Chùa hiện đại

"Các anh chị sáng mai nếu muốn đi lễ, em đưa lên chùa nhé." Cậu lễ tân khách sạn ngỏ ý.

chua-hien-dai2-1675759935.jpg
 

Khá tò mò vì tôi biết vùng đất này hoang hoá không người, không nhà xưa nay, đến hiện đại mới lấn biển, xây nhà chiếm đất, lấy đâu ra chùa chiền hay đình đền? Không như những nơi yếu mạch, người xưa đã xây đền, chùa, miếu, mạo hoặc trong làng có đình. Xa bên Cửa Ông có đền Trần Quốc Tảng, người con của Trần Hưng Đạo, đã có công trấn giữ miền duyên hải này. Hay những đền thờ thánh, mẫu... dân lập lên phục vụ tín ngưỡng, tâm linh nhiều đời.

Một cậu nghệ nhân gốm, tự nặn bình, đốt lò và nung các tác phẩm. Mỗi bình của cậu ta giá từ 2000 đến 5000 đô la. "Anh nên mua bình mới, tránh những thứ không hay do mình chưa biết về món đồ. Con cháu anh sẽ có đồ xưa!" Cậu ta nói. Đúng thế, cái chum tôi cắm đào Tết tuổi hơn trăm năm, nếu bà nội tôi không mua mới về làm tương, thì giờ tôi đâu có cái chum xưa mà khoe? So sánh hơi khập khiễng, nhưng nếu không xây chùa hay công trình tâm linh bây giờ, thì trăm, ngàn năm nữa lấy đâu chùa cổ?

Công trình tâm linh, thường cần có đủ thời gian tích đức, tích năng lượng vũ trụ, con người, thần, thánh, phật hay chúa... người ta thậm chí trấn yểm, để nhanh chóng đạt điều mình muốn. Như núi giả, đắp lên phía sau Trung tâm HNQG, muốn thành núi sẽ phải có "thần" bằng cách nào đó!

Ấy nhưng, dân ta, nhất là dân Miền Bắc, lượng người theo tôn giáo nào đó thực sự rất ít. Thậm chí họ không phân biệt Tín ngưỡng và Tôn giáo khác nhau ở điểm nào? Khi đi du lịch, đi công chuyện, thấy chùa chiền mọc lên khắp nơi, rất mới, rất đa dạng, dẫn đến nhiều ý kiến, không nói ra nhưng nhiều người không thích, không hiểu, rồi đến thờ ơ hay thậm chí phê phán, đả kích. Vậy chùa hiện đại mọc lên ở đâu? Loại nào? Có giá trì gì? Tại sao? Có thực sự giá trị?

Trong gia đình, theo tín ngưỡng người Việt, ta thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Thờ thổ công, thờ thần linh. Người theo tôn giáo sẽ có thể có thêm ban thờ Phật, Chúa. Người làm ăn, buôn bán có ban thờ Thần tài. Một số địa phương còn có bàn thờ Thiên hay thờ Vong bên ngoài (vườn hay cổng nhà).

chua-hien-dai1-1675759935.jpg
 

Các bàn thờ của mỗi gia đình, tuỳ vào mức độ tín cũng như hoàn cảnh không gian, kinh tế sẽ có quy mô, mức độ khác nhau. Có nhà xây điện thờ to, nguy nga. Có nhà dành hẳn ban thờ Phật rất lớn.  Thậm chí có nhà, không chỉ phục vụ nhu cầu tâm linh cho gia đình, họ mở phục vụ cho cả cộng đồng xung quanh. Ở Việt Nam ta chưa thấy có nhà thờ Thiên chúa tư nhân như ở Mỹ, nhưng, Chùa, Đền, hay Miếu tư gia rất nhiều. Mỗi khi mua một nhà mới, ta cũng thường lập bàn thờ mới, ít nhất cũng là thờ Thổ công, Thổ địa. Nhiều người giàu, có chục căn nhà, họ cũng sẽ có thể có chục bàn thờ...

Gia đình khi mở doanh nghiệp, doanh nghiệp lớn, họ có lòng tin vào tín ngưỡng, và/hoặc tôn giáo, họ cũng xây ban thờ riêng như mỗi gia đình, có điều, họ xây khổng lồ! Như tập đoàn FLC, Sun Group,...  mỗi khu resort của họ, công trình tâm linh là hệ thống đền thờ Mẫu, chùa thờ Phật riêng, hoành tráng. Các công trình này, phục vụ trước hết cho chính bản thân họ. Nếu đủ đức, họ có thể vời được sư tới trụ trì, chăm sóc. Nếu chưa, thường chỉ có các ngày lễ, nghi thức đặc biệt họ mời các thày về làm lễ. (Tại gia chúng ta cũng thế!). Các chùa, đền của các khu resort của doanh nghiệp này là công trình tâm linh tư nhân, chúng có được chứng nhận và vào hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo hay không, còn phụ thuộc nó có tích đủ đức không? Nếu không thì trăm năm, ngàn năm nữa, vẫn chỉ là công trình xây dựng thuần tuý!

Không chỉ hệ thống đền, chùa nói trên, phục vụ chính cho nhu cầu tâm linh gia chủ hay doanh nghiệp. Ngày nay còn sinh ra các kiểu kinh doanh tâm linh, doanh nghiệp lớn xây dựng công trình chùa, hay biến các danh thắng tự nhiên, thiên nhiên thành tín ngưỡng. Chùa họ tạo dựng, chủ trị họ mời về, bằng cách nào đó cũng nằm trong hệ thống chính thống. Với truyền thông, đây là cơ sở tôn giáo phục vụ cộng đồng, tuy nhiên, ngoài cơ sở tôn giáo, cả hệ sinh thái bao la xung quanh mới là cái chính, hình thành doanh nghiệp kinh tế dựa tâm linh. Việt Nam ta từ Nam ra Bắc, rất nhiều cơ sở quy mô lớn loại này.

Và, chùa hiện đại, vẫn còn các cơ sở tôn giáo thực sự mục đích tôn giáo, không rõ về chính trị, nhưng những công trình này xây dựng mới và hoạt động, quản lý bởi tôn giáo, trong hệ thống tôn giáo chính thống, không phải gia đình, không phải doanh nghiệp. Cũng có một số địa phương, chùa cổ của khu vực bị "gia đình hoá." Hay một số công trình tín ngưỡng tư gia bị "cộng đồng hoá." Và nhiều chùa cổ, chùa gia đình, công trình tín ngưỡng tư... được kinh doanh, doanh nghiệp hoá... sự lẫn lộn, lợi dụng rồi cũng sẽ sáng tỏ thôi.

Chúng ta thấy, nhiều ý kiến, chê, khen hay phản bác cũng như ủng hộ các hoạt động tín ngưỡng liên quan đến kinh tế. Thế nhưng, nhiều người giàu, doanh nghiệp, thậm chí tham quan, lừa đảo... cúng tiền cho các cơ sở tâm linh. Chắc chắn, ta không dạy người giàu tiêu tiền được, họ không kém hơn ta để ta chỉ bảo họ cách tiêu tiền hay cách họ sống! Ở đây, vấn đề tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo, là mỗi cá thể tự chịu trách nhiệm và ý thức khi thực hành theo. Hiến pháp Việt Nam ủng hộ tự do tín ngưỡng, sai phạm hay quá lố đều có giá của nó cả!

Nhân đi thăm một công trình tín ngưỡng có đền, thờ Mẫu và chùa, thờ Phật, của một doanh nghiệp. Chưa rõ họ theo môn phái nào, dù vào trong thấy đủ thứ, các loại mà các tông phái khác nhau phải gộp vào mới đủ như ở đây... có một vài suy nghĩ cá nhân!

 

26/01/2023 05 Giêng Quý Mão – ĐVP

Đặng Vân Phúc

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/chua-hien-dai-a17562.html