Nghệ thuật trình diễn Chiêng ba của người Hrê huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Nghệ thuật trình diễn Chiêng ba của người Hrê huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 609/QĐ-BVHTTDL ngày 03/02/2021, đây là niềm vinh dự và tự hào của người Hrê huyện Ba Tơ nói riêng, cộng đồng người Hrê trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

Dân tộc Hrê tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu sinh sống tập trung ở 3 huyện miền núi gồm: Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long. Ngoài ra, một số ít sinh sống ở các huyện khác trong tỉnh. Hiện nay, đồng bào dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi có đời sống kinh tế phát triển, những hủ tục lạc hậu như: Cầm đồ, mê tín dị đoan được bỏ dần; tập quán du canh du cư chuyển sang định cư ổn định, các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng.

2-ong-pham-xuan-vinh-chu-tich-ubnd-huyen-ba-to-doc-dien-van-tai-buoi-le-anh-nguyen-dang-lam-1622714919.jpg
Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ phát biểu tại buổi lễ.

Đến cuối năm 2020, tổng dân số dân tộc Hrê trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có trên 140.000 người. Trong đó, huyện Ba Tơ có hơn 50.000 người, có số lượng người Hrê cao đứng thứ 2 trên toàn tỉnh, sau huyện Sơn Hà. Người Hrê ở Ba Tơ chiếm hơn 84% tổng dân số trên toàn huyện, phân bố trên địa bàn 18/19 xã, thị trấn. Nhạc cụ của người Hrê gồm nhiều loại đàn brook, ching K’la, ta lía, đàn ống vin vút của nữ giới, khèn rangói, trống. Nhưng nhạc cụ được người Hrê quý nhất là chiêng, đặc biệt là bộ chiêng  3 chiếc được gọi là Chiêng ba.        

Chiêng ba của người Hrê ở Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có âm thanh hoang sơ rất lạ, rất riêng. Từ tiết tấu, nhịp điệu đến sự phối âm, phối bè, sử dụng công phu tài tình, tinh tế của người đánh chiêng, có khởi đầu, có cao trào, có kết thúc, khi trầm hùng khi náo nức khi rạo rực thổn thức, lúc cao trào mạnh mẽ, dồn dập, thôi thúc. Ngày xưa những bộ chiêng ba quý hiếm có giá trị hàng chục con trâu, tiếng không chỉ thanh mà còn trầm ấm, tạo nên âm thanh nghe sang trọng, mạnh mẽ, náo nức lòng người. Chiêng ba đánh lúc lễ hội, đám cưới, đám hỏi, vui chơi giải trí. Chiêng ba không đánh khi trong nhà hoặc trong làng có người qua đời, mùa màng thất thu, thiên tai hạn hán, dịch bệnh, bão lũ, sạt lở đất núi...          

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Ba Tơ có 890 hộ gia đình có chiêng, trên 900 bộ chiêng ba, 740 người biết sử dụng chiêng. Qua số liệu trên cho thấy Chiêng ba của người Hrê huyện Ba Tơ được người dân bảo tồn và gìn giữ, là tài sản quý để phát huy giá trị di sản trong quá trình xây dựng đời sống kinh tế - văn hóa của địa phương.          

6-cac-nghe-nhan-xa-ba-vinh-trinh-dien-chieng-ba-tai-buoi-le-anh-nguyen-dang-lam-1622724862.jpg
Các nghệ nhân xã Ba Vinh trình diễn chiêng ba tại buổi lễ. 

Chiêng ba là nhạc khí phổ biến nhất của người Hrê và mang tính đặc trưng tiêu biểu của của người Hrê ở huyện Ba Tơ. Tuyệt đaị đa số chiêng của người Hrê là dàn chiêng Ba chiếc. Ba chiếc chiêng (chinh) có kích cỡ không bằng nhau. Chiếc lớn có tên là chinh Vông hay chinh cha, chiếc nhỏ hơn là chinh Tum hay chinh mẹ, chiếc nhỏ nhất là chinh Túc hay là chinh con. Đánh chiêng thì gọi là túc chinh. Khi trình diễn, chinh Vông được để nghiêng, chinh Tum để nằm, chinh Túc treo trên dây. Khi đánh thì chinh Tum đóng vai trò giữ nhịp, chinh Vông và chinh Túc theo giai điệu. Chinh cha và chinh mẹ đánh bằng nắm tay trần, chinh con đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm. Người đánh chiêng giỏi nhất sẽ đánh chinh túc, dẫn dàn chinh diễn tấu theo đúng bài bản và nhịp điệu. Khi diễn tấu dàn chinh ba chiếc, nghệ nhân ngồi ở vị trí ổn định, không di chuyển. Nơi diễn tấu thường là đầu tra – gian phía trước của nhà sàn.         

7-cac-nghe-nhan-trinh-dien-chieng-ba-anh-nguyen-dang-lam-1622725444.jpg
Các nghệ nhân trình diễn Chiêng ba

Nhạc Chiêng ba có bốn điệu cơ bản: Tơc dec, Tơc Chu Wơc, Ka - oa, dah lai. Vì mặt chiêng bằng không có núm, nên trước khi đánh phải đánh thử vài tiếng để tìm âm thanh chuẩn, tránh tiếng bị lép, bị rè. Sau đó, chiếc Tum (chinh tum- mẹ) báo nhịp, lấy đà xuất phát. Bất cứ điệu nhạc nào, chiếc Tum bao giờ cũng đi đầu, tốc độ thong thả, chậm vừa. Chiếc Vông phân nhịp, chiếc Túc theo sau thong thả khoan thai, ngân vang, bay bổng. Đến hiệp hai hiệp ba người đánh chiếc Tơc quấn lại khăn, Tum bắt đầu tăng tốc độ. Chiếc Vông bám theo tiết tấu phân nhịp rõ ràng. Chiếc Túc bắt đầu thể hiện khả năng điêu luyện bằng những chùm ngân dài liên hồi, thúc dục, càng về sau càng dồn dập, âm vang, bay bổng đến cao trào và kết thúc.       

Theo quan niệm của người Hrê, cồng chiêng cũng được xem là vật “có hồn” được trời ban cho. Tiếng chiêng được xem là tiếng nói của con người để cầu khấn đến thần linh, cầu xin thần linh ban cho con người những đều tốt đẹp và che chỡ cho làng bản, gia đình có cuộc sống bình an, cây trồng, vật nuôi, mùa màng sinh sôi phát triển. Chính từ những quan niệm mang yếu tố văn hóa tâm linh, nên người Hrê huyện Ba Tơ rất coi trọng bộ chiêng ba được cất giữ trong gia đình và chỉ sử dụng trong các ngày lễ trọng của cộng đồng và gia đình. Biểu hiện rất rõ là người Hrê phải làm nhiều nghi thức cúng hồn chiêng trước khi đem ra sử dụng. Điều này cũng cho thấy cồng chiêng gắn bó máu thịt với người Hrê, là vật sở hữu có giá trị cao, là vật thiêng cuả trời ban và là tiếng nói của con người gửi đến thần linh để cầu nguyện.          

5-cac-nghe-nhan-trinh-dien-chieng-ba-tai-buoi-le-anh-nguyen-dang-lam-1622724855.jpg
Các nghệ nhân xã Ba trình diễn Chiêng Ba

Qua bao đời người Hrê vẫn xem cồng chiêng là vật báu của tổ tiên, gắn bó với đời sống hàng ngày của cộng đồng và từng gia đình. Hằng năm người Hrê tổ chức nhiều lễ hội mang tính cộng đồng như: Lễ ăn trâu, tết năm mới, lễ cầu mưa,.. và các nghi lễ của từng gia đình như lễ mừng nhà mới, cưới xin, cúng tổ tiên. Trong những dịp lễ hội, các gia đình có cồng chiêng mang ra trình diễn, tạo nên không khí lễ hội vui tươi lành mạnh, tạo sự gắn kết cộng đồng. Hiện nay trên địa bàn huyện Ba Tơ hầu hết các xã đều có đội cồng chiêng và thường xuyên sinh hoạt cồng chiêng trong những ngày lễ tết của cộng đồng và gia đình.         

Đặc biệt là vào dịp tết năm mới. Người Hrê ăn tết năm mới vào đầu tháng 2 đến hết tháng 3 Âm lịch. Ngày nay tết năm mới của người Hrê cũng đã rút ngắn thời gian và ăn tết cùng với tết cổ truyền của dân tộc, mỗi làng tự chọn ngày ăn tết riêng. Trong những ngày tết người Hrê ở huyện Ba Tơ có nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng như: Lễ cúng dọn nhà để đuổi tà ma, lễ cúng các thần sông, thần suối, thần rừng; lễ cúng trâu; các trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, bắn cung, đẩy gậy,… và thăm hỏi chúc tết lẫn nhau. Sau những lời chúc tụng, thăm hỏi nhau và mời nhau chén rượu ngày tết là các sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát ca lêu, ca choi, chơi các loại đàn Vrook,.. Đặc biệt là cùng nhau trình diễn chiêng ba tại gia đình.          

Nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người Hrê không chỉ là sinh hoạt văn hóa mà quan trọng hơn chính là lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người Hrê khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người Hrê ở Ba Tơ, thể hiện qua các nghi thức “cúng chiêng”, cách diễn tấu chiêng... thể hiện nét văn hóa độc đáo của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đồng bào Hrê.  

9-ong-vo-phien-pct-ubnd-tinh-trao-bang-khen-cua-ubnd-tinh-cho-cac-tap-the-va-ca-nhan-co-thanh-tich-bao-ton-phat-huy-gia-tri-chieng-ba-anh-nguyen-dang-lam-1622724878.jpg
Ông Võ Phiên- PCT UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích bảo tồn, phát huy giá trị chiêng ba. 

Với đặc trưng của diễn tấu Chiêng Ba là ở vị trí ổn định, người chơi không di chuyển, nên không gian diễn ra diễn tấu chiêng ba thường ở nơi tiếp khách của gia đình (đầu tra nhà sàn). Tại đây chủ nhà chuẩn bị sẵn các món ăn, thức uống như rượu cần, rượu trắng, chè xanh… mời khách và cùng nhau đánh chiêng để vui chơi. Sau khi men rượu say, người chơi say sưa ngẫu hứng với các làn điệu chiêng để thể hiện tài năng, gửi gắm tâm tư và tâm hồn mình vào các giai điệu. Tiếng chiêng có thể vang xa từ làng này đến làng khác, người nghe có thể biết được tiếng chiêng hay (hay dỡ), người đánh có chơi đúng làn điệu chinh hay không và người ta có thể nhận biết được trong làng đang có lễ hội gì.           

10-ong-nguyen-minh-tri-gd-so-vh-ttdl-trao-tang-giay-khen-cho-cac-ca-nhan-anh-nguyen-dang-lam-1622725880.jpg
Ông Nguyễn Minh Trí- GĐ Sở VH-TT&DL trao tặng Giấy khen cho các cá nhân.

Tiếng chiêng còn là niềm tự hào của các chàng trai cũng như làng này so với làng khác. Người con trai biết đánh chiêng và biết sử dụng nhuần nhuyễn các giai điệu chiêng sẽ được cộng đồng yêu quý và là niềm tự hào của làng này đối với làng khác. Người ta cũng thường so sánh chiêng của làng này hay hơn làng khác, vì vậy các nghệ nhân cao tuổi trong làng  thường cố gắng trau dồi kỹ năng và truyền dạy cho con em trong làng mình biết đánh chiêng để trình diễn trong các ngày lễ hội của làng của như tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn ở địa phương.     

11-ngan-vang-tieng-chieng-cua-chang-trai-hre-ba-toanh-nguyen-dang-lam-1622724889.jpg
Âm vang tiếng chiêng của chàng trai Hrê

  

Với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo về Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã được nhiều thế hệ gìn giữ, trao truyền, trình diễn và phát huy. Đến nay Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê huyện Ba Tơ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 609/QĐ-BVHTTDL ngày 03/02/2021, đây là niềm vinh dự và tự hào của người Hrê huyện Ba Tơ nói riêng và cộng đồng người Hrê trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung.         

12-khu-bao-ton-van-hoa-hre-o-lang-teng-ba-thanh-ba-to-anh-nguyen-dang-lam-1622726057.jpg
Khu bảo tồn văn hóa Hrê ở làng Teng- Ba Thành- Ba Tơ. 

Hiện nay huyện Ba Tơ đã có định hướng phát triển du lịch cộng đồng, lấy tiềm năng văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê để giới thiệu và thu hút khách tham quan. Các điểm du lịch của địa phương như: Khu bảo tồn văn hóa Hrê ở làng Teng, xã Ba Thành nơi có Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia về nghề dệt thổ cẩm Làng Teng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào năm 2019; Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ là di tích quốc gia đặc biệt; thảo nguyên Bùi Hui xã Ba Trang; thác Núi Cao Muôn xã Ba Vinh và một điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện đều coi trọng việc giới thiệu và trình diễn chiêng ba để phục vụ khách tham quan, tạo sự thích thú và hấp dẫn cho du khách khi đến Ba Tơ. Việc địa phương biết kết hợp du lịch sinh thái với tìm hiểu lịch sử - văn hóa truyền thống của dân tộc Hrê tại các thôn, làng, các điểm tham quan là khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được xem là một tài nguyên du lịch hấp dẫn phục vụ cho việc tìm hiểu văn hóa, tham quan, vui chơi, giải trí cho du khách khi đến huyện Ba Tơ.

 

                                                                                                                                                    Bài và ảnh: Nguyễn Đăng Lâm

                                                                                                                                                             (Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi)

Nguyễn Đăng Lâm

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/nghe-thuat-trinh-dien-chieng-ba-cua-nguoi-hre-huyen-ba-to-tinh-quang-ngai-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cap-quoc-gia-a3315.html