Anh ơi hãy mở mắt ra nghe em hát

Tôi loay hoay mãi để tìm ra cái tiêu đề cho bài viết sao cho dễ nghe, dễ hiểu và không "giật gân' nhưng vẫn thấy khó khó. Rồi cuối cùng cũng tìm được (mặc dầu không ưng lắm). Tiêu đề của bài viết này đó là trích dẫn lời tự sự của nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền qua ký ức chiến tranh.

Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền, một tượng đài âm nhạc trong lòng rất nhiều người yêu âm nhạc Việt Nam, kể cả những người coi âm nhạc không mặn mà lắm. Có thể nói nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền là một trong những nghệ sĩ rất hiếm hoi đã có chỗ đứng bền vững trong lòng khán giả những người yêu nhạc, mặc dầu nhạc Việt đã luôn biến thiên qua các thời điểm, các trào lưu âm nhạc bằng các dòng nhạc nội, ngoại du nhập. Nói đến nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền không chỉ những người cùng thời với chị mà cho đến cả các thế hệ sau này đều quen thuộc tên tuổi chị và nhớ những ca khúc cách mạng, trữ tình, dân gian do chị thể hiện và đã làm nổi danh tên tuổi chị cùng với tác giả của nó. Gần 60 năm liên tục không mệt mỏi, chị đã mang tiếng hát phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng khi đất nước hòa bình. Có một điều đặc biệt ở người nghệ sĩ này là chị rất ít nói về mình và đời sống riêng tư. Tuy nhiên vì mộ điệu tiếng hát của chị nên nhiều người đã tìm hiểu và biết về cuộc đời mà chị đã cống hiến cho nghệ thuật.

b1ab1-1679623876.jpg

 Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát trên sân khấu. Nguồn: Internet

 

Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền được sinh ra tại một làng quê thuộc tỉnh Thái Bình. Mảnh đất Thái Bình cũng là nơi sinh ra những nghệ sĩ nổi danh ở nhiều loại hình nghệ thuật. Cái nôi của làn điệu chèo Bắc Bộ đó đã sản sinh ra nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan một nghệ sĩ chèo. Đặc biệt vùng đất đó đã sinh ra những tượng đài trong dòng nhạc cách mạng như nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên, nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền, nghệ sĩ nhân dân Doãn Tần. Những nghệ sĩ lớp trẻ có Việt Hoàn, Uyên Linh, Bùi Thúy…

Năm 10 tuổi nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền đã theo ông bà đi hát. Năm 15 tuổi chị cùng đoàn văn công quân khu Tây Bắc theo các đoàn quân vào khu 4. Những năm tháng đánh Mỹ khu 4 là địa bàn đang có chiến tranh ác liệt. Chị đã hát ngoài mặt trận để phục vụ các đơn vị quân đội. Đó là giai đoạn những năm 1967, 1968. Năm 1972, chị cùng đoàn văn công Tây Nguyên trực tiếp phục vụ các chiến sĩ ở thành cổ Quảng Trị, nơi đó được gọi là "cối xay thịt". Chị kể có những đợt địch oanh tạc bằng bom, chiến sĩ ta hy sinh không còn nguyên thi thể, thịt xương bắn cả lên cành cây. Chị bảo thương lắm và chị tự nhủ còn sống được trở về là may mắn lắm rồi. Khi được khơi nguồn về ký ức của thời hoa lửa, chị nhớ như in những lần hát cho đồng đội là thương binh được đưa xuống những cái hang nghe. Những chiến sĩ bộ đội còn trẻ lắm mắt cứ nhắm nghiền chịu những cơn đau thương tích hành hạ. Chị nhẹ nhàng đến bên cạnh các anh và lay khẽ "Anh ơi hãy mở mắt ra nghe em hát này !". Nghe chị kể không khỏi cảm động Tôi rất ấn tượng và cảm phục chị qua một kỷ niệm mà chị chia sẻ khi chị hát bên bờ sông Thạch Hãn. Chị bảo con sông mùa nước mặt sông cũng rộng lắm. Chị kể ngày đó công cụ hỗ trợ cho việc biểu diễn còn vô cùng thô sơ. Chị phải hát qua một cái loa dùng tay bóp. Mỗi lần bóp thì âm thanh mới phát ra và vọng sang bờ phía bên kia được. Chị kể một chi tiết đúng là cười ra nước mắt. Hát xong một câu thì lại quên bóp loa, mà chú ý đến việc bóp loa thì lại quên hát thành thử công việc trở nên vô cùng vất vả. Người chính trị viên đứng bên cạnh chị để nhắc chị hát và bóp loa sao cho nhịp nhàng. Mỗi lúc chị quên bóp loa, cứ mải hát thì anh chính trị viên lại vụt cái gậy vào lưng chị. Có lúc chị nổi tính tự ái và nói với anh cán bộ rằng chị không hát nữa. Thế nhưng vì nhiệm vụ cách mạng rồi chị cũng quyết tâm vượt qua để đưa những âm thanh của các ca khúc cách mạng một cách rành rọt sang phía bờ Nam. Chị cười và bảo hát xong một bài hát thì lưng cũng nằn đỏ những vết roi. Mới thấy rằng một lớp người sẵn sàng xả thân vì đất nước bởi trong họ đã nuôi dưỡng một lý tưởng cách mạng để rồi nó được nảy nở khi đất nước có chiến tranh. Sau khi giải phóng thành cổ Quảng Trị, chị là một nghệ sĩ được may mắn chứng kiến cuộc trao trả tù binh giữa phía ta và phía địch. Chị kể một chi tiết khá thú vị, đó là sau khi đất nước thống nhất, có một dịp chị sang biểu diễn ở Ukraine và ở đó chị gặp người chiến sĩ đứng bóp loa cho chị hát ở bên bờ sông Thạch Hãn. Gặp chị, người lính ấy cười lớn và nói "Chị ơi! Em là người bóp loa cho chị hát ngày ấy đây". Rồi anh chia sẻ với chị rằng, sau khi đất nước thống nhất, anh giải ngủ và được đi hợp tác lao động ở bên này. Hết hợp đồng lao động anh ở lại luôn và sống bằng nghề buôn bán vải, quần áo may sẵn ở thủ đô Kiev. Nói rồi anh ôm một ôm quần áo đưa cho chị và dặn chị rằng " chị về Việt Nam gặp những người lính thành cổ Quảng Trị, chị hãy chia số quần áo này cho họ và nói với họ rằng em luôn nhớ đến họ".

Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền khi mới 15 tuổi, chị đã lao vào cuộc chiến cùng với lớp thanh niên tỏa ra các chiến trường. Vũ khí của chị là tiếng hát, là món ăn tinh thần truyền nhiệt huyết, truyền lửa cách mạng cho các chiến sĩ trên mặt trận. Chị là một người lính trực tiếp lăn lộn với cái sống, cái chết ở những mặt trận ác liệt như thành cổ Quảng Trị, tuyến lửa Vĩnh Linh…Chị kể ngoài những khi hát ra còn tham gia vận chuyển thương binh, nấu ăn, làm các công việc hậu cần. Chị là một người nghệ sĩ, một chiến sĩ thực thụ trên tuyến đầu đánh Mỹ. Đầu năm 1975 nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền cùng đoàn ca nhạc dân tộc Trung ương vào giải phóng Huế, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, tiếng hát của chị lại bay bổng vươn xa ca ngợi công cuộc xây dựng, cải tạo đất nước và ngợi ca những miền quê hương tươi đẹp trên mảnh đất hình chữ S. Ngoài dòng nhạc cách mạng mà chị theo đuổi, giọng hát của chị rất phù hợp với dòng nhạc mang âm hưởng dân ca trữ tình. Đặc biệt là những câu hát ru, những điệu ví dặm, những điệu hò ở cả ba miền Bắc -Trung- Nam. Tên tuổi của chị đã in đậm trong lòng những người yêu âm nhạc, yêu dân ca. Nói đến nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền người ta nhớ ngay đến những ca khúc đã gắn với tên tuổi của chị: Ru con nam bộ, Hoa cau vườn trầu. Chân quê. Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh. Quảng Bình quê ta ơi. Dáng đứng Bến Tre. Người đi xây hồ Kẻ Gỗ. Giữa Mạc tư khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh… Đặc biệt nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền là người trình bày các ca khúc hát về Bác rất thành công. Khán giả luôn muốn nghe chị khi có dịp. Chị kể năm 1969 sau khi Bác mất thì sau đó chị đã hát ca khúc "Trông cây lại nhớ đến Người" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận để phục vụ các chiến sĩ tham gia ngoài mặt trận. Sau này là các ca khúc: Lời Bác dặn trước lúc đi xa. Bác Hồ một tình yêu bao la. Thăm bến Nhà Rồng…. Có thể nói khó có nghệ sĩ nào thay được nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền qua các ca khúc kể trên và chính những ca khúc đó đã làm cho tên tuổi chị in đậm trong lòng khán giả yêu âm nhạc. Chị đã trở thành thần tượng âm nhạc trong rất nhiều người đã nghe chị hát.

Ở thời điểm nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền đã lớn tuổi nhưng chị vẫn tham gia biểu diễn. Có rất nhiều chương trình, nhiều sự kiện âm nhạc lớn muốn được sự tham gia của chị. Chị bảo nhiều khi cảm thấy không đủ sức khỏe để đi show. Ngoài việc tham gia biểu diễn cho các chương trình mời, phần thời gian còn lại chị chuyên tâm vào việc đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ. Chị mong muốn truyền lửa yêu nghề và những kỹ thuật thanh nhạc cho họ. Những kiến thức âm nhạc chị truyền dạy cho lớp trẻ để họ vững bước trên con đường âm nhạc đã lựa chọn và đó cũng chính là sự đóng góp của chị cho tương lai một nền âm nhạc nước nhà với đầy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như tính hiện đại. Chị tiết lộ chị là người có duyên đạt địch quán quân trong các cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn" nhằm tìm ra các tài năng âm nhạc. Những thí sinh thi "Sao mai điểm hẹn" qua lò đào tạo của chị, sau này đều là những ca sĩ thành danh và có tên tuổi trong lòng khán giả yêu âm nhạc.

Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền không muốn tiết lộ về đời sống gia đình và những riêng tư của bạn thân. Được biết ngày trẻ chị cũng có vài ba mối tình nhưng không đến đầu đến đũa. Cuối cùng chị có được một bến đỗ với người chồng và cũng là người lính một thời. Chồng chị là anh hùng lực lượng vũ trang không quân Vũ Ngọc Đỉnh. Tuổi anh lớn hơn tuổi chị gần một giáp. Chị bảo, chị yêu anh bởi tính chân thật và biết cảm thông với vợ. Tình yêu đó đã có thành quả là hai người con gái vừa xinh xắn lại vừa giỏi giang như mẹ. Các con của chị cũng theo ngành nghệ thuật như chị và đều thành công.

Gần 60 năm hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền đã tạo dựng được một tượng đài âm nhạc bền vững trong lòng người dân Việt. Chị là thần tượng âm nhạc của nhiều lớp người trong nước và cả ngoài nước. Có thể nói khó một nghệ sĩ nào mà tên tuổi lại gần gũi, thân thuộc và được yêu mến dài lâu như nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền.

………………………………..

Tuyên Quang. Cuối tháng 3 năm 2023

P.H.C


Trái tim người lính

Phạm Huy Cận

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/anh-oi-hay-mo-mat-ra-nghe-em-hat-a18140.html