Cát Giang Tử - Mạc Đăng Lượng
Di tích lịch sử văn hóa là những di sản quý báu của mỗi địa phương, mỗi dân tộc và của cả nhân loại. Đó là những dấu vết, dấu tích còn lại của quá khứ, phản ánh những biến cố, những sự kiện văn hóa hay nhân vật qua các thời kỳ lịch sử. Vì vậy, di tích lịch sử văn hóa là chứng tích, tư liệu sống động để các thế hệ mai sau tìm hiểu, nghiên cứu về các thời kỳ lịch sử đã đi qua, từ đó giáo dục thế hệ trẻ truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc.
Đền Tán Sơn tại làng Nho Phái (xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là một bảo tàng sống trong việc gìn giữ những giá trị muôn thuở của lịch sử, phác thảo lại nét vẽ về xã hội Việt Nam giữa thế kỷ XVI.
Theo cuốn “Hợp biên thế phả họ Mạc” của nhà xuất bản Văn hoá dân tộc 2001 thì Mạc Đăng Lượng là cháu đời thứ 11 của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (là bậc chú của Thái tổ Mạc Đăng Dung). Ông là con trưởng của cụ Mạc Đăng Trắc và cụ bà là Đậu Thị Minh. Ông sinh năm 1496 tại Lũng Động, Chí Linh, Hải Dương.
Mạc Đăng Lượng tư chất thông minh, từ nhỏ đã có ý rất ham học, học giỏi. Ông được mọi người yêu quý. Năm ông 17 tuổi, thi đậu Tiến sĩ, làm quan dưới triều hậu Lê và được triều đình Lê phong tước Quốc Công. Dưới triều Mạc, ông có công lập nhiều chiến công hiển hách nên được phong Phó Quốc Vương.
Năm 1531, Mạc Đăng Lượng vâng lệnh vua Thái Tông Mạc Đăng Doanh vào trấn thủ Hoan Châu (Nghệ An), đóng bản doanh ở vùng Đô Đặng, huyện Nam Đường, tướng tá thuộc hạ trên một vạn người.
Nhân dân ở đây vui mừng phấn khởi, từ đây được hưởng không khí thái bình, yên tâm làm ăn cày cấy. Ông có công chiêu dân lập ấp, được 137 hộ tổng Đặng Sơn (bao gồm 3 xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Đặng Sơn ngày nay). Mười bốn năm trấn thủ Hoan Châu, ông xây dựng nơi đây thành một vùng trú phú, lương thực đầy đủ, đời sống nhân dân đỡ phần cơ cực bần hàn.
Sau năm 1592, gặp nạn dòng họ suy vi, vua Mậu Hợp bị thất thủ ở Thăng Long, Trịnh Tùng vào chiếm kinh đô Thăng Long. Dòng họ Mạc bị tru di, tắm máu cực hình, bắt buộc ông phải đổi họ ẩn mình thay tên. Mạc Đăng Lượng đổi tên Lê Đăng Hiền (1592 - 1599), sau đó đổi Hoàng Đăng Quang (1599 - 1604). Trước ông ẩn ở Thạch Thành, Thanh Hoá sau di chuyển vào huyện Nam Đường ẩn dật chiêu dân lập ấp, dạy học và bốc thuốc bắc chữa bệnh cứu người. Và trong gia phả có ghi: “Thanh Tiền miêu duệ Lê truyền chỉ/ Hậu Nghệ tử tôn Phái tộc thừa”. Có nghĩa là: “Cải họ Mạc thành họ Lê ở Thanh Hoá. Các đời con cháu về sau sống tại làng Nho Phái tỉnh Nghệ An”.
Suốt cuộc đời Mạc Đăng Lượng có một mong muốn là nước nhà được bình yên không loạn lạc, không binh đao, nhân dân được ấm no hạnh phúc. Ước muốn không thành vận nước suy đồi, ông luôn than thở với các bậc con cháu: “Trung thần bất sự nhi quân/ Trinh nữ bất canh nhi phụ”. Nghĩa là: “Bề tôi trung thành không thờ hai vua khác họ và trinh nữ không thờ hai chồng”.
Trước lúc qua đời, ông còn dặn con cháu: Ngày tế cụ nên làm xôi đỗ đen để tỏ lòng trung thành của ông đối với non sông đất nước. Ngày nay con cháu khi tế lễ đã làm xôi đỗ đen để tỏ lòng thành kính đối với cụ.
Phó Quốc vương Mạc Đăng Lượng hưởng thọ 108 tuổi, vợ là Mai Thị Huệ, hậu duệ Mai Hắc Đế, thọ 92 tuổi. Phần mộ của hai ông bà đều táng tại núi Đại Huệ, huyện Nam Đàn.
Mạc Đăng Lượng có công giúp dân, giúp nước nên được nhân dân lập đền thờ ghi nhớ công đức, tôn thờ ông làm thành hoàng, nhân dân lập đền thờ ở nhiều nơi. Đền thờ chính của Phó quốc vương Mạc Đăng Lượng nằm trên núi Tán Sơn (Đền Tán Sơn) thuộc xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
“Trúc duẩn tái sinh thiên cổ miếu…”
Năm 1788, vua Quang Trung kéo đại binh từ Phú Xuân ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh đã dừng chân nghỉ ở núi Đại Huệ. Vua đã đến đền Tán Sơn cầu thần linh phù hộ. Quang Trung vừa cho tuyển thêm quân sĩ của các vùng xung quanh, vừa tranh thủ luyện tập võ nghệ cho quân sĩ.
Cuối năm 1788, theo thể nguyện vọng của nhân dân Tổng Đặng Lâm, vua Quang Trung đã xét công đức đối với nước, đối với dân của cụ Mạc Đăng Lượng. Nhà vua vô cùng cảm phục sự tài ba lỗi lạc của đại tướng quân Mạc Đăng Lượng, đã truy phong ông “tự cát giang tử, đăng tiên Đô Miếu, bao phong phù cát hồng du, gia phong anh dũng thành Hoàng thượng thượng thượng đặng thần“. Có nghĩa là: “Ta đây triều vua trước có ý định, nay cho dựng tại đền trên Đô Đặng (Đặng Sơn) lấy tên là Tiên Đô, gia phong anh dũng thần với ba bậc thượng đẳng”. Đền còn lưu lại câu đối: “Trúc duẩn tái sinh thiên cổ miếu/ Nam Đường di ái ức nên từ”. Có nghĩa: Trúc mọc lại ở miếu xưa, tình cảm ấy từ Nam Đàn chuyển lên để vạn năm thờ.
Mãi về sau, triều đình nhà Nguyễn mới thấy sự oan trái của Nhà Mạc và công lao của Phó quốc vương Mạc Đăng Lượng. Năm Quý Mùi (Tự Đức thứ 8 năm 1855), ông được phong thượng đẳng thần. Năm Thành Thái thứ bảy (năm 1894) ông được phong thượng thượng đẳng thần. Năm Bảo Đại thứ 8 (1944), ông được phong thượng thượng thượng đẳng thần, thờ tại nhà thờ Đặng Sơn Đô Lương.
Phó Quốc vương Mạc Đăng Lượng có duệ hiệu đầy đủ là: Tiền triều Hoàng đại tướng, Tam giáp Tiến sĩ tước Quốc công, Mạc triều Phó Quốc vương, gia phong Thái Quốc công, tặng Hiển Công vương gia tặng Minh nghĩa Đại vương, tự cát giang tử, đẳng tiên đô miếu, thần quang linh ứng, bao phong phù cách hồng du, gia phong anh dũng Thành Hoàng thượng thượng thượng đẳng thần.
Duệ hiệu của Mai Thị Huệ là: Trai thực thiệu tín đoan trang anh linh, tịnh chính diệu hoá trang, húy Mai Thị Huệ thượng thượng đẳng thần.
(Còn tiếp…)
Nguyễn Diệu
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/den-tan-son-nam-dan-nghe-an-ven-man-lich-su-ky-1-a3461.html