Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 32)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 32,.

 Giai cấp địa chủ phong kiến không mất đi trong hai cuộc khai thác thuộc địa mà ngược lại ngày càng được tăng cường do sự đẩy mạnh cướp đoạt ruộng đất của nông dân. Địa chủ người Việt tăng cường.  Ngoài địa chủ người Việt, hình thành thêm tầng lớp địa chủ người Pháp khi chúng cướp đoạt ruộng đất của nông dân để bóc lột theo lối địa tô.  Đặc biệt là sự hình thành những đồn điền cao su rộng lớn.  Giai cấp địa chủ là tay sai của thực dân Pháp,  gắn chặt quyền lợi với thực dân Pháp về kinh tế,  chính trị,  là kẻ thù của cách mạng Việt Nam.  Cách mạng Việt Nam muốn lật đổ nền thống trị của Pháp phải đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến. 

cnvn1-1674634086.jpg

Tranh cổ động: Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời ra đời vào cuối thế kỷ XIX, trong công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp. Nguồn: Internet.

 

 

Dù  kinh tế tư bản và quan hệ tư bản chủ nghĩa du nhập vào  nhưng Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, nông dân chiếm hơn 90% dân số. Do đó , giai cấp nông dân có từ khi có nhà nước đầu tiên, nhà nước Văn Lang, bây giờ họ vẫn tồn tại và trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến, họ càng cực khổ hơn. Thực dân Pháp và phong kiến bóc lột chủ yếu là bóc lột nông dân. Vì thế, giai cấp nông dân  là giai cấp có tinh thần cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Họ là động lực của cách mạng Việt Nam. Khát vọng độc lập, ruộng đất, dân chủ của nông dân tự nông dân không thể giải quyết được vì nông dân không đại diện cho lực lượng sản xuất mới, không phải là giai cấp mới. Cho nên, nông dân sau khi  đập tan xã hội cũ không tự xây dựng được xã hội mới khác với xã hội phong kiến. Ở Việt Nam, nông dân phải đi theo và nhận sự lãnh đạo của giai cấp vô sản thì  khát vọng ruộng đất, dân chủ, độc lập dân tộc của họ mới giải quyết được. Trong cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng, là động lực của cách mạng.

          Giai cấp tư sản Việt Nam: Trong cuộc khai thác lần thứ nhất, tư sản Việt Nam chưa ra đời với tư cách là một giai cấp nhưng đã xuất hiện các nhà doanh nghiệp Việt Nam để đến cuộc khai thác lần hai ra đời với tư cách là một giai cấp. Năm 1896 có 74 nhà công thương Việt Nam, năm 1929 con số này tăng lên 366. Sau cuộc khai thác lần thứ hai giai cấp tư sản Việt Nam phát triển nhanh chóng. Nguồn gốc của tư sản Việt Nam chủ yếu là tiểu chủ làm nghề thầu khoán, cung cấp nguyên vật liệu hay đại lý cho tư bản Pháp, khi có nhiều vốn họ chuyển sang kinh doanh và thành nhà tư sản. Sau cuộc khai thác lần hai, tư sản Việt Nam thành lập các công ty như Công ti Tiểu Long thương đoàn ở Huế, Hưng Hiệp Hội Xã ở Hà Nội, Công ti nấu rượu Nam Đồng Ích ở Thanh Hoá, Công ti điện của Phan Tùng Long, Công ti của nhà tư sản Lê Phát An ở Nam Bộ, Công ti khai mỏ của Bạch Thái Bưởi. Trong ngành cao su có nhà tư sản Lê Phát Vĩnh, Trần Văn Chương. Nguồn thứ hai của giai cấp tư sản Việt Nam là địa chủ giầu có chuyển sang kinh doanh như Trương Văn Bền, một địa chủ có 170.000 ha đất chuyển sang kinh doanh sản xuất xà phòng có 700 công nhân trong xí nghiệp.

          Tư sản Việt Nam có mặt trong nhiều lĩnh vực kinh tế như hoạt động trong các công ti, hãng buôn, xí nghiệp, phần lớn kinh doanh trong các ngành dịch vụ, sửa chữa ô tô, buôn tơ lụa, thực phẩm, chế biến nông phẩm, xay xát lúa gạo, nấu đường, nấu rượu, trong ngành dệt, sản xuất xà phòng, chiếu, thuộc da, nhuộm. Tư sản Việt Nam cũng có mặt ở ngành khai mỏ, lập đồn điền. Bước đầu xuất hiện tư sản ngân hàng, một ngân hàng được thành lập do một số tư sản địa chủ Nam kỳ bỏ vốn kinh doanh, hoặc một số ngân hàng kinh doanh với hình thức hùn vốn với tư bản nước ngoài. Nhưng nhìn  chung tư sản Việt Nam đa số là tư sản thương nghiệp. Kinh tế tư sản Việt Nam nhỏ yếu, vốn chỉ bằng 5% vốn của tư bản Pháp, số lượng ít, thế lực yếu, bị tư bản Pháp cạnh tranh, chèn ép và thường bị phá sản.

          Ra đời trong một xã hội thuộc địa nửa phong kiến nên trong quá trình phát triển, giai cấp tư sản Việt Nam phân hoá thành hai bộ phận: bộ phận tư sản mại bản giầu có, có thế lực hơn, quyền lợi của họ gắn với quyền lợi tư bản pháp. Vì thế Tư sản mại bản đấu tranh chỉ nhằm đòi hỏi quyền lợi kinh tế và chính trị của tầng lớp họ. Tư sản mại bản đấu tranh không nhằm mục đích giải phóng dân tộc. Cho nên tư sản mại bản là đối tượng  của cách mạng dân tộc dân chủ.

          Bộ phận thứ hai trong giai cấp tư sản là tư sản dân tộc. Tư sản dân tộc thế lực kinh tế yếu, bị tư bản Pháp cạnh tranh, chèn ép. Cho nên tư sản dân tộc Việt Nam có hai mặt, một mặt có tinh thần đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, mặt khác có thái độ không kiên định, dễ thoả hiệp khi lực lượng đế quốc, phong kiến mạnh. Song họ có tinh thần đấu tranh chống đế quốc, phong kiến nên trong cách mạng dân tộc dân chủ phải thu hút tư sản dân tộc vào  mặt trận đoàn kết dân tộc. Mặt khác, phải hạn chế mặt tiêu cực của họ. Tư sản dân tộc là một trong những lực lượng của cách mạng Việt Nam.

          Tầng lớp tiểu tư sản: gọi là tầng lớp vì lớp người này không có trong tay tư liệu sản xuất, đúng hơn họ không gắn với một hệ thống sản xuất nhất định nào. Họ là trí thức: giáo viên, sinh viên, học sinh, viên chức nhỏ, thị dân nghèo, tiểu chủ, thợ thủ công. Tầng lớp này ra đời trong cuộc khai thác lần thứ hai do sự mở rộng các đô thị, các cơ quan hành chính nhà nước, văn hoá, giáo dục, báo chí. Tiểu tư sản phát triển nhanh về số lượng, tập trung ở các đô thị như Hà Nội, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Chợ Lớn. Tiểu tư sản là người dân mất nước, bị thực dân Pháp áp bức,  ngược đãi, khinh rẻ, đời sống bấp bênh, dễ bị thất nghiệp cho nên họ khát khao đòi độc lập dân tộc, đòi quyền dân chủ, cải thiện dân sinh. Họ là tầng lớp có tri thức, có văn hoá cho nên dễ tiếp thu các học thuyết cách mạng mới từ bên ngoài và truyền bá vào trong nước. Cho nên họ có tinh thần cách mạng hăng hái, châm ngòi cho các xu hướng cách mạng mới. Tiểu tư sản là lực lượng quan trọng trong cách mạng dân tộc dân chủ.

          Giai cấp công nhân Việt Nam: Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời vào cuối thế kỷ XIX, trong công cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp. Trong cuộc khai thác lần thứ hai công nhân Việt Nam phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Trong cuộc khai thác lần thứ nhất, công nhân Việt Nam khoảng 10 vạn người, trong khai thác lần thứ hai tính đến năm 1929 đã có 22 vạn. Công nhân Việt Nam tập trung ở các đô thị hoặc ở những trung tâm kinh tế quan trọng của Pháp. Nguồn gốc công nhân phần lớn bắt nguồn từ nông dân bị cướp đoạt ruộng đất, phá sản ở nông thôn phải ra hầm mỏ, vào nhà máy bán sức lao động cho tư bản Pháp (đa số) hoặc cho tư bản người Việt. Một phần công nhân Việt Nam xuất thân từ thợ thủ công và thị dân.

          Giai cấp công nhân Việt Nam có tính chất chung của giai cấp công nhân quốc tế. Họ là giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất mới, là giai cấp tiên tiến, có khả năng lãnh đạo các giai cấp khác làm cách mạng đập tan xã hội tư bản và xây dựng một xã hội mới, xã hội Cộng sản chủ nghĩa. Công nhân có trình độ kĩ thuật chuyên môn cao, có tinh thần đoàn kết, có ý thức kỷ luật, có tinh thần quốc tế vô sản, đoàn kết với giai cấp vô sản và với lao động trên toàn thế giới. Những tính chất chung như vậy nói lên tính chất tiên tiến của giai cấp vô sản, nói lên sức mạnh to lớn của họ vì vô sản là một lực lượng quốc tế. Ngoài tính chất chung của vô sản quốc tế, công nhân Việt Nam còn có đặc điểm riêng. Là giai cấp sinh ra trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến nên họ bị ba tầng áp bức, bóc lột: tư sản Pháp, tư sản Việt Nam và phong kiến, điều này nói lên tính chất cực khổ đặc biệt của vô sản thuộc địa. Thực dân pháp là kẻ thù giai cấp cũng chính là kẻ thù dân tộc, cho nên đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam ngoài mang tính giai cấp còn mang tính chất dân tộc. Giai cấp công nhân Việt Nam phần lớn xuất thân từ nông dân nên dễ dàng thực hiện được liên minh công nông. Có liên minh được với nông dân thì vô sản mới khẳng định được vai trò lãnh đạo cách mạng, sức mạnh của vô sản mới được nhân lên. Trong hàng ngũ công nhân Việt Nam không có tầng lớp công nhân quí tộc, không có cơ sở xã hội cho chủ nghĩa cơ hội, cho công đoàn vàng.

          Tính chất chung và đặc điểm riêng của giai cấp công nhân Việt Nam  làm cho giai cấp này trở thành lực lượng chính trị độc lập, đang vươn lên đóng vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, quyết định chiều hướng của lịch sử  cách mạng Việt Nam.

(Còn nữa)

CVL

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-32-a17428.html