Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 2)

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến năm 2007” của PGS TS Cao Văn Liên  do NXB Thanh niên ấn hành năm 2009.

cvl2-1624677686.jpg

PHÂN II: THỜI  KỲ CỔ ĐẠI - XÃ HỘI CHIẾM HỮU NÔ LỆ

CHƯƠNG II: NHÀ NƯỚC VĂN LANG  VÀ  ÂU LẠC

I: Nhà nước Văn Lang (Khoảng kỷ XI trước công nguyên (TCN) - 208 TCN ).

Nguyên nhân ra đời của nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của người Lạc Việt nằm trong quy luật chung sự ra đời  của các nhà nước chiếm hữu nô lệ trên thế giới. Sự phát triển của sản xuất đưa đến năng suất lao động cao, sản phẩm dư thừa.  Xuất hiện chế độ gia đình một vợ một chồng và chế độ tư hữu.  Chế độ tư hữu làm xã hội xuất hiện giai cấp. Giai cấp quí tộc chủ nô thiết lập nhà nước làm công cụ  thống trị, áp bức bóc lột đối với đại đa số nhân dân và nô lệ. Sự phát triển của kinh tế, xã hội Lạc Việt vào thiên niên kỷ II trước công nguyên đã tạo tiền đề kinh tế, xã hội chính trị cho sự ra đời nhà nước chiếm hữư nô lệ Văn Lang.

     Khác với những nơi khác trên thế giới, chiến tranh góp phần thúc đẩy, làm bà đỡ cho sự ra đời nhà nước thì người Lạc Việt có những nhu cầu bức thiết hơn.  Đó là  nhu cầu trị thuỷ các con sông lớn: sông Hồng, sông Mã, nhu cầu chống lại các cuộc xâm lược của các triều đại Thương – Chu - Tần ở phía Bắc, nhu cầu trao đổi kinh tế văn hoá giữa các bộ lạc. Tóm lại nhu cầu sinh tồn và phát triển đòi hỏi phải thống nhất các địa phương, các tộc người thành một quốc gia.  Vậy, nhà nước Văn Lang ra đời là một tất yếu, hợp quy luật, là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài vài chục vạn năm của người Lạc Việt.

     Thời gian ra đời của nhà nước Văn Lang  có nhiều chính kiến khác nhau. Thời đại tồn tại của nhà nước Văn Lang và triều đại Hùng Vương theo nhiều truyền thuyết và thư tịch thì song song với các triều đại Thương - Chu - Tần ở Trung Quốc.  Nhà Thương ra đời vào thế kỷ XVI trước công nguyên, diệt vong vào thế kỷ XI trước công nguyên (Thánh Gióng đánh giặc Ân chính là đánh giặc Thương). Vậy chậm nhất là vào thế kỷ XII trước công nguyên,  nhà nước Văn Lang và triều đại Hùng Vương đã tồn tại, cách ngày nay khoảng hơn 3000 năm.  Khi đó công xã nguyên thuỷ của người Lạc Việt đang trên đường tan rã, cộng đồng Liên minh Bộ lạc được củng cố ngày càng vững chắc,  trong đó Bộ lạc Văn Lang do Hùng Vương đứng đầu là mạnh nhất đã liên kết, khuất phục các bộ lạc khác thành lập nhà nước Văn Lang.  Hùng Vương trở thành vua của nhà nước đầu tiên này.  Lãnh thổ nhà nước Văn Lang bao gồm toàn bộ miền Bắc và miền Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hoá đến Quảng Bình).  Công cụ sản xuất từ lâu đời đã có đồ đá mới nhưng ngày càng ít đi (như cối giã gạo, cối tuốt lúa), công cụ chủ yếu là đồ đồng và đang bước sang thời đại đồ sắt (Truyền thuyết Thánh Gióng).  Nông nghiệp trở thành nền kinh tế chủ yếu, cư dân đã biết dùng trâu bò kéo cày lưỡi sắt để cày đất, biết xây dựng các công trình thuỷ lợi để mùa màng tươi tốt.  Dân cư khai khẩn đất hoang ven các con sông, ven biển, miền núi để lập làng xóm và trồng lúa nước, trồng các loại cây ngũ cốc, cây hoa quả.  Chăn nuôi trâu bò, gia súc, gia cầm.  Bên cạnh nông nghiệp, trong các làng xóm cư dân phát triển nghề thủ công nghiệp, dệt vải, đan lát đồ gia dụng bằng tre, trúc, mây, song, chế tác đồ đá, đồ đồng, đồ sắt thành công cụ, làm đồ gốm, cung tên, lưỡi câu.  Đặc biệt nghề đúc đồng phát triển với trình độ cao, nghệ thuật tinh xảo được kết tinh trong trống đồng Đông Sơn nổi tiếng.

     Xã hội Thời Hùng Vương đang trên đường phân hoá giàu, nghèo, phân chia thành giai cấp quý tộc, bình dân và nô tì.  Giai cấp quý tộc chủ nô là giai cấp thống trị, áp bức, bóc lột.  Nông dân là giai cấp chiếm đa số dân cư trong một nền kinh tế nông nghiệp.  Nông dân sống trong các làng xã nông thôn (Công xã nông thôn).  Họ cày ruộng đất công của công xã và nộp một phần hoa lợi cho nhà nước.  Nông dân có gia đình riêng, có tài sản riêng, có  một ít ruộng đất.  Tầng lớp thấp nhất trong xã hội là nô tì (nô lệ), số lượng ít.  Họ không phải là lực lượng sản xuất chính của xã hội, cho nên xã hội chiếm hữu nô lệ Văn Lang là xã hội chiếm hữu nô lệ không điển hình. Các Mác gọi xã hội nô lệ kiểu châu Á  này là chế độ nô lệ gia đình (gia trưởng).

     Nhà nước Văn Lang là nhà nước Quân chủ quý tộc chủ nô, đứng đầu nhà nước là Vua-Hùng Vương.  Hùng Vương nắm tất cả các quyền lực cơ bản của nhà nước: quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.  Ngôi vua theo chế độ thế tập, cha truyền con nối kế tục nhau qua XVIII đời.  Giúp việc cho vua ở trung ương có Lạc hầu và một số quan lại khác.  Kinh đô của nhà nước Văn Lang nay thuộc vùng Hi cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, trở thành nơi đất Tổ -Vua Hùng.  Về hành chính cả nước chia thành 15 Bộ, mỗi Bộ do một Lạc Tướng đứng đầu cai quản . Đó là các Bộ :

1. Văn Lang (Bạch Hạc-Phú Thọ )

2 . Châu Diên (Sơn Tây ).

3 . Phúc Lộc (Sơn Tây )

4 . Tân Hưng (Hưng Hoá, Tuyên Quang )

5. Vũ Đại (Thái Nguyên )

6 . Vũ Ninh (Bắc Ninh )

7 . Lục Hải (Lạng Sơn )

8 . Ninh Hải (Quảng Yên )

9 . Dương Tuyến (Hải Dương )

10 . Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên,  Nam Định , Ninh Bình )

11 . Cửu Chân (Thanh Hoá )

12 . Hoài Hoan (Nghệ An )

13 . Cửu Đức (Hà Tĩnh )

14 . Việt Thường (Quảng Bình )

15 . Bình Vân (Quảng Trị…)

     Dưới bộ là Công xã nông thôn có Bồ Chính đứng đầu.  Dưới công xã là làng bản do già làng trưởng bản đứng đầu. Với một bộ máy như vậy, Hùng Vương thực hiện quyền lực của mình trên toàn lãnh thổ. Xã hội Văn Lang phân hoá thành giai cấp nhưng chưa sâu sắc.  Cộng đồng dân cư vẫn giữ vững truyền thống đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước.

     Nhà nước Văn lang ra đời đánh dấu cộng đồng Dân tộc quốc gia Việt Nam ra đời với sự thống nhất về lãnh thổ,  kinh tế,  văn hoá, và ngôn ngữ.  Tiếng nói của người Lạc Việt, của Vua Hùng trở thành tiếng quốc gia.  Đây là cộng đồng dân tộc mà Các Mác-Ang ghen gọi là dân tộc tiền tư bản, nó ra đời từ khi xuất hiện nhà nước đầu tiên mà không cần chờ đến khi chủ nghĩa tư bản ra đời dân tộc mới ra đời như các nước Âu -Mỹ.  Nhà nước Văn Lang ra đời là một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử dân tộc, đưa nước ta từ thời đại dã man sang thời đại văn minh.  Đây là bước ngoặt về kinh tế, thiết chế chính trị, xã hội, văn hoá phát triển vững vàng, cố kết hơn, rực rỡ hơn, truyền thống dân tộc được bồi đắp, phát triển vững vàng thêm một bước.

II:Nhà nước Âu Lạc (208-179 tr. c. n)

     Năm 221 TCN, cục diện Chiến quốc trong thời kỳ Đông Chu kết thúc, Tần Doanh Chính nước Tần đánh bại 6 nước Tề, Hàn, Sở, Nguỵ, Triệu, Yên, nhà Tần thống nhất Trung Quốc. Với việc nhà Tần thống trị toàn Trung Quốc, lịch sử chế độ phong kiến Trung Quốc bắt đầu. Tần Thủy Hoàng đẩy mạnh công cuộc bành trướng  chinh phục Bách Việt ở phía nam sông Dương Tử (Trường Giang).  Nguy cơ ngoại xâm đe doạ nước Văn Lang và các tộc người Việt trở thành một thực tế to lớn.  Nhu cầu thống nhất các tộc người Lạc Việt và Âu Việt để có sức mạnh chống ngoại xâm,  phát triển lên một bước cao hơn về mọi mặt của dân tộc để xây dụng đất nước.  Cơ sở cho sự thống nhất là hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt có mối quan hệ chặt chẽ với nhau vì cùng chung huyết thống, tương đồng về trình độ kinh tế, giống nhau về phong tục tập quán.  Đến thời Hùng Vương thứ XVIII đồ sắt chiếm địa vị chủ yếu, năng suất lao động ngày càng tăng.  Sự hợp nhất này sẽ tạo nên một quốc gia có trình độ mới cao hơn thời Hùng Vương.

     Như vậy do nhu cầu phát triển, giao lưu kinh tế văn hoá, chống ngoại xâm nên sự hợp nhất bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt thành một quốc gia là một tất yếu khách quan, do đòi hỏi bức thiết của lịch sử.  Thủ lĩnh của bộ tộc Âu Việt (người Tày cổ ) là Thục Phán có tài năng về quân sự.  Năm 218 trcn, ông lãnh đạo nhân dân Âu Việt và Lạc Việt tiến hành cuộc kháng chiến 10 năm đánh bại 50 vạn quân Tần xâm lược do tướng Đồ Thư chỉ huy, bảo vệ được các bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt.

     Do công lao như vậy, năm 208 tr. c. n, Thục Phán được Hùng Vương thứ XVIII chọn là người kế vị, lập ra nhà nước Âu Lạc,  một triều đại mới: Triều đại An Dương Vương, dời kinh đô về Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh -Hà nội) . Âu Lạc là nhà nước hợp nhất người Lạc Việt với người Âu Việt ở mạn Cao Bằng.  

     Nước Âu Lạc có  nền kinh tế phát triển hơn một bước so với thời Văn Lang, công cụ đồ sắt đóng vai trò chủ yếu trong  sản xuất. Văn minh Đông Sơn tiếp tục phát triển.  Nghề mới: nghề chế tác sắt ngày càng hoàn thiện.  An Dương Vương đã huy động nhân dân xây dựng thành Cổ Loa.  Cổ Loa là kinh đô đồng thời cũng là căn cứ quân sự, kết hợp giữa căn cứ bộ binh với căn cứ thuỷ quân, kết hợp tấn công với phòng thủ.  Vũ khí thời Âu Lạc tiến bộ vượt bậc, chế tạo được nỏ liên châu bắn một lần được nhiều mũi tên mũi có bịt đồng. Sức chiến đấu của nỏ liên châu vô cùng lợi hại nên được gọi là nỏ thần. Thành Cổ Loa và nỏ liên châu đã minh chứng tài năng quân sự  của dân tộc ta thời cổ đại.  Quân đội nhà nước Âu Lạc có hàng vạn người bao gồm bộ binh và thuỷ binh.

     Xã hội Âu Lạc ngày càng phân hoá sâu sắc. Nô tì (nô lệ) đông hơn.  Nhưng nông dân vẫn là lực lượng sản xuất chính, là đối tượng bóc lột chính của của nhà nước.  Chế độ chiếm hữu nô lệ Âu Lạc là xã hội chiếm hữu nô lệ không điển hình, là chế độ chiếm hữư nô lệ gia đình (gia trưởng).  Nền quân chủ chủ nô ngày càng có xu hướng chuyên chế.  Nhà vua-Thục Phán An Dương Vương nắm mọi quyền lực.  Giúp việc cho Vua có đại thần Cao Lỗ, Cao Thông (Những người đã thiết kế xây dựng thành Cổ Loa). Toàn quốc chia thành nhiều Bộ, mỗi Bộ do một Lạc tướng đứng đầu.  Cơ sở hạ tầng của nhà nước là công xã nông thôn.  Sự ra đời của nhà nước Âu Lạc làm cho cộng đồng dân tộc quốc gia Việt Nam phát triển thêm một bước về mọi mặt, tăng cường ý thức và đoàn kết dân tộc trên con đường dựng nước và giữ nước.

III:Văn minh sông Hồng

     Người Lạc Việt và Âu Việt trong  buổi ban đầu không chỉ xây dựng nên nhà nứớc và thiết chế chính trị mà còn sáng tạo nên những giá trị văn hoá tinh thần, giá trị văn hoá vật chất, giá trị văn hoá xã hội.  Những giá trị văn hoá cổ đại đó phát triến cao, đạt đến trình độ văn minh  -văn minh nông nghiệp, văn minh sông Hồng, văn minh Đông Sơn.  Những giá trị văn hoá vật chất của nền văn minh này đã có sự diễn tiến phát triển liên tục, ghi dấu ấn ở nền văn hoá Phùng Nguyên (Phú Thọ), Đồng Đậu (Vĩnh Phúc),  Đông Sơn (Thanh Hoá) với những giá trị văn hoá vật chất  phong phú, biểu hiện trên trang phục đặc sắc ở các tộc người.  Phụ nữ mặc váy nhiều hoa văn.  Cư dân ở nhà sàn hoặc nhà đất.  Từ khoáng sản đồng sắt, người dân Lạc Việt và Âu Việt chế tạo công cụ sản xuất nhiều chủng loại như cày, cuốc thuổng, rìu, mai, xẻng, dũa, nạo, kim, lưỡi câu, chế tạo nhiều đồ gia dụng, nhiều nhạc cụ như trống đồng, khèn, chuông, lục lạc, đúc các tượng người, tượng thú như hổ, voi, chó, gà, chim, chế tạo các loại vũ khí chiến đấu như rìu chiến, dao găm, kiếm dài, kiếm ngắn, giáo, mũi lao, đặc biệt chế tạo nỏ liên châu với mũi tên đầu bịt đồng có số lượng hàng vạn chiếc.

     Giao thông đường thuỷ thời Văn Lang -Âu Lạc được mở mang phát triển.  Sản vật phong phú, văn hoá ẩm thực muôn màu,  muôn vẻ và trình độ tinh tế, tao nhã (sự tích bánh chưng,  bánh dầy, dưa hấu. . ). Văn hoá tinh thần của Văn Lang Âu Lạc đa dạng và phát triển ở trình độ cao, thể hiện ở trống đồng Đông Sơn và nhiều nhạc khí khác.  Trống đồng Đông Sơn là nhạc cụ,  đồng thời cũng là biểu tượng quyền uy của thủ lĩnh quân sự để chỉ huy quân đội chiến đấu, là hiệu lệnh để tập hợp quần chúng.  Trống đồng Đông Sơn là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu nhất của người Lạc Việt cổ.  Trang trí nghệ thuật trên trống đồng là bộ lịch sử phản ánh cuộc sống tín ngưỡng của cư dân thời đó.

     Người Việt cổ thời Văn Lang-Âu Lạc còn duy trì hình thức tôn giáo nguyên thuỷ: Tô tem giáo, vạn vật hữu linh, bái vật giáo, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng những người có công với địa phương, với nước.  Trong cư dân có nhiều phong tục tập quán: tục ăn trầu, tục xăm mình , tục cưới xin có thách cưới, có ăn hỏi và đón cô dâu trang trọng (sự tích Sơn Tinh, Thuỷ Tinh).  Cư dân có nhiều đức tính tốt như đức tính trên kính dưới nhường (sự tích trầu cau).  Thiết chế chính trị quân chủ thế tập, nhưng người kế vị không nhất thiết là con trưởng mà các Vua Hùng thường chọn những người đức độ trong số các hoàng tử  để trao ngai vàng.

 Thời Hùng Vương, các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy chữ viết, pháp luật thành văn là các nhân tố phải có khi nhà nước xuất hiện. 

  Đặc điểm của nền văn minh sông Hồng là về công nghệ sản xuất và văn hoá vật chất phát triển liên tục từ sơ kỳ đến hậu kỳ đồ đồng và bước sang thời đại đồ sắt, là nền văn minh bản địa do cư dân Văn Lang - Âu Lạc sáng tạo nên. Đỉnh cao của nền văn minh này là nền văn hoá Đông Sơn. Nền văn hoá Văn Lang - Âu Lạc mang tính thống nhất trong một nền văn hoá quốc gia nhưng phong phú đa dạng, vì đó là sự tổng hợp của văn hoá nhiều tộc người. Nền văn minh sông Hồng dựa trên cơ sở cuộc cách mạng luyện kim mà trình độ cao nhất là nghề đúc đồng, còn dựa trên cơ sở nông nghiệp trồng lúa nước và nền văn hoá kết cấu làng xã. Nền văn minh sông Hồng đã xác lập và đặt nền tảng cho truyền thống và lối sống của dân tộc sau này. Văn minh sông Hồng là thành tựu bậc nhất của thời đại Văn Lang-Âu Lạc. Nền văn hoá sâu xa, bền vững, trình độ cao này đã chuẩn bị tinh thần,  nghị lực, ý chí, sức mạnh cho dân tộc ta đi qua những thử thách hiểm nghèo nhất của lịch sử  tiến hoá của mình.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-2-a3818.html