Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch vượt khó trong đại dịch COVID-19

Sáng nay (14/7), tại Hà Nội, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng gợi mở các vấn đề đặt ra trong Hội nghị như xây dựng Chiến lược phát triển văn hoá, thể thao, du lịch; những khó khăn thách thức, những thuận lợi trong 6 tháng đầu năm để từ đó xác định những việc cần làm.

Bộ trưởng cho rằng, những người đang làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực VHTT&DL cần hiểu văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, đa dạng, thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để thấy giá trị văn hoá, đặt văn hóa trong sự phát triển và văn hóa trong mối quan hệ chính trị, kinh tế. Với cách tiếp cận đó, xác định các yêu cầu đặt ra 6 tháng qua đã giải bài toán này như thế nào, ngành văn hóa, thể thao, du lịch đang ở vị trí nào?

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác VHTT&DL 6 tháng đầu năm, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, 6 tháng đầu năm 2021, tình hình hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch có nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, do sự ảnh hưởng của hai đợt bùng phát dịch COVID-19.

“Nhiều địa phương phải tạm thời đóng cửa di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; hủy hoặc tạm dừng các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, chiếu phim... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tuyên truyền quảng bá văn hóa, gây thất thu lớn cho ngân sách các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng người dân”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt báo cáo.

6 tháng qua, ngành du lịch tiếp tục chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm đạt 30,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng khách nội địa và doanh thu suy giảm mạnh đúng dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa, thu hồi giấy phép kinh doanh, nguồn lực về tài chính cạn kiệt.

Về thể thao, công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 triển khai còn chậm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan (ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh phí chậm phân bổ). Các giải thi đấu, các hoạt động thể dục thể thao liên tục bị hủy hoặc lùi thời hạn tổ chức, gây khó khăn cho công tác điều hành. Các đội tuyển thể thao hầu như không có cơ hội tập huấn, thi đấu cọ xát tại nước ngoài, ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của VĐV, cũng như chỉ tiêu số lượng vận động viên đạt chuẩn tham dự Olympic Tokyo.

Tuy nhiên, nửa đầu năm 2021, ngành VHTT&DL cũng có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận, như ông tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm chú trọng, công tác xây dựng văn hóa cơ sở được quan tâm, Hoạt động thư viện có nhiều đổi mới trong phương thức tuyên truyền, truyền thông, khuyến khích việc đọc sách trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị nghệ thuật Trung ương đã tổ chức dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn và số tiền bán vé ước tính đạt gần 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thể thao có một số thành tích nổi bật như Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia xuất sắc giành quyền thi đấu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 tại Qatar; đội tuyển Futsal Việt Nam giành quyền tham dự vòng chung kết giải vô địch Futsal thế giới tại Lithuania; đội tuyển Taekwondo giành 1 huy chương vàng (giải vô địch châu Á tại Lebanon). Công tác chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự vòng loại Olympic, Paralympic Tokyo, SEA Games 31, ASEAN Para Games 11 và các giải thể thao quốc tế được đặc biệt quan tâm, đã có 16 suất tham dự Olympic Tokyo...

Để vượt khó trong đại dịch COVID-19, trong 6 tháng cuối năm tới, lãnh đạo Bộ VHTT&DL khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong chặng đường kế tiếp là thực hiện chuyển đổi số.

Trong đó, hoàn thiện 3 Đề án: Số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Xây dựng bản đồ số, quản lý, liên kết dữ liệu di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Thời gian tới, Bộ VHTT&DL cũng sẽ hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII...

Về thể thao, Bộ VHTT&DL sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, tập trung cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic và Paralympic Tokyo, Nhật Bản; chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, Bộ VHTT&DL sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm,” thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời triển khai dự án Chuyển đổi số trong ngành du lịch, truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường mục tiêu thông qua các kênh e-marketing và website vietnam.travel.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ xây dựng kế hoạch nghiên cứu thị trường khách du lịch nội địa và các thông điệp để định hướng, kích cầu thị trường du lịch nội địa ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Hà Phương

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nganh-van-hoa-the-thao-va-du-lich-vuot-kho-trong-dai-dich-covid-19-a4209.html