Đọc tập thơ của Nguyễn Ngọc Cơ

Tôi biết Nguyễn Ngọc Cơ làm thơ và thi thoảng được đọc đôi bài của anh tản mạn trên vài tờ báo. Gần đây làm việc cùng cơ quan với nhau, tôi có dịp đọc thơ anh nhiều hơn.

doc-tap-tho-2-1632726448.jpg

Quả thật, những bạn làm thơ nghiệp dư như chúng tôi không hiếm, nhưng tha thiết say mê và có duyên nợ với thơ như Nguyễn Ngọc Cơ, không nhiều. Tập thơ“Cổ Tích” của Nguyễn Ngọc Cơ đang ở trước mặt tôi, tuy chưa phải tác phẩm gì lớn lao, nhưng chí ít cũng nói lên được tấm lòng của Nguyễn Ngọc Cơ với thơ.

Nguyễn Ngọc Cơ làm thơ như một nhu cầu giãi bày. Anh viết trước hết cho mình và sau là cho bạn bè tri âm tri kỷ, những người thân gần gũi với mình. Với Cơ, thơ là nhật ký tâm hồn – dù có lúc anh tự bạch với chính lòng mình “Đời là đời, đời không chỉ là thơ”. Đọc thơ Nguyễn Ngọc Cơ ta thấy anh đi nhiều, lang bạt kỳ hồ khắp nơi và đến đâu anh cũng trải rộng hồn thơ của mình trước cuộc sống. Anh lên Đà Lạt có những phút giây lãng mạn: “Em cười phố núi nghiêng nghiêng đổ. Xao lòng viễn khách lắng xa xôi”; hay về lại cố đô “Chiều ngang cồn Hến lên Thiên Mụ. Thông hát lời yêu động ý huyền”; hoặc qua Hà Tĩnh đã chạnh lòng trước cảnh “Đất khổ cỗi cằn gương mặt ruộng. Đồng nghèo quệnh quạng bước chân trâu”... Và cho dù có đi đâu anh vẫn luôn nhớ về Quảng Ngãi – quê hương anh, nơi có “Sông Trà núi Ấn, có Cổ Lũy cô thôn, có La Hà thạch trận” và có cả “mùa thu mát rượi bóng trăng duyên”. Có thể thấy quê hương đất nước là nguồn cảm xúc lớn trong thơ Nguyễn Ngọc Cơ. Và cũng chính từ nguồn cảm xúc này, anh đã ghi lại được một hình tượng đẹp về quê hương trong bài thơ “Cổ tích” (một trong những bài thơ được giải thưởng của anh và được nhạc sĩ Trần Thiết Hùng phổ nhạc):

“Như là quê hương

Trắng cánh cò rập rờn biển lúa

Con đò nhỏ neo sào

Bờ tre làng mát rượi

Người lặn lội đồng sâu

Tìm nhau thương câu hò điệu lý

Giọng gọi đò lả lả buổi chiều sương...”

Thơ Nguyễn Ngọc Cơ mộc mạc, bình dị như chính cuộc đời của anh – cuộc đời từ bùn đất vươn lên: Sinh ra từ miền Trung quê hương nghèo khó và lớn lên, chưa học hết trung học, phải bôn ba vào đời kiếm sống, xung phong đi bộ đội rồi phục viên trở về, vừa học vừa làm, sẻ chia cùng người vợ hiền tần tảo nuôi con, rồi viết báo, làm thơ... Có lẽ quãng đời cơ cực ấy đã cho anh nhiều vốn sống và những trải nghiệm về đạo lý và tình đời, tình người. Nguyễn Ngọc Cơ dành những vần thơ đẹp, sâu lắng và chân thành nhất cho những người thân của mình :

“Nặng lòng thương những đứa con xa

Tóc trắng sương pha tuổi chóng già

Cuộc đời như một dòng sông lặng

Xuôi về biển cả nặng phù sa ...”

(Mẹ)

Anh dành cho người vợ hiền những lời tự bạch chân tình và cảm động:

“Bao năm rồi anh tập tễnh làm thơ

Ca ngợi trăng sao chuyện trời chuyện đất

Bỏ quên em giữa chợ đời chật vật

Năm tháng tảo tần lo tấm áo miếng ăn ...”

(Tự nhận)

Anh khí khái, nghĩa tình với bè bạn:

“... Rượu tri âm đôi lần đắng giọng

Khật khà phiền muộn trên môi

Thảo nguyên bè bạn vỗ tay cười ...

(Với Hồ Nam)

Đọc thơ Nguyễn Ngọc Cơ ta cũng bắt gặp đây đó những cảm xúc, hoài niệm về tình yêu, về một thời dở dang, lãng mạn : “Người đi... Thuở ấy... Qua thời. Xa xăm chở gió về trời bơ vơ” ; để rồi: “Anh về giặt áo tình phơi. Bạc màu nắng trắng như vôi nửa hồn”. Nhưng có lẽ đáng trân trọng nhất là những hoài niệm về một thời áo lính của anh. Ở đây, ta gặp lại hình ảnh bi hùng của những năm tháng không thể nào quên của chiến trường Tây Nam:

“Bão lửa chiến trường khét nồng thuốc súng

Lựu đạn bay – chiều lá rụng

Trăng lên tìm đồng đội không về

Khói hương nào vương lại một miền quê...”

(Nhớ một thời áo lính)

Mộc mạc, bình dị, nhưng đôi khi Nguyễn Ngọc Cơ cũng thể hiện những suy tư, trải nghiệm khá sâu sắc và tinh tế về lẽ đời, tình đời – như khi anh viết về cỏ: “Cỏ không khoe sắc tỏa hương. Nhưng cỏ làm nền cho vườn người ta đẹp”; hoặc khi anh nhận diện chiến tranh:

“Chiến tranh – gã phù thủy sống ngoài vòng pháp luật

Hắn huênh hoang viết lời tự thuật:

Tao được sinh ra bởi lòng tham và tính độc ác của con người”.

(Chiến tranh)

doc-tap-tho-1-1632726484.jpg

Mặc dù rất yêu thơ và làm khá nhiều thơ, lại có thơ đăng báo, có thơ đạt giải thưởng, nhưng Nguyễn Ngọc Cơ chưa bao giờ coi thơ ca là cái nghiệp của đời mình, chưa bao giờ anh tự nhận mình là nhà thơ.

Vài năm trở về đây, thơ được in ra nhiều. Người ta tỏ ra lo lắng trước sự “lạm phát” của thơ, nhất là loại thơ làng nhàng, thơ dở, thơ giả... Nỗi lo ấy là có thực. Nhưng đó là chuyện của văn chương chuyên nghiệp. Còn với anh em chúng tôi, những người làm thơ nghiệp dư, lại khác: thơ là tiếng lòng, là nỗi niềm tâm sự, là sự cảm thông giữa những người thân thiết, tri âm, tri kỷ, bằng hữu với nhau. Bạn bè làm thơ, góp nhặt và bằng tiền túi của mình in thành tập để trao tặng cho nhau như một kỷ niệm của lòng mình, thiết nghĩ đó cũng là một nét văn hóa đáng trân trọng. Những tập thơ như thế, tôi tin nó có “công chúng” riêng của nó, chí ít là những người bạn quanh mình. Rất trân trọng và mong “Cổ Tích” của Nguyễn Ngọc Cơ sớm đến tay anh em, bạn bè./.

 Theo Trái tim người lính

Tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Phú Bình

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/nguyen-phu-binh-a6886.html