Tàu không số thả hàng ở Cô Công (Campuchia)

Câu chuyện này tôi được các CCB đàn anh trên tàu kể lại nhiều lần từ khi tôi xuống con tàu này tháng 10/1972, bây giờ viết lại.

Tôi gọi điện thoại cho anh Nguyễn Văn Với thợ máy số 2 đang sống tại Đồ Sơn Hải Phòng, gọi cho Anh Đồng Xuân Chế, thuyền phó trên con tàu ngày ấy quê Nghi Sơn Thanh Hóa (khi tôi về tàu này anh Chế đã là thuyền trưởng) để xác nhận sự kiện viết cho chính xác. Các anh cho biết:

Năm 1971 nhiều chuyến tàu của đoàn tàu không số phải quay về hoặc bị máy bay tàu chiến Mỹ ngụy bao vây tiêu diệt, bắt sống.

b1thq1-1679925354.jpgTàu không số. Ảnh do tác giả cung cấp. 
 

Cấp trên tìm ra phương thức vận chuyển mới, đó là:

- Đi theo đường hàng hải quốc tế.

- Thả hàng xuống biển tại một địa điểm bí mật.

- Đánh dấu tọa độ cho bộ đội, du kích địa phương ra vớt mang về.

Phương án này làm tình báo Mỹ, ngụy bất ngờ.

Tuy nhiên nhiều chuyến đi vẫn chưa thành công vì gặp tàu địch, bị máy bay tàu chiến đuổi đánh, bao vây khi rẽ vào hải phận VNCH...

Tháng 1 năm 1972, tàu 56 nhận lệnh lên đường. Hàng hóa đã được bộ phận hậu cần chuẩn bị chu đáo. Mỗi kiện hàng được đóng kín bằng nhiều lớp nilon, để nước không vào được. Súng đạn được phủ một lớp dầu mỡ dày, dù có thấm nước mặn cũng không bị han gỉ.

b2thq2-1679925504.jpg

Thuyền trưởng tầu 649 (là tầu 56) và các cựu thủy thủ tại chương trình " Giai điệu tự hào " phát trên VTV1 mùng một tết năm 2016. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Chuyến đi hôm đó của tàu 56 do thuyền trưởng Nguyễn Sơn chỉ huy Thuyền phó Đồng Xuân Chế và Văn Đình Nhu. Chính trị viên Đỗ Sạn. Đoàn trưởng Võ Hán cũng tham gia chuyến này.

Ngành thủy thủ mặt boong do anh Nhật làm Thủy thủ trưởng. Các thủy thủ khác là Ba Sang, Hòa đen, Thuận, Mạc, Đăng. Đăng là một thủy thủ đặc biệt, anh có chí phấn đấu, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh là con trai ông bí thư tỉnh ủy Quảng Bình ( Tư Thoan ) lúc bấy giờ. Đăng là chàng trai yêu thể thao, văn nghệ. Anh có thân hình của người mẫu với 6 múi rõ ràng, anh đánh ghi ta rất hay. Ngày đó thịnh hành bài Chiều hải cảng nhạc Nga. Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân. Anh đánh ghi ta, đệm cho chúng tôi vào những buổi sinh hoạt hoặc ngồi hóng gió trên mũi táu khi neo đậu ở miền bắc.

Hàng hải là anh Đỗ Cơ.

Thợ máy có anh Việt máy trưởng. Anh Lâm máy 1. Nguyễn Văn Với máy 2, Điện công là anh Thanh béo. Bộ phận thông tin có anh Liền báo vụ 1, anh Vụ báo vụ 2.

Cơ yếu anh Bích.

Tầu chở khoảng 70 tấn vũ khí đạn dược. Ngoài ra còn có dầu chạy máy khoảng 20 tấn, nước ngọt trên tàu khoảng 10 tấn (10m3). Thực phẩm tươi sống có thịt lợn, thịt bò tươi và10 con gà còn sống nhốt ở phía đuôi tầu. Còn lại là đồ hộp như thịt hộp, cá hộp, ruốc, thịt băm, đường sữa, bột đao giải khát, thuốc men v.v.

Tất cả cơ số dầu nước, lương thực, thực phẩm dự trữ trên, đủ dùng cho 2 tháng trên biển.

Trước ngày lên đường, tháng 8/1971, Tàu được điều động đến một vị trí bí mật trong Vịnh Hạ Long. Tại đây thủy thủ đoàn được học chính trị, quán triệt nhiệm vụ và bảo mật.

Cán bộ, thủy thủ trên tàu không được tiếp xúc với người ngoài tàu (trừ ca nô tiếp tế thực phẩm hai, ba ngày một lần) Không ai được gửi thư về nhà.

Ngày 12/1/1972, tầu đến căn cứ bí mật bốc hàng từ trên bờ xuống. Thủy thủ đoàn gửi đồ cá nhân lên bờ và được phát quần áo đi biển như ngư dân vùng Đông Nam Á.

Trông con tàu và thủy thủ đoàn như một tàu đánh cá nhỏ. Lưới và dụng cụ đánh cá phủ phía trên hầm hàng.

Chiều ngày 18/1/1972 Thuyền trưởng Nguyễn Sơn phổ biến nhiệm vụ. Giọng Quảng Ngãi sang sảng:

- Bằng mọi giá, chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ, đưa được 70 tấn vũ khí đạn dược, thuốc men này vào Cà Mau. Chính trị viên Đỗ Sạn quán triệt tư tưởng, động viên cán bộ chiến sỹ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Tầu lặng lẽ rời căn cứ ra khơi. Qua eo Hải Nam bốn mùa sóng dữ, rồi ra đường Hàng hải Quốc tế.

Để gây yếu tố bất ngờ, tàu chọn cách đi len qua các bãi đá ngầm của quần đảo Hoàng Sa. Đây là điều mà không một sách dạy đi biển nào ghi, vì vào đó là tự sát. Biển lặng nhưng cán bộ thủy thủ trên tàu vô cùng căng thẳng vì chỉ sơ xuất một chút là tàu va vào đá ngầm. Tàu sẽ bị vỡ, thủng hoặc mắc cạn. Đó là những điều khủng khiếp nhất đối với thuyền trưởng và thủy thủ đoàn.

Sau vài ngày luồn lách qua bãi đá ngầm, bãi san hô. Tàu đến vùng biển Philipin.

Ngoài đường hàng hải Quốc Tế, sóng vẫn cấp 6 cấp 7. Có hai loại sóng chủ yếu trên biển đó là sóng dọc và sóng lừng. Sóng dọc ụp cả khối nước to, cao như ngọn núi, chùm lên con tàu như nuốt chửng. Sóng lừng là sóng vỗ ngang thân tàu. Đi biển lính thủy sợ sóng lừng lắm. Nó như uống rượu ngọt, uống vào say từ từ, rồi say lử đử, say không ngóc đầu lên được.

Thủy thủ đoàn phải thay nhau đi ca. Trừ Thuyền trưởng, tất cả đều phải lái tàu. Lái tàu trên đại dương thú thật là không khó. Cứ xoay vô lăng sang trái, sang phải sao cho mũi tàu trùng hướng mũi tên chỉ hướng đã định trên la bàn lái ngay trước mặt người lái tàu. Người lái giỏi thì tàu dao động ít (tàu đi đúng hướng) Người lái kém thì con tàu đi như con trăn trườn phía sau.

Tôi nhớ đầu năm 1973 đi chiến dịch chở hàng vào Đồng Hới, Cửa Việt. Tôi đi ca, lái tàu. Thuyền trưởng bảo tôi:

- Đằng sau có con trăn đuổi theo kìa. Tôi tưởng thật quay lại thấy sóng đuôi tàu ngoằn ngoèo như con trăn chạy sau tàu vì tôi không giữ cho tàu thẳng hướng được. Tôi xấu hổ quá.

Mỗi ca làm việc có một cán bộ chỉ huy. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó, một lái tàu, một thủy thủ quan sát, một thợ máy dưới khoang máy.

Tầu 56 đã trên biển hơn chục ngày nên các thủy thủ hầu hết say lử. Thợ máy Nguyễn Văn Với, Cơ yếu Nguyễn Văn Bích là dân đi biển Đồ Sơn và Ba Sang dân biển Quảng Ngãi là những người hầu như không say sóng, còn lại đều say, nôn ra mật xanh mật vàng.

Vào ngày thứ 12, Thuyền trưởng Nguyễn Sơn gọi mấy anh em lên giao nhiệm vụ:

- Anh em say sóng, sức khỏe xuống nhiều. Hai đồng chí khắc phục khó khăn, nấu nồi cháo gà bồi dưỡng cho anh em.

Thợ máy Với xuống đuôi tàu nơi nhốt gà rồi chạy lên báo:

- Ôi, Thuyền trưởng ơi! Đàn gà đã hy sinh hết ( Chết ), chỉ còn lại 3 con đang ngắc ngoải.

Thuyền trưởng ra lệnh:

- Thịt hết, con nào mới chết cũng mổ. Thịt nạc để nấu cháo, cổ cánh lườn, chân để rang ăn cơm. Nước luộc gà cho miến làm canh.

Mấy anh em cứng sóng, không say sóng mổ gà, luộc gà, nấu cháo cho anh em ăn.

Để nấu được nồi cháo, anh Với sáng kiến treo nồi tách rời bếp, hai tay anh giữ nồi. Khi tàu lắc, nồi đung đưa ít hẳn, cháo trong nồi không bị đổ, trào ra ngoài.

Bữa chiều hôm đó, mọi người ăn bữa cơm ngon, các đồng chí say sóng được húp cháo gà. Sức khỏe thủy thủ đoàn tăng lên.

Một hôm anh Với từ trong buồng thợ máy đi lên. sóng đang đánh trực diện theo chiều tiến của con tàu. Từng núi nước chùm lên ca bin tàu rồi trượt xuống đuôi tàu. Anh Với thấy hòm đạn DKZ cố định dọc bên hầm hàng bị sóng đánh vỡ thùng. Quả đạn văng ra ngoài boong, rồi theo dòng nước trên boong, trôi lên, trôi xuống, lúc lao lên phía trước, lúc trượt về phía sau, đập.vào mạn tầu. Chắc đạn chưa lắp thuốc phóng nên không nổ.

Trên ca bin chỉ huy, thuyền phó Đồng Xuân Chế đang đi ca, ông ra hiệu cho anh Với ra chuyển quả đạn vào. Anh Với lao ra boong, tay bám chặt lan can cầu thang ngoài lên ca bin. Chờ con tầu dướn lên, ngóc đầu chui qua đỉnh sóng, núi nước ào về phía đuôi tầu. Anh lao ra ôm quả đạn nặng vào người. Lại chờ con sóng mới trôi qua. Một tay ôm đạn, một tay bám cầu thang, anh lần từng bậc, đợi từng con sóng để cuối cùng, mang được quả đạn DKZ vào ca bin.

Nhờ hai hành động trên, khi về căn cứ ở Vịnh Hạ Long anh được bình bầu là loại 1 và đề nghị cấp trên khen thưởng.

Anh Chế kể tiếp về chuyến đi. Tàu vòng xuống phía Nam, thay cờ và biển số Cămpuchia. Rập rình chờ đêm đến, tầu tắt đèn, bí mật vào biển Cô Công. Trong đêm tầu lùi lũi tiến vào bờ. Bỗng thấy 2 tầu hoặc giang thuyền của Căm Pu Chia đi ngược ở phía trước. Toàn tàu căng mắt, nắm chặt vũ khí, nín thở chờ lệnh. Rất may tầu CPC không phát hiện ra tàu ta. Chờ tàu CPC đi hẳn, Thuyền trưởng ra hiệu cho báo vụ Mạc Liền đánh đèn tín hiệu vào bờ.

Không thấy trên bờ trả lời. Thuyền trưởng cử một tổ do thuyền phó Văn Đình Nhu phụ trách, thả xuồng cao su, chèo vào hòn đảo nhỏ đã đánh dấu trên bản đồ giao hàng để thăm dò.

Theo quy định của Sở chỉ huy. Số lần phát tín hiệu vào bờ do Sở chỉ huy quy định. Số tín hiệu phát ra của tầu và bờ phải TRÒN. Ví dụ SCH quy định tầu phát tín hiệu trước và số tròn là 5 thì nếu tầu phát đi 2 nháy đèn thì trên bờ đáp lại 3 nháy là đúng.

Nếu trên bờ phát đi 4 nháy đèn, trên tầu phát lại 1 nháy đèn là đúng. Còn phát sai chắc chắn là tàu địch.

Chiến công của đoàn tàu không số có nhiều đóng góp của hệ thống tình báo, thông tin của Bộ tổng tham mưu. Tàu vào bến nào, khỏang thời gian đến bến hoặc địa điểm bí mật, tín hiệu nhận biết, số tròn...

Nhóm trinh sát gặp được người của ta trên bờ. Các anh ấy kể:

- Hôm trước có kế hoạch đón tàu. Trên bờ bấm tín hiệu trước, bị địch trên giang thuyền Cam Pu Chia xả súng bắn dữ dội. Lần này trên bờ không đánh tín hiệu trước. Gặp được quân ta, các chiến sỹ dẫn đường cho tàu vào sát đảo. Tầu phân công 8 thủy thủ trên bờ làm nhiệm vụ cảnh giới. Súng AK, B40, B41. DKZ lăm lăm trong tay sẵn sàng chiến đấu.

8 thủy thủ cùng bộ đội trên bờ hối hả bốc hàng, thả xuống biển. Lúc đó gần 1 giờ đêm. Các đầu dây nối với kiện hàng được các chiến sỹ bốc hàng giấu vào trong hang nhỏ trên đảo. Những đêm sau, thuyền của bộ đội sẽ ra túm đầu dây vớt hàng lên chở vào bờ.

Để giữ bí mật, đơn vị bốc hàng phải hoàn thành việc bốc và thả hàng xuống biển trước 3 giờ sáng.

Hầm hàng sâu hơn 3 m. Những kiện hàng nặng gần một tạ được đưa từ hầm hàng lên rồi thả xuống biển. Sau 3 tiếng, với nghị lực và sự cố gắng phi thường, anh em thủy thủ trên tàu và bộ đội trên bờ đã thả xong 70 tấn hàng xuống biển Cô Công thành công.

Đơn vị ở Cô Công gửi quà tết cho Trung ương là dăm tấn gạo, hồ tiêu và một số đặc sản khác.

Bốc hàng xong lúc hơn 3 giờ sáng. Bịn rịn chia tay bộ đội địa phương. Các chiến sỹ tặng nhau khăn rằn, quà. Có anh bộ đội gửi thư về cho gia đình. Họ đã nhiều năm bặt tin với gia đình.

Tầu lặng lẽ chạy ra vùng biển quốc tế thì trời sáng. Tầu quay về miền Bắc, sóng vẫn to, gió vẫn lớn, vẫn phải lẩn tránh máy bay, tàu chiến địch, nhưng niềm vui hoàn thành nhiệm vụ đã làm họ như quên say sóng, mệt mỏi.

Gần một tuần sau, ngày 8/2/1972, tàu về đến Vịnh Hạ Long. Dù mệt nhưng cán bộ chiến sỹ tập trung rửa tầu, cạo gỉ, sơn lại tầu như mới để về cảng K20 Hải Phòng.

Đại tướng Văn Tiến Dũng và thủ trưởng Bộ Tư Lệnh Hải Quân, thủ trưởng đoàn 125 xuống tận tầu bắt tay, chào đón cán bộ chiến sỹ đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt trở về.

Thủ trưởng thưởng 12 ngày phép cho cả tàu. Đây là phần thưởng đặc biệt vì đã rất lâu anh em thủy thủ không được về thăm nhà.

Họ về nhà ăn tết cùng gia đình trước ngày ông công ông táo tết đầu năm 1973 (Tết Quý Sửu).

Đó là chuyến đi dài ngày nhất, 21 ngày lênh đênh trên biển. Nguy hiểm nhất, ghi đậm trong ký ức người thợ máy Nguyễn Văn Với và thủy thủ đoàn tàu 56.

Cảm ơn thuyền trưởng Đồng Xuân Chế và các thủy thủ tàu 56 đã cung cấp thông tin, tài liệu.

Trong số thủy thủ đoàn chuyến thả hàng ở Cô Công ngày đó có 6 người đã mất do già yếu bệnh tật đó là Thuyền trưởng Nguyễn Sơn, Chính trị viên Đỗ Sạn, thủy thủ Đăng, Mạc. Hàng hải Đỗ Cơ, máy 1 Lâm

Tàu 56 và CTV Đỗ Sạn được phong danh hiệu AHLLVT nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường HCM trên biển 23/10/1961 - 23/10/2011. Các thủy thủ khác đều được khen thưởng các danh hiệu khác nhau.

Đó là chuyến đi thành công cuối cùng của đoàn tàu không số bằng tàu sắt, đi từ miền Bắc. Sau đó đoàn tàu không số vận chuyển hàng theo phương thức công khai và bán công khai bằng tàu hai đáy. Tôi sẽ kể ở những bài viết sau. Cán bộ, thủy thủ tàu 56 ( đổi phiên hiệu thành tàu 649) vẫn gặp nhau trong các buổi gặp mặt của Hội TT.đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam ( 23/10 hàng năm)

Ghi chú: Thuyền trưởng Đồng Xuân Chế đang sống tại Xã Nghi Sơn - Thanh Hóa. Thủy thủ Thuận sống ở Hải Phòng, Thủy thủ Hòa đen sống ở Vũng Tàu. Báo vụ Mạc Liền sống ở An Lão - Hải Phòng.

CCB T.H.Q

Trái tim người lính

CCB Tống Hồng Quân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/tau-khong-so-tha-hang-o-co-cong-campuchia-a18197.html