáng. Sau gần hai tiếng bay, anh đã có mặt tại sân bay Nội Bài. Bắt tắc xi về thẳng nhà Gia Linh, mặc dù anh biết chắc chắn rằng người yêu anh lúc này không có ở nhà. Cô đang bị tạm giam.

Cổng nhà đóng im ỉm. Quốc Tuấn ngơ ngác chẳng biết đi đâu, hỏi ai. Thấy chàng trai lạ đang ngơ ngác trước cửa nhà Gia Linh, bà Nghiêm từ nhà mình đi ra. Nhìn chàng trai có vẻ hiền lành, bà khẽ khàng:

- Cậu hỏi ai?

- Dạ… cháu chào cô. Cháu muốn gặp Gia Linh ạ.

- Cậu là thế nào với Gia Linh?

- Dạ, cháu là bạn, cùng cơ quan với cô ấy. Cháu vừa từ Sài Gòn ra ạ.

Bà Nghiêm nhìn chàng trai, thở dài:

- Con bé không có nhà. Nó bị…

Bà Nghiêm không nói hết câu. Quốc Tuấn tiếp lời:

- Dạ, cháu có biết. Hôm qua tivi đưa tin cô ấy tiến hành một vụ trộm cắp tài sản… khi bị phát hiện…cô ấy đã đánh chủ nhà tới bất tỉnh… không biết chuyện ấy thật hư thế nào. Cô có biết thêm gì không ạ?

- Cô cũng chẳng biết nữa. Con bé ngoan lắm, có hư đốn như thế bao giờ đâu. Chả hiểu sao, thời gian qua, gia đình nó gặp nhiều chuyện rắc rối thế không biết.

- Cô ơi. Bây giờ cháu có thể gặp Gia Linh ở đâu ạ? – Quốc Tuấn băn khoăn.

- Điều này… cô cũng chịu. Có lẽ… cháu phải lên Công an quận hỏi thì may ra mới biết được rõ ràng.

Quốc Tuấn cảm ơn bà Nghiêm về những chia sẻ ấy rồi bắt tắc xi đến Công an quận. Rụt rè mãi, anh mới giám bước vào phòng trực ban. Viên sỹ quan trực ban nhìn anh, hỏi:

- Anh ở đâu đến, có việc gì nào!?

- Dạ, báo cáo anh. Em là Quốc Tuấn, bạn của cô Gia Linh. Em vừa từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra. Em muốn các anh giúp đỡ em...

- Anh cứ nêu yêu cầu!

- Dạ. Thứ nhất, em muốn các anh cho em biết rõ nguyên nhân nào dẫn tới việc Gia Linh có hành vi phạm tội? Thứ hai là… em có nguyện vọng được thăm cô ấy… mong các anh chiếu cố cho em mãi từ miền Nam ra đây…

Viên sỹ quan trực ban cười, bảo:

- Điều thứ nhất, chúng tôi có thể đáp ứng cho anh ngay bây giờ. Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành điều tra để làm rõ nguyên nhân và mục đích phạm tội của cô gái này. Vì vậy, chỉ có thể thông báo vắn tắt với anh rằng, cô ấy đã đột nhập vào gia đình của một người đàn ông, mở tủ trộm cắp tiền. Chủ nhà đi về phát hiện, cô ta đã đánh gục ông ấy rồi tiếp tục lấy đi ba mươi ngàn đô la Mỹ. Rất may là chủ nhà không chết mà chỉ bị choáng. Khi tỉnh dậy, ông ấy đã gọi điện báo cho Công an và mọi người đã đến đưa ông ấy đi cấp cứu tại bệnh viện. Còn điều thứ hai thì chúng tôi không thể đáp ứng được. Bởi, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong thời gian bị tạm giam để tiến hành điều tra, bị can sẽ không được phép tiếp xúc với bất kỳ người nào ở ngoài xã hội. Vì vậy anh bạn hết sức thông cảm!

Quốc Tuấn thở dài, bất lực. Viên sỹ quan trẻ nhìn anh, hỏi:

- Anh có thể vui lòng cho biết về cô bạn Gia Linh của mình được không?

- Dạ, vâng. Đó là một cô gái trẻ rất tốt, rất thông minh. Gia Linh vừa đem vinh quang về cho Tổ quốc khi nhận huy chương vàng Sea games môn Vovinam. Anh ơi, em nghĩ có điều gì đó nhầm lẫn với cô ấy. Gia Linh không phải là người xấu xa như thế đâu ạ. Xin các anh cứu xét.

- Anh yên tâm đi. Chúng tôi sẽ làm việc một cách thận trọng, chính xác, công tâm để không làm oan người vô tội và cũng không để lọt tội phạm. Cảm ơn anh đã có những thông tin về bạn gái của mình.

Viên sỹ quan đứng dậy bắt tay Quốc Tuấn với ánh mắt cảm thông.

 Rời trụ sở cơ quan cảnh sát điều tra quận, Quốc Tuấn quyết định bắt tắc xi ra ngay sân bay để trở về Sài Gòn, bởi anh có ở lại cũng chẳng mong gặp được Gia Linh và cũng chẳng giải quyết được việc gì. Ngồi trên tắc xi ra sân bay, trong lòng anh ngổn ngang những câu hỏi không lời giải đáp.

6

Khi cánh cửa kiên giam khép lại, phòng giam trở nên tối mù và hôi hám. Một mùi mông mốc khăn khẳn, mùi đặc trưng từ những người tù bốc lên. Gia Linh nghĩ, thế là hết. Sao cuộc đời mình lại có những ngày tồi tệ như thế này kia chứ. Không biết Quốc Tuấn có hiểu cho cơ cảnh của mình không? Có lẽ có, bởi trước khi mình bị bắt tại sân bay, anh đã điện cho mình đấy thôi. Không thấy mình vào Sài Gòn, chẳng biết anh có sốt ruột? Và nếu biết mình bị tù tội thế này, liệu anh có còn yêu, còn muốn cưới mình làm vợ?

Phòng số ba của kiên giam số sáu.

Trong buồng giam, đã đó có sẵn ba nữ bị can tuổi sồn sồn. Quen dần với bóng tối nhà giam, Gia Linh đưa mắt ra xung quanh. Ba người đàn bà, người đang nửa nằm ngửa hênh hếnh, kẻ nửa nằm nửa ngồi, lưng dựa vào bức tường lạnh ngắt. Sáu con mắt hau háu nhìn cô. Một mụ mắt xếch, thân hình cao to, lực lưỡng, có khuôn mặt dữ tợn như đàn ông, có dễ hơn bốn mươi tuổi, chẳng biết bị bắt về tội gì, nhìn Gia Linh, hỏi:

- Này, mày tên gì? Bao nhiêu tuổi? Hoạt động mấy năm rồi? Bị bắt vào đây ở bãi hay ở động nào hả?

Gia Linh bỗng rùng mình trước ánh mắt cũng như khẩu khí và cung cách của mụ ta. Cô trả lời lý nhí:

- Dạ, cháu… cháu là…

- Nói mẹ mày đi cho nhanh, ấp úng mãi! - Mụ thấp lùn, người to bè bè có khuôn mặt như trái xoan nằm ngang, mắt ti hí như mắt lươn ngồi gần nói hằn học.

- Dạ, cháu tên là Linh ạ. – cô gái miễn cưỡng trả lời.

- Mấy tuổi ? Đực cái được bao nhiêu năm? ngủ với bao nhiêu thằng đàn ông rồi?

Gia Linh thấy tởm lợm, đã định không trả lời, nhưng nhìn những khuôn mặt nửa người nửa ngợm kia, cô tự nhủ lòng, không gây hấn với bọn người này làm gì. Cô lựa lời :

- Dạ, các cô hiểu lầm cháu rồi. Cháu không phải là loại người ấy đâu ạ. Cháu chỉ là...

- Câm mồm! đã vào đây còn sĩ diện làm đ... gì. Ngoài đời, đ... biết mày làm gì, có là lãnh đạo hay không, nhưng vào đây bằng nhau tuốt. Phạm nhân cả thôi, đ... đứa nào hơn đứa nào cả. – mụ mắt xếch văng tục.

- Cháu... nói thật mà. Cháu không phải là gái làm tiền...

Mụ mắt xếch rít qua kẽ răng :

- Con ranh. Mày có vẻ cứng đầu đấy. Chúng mày đâu, cho con này học luật đi !

Tức thì cả ba mụ đàn bà vùng dậy, quây lấy Gia Linh. Cô gái sợ hãi, hai tay khoanh trước ngực, đầu rụt xuống hai vai như một con rùa. Ba mụ đàn bà cười hô hố nghe như lũ giặc cái. Mụ trẻ, người cao cao, thân hình và khuôn mặt dễ coi nhất đưa tay bóp mạnh vào vú Gia Linh, cùng với  câu nói thô tục :

- Xem hai cái vú  này còn cứng hay đã nát như bãi phân trâu rồi nào.

Có lẽ phải dùng đến võ thuật để tự vệ -  nghĩ vậy - Gia Linh gạt mạnh cánh tay của mụ ra, làm mụ mất đà xo vào góc phòng. Cô dằn từng tiếng :

- Tôi không trêu chọc các người. Nếu các người không để tôi yên, tôi sẽ cho các người biết tay đấy.

- Á à. Con ranh. Đúng là gái đĩ già mồm. Mày tưởng mày cao siêu lắm hả ? Chúng mày đâu, "táp lô" nó cho tao ! – mụ mắt xếch ra lệnh.

Tức thì, cả ba mụ vung chân, vung tay đánh tới tấp vào người Gia Linh. Kiên giam rất chật nhưng Gia Linh cố né người tránh những cú đòn võ biền của ba nữ quái nhân rồi nép người vào tường thế thủ. Không thể tả xung hữu đột được như ở bên ngoài nhưng cô vẫn lần lượt hạ gục cả ba mụ đàn bà quái đản kia. Cả bọn lăn ra sàn như ba con lợn. Miệng chúng không ngớt xuýt xoa, rên rỉ. Có lẽ ý thức được đây là một tay không vừa, mụ mắt xếch vừa nhăn mặt vì đau đớn, vừa lên tiếng :

- Này em. Cho các chị xin lỗi. Các chị chỉ đùa thôi mà...

Gia Linh nhìn bọn người vô lại với ánh nhìn khinh bỉ :

- Đùa cái gì ? hãy dẹp ngay cái trò bắt nạt người khác đi!

Gần trưa.

Có tiếng mở khóa loảng xoảng ở cửa, cả bọn trong phòng đùn đẩy nhau ra nhận khẩu phần ăn vì chúng không muốn phơi cái mặt bầm tím do bị Gia Linh đánh với cán bộ quản giáo. Nhưng cuối cùng, mụ trẻ, cao và dễ coi nhất cũng phải ra nhận cơm. Khi quay vào, mụ ta đưa cho Gia Linh một xuất, miệng nói như người biết lỗi.

             - Ăn đi em ! Dù thế nào cũng phải ăn, nhịn là chết đấy. Các chị chỉ đùa thôi, đừng để bụng nhá!

Gia Linh đưa mắt nhìn mụ ta và bắt gặp cái nháy mắt ma mãnh của con hổ cái ấy. Chắc chắn, những ngày tới, bọn chúng vẫn không buông tha cô. Mình phải cảnh giác thôi. Cô chợt nghĩ, có ai đó nói rất đúng rằng  "Hãy cứu mình trước khi trời cứu". Nhìn xuất cơm tù, lòng cô chạnh buồn. Cái bụng đói cồn cào mà cái miệng thì đắng chát không muốn ăn, có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng. Cô không ngờ cuộc đời mình lại có lúc xuống chó nhục nhã như thế này. Nhưng nếu không ăn sẽ không có sức để vượt qua những cửa ải còn đang chờ cô ở phía trước. Không ăn, đồng nghĩa với cái chết. Cô có thể bị chết trong trại giam vì đói chứ chưa nói tới việc lũ nữ bị can sống cùng phòng hành hạ. Và nếu phải chết như vậy thì cuộc đời sẽ chẳng còn ý nghĩa gì hết. Ai sẽ minh oan chuyện cô bị Trần Hoạt sàm sỡ và cô chỉ là người tự vệ? Ai sẽ cứu mẹ cô ra khi cô chắc chắn rằng mẹ cô đã bị tên vô lại kia đưa Heroin vào nhà và bà đang bị oan khuất. Phải ăn, phải cố gắng nhét thức ăn vào bụng để lấy sức mà chiến đấu; để ra khỏi trại; để sống cuộc sống bình thường và hưởng hạnh phúc bên Quốc Tuấn, người con trai yêu dấu của mình. Nghĩ vậy, Gia Linh quyết định xúc thìa cơm tù đầu tiên đưa vào miệng. Nhưng nó cứ chực ộc ra. Cô quyết tâm cứ nhai, cứ nuốt. Khó nhọc lắm, cuối cùng cô cũng nuốt được một miếng. Cứ thế, Gia Linh đã cố gắng ăn hết hơn một nửa xuất cơm tù...

Mới chín giờ đêm, trại giam đã yên tĩnh.

Ba mụ trong phòng đã chềnh ềnh nằm ngủ. Cả ba cùng ngáy pho pho như kéo bễ lò rèn nghe rợn cả người. Qua ánh điện lờ mờ hắt từ lỗ thông hơi, Gia Linh trông chúng như ba con Hà mã. Cô lặng lẽ nằm riêng một góc. Không sao ngủ được, lòng nặng trĩu, rười rượi buồn.  

Khuya, không gian vắng lặng. Cô nghe rất rõ tiếng côn trùng rỉ rả ở bên ngoài vọng vào qua lỗ thông hơi. Rồi có tiếng cựa mình. Tiếp theo là những tiếng rì rầm của mấy con quỷ cái. Cô tự nhủ "phải cảnh giác". Chắc chắn bọn này chưa để cho mình yên. Cô cũng cựa mình nằm nghiêng, đưa mắt quan sát và thế thủ. Quả có thế thật. Mấy mụ chết trương bỗng lồm cồm bò dậy, chúng bu lấy cô. Tức thì Gia Linh ngồi bật dậy và đứng lên, lùi lại sát tường. Ngay lập tức, ba bóng đen xô vào và những cú đấm, cú đá túi bụi từ chúng nhằm vào người cô. Bị dính một đòn vào ngực, Gia Linh thấy tức thở. Nhưng bản năng của một võ sỹ đã thức tỉnh cô. Cô nhảy lên, tung một cú đá trời giáng vào mặt một bóng đen. Mụ ta kêu rống lên một tiếng  "ối" rồi đổ gục xuống sàn. Hai bóng đen kia chưa chịu. Cả hai lao vào Gia Linh như những con thiêu thân. Gia Linh bình tĩnh hạ từng đứa một. Tất cả những ngón độc nhất của môn Vovinam đến giờ cô mới được dịp thực nghiệm. Và đợt "thực tế" này không phải để nhận một tấm huy chương mà mục tiêu cốt tử là triệt hạ bằng được đối thủ. Cả ba mụ dính đòn quá nặng, nằm bò lê bò càng ra nền nhà, chúng dúm dó vào một góc. Giọng đứa nào đứa ấy rền rĩ, van vỉ :

- Các chị xin lỗi... Các chị biết lỗi rồi... Xin em tha tội...chị chết mất…

- Em ơi. Chị xin em đấy. Ối giời ôi… chết mất…thôi.

Gia Linh nói đanh chắc:

- Tôi đã cảnh báo các người nhưng các người không nghe nên buộc tôi phải ra tay. Từ nay về sau, nếu còn bắt nạt, tôi sẽ giết từng đứa một như giết những con chó chứ không chỉ đánh bị thương thế này đâu, rõ chưa?!

- Vâng ạ. Các chị nghe rõ rồi… Các chị biết lỗi rồi… Các chị không dám nữa đâu. Từ nay, em là đại ca ở phòng này. Em có quyền quyết định tất cả…các chị nguyện làm trâu ngựa để cho em sai khiến…

Gia Linh bỏ ngoài tai những lời vô nghĩa đó. Cô lết tới một góc kiên giam, nằm xuống. Nhưng không sao ngủ được. Từ thực tế phũ phàng vừa xảy ra, Gia Linh ý thức rằng, cô phải thức, phải cảnh giác, nếu không, chúng có thể ăn tươi, nuốt sống cô lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, khi kiểm tra kiên giam, cán bộ quản giáo có cái tên rất đẹp - Trung Kiên phát hiện ra ba nữ bị can tại phòng giam số 3, kiên giam  nữ của Gia Linh đều bị bầm tím mặt mày, có đứa còn bị gãy cả chiếc răng cửa. Anh cho gọi cả bốn bị can ra khoảng sân phía trước phòng giam, tra hỏi. Cả ba mụ thi nhau hóng hớt. Thị mắt xếch, mếu máo:

- Thưa cán bộ. Con này cậy mới vào còn khỏe nên đã tranh phần ăn của chúng tôi. Chúng tôi góp ý thì bị nó đánh như thế này đây ạ…

Mụ cao cao hùa theo:

- Dạ thưa cán bộ, quả đúng như thế đấy ạ. Tôi chỉ nói “Suất của ai người đó ăn”, thế mà nó đã giằng các suất ăn, tước hết phần thức ăn tươi cho vào suất của nó…

- Thôi, đủ rồi! – cán bộ Kiên gắt lên – Thế là tôi đã hiểu. Các chị đừng nghĩ ai cũng xấu như mình, nghe chưa?! – quay sang Gia Linh, cán bộ Kiên hỏi:

- Còn cô, cô có ý kiến gì không?

- Thưa cán bộ, tôi không làm gì họ cả. Từ lúc bị đưa vào đây, tôi đã bị bọn họ bắt nạt, đánh hai lần. Họ đánh tôi ngay từ chiều hôm qua. Tôi đã cảnh cáo, nhưng đêm qua khi tôi đang ngủ, thì cả ba lại hò nhau đánh tôi túi bụi, buộc tôi phải tự vệ. Nhân đây, tôi  cũng xin báo cáo trước với cán rằng, nếu còn bị họ bắt nạt, tôi không dám hứa là sẽ không nặng tay với họ đâu ạ…

- Đấy, cán bộ đã thấy chưa? Con này ghê lắm, nó chả coi ai ra gì đâu  ạ. Đến như cán bộ đang có mặt ở đây mà nó còn đe dọa chúng tôi như thế nữa là… -  mụ thâp lùn, bù lu bù loa.

Cán bộ Kiên nhìn ba mụ mặt mày bầm tím, tội nghiệp, nói:

- Tôi chưa giới thiệu để mọi người làm quen với nhau. Giờ nói để tất cả cùng biết nhé. Bị can mới đến tên là Gia Linh, mới hơn mười tám tuổi. Còn đây là bị can Chanh – anh chỉ vào người đàn bà to cao, mắt xếch. Đây là bị can Mùa – anh chỉ vào người đàn bà thấp lùn, có khuôn mặt trái xoan nằm ngang. Còn đây là bị can Loan – anh chỉ vào người dáng cao cao, có khuôn mặt dễ chịu nhất.

Rồi nhìn khắp lượt cả bốn bị can, cán bộ Kiên nghiêm túc:

- Các chị đừng dở cái thói “ma cũ bắt nạt ma mới” ra đây với cô gái này nghe chưa? Tôi thông báo để các chị biết, đây là nữ võ sĩ vừa đoạt huy chương vàng môn võ Vovinam ở Sea games đấy. Có lẽ, cực chẳng đã cô ấy mới phải dùng đến phương sách này thôi. Từ nay,  không được bắt nạt nhau nữa. Tất cả phải đoàn kết, yêu thương và động viên nhau chấp hành kỷ luật trại giam thật nghiêm để sớm được đưa ra xét xử và hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, nghe rõ chưa?

Nghe thế, cả ba mụ đàn bà hốt hoảng, há hốc miệng, đưa mắt nhìn người con gái còn quá trẻ đang đứng trước mặt. Bị hai trận đòn chí tử, giờ mới biết cô gái với thân hình chắc nịch, cân đối và ánh mắt sắc lẹm là nữ võ sĩ, cả ba đều tá hỏa, khiếp đảm, bủn rủn cả chân tay. Đúng là họ vừa làm một động tác ngu xuẩn là vuốt râu hùm. Bỗng ba mụ đều tỏ ra khúm núm. Mụ Chanh mắt xếch nói một câu rất văn hoa:

- Thưa cán bộ, chúng tôi biết lỗi rồi ạ. Chúng tôi có mắt như mù, không nhìn thấy núi Thái sơn. Từ nay trở đi, chúng tôi không giám làm gì cô ấy nữa đâu ạ. – quay sang Gia Linh, mụ nói giọng ân hận – các chị thành thật xin lỗi em. Từ giờ, chúng mình là chị em nhá. Em đừng để bụng chuyện vừa rồi nữa nghe em!

Gia Linh cười nửa miệng và thấy tội nghiệp cho lũ người kia. Cô thầm nghĩ, mình sẽ không để ý tới loại rác rưởi ấy nữa.

Và thực sự cô không có tâm trạng nào để quan tâm tới các mụ. Với cô, tất cả đang rối bời. Gia Linh không biết mình sẽ phải sống thế nào trong những ngày sắp tới. Và cuộc đời của cô rồi sẽ đi đâu?

*

Buổi sáng.

Trên những lùm cây phía xa, tiếng lảnh lót vô tư của các loài chim làm cho không khí có vẻ thanh bình và dễ chịu hơn. Gia Linh vừa làm vệ sinh cá nhân xong thì được lệnh đi cung. Cô đưa tay vuốt nhanh khuôn mặt trái xoan đã võ vàng, hốc hác sau những ngày bị giam giữ và sửa lại quần áo. Trước khi bước ra khỏi phòng giam, cô nghe ba mụ đàn rì rầm, có vẻ như họ đang quan tâm tới cuộc đi cung của mình. Mụ Mùa, người thấp đậm sốt sắng:

- Cứ bình tĩnh em ạ. Bọn Công an hay mớm cung lắm đấy. Phải tỉnh táo, đừng mắc lừa chúng nó. Trả lời câu nào thì nhớ, lần sau trả lời lại như thế, lệch đi một tý là có chuyện ngay đấy.

Mụ Chanh đế theo:

- Em đừng nghe chúng nó phỉnh nịnh nhá. Nó bảo có gì cứ khai ra rồi sẽ được hưởng khoan hồng, nhưng không có đâu. Càng khai, tội càng to đấy, đừng có mà dại em ạ.

Mụ Loan hùa theo:

- Đúng đấy em ạ. Các chị vào ra trại giam như đi chợ rồi, các chị biết. Lần trước chị đã bị bọn chúng "chơi" cho một vố nhớ đời.

Gia Linh gật đầu thay cho lời cảm ơn. Cô bước ra khỏi phòng giam và theo một cán bộ quản giáo rời phòng giam tới một căn phòng chật chội. Trong đó chỉ kê vừa đủ một chiếc bàn và hai chiếc ghế đối diện nhau. Bước vào phòng, Gia Linh đã thấy một cán bộ Công an ngồi đó, nghiêm nghị, lạnh băng.

Cô lễ phép:

-  Chào cán bộ  ạ.

- Vào đi! – một giọng nói lạnh lùng.

Gia Linh rón rén vào ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Vừa yên chỗ, cô đã nghe viên sỹ quan điều tra nói, giọng không mấy thiện cảm:

- Tôi là Phạm Cường, điều tra viên đang thụ lý vụ án của cô. Hôm nay tôi vào hỏi và cô có trách nhiệm phải trả lời những câu hỏi của tôi. Tôi sẽ ghi vào biên bản hỏi cung. Cuối buổi, cô ký vào văn bản này. Ta bắt đầu được chứ?

- Dạ, thưa vâng ạ. – Gia Linh khe khẽ.

- Cô là Nguyễn Gia Linh?

- Dạ thưa, đúng ạ.

- Cô bị bắt về tội gì?

- Thưa chú, cháu bị bắt vì …

- Tôi phải nhắc để cô biết, từ nay về sau, cô không được gọi chú, xưng cháu mà phải nói “thưa cán bộ” và xưng “tôi”, nghe chưa?

- Dạ, thưa vâng ạ.

- Khai tiếp đi!

- Dạ, cháu… à tôi không phạm tội gì cả. Tôi chỉ đến nhà Trần Hoạt để hỏi rõ một chuyện rằng, tại sao ông ta lại hại mẹ tôi. Nhưng ông ta đã dở trò sàm sỡ. Để tự vệ, tôi đã ra tay, làm ông ta ngã, đầu đập xuống cầu thang. Ông ta chết… nhưng không phải do tôi cố tình…

Viên sỹ quan giơ tay ngăn lại, mỉm cười. Động thái ấy làm cho Gia Linh lúng túng, không hiểu. Giọng viên sỹ quan nghe nhẹ nhàng hơn:

- Trước hết, tôi thông báo để cô biết rằng, ông Hoạt không chết. Ông ấy chỉ bị thương vì được đưa đi cấp cứu kịp thời. Nhưng ông ta không khai như cô vừa khai. Ông ta khẳng định rằng, cô đột nhập vào nhà riêng của ông ta để trộm cắp. Khi ông ta về bắt gặp, cô đã đánh ông ta ngã đập đầu xuống cầu thang. Tưởng ông ta đã chết, cô đã lấy của ông ta ba mươi ngàn đô la Mỹ…

- Dạ…Ông ta không chết? – Gia Linh sửng sốt. Chẳng biết cô buồn hay vui. Nhưng ngay sau đó, Gia Linh phản ứng gay gắt:

- Thưa cán bộ. Tôi không hề trộm cắp gì của ông ta cả. Chỉ là vì ông ta đã đem Heroin đến ném vào nhà, khiến mẹ tôi và một người đàn ông nước ngoài bị bắt, bị xử oan. Hiện mẹ tôi đang bị giam giữ… Tôi chỉ đến để hỏi cho ra nhẽ, nhưng ông ta định cưỡng hiếp... Vì vậy, tôi đã…

- Thôi được rồi, cô dừng lại! Cô khai là thế. Nhưng cô nên biết, khi sự việc xảy ra thì chỉ có hai người, không có người thứ ba làm chứng. Hơn nữa, cơ quan điều tra đã thu được dấu vân tay của cô trên hai nắm inox của cánh tủ trong nhà ông Hoạt. Vì vậy, chúng tôi có đủ chứng cứ kết luận cô đã có hành vi cướp tài sản.  - dừng một lát, viên sỹ quan tiếp – Nhưng nghĩ, cô còn khá trẻ nên chúng tôi sẽ điều tra và đề nghị truy tố cô về tội “trộm cắp tài sản”, còn hành vi đánh ông ta chỉ được coi là tình tiết tăng nặng. Cô có quyền mời luật sư bào chữa cho mình.

- Không!…cháu… không… - Đôi vai Gia Linh rung lên. Cô khóc thành tiếng. Tiếng khóc của một kẻ bị oan ức đến tột độ được bật ra bởi sự dồn nén lâu ngày cùng với sự bất lực không thể chứng minh nổi.  – Thưa cán bộ, nếu tôi lấy trộm tiền của ông ta thì khi bắt tại sân bay, công an đã thu được số tiền ấy. Đằng này…

- Tôi hiểu điều đó, nhưng tôi và cơ quan điều tra có quyền nghi ngờ rằng, có thể cô đã đưa tiền cho một người thứ ba nào đó, hoặc giả, cô đã vứt tiền đi để được nhẹ tội khi biết rằng, mình không thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Gia Linh khóc to hơn:

- Thưa cán bộ. Lấy trộm tiền rồi đem vứt đi thì trộm cướp để làm gì? Như thế, họa chỉ là người điên. Tôi chỉ đến hỏi hắn, tại sao hắn lại hại mẹ tôi thôi … hu hu…

- Thôi. Cô không cần phải trình bày gì nữa. Hồ sơ đã quá chặt rồi. Nếu cô quen hoặc có người nhà quen thì mời luật sư, còn không, cơ quan pháp luật sẽ chỉ định luật sư cho cô. Cô đọc lại bản cung này rồi ký vào đây!

Gia Linh đón bản cung, đưa tay áo lên lau nước mắt. Chẳng cần đọc lại, Gia Linh cầm bút ký ngay vào đó, nước mắt cô lã chã rơi xuống làm ướt cả trang giấy. Xong xuôi, cô trả bản cung lại cho viên sỹ quan rồi im lặng cúi đầu, những giọt nước mắt tức tưởi rơi xuống khuôn ngực căng đầy ẩn sau tấm áo tù.

Viên sỹ quan lên tiếng:

- Cô có quen ai là luật sư không ?

- Thưa, không ạ.

- Nếu vậy, chúng tôi sẽ mời luật sự bào chữa cho cô.

 Nói rồi, viên sỹ quan ra hiệu cho người cán bộ quản giáo vào dẫn Gia Linh trở lại phòng giam…

Trên đường trở lại kiên giam, Gia Linh cảm thấy bất lực hơn lúc nào hết. Cô vẫn khóc dấm dứt. Một cảm giác ê chề, chán chường xâm chiếm lòng cô.

Cánh cửa đóng sập sau lưng, Gia Linh lao vào góc phòng tức tưởi, mặc cho mấy mụ đàn bà xúm đến hỏi han, tìm cách an ủi.

*

Gia Linh vẫn mụ mị, vùi đầu vào những suy nghĩ mông lung. Cô cố tìm cách giải bài toán cho mình, cho mẹ mà không sao tìm ra. Trong khi, cô cũng không hiểu Quốc Tuấn đã biết chuyện của mình chưa. Và nếu biết thì anh nghĩ gì về cô. Liệu anh ấy có khinh bỉ mình không ? Biết cô là một kẻ tội phạm, Quốc Tuấn có tìm cách xa lánh, khinh miệt ?

Thời gian sau, Gia Linh đã dần quen với cuộc sống trong tù. Cô nghĩ, buồn tủi chẳng giải quyết được gì. Nhịn ăn chỉ tự hủy hoại sức khỏe. Phải sống mà chiến đấu. Cuộc đời còn dài lắm. Những khó khăn phức tạp đang còn ở phía trước... Vậy là hằng bữa, cô đã ăn hết xuất cơm tù. Mấy mụ đàn bà hình như đã ý thức được sự nguy hiểm của cô gái trẻ và biết cô đang rơi vào cuộc khủng hoảng lớn của cuộc đời nên họ không gây hấn với cô nữa.

Vào một ngày đẹp trời, Gia Linh lại được đi cung.

Lần này không phải cán bộ điều tra mà là một vị luật sư. Ông ta tự giới thiệu tên là Trần Tương. Ông Tương quãng độ trên dưới năm mươi tuổi, khuôn mặt rất phúc hậu. Ông hỏi Gia Linh rất nhiều và yêu cầu cô bình tĩnh trình bày. Nghe cô trình bày xong, ông Luật sư nhìn cô với ánh mắt cảm thông, bảo :

- Tôi tin những điều cô nói. Nhưng chết nỗi, khi xảy ra sự việc, chỉ có cô và ông Hoạt, tịnh không có người thứ ba. Cô khai thế này, nhưng ông Hoạt lại khai thế khác. Trong khi, ông ta bị cô đánh ngã tưởng chết. Cơ quan điều tra đã thu được dấu vân tay của cô rất rõ trên hai tay nắm cánh tủ. Vì vậy, việc ông ta khai bị cô tấn công rồi bất tỉnh, cô đã mở tù lấy ba mươi ngàn đô la Mỹ, chắc chắn sẽ được cơ quan pháp luật chấp nhận và đó là căn cứ để truy tố cô. Dù tin và cố gắng bảo vệ cô nhưng có lẽ nó nằm ngoài khả năng của tôi...

- Nếu lập luận như các ông thì tôi cũng tự làm được, cần gì phải nhờ tới Luật sư ? – Gia Linh gay gắt.

 Ông Tương giơ tay ngăn lại :

                - Có thể như vậy lắm. Nhưng cô bé ạ. Tôi là người được chỉ định bào chữa cho cô. Nếu không tin tôi, cô có thể khước từ và mời luật sư khác.

Gia Linh buồn rười rượi. Cô không muốn nói gì thêm mà lắc đầu, nhìn ông Luật sư với đôi mắt bất lực. Sau đó, cô bị dẫn trở lại phòng giam.

*

Lần đi cung thứ ba đã đến. Lần này, chẳng phải Công an, chẳng phải Luật sư mà là một nữ Kiểm sát viên. Gia Linh được bà ta đưa cho một bản cáo trạng dày cộp, bảo:

- Cô tự đọc đi!

Khi Gia Linh đọc xong, bà ta hỏi :

- Có ý kiến gì không ? nếu không thì ký vào đây!

Gia Linh nhìn người nữ Kiểm sát viên, bảo:

- Thưa bà, tôi không đồng ý với bản cáo trạng này. Tôi không cướp tài sản của Trần Hoạt. Tôi bị ông ta sàm sỡ, làm nhục nên tôi đã tự vệ làm ông ta ngã. Tôi không hề biết tiền bạc, đô la gì của ông ta hết.

Bà ta gạt đi :

- Cơ quan điều tra đã xây dựng hồ sơ khá chặt. Chúng tôi cũng đã nghĩ tới tình huống này để cứu cô, nhưng không có bất cứ tình tiết nào để bảo vệ cô cả. Những điều cô vừa nói, cô sẽ được trình bày tại phiên tòa sắp tới.

Gia Linh hoàn toàn bất lực và bắt đầu mất niền tin. Tại sao từ Công an tới Luật sư, giờ tới Kiểm sát đều có chung một kiểu lý luận mang tính duy ý chí như vậy. Họ không hề đoái hoài tới những trình bày của cô. Thực tế, cô đâu có thiếu tiền. Mà dù có thiếu thì có các vàng cô cũng không đi làm cái trò trộm cướp mất hết nhân cách như thế. Sao họ không hề nghĩ, mình là một công dân đã đem lại vinh quang cho đất nước để điều tra làm rõ hành vi của Trần Hoạt nhằm minh oan cho mẹ và minh oan cho mình. Cô chán chường nhìn người nữ Kiểm sát viên.

Và bước chân nặng chịch đưa Gia Linh trở lại phòng giam.

Mấy mụ sồn sồn xúm lại hỏi. Gia Linh cho biết, cô được tiếp xúc với một nữ cán bộ Kiểm sát. Bà ta đến "tống đạt cáo trạng". Mấy mụ thấy thế tỏ vẻ am hiểu và đều kết luận "thế là vụ của em sắp được xét xử rồi đó".

Đêm đêm, Gia Linh thao thức không ngủ. Cô không biết mẹ mình bây giờ ra sao. Mẹ đã gian díu với Trần Hoạt đến mức nào. Và tại sao Trần Hoạt lại có những hành vi đểu cáng, khốn nạn khiến mẹ dính vào vòng lao lý. Cô cũng không hiểu tại sao khi đã có Trần Hoạt rồi, bà lại còn dính líu tới cả Tommy. Liệu mẹ có phải là người hư hỏng, sống buông thả quá không. Tự nhiên, Gia Linh nhớ đến bố. Không hiểu bố bây giờ sống ra sao. Liệu bố có biết được tình cảnh của con gái mình. Sao những lúc này, cô thèm và mong được gặp bố đến thế, mặc dù trước đây, khi nghe mẹ nói bố là một người vô tích sự, một người không đem lại hạnh phúc cho hai mẹ con thì cô đã giận ông đến tận xương tủy. Cô nghĩ, tất cả cuộc sống của mình từ khi bố mẹ chia tay cho tới trước khi cô bước chân vào nhà tù đều một tay mẹ gây dựng... Rồi cô nhớ tới Quốc Tuấn. Không biết anh có thấu hiểu cho hoàn cảnh và nỗi lòng mình. Dù phải tù tội nhưng rồi sẽ có ngày cô ra tù, liệu khi ấy anh có còn nhòm ngó đến hay đã tìm được bến đỗ mới mà quên hết. Nếu điều đó xảy ra, Gia Linh không giám trách anh, nhưng cô thực sự buồn. Buồn vì hình như ở trên đời này không ai hiểu mình, kể cả những người thương yêu nhất như bố, mẹ và người trai cô đã đem lòng yêu mến.

Ngày tiếp tế cho những người bị tạm giam lại đến. Ở trong trại đã lâu, nhưng Gia Linh không nhớ đây là ngày tiếp tế thứ bao nhiêu đã diễn ra. Vì  thực tế, trong suốt thời gian qua có ai tiếp tế cho cô đâu. Những người được hoàn cung mới được nhận tiếp tế. Riêng cô thời gian qua, cô đang trong thời gian bị điều tra nên không có ai tiếp tế cả. Tuy nhiên, bây giờ cô đã hoàn cung thì cũng làm gì có ai tiếp tế. Những lần tiếp tế trước, ba mụ đàn bà đều được nhận quà của người thân. Riêng cô, chả có chó khô mèo lạc nào đến cả. Biết vậy nên lần này, Gia Linh lủi thủi nằm vào một xó. Cô hiểu, những ngày này là niềm vui của người ta, mình không có quyền can dự vào việc đó. Cô thực sự tủi thân và hụt hẫng. Lúc này, mẹ cũng đang bị giam giữ ở một trại giam nào đó. Và bà cũng đang ở trong tình trạng như cô, không có bất cứ người nào đến tiếp tế, thăm hỏi. Hai mẹ con, hai thân phận đang sống bằng những bữa cơm tù. Chắc bà cũng tủi thân, cũng hẫng hụt và mong có một người nào đó đến tiếp tế như mình. Chắc bà chưa biết mình bị bắt, có khi lại còn trách cứ con gái quá tệ bạc cũng chả biết chừng. Quốc Tuấn giờ đang ở xa và chắc gì anh còn nhớ tới mình. Còn bố, không biết ông đang ở phương trời nào và sống chết ra sao. Nếu biết tin cô vào trại, chắc gì ông đã tới thăm. Ông là người tệ nhất ở trên đời, ít nhất thì tệ với mẹ con cô. Mẹ cô vẫn nói như thế. Tự nhiên, Gia Linh cảm thấy tủi hổ. Cô muốn khóc nhưng kiên quyết không. Nếu khóc, cô sẽ gián tiếp nói với mấy mụ đàn bà kia rằng, cô cũng chỉ là một đứa con nít. Bọn họ sẽ tìm cách bắt nạt, sẽ hành hạ cô như hồi cô mới vào đây. Nghĩ thế, Gia Linh nuốt nước mắt vào trong, quay mặt vào bức tường vô tri lạnh giá. Bỗng cô nghe thấy tiếng cán bộ quản giáo xướng lên ở phía cửa :

- Bị can Nguyễn Gia Linh ra nhận quà tiếp tế!

Cô bàng hoàng, không tin ở tai mình. Ai nhỉ? Ai biết mình ở đây mà tới tiếp tế? Hay cô nghe nhầm. Gia Linh vẫn nằm im với một tâm trạng tủi cực ê chề. Tiếng cán bộ quản giáo lại vang lên:

- Bị can Nguyễn Gia Linh đâu? Ra nhận đồ tế đi!

Lần này thì cô nghe rõ mồn một, không lẫn vào đâu được. Cô lồm cồm bò dậy, đi ra cửa phòng giam. Cán bộ quản giáo xách từng thứ từ trong chiếc thúng đã được một người đàn ông mặc áo tù bưng đến đặt lên bậc cửa phòng giam. Vừa để quà tế lên đó, cán bộ vừa nhìn vào tờ giấy đang cầm trên tay, đọc rành rẽ:

- Nguyễn Gia Linh. Hai cân giò lụa này; một con gà luộc này; mười chiếc bánh mỳ này! Ba tấm bánh chưng này. Đủ chưa?

- Dạ, đủ rồi ạ. – Gia Linh trả lời. Nhưng cô vẫn bàng hoàng không tin là mình lại nhận được nhiều đồ tế như thế. Mà lại toàn là đồ ngon, đồ xịn chứ. Đang định hỏi cán bộ quản giáo xem ai đã gửi quà tế cho mình, nhưng cánh cửa phòng giam đã được đóng lại. Tiếng khóa loảng xoảng vọng lên từ phía ngoài đập vào tai cô lanh lảnh. Cô quay về sống trong một thế giới u tối, thật tồi tệ.     

Gia Linh vẫn chưa hết sửng sốt. Cô trợn mắt khi nhìn những đồ tế. Cô bày tất cả ra trước mặt. Ai thế không biết? Sao lại gửi nhiều thứ thế này chứ? Ngồi ngắm một lúc, chán chả muốn đoán nữa, cô lẳng tất cả ra nền phòng giam, rồi nằm vào một xó.

 Mấy mụ đàn bà nhìn cô tò mò. Mụ Chanh nhanh nhảu:

- Sao em nói không có người thân thích, giờ lại nhận được nhiều đồ tiếp tế thế?

- Cũng chẳng biết ai đã gửi nữa. Các chị chia nhau mà ăn, để lâu ôi thiu, vứt đi phí lắm. – Gia Linh chán chường.

Mụ Mùa cười hềnh hệch, vẻ kể cả:

- Chớ có vất. Của một đồng, công một nén. Đấy là tấm lòng, là tình cảm của người thân đấy, đừng vô tình như thế. Em dậy ăn cùng cho vui. Ở trong này, buồn cũng chả giải quyết được gì đâu. Kiểu gì thì cũng tới lúc ra tòa. À mà này, cứ bổ quà ra, biết đâu trong đó chẳng có thư của người thân.

Nghe vậy, Gia Linh tròn mắt, ngồi bật dậy:

               - Có chuyện đó thật sao? – sau câu hỏi đó, cô vồ lấy những gói quà vừa được gửi vào và lật nghiêng lật ngửa để kiểm tra. Cô lột hết lá chuối gói những gói giò, nhưng chẳng có dấu vết gì chứng tỏ có thư trong đó. Gia Linh tiếp tục bóc mấy tấm bánh chưng. Và khi cầm tới tấm bánh thứ ba trên tay, Gia Linh bỗng thấy ngờ ngợ. Hình như… Có dấu vết lạ. Có thể thư ở đây chăng. Quả có thế thật. Tấm bánh đã được cắt, khoét rất khéo. Cô lấy tay moi từ đó ra một tờ giấy được gấp nhỏ để trong một chiếc túi nilon. Gia Linh vứt tấm bánh chưng lăn lóc trên nền nhà trông thật tội nghiệp, vội dở tờ giấy ra, chạy tới cửa tò vò đưa lên. Trời ơi! Thư của bố. Sao bố biết mình bị giam ở trong này mà gửi quà. Xem bố viết gì nào.  

“Gia Linh thân yêu của bố!

 Bố biết tin con bị bắt quá muộn. Dò hỏi mãi bố mới biết con đang bị giam tại trại giam này. Có chút quà bố gửi cho con. Cố gắng giữ gìn sức khỏe con nhé. Con đã làm gì, thì hãy thành thật, dũng cảm khai báo để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Chỉ có thế, con mới tự cứu được mình. Bố rất mong con qua được cơn khủng hoảng này. Bố tin, con của bố sẽ làm được như con đã làm được ở Sea game. Vững vàng lên con gái! Bố luôn yêu con”.

Áp mẩu giấy vào ngực, Gia Linh bật khóc. Những giọt nước mắt giận hờn, tủi buồn và hạnh phúc. Cô khóc rất lâu, làm cho mấy mụ trong kiên phải sán tới giỗ giành. Mụ Chanh giọng kể cả:

- Sao khóc dữ thế? Ai gửi quà cho em vậy? Chắc người ta lại xúc phạm, lên án em à?

Gia Linh lắc đầu, càng khóc to hơn.

Mụ Loan từ trước chả có chính kiến gì, chỉ làm những trò a dua, giờ thấy cô bé khóc cũng an ủi:

- Thôi, các chị cứ để cho em nó khóc. Biết đâu lại dịu đi những nỗi đau cũng nên.

Lát sau, Gia Linh bảo:

- Quà của bố… tôi gửi…

Mụ Mùa, mặt trái xoan nằm ngang hỏi:

- Sao hôm lâu em nói, bố mẹ em đã ly dị và em không biết bố hiện ở đâu?

- Đúng vậy! – Gia Linh thừa nhận. – nhưng không hiểu sao ông lại biết tôi bị giam ở đây?

- Có thể là mẹ cô đã thông báo cho bố cô chăng? – mụ Chanh mắt xếch góp chuyện.

Nghe tới đây, Gia Linh lại tru lên khóc. Mấy mụ đàn bà hoảng hốt, chẳng biết chuyện gì nên trợn mắt nhìn Gia Linh rồi nhìn nhau. Gia Linh nấc lên:

- Mẹ ư?  Ôi mẹ…con giận và thương mẹ quá…

- Hả? Cô bảo sao? Mẹ cô làm sao mà cô vừa giận lại vừa thương? – mụ Chanh sốt sắng quan tâm.

- Mẹ tôi bị oan. Có kẻ đã vứt Heroin vào nhà và bà ấy bị bắt. Tôi đã tìm ra kẻ đó và tới nhà hỏi gã. Nhưng gã đàn ông khốn nạn không những không nhận việc làm đớn hèn của mình mà còn sàm sỡ, định hại đời con gái của tôi nên tôi đã đánh lại. Gã không chết, chỉ bị thương. Rồi gã đã đê hèn vu cho tôi tới nhà cướp của gã ba mươi ngàn đô la Mỹ. Thế là tôi bị bắt vào đây…

- Ra thế.

Tất cả ba mụ ớ ra. Vậy mà ban đầu khi Gia Linh vào đây, họ cứ nghĩ cô là một ả môi giới hoặc chứa chấp mại dâm, chí ít thì cũng là một ả cave có hạng. Sau này họ chỉ biết cô là một võ sĩ đã được Huy chương vàng ở Đại hội thể thao Đông Nam Á. Tự nhiên, mấy mụ tỏ ra thông cảm và thương cô gái trẻ. Họ xúm lại vỗ về, động viên Gia Linh. Cô không hiểu đó là những tình cảm chân thành hay chỉ là những lời đãi buôi khi cô đã dạy cho các mụ những bài học trước đó.

Thời gian sau, ba mụ đàn bà trong phòng giam tỏ ra gần gũi, yêu thương Gia Linh hơn. Bọn họ còn bày cho cô nhiều ngón để khai báo với cán bộ làm án. Cũng kể từ đó, Gia Linh lần lượt biết về thân thế và hoàn cảnh cũng như những tội mà họ đã làm.

Mụ Chanh, năm nay bốn lăm. Ngày trước, mụ là một kẻ buôn bán thịt lợn tại một chợ đầu mối ngoại ô thành phố ở một tỉnh phía bắc. Một lần, một cô gái trẻ đến hàng mụ mua thịt. Cô gái đang mặc cả giá, nhưng mụ Chanh vẫn nhanh tay cắt thịt cho lên cân, bỏ vào túi nilon rồi ném về phía cô gái. Cô gái giãy nảy, "cháu đã nhất trí mua đâu mà cô cắt thịt?". Tức thì mụ ta xòi xỉa, chửi bới "đồ mặt… sáng mai ra mày đã ám bà!" Thế rồi mụ lao tới đấm đá và tát cô túi bụi. Cô gái tội nghiệp giơ tay chống đỡ. Mụ nổi máu đồ tể, vơ luôn con dao bầu để trên phản xỉa vào bụng cô một nhát, cô gái gục ngay tại chỗ. Một mớ ruột bùng nhùng phòi ra… Mọi người tá hỏa, đưa cô gái đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện nên cô không chết. Cô chỉ bị đứt ruột già. Vậy là mụ bị bắt, bị xử 7 năm tù. Mụ làm đơn chống án, phiên tòa phúc thẩm chưa xử, nên mụ còn bị tạm giam ở đây.

Còn mụ Mùa. Mụ có khuôn mặt trái xoan nằm ngang mới ba chín tuổi. Mụ bị bắt do đánh ghen với tình địch. Chả là, chồng mụ ta gian díu với một người đàn bà cùng xóm. Mụ Mùa rình bắt được hai người tại trận nên đã hô hoán người nhà tới lột sạch quần áo của tình địch rồi vừa đánh, vừa lấy kéo cắt trụi tóc của người đàn bà kia. Mụ bị xét xử về tội “làm nhục người khác” và “cố ý gây thương tích” và bị phạt cả thảy 3 năm 6 tháng tù. Mụ nhờ người làm đơn chống án. Mụ đang ở đây để chờ phiên xét xử phúc thẩm.

Còn mụ Loan, năm nay mới hơn ba mươi. Trước, Loan là một người mẫu, chuyên đi biểu diễn thời trang. Chồng mụ tham gia vào một vụ lừa đảo để đưa người đi lao động nước ngoài và bị bắt. Một lần, đến nhà tạm giữ tiếp tế cho chồng, mụ làm quen được với một cán bộ thụ lý vụ án. Do có thân hình cân đối, khuôn mặt khả ái, và cái nhìn lả lơi, mụ chiếm được cảm tình của cán bộ điều tra. Sau đó, mụ chủ động mời cán bộ đi ăn uống. Cuối cùng, mụ thôi miên được người cán bộ điều tra và "chiếm được tình cảm" của anh ta. Hai người hò hẹn đi nhà nghỉ. Mụ Loan đã trao thân cho cán bộ một cách tự nguyện. Đổi lại, cán bộ đã hứa sẽ cố gắng "gọt dũa" để sao cho chồng mụ được nhẹ tội nhất. Mụ Loan tin tuyệt đối. Mụ đề nghị người tình, cán bộ điều tra cố gắng kết thúc điều tra càng sớm càng tốt để chồng mụ sớm được đưa ra xét xử. Một lần, tại nhà nghỉ, sau khi đưa cho người tình một cục tiền để "bôi trơn" các "mục tiêu" để chồng được tại ngoại, mụ được cán bộ điều hứa sẽ cố gắng hết sức để chồng mụ được tạm tha. Mấy ngày sau, cũng tại nhà nghỉ, người tình mụ thông báo "đã kết thúc điều tra và chuẩn bị cho chồng mụ được tại ngoại, chờ ngày xét xử". Mụ không những không vui mà lại tỏ ra buồn. Rồi đột nhiên, mụ Loan ôm người tình vào lòng, nũng nịu "Từ từ hãy cho ông ấy ra anh ạ". "Sao trước đây suốt ngày em đề nghị cho chồng ra tại ngoại, mà bây giờ lại thế?". Chẳng che dấu cái máu dê của mình, mụ ghì đầu người tình xuống hôn như điên dại rồi bảo "Nếu cho ông ấy ra thì làm sao em được thường xuyên ở bên anh như thế này, ngốc ạ". Ra thế. Lòng dạ đàn bà thật khó lường. Ai đó đã nói rằng "Đàn bà là nguyên nhân của sung sướng và mầm mống của đau khổ" quả không sai. Thương yêu chồng là thế mà khi có một người đàn ông khác bên cạnh thì họ sẵn sàng dẫm đạp lên tất cả, miễn sao thỏa mãn được dục vọng tầm thường của mình. Thế rồi, thể theo nguyện vọng của mụ, chồng mụ bị gia hạn thêm một lệnh nữa, vị chi tất cả là chín tháng. Chín tháng ấy, con quỷ cái ấy vẫn có một con dê đực khác bên cạnh để mây mưa, để thỏa lòng dục vọng. Mụ lại có thời gian để cho chồng biết được "Cái giá phải trả khi không biết nghe lời". Và sau này, chắc chắn chồng mụ sẽ phải "ghi lòng tạc dạ" và biết ơn mụ vô hạn vì mụ đã "Chạy đôn chạy đáo, đến gõ hết cửa này cửa khác để xin cho hắn được nhẹ tội". Tuy vậy, qua chín tháng, rồi mười hai tháng, chồng mụ vẫn không được đưa ra xét xử. Mụ đã gặp người tình tra hỏi. Cuối cùng anh ta đành phải nói thật là "Tội của chồng em nặng thế, làm sao mà đưa ra xét xử sớm được". Mụ tái mặt. Và sau này, chẳng những chồng mụ không được "nhẹ tội" mà lĩnh tới tám năm tù. Mụ ngộ ra một điều rằng, mụ đã bị "Lừa cả tiền lẫn tình". Uất ức và căm thù nhưng đã quá muộn. Mụ đâm chán đời và quyết định dấn thân vào đời. Một lần đi uống cà phê, mụ được một đại gia tán tỉnh gợi ý, mụ đã đồng ý cặp bồ. Được đại gia cho tiền nhưng sau mấy tháng, mụ thấy cuộc sống như vậy cũng quá tù túng. Mọi sinh họat của mụ đều bị giám sát, theo dõi. Mụ quyết định chia tay đại gia, đi hoạt động tự do. Mỗi lần mây mưa, mụ thu được ba triệu đồng. Số tiền đúng bằng một tháng lương của những người lao động bình thường. Mụ thấy vừa được sướng cái xác thịt, lại nhàn nhã và kiếm tiền quá dễ, mụ quyết đi theo con đường bán trôn nuôi miệng. Được một thời gian, mụ Loan nghĩ cách lôi kéo những người thuộc dạng chân dài, có chút nhan sắc vào đường dây bán dâm của mình. Dần dà, mụ trở thành người chăn dắt, giới thiệu các cô gái đi bán dâm cho các đại gia để thu tiền môi giới. Những lúc bí người đi khách, mụ trực tiếp ngửa cái thân thể ngà ngọc của mình ra cho lũ đàn ông đè nén, phè phỡn và thu tiền. Đường dây của mụ hoạt động được hơn một năm thì bị phát hiện. Mụ Loan bị bắt và bị tòa phạt tới tám năm tù. Mụ nhờ người viết đơn chống án và nghe đâu đang nhắn ra ngoài tìm cách gặp gỡ những người có chức có quyền chạy án cho mình. Cũng chính vì "thân thế" và "sự nghiệp" của mụ, nên khi Gia Linh vừa mắt nhắm mắt mở bước vào trại giam, mụ đã nghĩ ngay cô cũng là một ả cave và mụ đã có hành vi sàm sỡ mà Gia Linh không thể nào quên được.     

Cứ như triết lý của mụ Chanh mắt xếch thì, việc các mụ vào trại giam sau đó lại được ra và cho dù sau này có phải vào trại nữa rồi cuối cùng cũng ra trại thì đó cũng là lẽ đời. Nó đơn giản, bình thường như cơm ăn, nước uống, khí thở hàng ngày. Vào đấy rồi lại ra đấy. Nó chẳng khác nào chuyện may rủi ở đời, hệt như việc đi chợ buôn bán ấy. Buôn bán thì khi lỗ, khi lãi, lại có khi bị công an, thuế vụ vồ được, chộp hết hàng hóa, trở thành tay trắng và đành phải làm lại từ đầu… Gia Linh chỉ biết lắng nghe. Hình như cô không thể tiêu hóa được những cái lý luận sặc mùi chợ búa ấy. Những ngôn từ, những cách nghĩ cũng như cách sinh hoạt của mấy mụ đàn bà khiến cô cô tởm lợm. Cô mong sao mình chóng tới ngày được đưa ra xét xử. Cô sẽ khai tất cả, khai đúng, khai thật những gì cô đã làm rồi muốn ra sao thì ra. Nếu quả con người có số thật thì cô đành phải chịu. Nhưng còn mẹ cô thì… liệu có phải là số phận hay do chính bà đã tự gây ra và chuốc lấy những hậu quả kinh hoàng ấy. Theo như mấy mụ cùng kiên giam bàn luận thì mẹ cô dễ bị “Dựa cột” lắm. Ban đầu, nghe hai từ ấy, Gia Linh không hiểu, phải hỏi lại “Dựa cột” là sao? Các mụ nhìn cô rồi lăn ra cười. Họ không thể tin được một cô gái thông minh, tháo vát nhường kia mà lại không hiểu cái thuật ngữ đời thường ấy. Thấy Gia Linh ngơ ngơ, mụ Loan vỗ vào vai cô đánh "đốp", bảo “Đó là bị trói vào cột để cho họ bắn ấy. Đó là án tử hình, nghe rõ chửa?!”. Nghe vậy, Gia Linh bủn rủn, rụng rời hết chân tay. Chả lẽ, mẹ cô sẽ chết khi bà chưa đến tuổi bốn mươi?! Nếu quả như thế thì nhà cô hết phúc thật rồi.              

Những lúc nhàn rỗi trong phòng giam, Gia Linh dành thời gian để tự vấn, suy  ngẫm và nghĩ mông lung. Sau đó, cô vùi đầu vào những giấc ngủ. Cô cố quên đi những gì đã và đang diễn ra, không muốn nhớ tới nó. Cô cũng không muốn nghĩ tới việc mẹ cô đã phạm trọng tội và phải chịu mức án ghê gớm như mấy mụ đã nói với mình. Những lúc tỉnh, cô thấy chân tay bồn chồn, ngứa ngáy không sao chịu nổi. Chúng muốn được chạy nhảy, được tung hoành như khi cô còn đang tập luyện ở trung tâm thể dục thể thao hay nó sẽ linh lợi, tháo vát như trên sàn đấu. Cô nghĩ, nếu bây giờ một mụ nào đó giám gây gổ, giám xúc phạm đến mình, chắc chắn cô sẽ tung ra những cú đòn cực hiểm, để trút hết bực bội, căm thù lên thân xác họ, có thế cô mới thấy thỏa mãn.

(Còn nữa)

 

 

 

 

Phạm Xuân Đào

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/canh-chim-non-vuot-bao-tieu-thuyet-trinh-tham-tiep-a1737.html