Kiên Giang: Cần ngăn chặn hiệu quả ô nhiễm môi trường để phát triển

Nhận thức về bảo vệ môi trường của một số bộ phận cộng đồng dân cư còn chưa cao, nhất là các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...; công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường chưa đạt hiệu quả cao trong việc làm thay đổi hành vi do phong tục, tập quán, văn hóa và thói quen của một bộ phận dân cư trong việc xả chất thải gây ô nhiễm môi trường.

1-kien-giang-can-ngan-chan-o-nhiem-moi-truong-1621264835.jpg
 

Rác thải tại các bãi chôn lấp đã và đang gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp nằm phân tán ngoài khu, cụm công nghiệp chưa đầu tư xử lý môi trường. Các khu đô thị và khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình và kinh doanh nhỏ lẻ chưa được xử lý đạt quy chuẩn môi trường cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng môi trường nước mặt ở các kênh, rạch có xu hướng gia tăng ô nhiễm hữu cơ và vi sinh.

Rác thải nông thôn phát sinh khoảng 440,05 tấn/ngày, trong đó chỉ có khoảng 26,85% (118,14 tấn) là được thu gom, một phần nhỏ được tái chế, tái sử dụng để sản xuất phân bón, thu hồi năng lượng, còn lại không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra ao, hồ, biển, sông, rạch gây ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là làm gia tăng tình trạng ô nhiễm của rác thải nhựa. Tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng làm nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đất, nước. Chất thải phát sinh của chăn nuôi gia súc, gia cầm một phần được xử lý bằng hầm biogas sau đó thải ra môi trường, đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi.

Chất thải công nghiệp nguy hại bước đầu đã được các chủ nguồn thải thu gom, phân loại và quản lý theo quy định, nhưng chưa triệt để. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị được người dân thu gom vào các thùng rác công cộng, chưa được phân loại cụ thể và hàng ngày được nhà nước thu gom, một phần đem đi xử lý tái chế, tái sử dụng, sản xuất phân bón hoặc thu hồi năng lượng chiếm tỷ lệ khoảng 30%, phần còn lại đổ đống tại các bãi rác lộ thiên, không đảm bảo quy chuẩn môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn một phần được xe thu gom mang đi để xử lý, một phần thải trực tiếp ra môi trường và đổ đống. Nước thải công nghiệp và chăn nuôi là một loại nước thải rất đặc trưng và có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao do có chứa hàm lượng cao các chất hữu cơ, cặn lơ lửng, Nitơ, Photpho và vi sinh vật gây bệnh. Hầu hết nước thải sinh hoạt được thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số bộ phận doanh nghiệp còn chưa tốt, chưa quan tâm đầu tư cải tiến công nghệ xử lý môi trường, còn tồn tại tình trạng một số cơ sở chưa tự giác tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, vận hành không thường xuyên hệ thống xử lý chất thải, không thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo vệ môi trường. Các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tạm thời tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư bài bản, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Hạ tầng bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát và xử lý nước thải chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ môi trường chưa thật sự đồng bộ, thiếu sự chia sẻ thông tin. Còn nhiều bất cập trong thực hiện lồng ghép các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch, phát triển ngành, sản phẩm với công tác bảo vệ môi trường.

Nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với bảo vệ môi trường, trong những năm tới tỉnh Kiên Giang sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc kê khai, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và các nguồn thu khác về lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; xây dựng hệ thống dữ liệu, thông tin về môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2-kien-giang-can-ngan-chan-o-nhiem-moi-truong-1621264835.jpg
 

Đồng thời thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường; tổ chức xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và phục hồi môi trường. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Cùng với đó nâng cao trách nhiệm, chất lượng trong thẩm định và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; đề án bảo vệ môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường và không để phát sinh các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Tăng cường năng lực và thể chế về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng ngừa và xử lý ô nhiễm,...

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, cải tiến thủ tục hành chính và ban hành các cơ chế, chính sách mở, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tịếp cận với các công nghệ mới và các nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm, hỗ trợ kinh phí, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật xử lý môi trường để thực hiện các dự án xử lý chất thải và khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thực hiện tốt tiêu chí 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, mô hình tự quản về bảo vệ môi trường hiệu quả ở địa phương; quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn chi sự nghiệp môi trường và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường.

 

 

Trương Anh Sáng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/kien-giang-can-ngan-chan-hieu-qua-o-nhiem-moi-truong-de-phat-trien-a2309.html