“Con Nhân mã ở trong vườn” - Cuốn tiểu thuyết ám ảnh và mê hoặc

Tiểu thuyết “Con nhân mã ở trong vườn” của tác giả Moacyr Scliarngười Brazil, là một tác phẩm kinh điển rất nổi tiếng. Đây là tác phẩm đã ghi dấu tên tuổi của nhà văn tới thế giới và cũng là tác phẩm đầu tiên của ông được xuất bản tại Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.

“Hạnh phúc lớn nhất trên đời là niềm tin vững chắc rằng chúng ta được yêu – được yêu vì chính bản thân, hay đúng hơn được yêu bất chấp bản thân ta.” – Victor Hugo.

Mỗi cá thể con người trong cuộc sống ai cũng muốn được hạnh phúc. Có những người sinh ra đã được hạnh phúc hoặc có được hạnh phúc rất dễ dàng, nhưng có một vài người thì lại không được như vậy. Họ là những con người phải tìm kiếm cho mình niềm hạnh phúc một cách khó khăn và đôi khi thứ hạnh phúc đó trông thật xa vời.

b01-con-nhan-ma-o-trong-vuon-1675694800.jpg

 Tiểu thuyết “Con nhân mã ở trong vườn” - một câu chuyện bi kịch của nhân vật Guedali cũng là một “tấm gương” phản chiếu hiện thực nhưng cũng rất “kỳ ảo”.

 

Tiểu thuyết “Con nhân mã ở trong vườn” của tác giả Moacyr Scliar người Brazil là một tác phẩm kinh điển rất nổi tiếng. Đây là tác phẩm đã ghi dấu tên tuổi của nhà văn tới thế giới và cũng là tác phẩm đầu tiên của ông được xuất bản tại Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.

Tiểu thuyết “Con nhân mã ở trong vườn” đã được ra mắt độc giả cách đây khoảng mười bảy năm. Mỗi giai đoạn trong tiểu thuyết được nhà văn Scliar đánh dấu bằng các mốc thời gian và địa điểm cụ thể để độc giả không bị quá “rối” trong lúc đọc. Tác phẩm được kể bằng ngôi thứ nhất, nhân vật chính của tiểu thuyết là chàng nhân mã Guedali. Chàng sinh ra với thân hình nửa hình người, nửa hình ngựa trong một gia đình không mấy khá giả gồm người cha tên Leon, người mẹ Rosa và hai người chị Mina, Deborah cùng với người anh trai Bernado. Khoảnh khắc mà Guedali được sinh ra đã khiến cho cả gia đình phải bàng hoàng. Người mẹ thì suýt ngất lịm đi, bà đỡ thì kinh ngạc còn người cha – trong lúc người vợ đang sinh con thì đã nghĩ một cách tích cực về tương lai của đứa con sắp chào đời, khoảnh khắc ông mừng rỡ khi nhận ra đó là con trai và lúc ông bàng hoàng sợ hãi đến mức phải “co rúm người lại, phải tựa lưng vào tường mới đứng được” khi nhìn thấy đứa con vừa chào đời của mình.

Nhân mã – một sinh vật huyền thoại trong thần thoại Hy Lạp với ngoại hình nửa trên là người, nửa dưới là thân hình của loài ngựa. Một sinh vật chỉ có trong thần thoại Hy Lạp, tưởng chừng không có thật ấy vậy mà lại xuất hiện dưới hình hài một đứa trẻ sơ sinh mới chào đời mang tên Guedali. Guedali ra đời với hình dạng khác biệt với tất cả mọingười, ra đời trong một xã hội loài người mà ở đó thứ khái niệm “Nhân mã” không tồn tại ngoài đời thực. Chính ngay từ đầu cuốn sách, nhà văn Scliar đã cho ta thấy sự bất hạnh của Guedali – một “nhân mã” sinh ra trong một xã hội con người như vậy thì phải sống như thế nào, trải qua những khó khăn như thế nào?

Mặc dù bất hạnh khi phải sinh ra đã mang thân hình như vậy nhưng Guedali vẫn nhận được tình yêu thương hết mực từ gia đình. Cha mẹ và anh chị của Guedali ban đầu có phần khá “sốc” khi chứng kiến hình dạng của Guedali nhưng dần dà về sau đã chấp nhận và yêu thương, bao bọc che chở chàng hết mực. Ngay từ những giai đoạn đầu của cuốn sách, nhà văn Moacyr Scliar đã dường như làm lay động trái tim độc giả khi cho thấy số phận bất hạnh khi phải mang thân hình nhân mã của Guedali và tình yêu thương bao bọc chở che to lớn của gia đình dành cho chàng. Sống trong một xã hội đầy rẫy những định kiến, Guedali phải sống một cuộc sống hắt hủi, và phải đấu tranh để sống.

Nhà văn Moacyr Scliar đã thực sự thành công trong việc diễn tả được cuộc sống bi kịch của Guedali, mỗi chi tiết trong tiểu thuyết đươc ông chăm chút rất kĩ và khiến người đọc phải “bất ngờ”. Chàng trai Guedali bất hạnh dù mang hình dáng là một nhân mã khác người bình thường như vậy nhưng gia đình vẫn yêu thương chàng hết mực. Họ sẵn sàng bảo vệ anh khỏi những dị nghị bên ngoài và chấp nhận anh như một đứa con bình thường trong gia đình.

Thời điểm chàng nhân mã Guedali quyết định rời khỏi mái nhà ấm cúng thân yêu của mình chính là bước ngoặt lớn. Ra khỏi vòng tay bao bọc của cha mẹ, rời xa mái nhà yêu dấu để đến với thế giới rộng lớn nhưng cũng rất nguy hiểm, Guedali vẫn muốn tự mình tìm hiểu thế giới xung quanh chàng. Trong chuyến hành trình của mình, Guedali đã đến với gánh xiếc, làm trò vui cho mọi người. Nhưng may thay, Thượng đế đã thay đổi cuộc đời Guedali khi đã mang chàng đến với nàng nhân mã Tita.

Cả Guedali và Tita đều là nhân mã, đều sinh ra đã mang thân hình “nửa người nửa ngựa” như nhau, chính điều đó đã khiến họ mang trong mình sự đồng cảm to lớn. Guedali và Tita đến với nhau một cách tình cờ nhưng chính điều đó đã tạo nên sự thay đổi lớn cho toàn bộ câu chuyện. Guedali đã tìm được cho mình một đồng loại, khiến anh không phải cảm thấy tự ti vì sự khác biệt của mình. Về sau, câu chuyện còn được thêm thắt nhiều hơn khi cả Guedali và Tita đều thực hiện phẫu thuật để được “làm người”. Khoảnh khắc Guedali nằm trên giường bệnh và “nằm ngửa” nhìn lên trần nhà với cảm xúc mãnh liệt đã thể hiện sự thống khổ của chàng khi phải sống trong hình hài nhân mã như vậy, mang hình dáng của một nhân mã như thế thì sao có thể nằm ngửa như người bình thường được? Guedali đã cắt bỏ được phần nào cái thứ “nhân mã” đó, chàng được sống như một con người bình thường, trải qua đau khổ và hạnh phúc như một con người bình thường.

Các chi tiết của cuốn tiểu thuyết được nhà văn Scliar xây dựng một cách thú vị và khiến cho mạch truyện trở nên cao trào hơn khi một chi tiết khá đỗi bất ngờ xuất hiện đó là Guedali phải chứng kiến người con gái mà mình yêu đã “ngoại tình” với một người khác, chính xác hơn là một “nhân mã”. Điều đó đã thể hiện được rằng – mặc dù cả Guedali và Tita đã phẫu thuật để được làm một người bình thường song cái phần “nhân mã” bên trong vẫn còn đó, không thể biến mất được. Vỏ bọc “con người” sau khi phẫu thuật chỉ là thứ để che đậy cái khiếm khuyết bên trong mà thôi. Điều đó cũng chứng minh không ai có thể dễ dàng chối bỏ được khiếm khuyết của mình, họ đành phải chấp nhận cái khiếm khuyết đó và sống chung với nó.

Tiểu thuyết “Con nhân mã ở trong vườn” - một câu chuyện bi kịch của nhân vật Guedali cũng là một “tấm gương” phản chiếu hiện thực nhưng cũng rất “kỳ ảo”. Nhà văn Moacyr Scliar đã kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố thực - ảo vào “Con nhân mã ở trong vườn”, có lúc ta nhận ra những chi tiết tưởng như là “thực” hóa ra lại là “ảo”, “thực” lại thành “ảo”. Cuốn tiểu thuyết đã gây được không ít tiếng vang trên toàn thế giới khi lần đầu ra mắt độc giả Việt Nam vào năm 2005 với bản dịch của Trịnh Lữ, và gần đây cuốn tiểu thuyết này đã trở lại một cách mạnh mẽ với bản dịch của Nhật Phi, một lần nữa, Moacyr Scliar lại gây tiếng vang với những ai đam mê tiểu thuyết của ông.

Đinh Bạt Long

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/con-nhan-ma-o-trong-vuon-cuon-tieu-thuyet-am-anh-va-me-hoac-a17557.html