Đồng chí

Họ yêu nhau từ thủa còn cùng nhau đi chăn trâu cắt cỏ và lớn lên lại gặp buổi đất nước có chiến tranh, họ chia tay nhau, anh ra trận đánh giặc theo tiếng gọi của tổ quốc khi đám cưới của đôi lứa chỉ vừa mới được vỏn vẹn có một tuần trăng.

chuy-que5-1632881953.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn. Nguồn: Internet.

Chiến trường ác liệt những năm dài đó họ không có một dòng tin tức về nhau, suốt mấy năm trời chị vẫn chờ đợi anh, đắm đuối với tình yêu

kỷ niêm về đôi lứa "thanh mai trúc mả" vui đùa cùng anh trong những giấc những mơ của mình trong giấc ngủ ngon vào những đêm, khi không có tiếng gầm rú của máy bay Mỹ ném bom phá cầu đường, lùng sục xe pháo quân ta đã làm chị mất ngủ triền miên. Chiến tranh vẫn còn ác liệt, chưa có hồi kết thúc, tấm thân đơn chiếc, còm cỏi của chị hình như ngày càng một nhỏ lại, nỗi nhớ chồng, nhớ người đàn ông trụ cột gia đình đã mấy năm rồi không tin tức vẫn giằng xéo trong lòng người đàn bà cô đơn vò vỏ như chị.

Rồi cái gì đến nó sẽ đến, bổng một ngày người ta thấy cái bụng của chị cứ to dần ra, hàng xóm ngỡ ngàng, chính quyền dòm ngó... Dạo ấy ở quê tôi cứ mang tội hủ hóa, nhất là với vợ của bộ đội đang đi chiến đấu ở chiến trường B, C, K là tội to lắm, nhưng chắc vì lòng trắc ẩn thương thân cho người phụ nữ hưu quạnh một mình hay sao mà người dân làng tôi chỉ xỉ vả mạt sát cái thằng đàn ông đốn mạt nào đó đã cả gan làm nên chuyện tày đình này. Nếu anh ta là cán bộ địa phương chắc sẽ bị cách chức ngay, nếu là người dân bình thường thì cả đời thắng ấy sẽ không ngóc đầu lên được rồi con cháu nhà nó chẳng bao giờ được xã cho đi đâu, làm gì kể cả đi học nghề hay thi đậu vào đại học.

Một mình chị tần tảo nuôi con khôn lớn, có thằng bé trong nhà, chị tươi tỉnh hẳn lên, mà chỉ có mổi hai mẹ con thôi nhưng cái nhà của chị vui như tết vậy. Thằng bé đã lên bốn nó đã biết an ủi mẹ, lon ton chạy theo mẹ ra vườn trồng rau, nhổ cỏ, đuổi gà phụ giúp mẹ đã làm chị quên đi chuyện đời.

Vào một ngày đẹp trời có một anh bộ đội vai mang ba lô con cóc xuất hiện đầu thôn, dân làng ồ lên...Ơ kia, thằng T chồng con N. nó còn sống trở về đây này bà con ơi. Trên đường làng về với ngôi nhà nơi mà ngày anh đã từ biệt vợ mới cưới để vào chiến trường đánh giặc, ra đi từ đó đến giờ cũng đã mấy năm trời nay, bước chân của anh hình như có thêm động lực. Nhiều người làng nhìn anh với cặp mắt ái ngại, vui buồn lẫn lộn, nó mà biết chuyện thì vợ chồng nó thế nào đây? vậy nhưng cũng chẳng ai hé một lời nào...Một bà nhanh nhảu chạy ra cầm tay anh lôi vào nhà mình hỏi han đại loại là ra quân về hẳn hay về phép, thăm hỏi qua lại một lúc ...rồi anh bước vội ra đường làng với đôi chân nặng trĩu theo lối ngõ xưa để về nhà với vợ.

Gặp nhau trong lòng hai người tuy có ngượng ngùng, cả hai đều thấy mình có lỗi, nên không ai nói ra dù chỉ một lời trách móc nhau hay nói về đứa con đang chơi ngoài sân, thằng bé hình như vui hơn thường ngày, nó vui vì chắc thấy lần đầu tiên có người đàn ông đến nhà thăm mẹ nó.

Hàng ngày anh thức dậy sớm trước hai mẹ con, cầm chổi ra quét sân, rồi ra vườn cuốc đất trồng rau, khoai, sắn. Chị vào bếp nhóm lưa nấu cơm sáng cho cả nhà, cuộc sống như vậy cứ qua đi, qua đi trong cái gia đinh ba người bình lặng như bao gia đình khác trong xóm nhỏ.

Anh cũng thường chơi đùa với thằng bé, mà nó cũng rất quấn quýt anh, mấy lần anh ra cửa hàng mua bán của HTX lúc mua bộ áo quần mới, khi thì đôi dép mới cho nó hay thỉnh thoảng dẫn thằng bé đi loanh quanh đâu đó trong cái xóm nhỏ vùng quê này. Chị làm mọi thứ để anh quên đi nỗi đau khi chị đã phản bội anh nên cố gắng chăm cho anh từng bữa cơm giấc ngủ hàng ngày, quan tâm thôi chứ chị biết cái tính lì lợm, ít lời của anh khi chưa bao giờ cáu gắt hay phàn nàn to tiếng với chị cái gì từ bé, khi hai đưa còn cùng rèo bò, cắt cỏ quấn quýt bên nhau.

Rồi một lần đột nhiên thằng bé sà vào lòng anh nũng nịu gọi...Bố...Bố ơi, anh ôm nó sát vào lòng và lạnh lùng nói...Ta gọi nhau ...Đồng chí đi nhé, tôi với anh là đồng chí...đồng chí. Chị thấy nhoi nhói trong tim khi nghe anh thốt lên câu nói đó mà chắc hình như muốn nói với chị, chị vội chạy vào buồng nằm úp mặt nuốt nước mắt và lấy chiếc khăn tay lau khô giọt nước mắt.

Cuộc sống bằng mặt nhưng không bằng lòng cứ thế qua đi cùng thời gian, hàng xóm cũng chẳng bao giờ nghe thấy vợ chồng anh cải nhau hay to tiếng tranh luận với nhau vần đề gì bao giờ. Nhưng nỗi đau trong họ vẫn âm ỉ, chị vui cho con nó vui, cho anh vui, cho cả nhà vui, nhưng chị không nói cho anh và con mình biết chi đang mang trọng bệnh trong người, sống không được bao lâu nữa. Còn anh sau bao năm ở chiến trường sức khỏe cũng giảm sút và anh cũng sốc khi đi khám người ta bảo anh vô sinh, anh cũng cắn răng không nói với ai, kể cả với chị dù chỉ một lần. Anh đành an phận với số mạng mà ông trời đã sắp đặt cho mình.

Thời gian cứ thế trôi đi nó không bao giờ trở lại, con người thì già đi theo năm tháng, trẻ con lớn nhanh trưởng thành như cây măng tre vươn thẳng lên thành cây tre vững chải, làm trụ cột mới cho khóm tre già đang đung đưa trước gió.

Chị mất đi vì bạo bệnh, nhà chỉ còn lại hai người, anh và thằng bé, một người đang dần bước sang lớp già nua như quy luật cuộc đời và thằng bé ngày một lớn phỏng phao, một đấng nam nhi cứng cáp vững chải như cây tre ngà mà anh trồng trước vườn để chắn gió bão ngày anh mới lấy vợ.

Sức khỏe của anh cũng sa sút do bị chất độc da cam, cứ trở trời hơi gió là đau nhức. Lần anh ốm nằm tại chổ hơn một tuần, thằng bé mang cơm nước hàng ngày cho anh vào tận buồng, căn buồng mà vợ chồng anh vẫn nằm chung từ ngày anh về và một lần anh buột miệng gọi thằng bé ...Con...con ơi. Thằng bé hình như khựng lại một giây bởi lóe trong đầu nó lời mẹ dặn dò trước lúc đi xa rằng...Con chăm sóc bộ thay mẹ, coi như bố đẻ con nhé...Mà bố ruột con cũng là bộ đội như bố T con đấy, cũng là một người đàn ông vạm vỡ, một chiến sỹ gan dạ, anh dũng đánh giặc ở chiến trường B được ra quân trên đường ra Bắc đi học tiếp đại học, ông ấy đã nghỉ nhờ nhà ta một tối, chỉ một tối thôi con ạ...

Bất chợt thằng bé sực tỉnh nó cầm tay anh, và mói... Bố ta vẫn gọi nhau đồng chí bố nhé, miệng thằng bé nở nụ cười rất tươi, ánh mắt nụ cười đó của nó anh chưa từng thấy.

Hai tiếng...đồng chí đối với anh sao nghe nó thiêng liêng và tình cảm vậy, nó ấm áp lắm, là tình đồng đội làm sao anh quên được...

Hà nội ...Những ngày hè nóng nực đầu tháng 7/2021

Theo Trái tim người lính

Phan Xuân Hai

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/dong-chi-a6957.html