Ân hận xót xa

Từ khi con lấy vợ và hiểu những khó khăn cuộc sống thì con mới ngẫm lại nhiều điều và hối hận hiểu hơn.

1-dang-me-1632447277.jpg
 

Giá như làm lại được từ đầu để con sống với tuổi thơ diệu vợi, tâm hồn con trong trẻo đến lạ kỳ, chỉ biết yêu thương, chẳng biết hờn giận là gì rất mãn nguyện trong vòng tay ba mẹ, con chỉ ước mình luôn tấm bé chẳng nhọc lòng, chỉ làm đứa trẻ vô tâm, chẳng biết nỗi đau của ba mẹ âm thầm nuôi con  khôn lớn, chưa một lần trách mắng.

Ngày bé ấy mỗi tối mẹ đi làm con theo mẹ lên bệnh viện, con luôn có cảm giác rất thích thú, thích không khí thoáng đãng ở bệnh viện, thích chạy nhảy khám phá khắp nơi từ các ban công, căn tin rồi các hành lang siêu rộng. Hơn nữa lên đó ban đêm mẹ trực, con ngủ phòng có quạt điện rất mát nên ngủ ngon đến sáng. Nhiều đêm có ca cấp cứu mẹ thức trắng đêm nhưng đứa trẻ vô tâm như con vẫn ngon giấc.

Con sinh ra vốn hiếu động hay tò mò. Mỗi lần nhìn thấy khoảng tối cuối dãy hành lang đến cầu thang xuống tầng hầm, cứ nghĩ dưới đó có cái nhà xác tối tăm, nhiều lần con rất muốn bước xuống nhưng cứ một hai ba bước nhìn vào khoảng tối sâu hun hút lại từ bỏ ý định vì hơi sợ.

Những năm tháng tuổi thơ của con được ba mẹ cưng chiều đủ mọi thứ, các bạn cùng trang lứa nhiều đứa khát thèm muốn được như con, những bộ áo quần rất vừa vặn và hợp thời, mái tóc gọn gàng sạch sẽ,  cái mũ và đôi dép đắt tiền, con có khuôn mặt bầu bĩnh lại thêm ăn uống đầy đủ chất nên nước dạ trắng hồng mơn mởn ai nhìn cũng tấm tắc khen. Con cảm giác mình như người hạnh phúc nhất thế gian.

Tối nay, một mình đi dọc hành lang từ sân sau về cuối tầng hầm, nhớ lại những điều đã tưởng tượng lúc bé, chợt mỉm cười. Vốn dĩ ở đó chỉ là khu cấp cứu cũ và phòng căn tin bệnh viện, không có cái nhà xác nào cả. Con cũng không còn háo hức như ngày bé mỗi lần lên viện vào buổi tối nữa, chỉ thấy trống rỗng khủng khiếp, các phòng la liệt bệnh nhân với đủ mùi các loại thuốc, cồn sát trùng.  Khi lớn lên người ta hiểu mọi điều thì bệnh viên là nơi kinh khủng, vì nó mang trong mình bệnh  tật đau ốm, rủi ro và chết chóc, cực bất đắc dĩ mới bước chân vào chứ chẳng ai thích thú như tuổi thơ con.

Có lẽ từ lúc con bước chân vào đời, lên thành phố học đại học, cuộc sống xa nhà, thích ở một mình tự do tự tại, có rất nhiều mối quan hệ mới dần khiến con trở nên ích kỷ hơn, con mất dần sự háo hức mỗi lần gặp lại gia đình mình, khoảng cách của con với gia đình cũng lớn dần. Không còn tranh giành với anh leo lên yên trước xe máy mỗi khi ba mẹ chở đi chơi, không còn có thói quen bỏ hai tay vào túi áo ba mỗi khi ngồi sau xe máy trong trời lạnh, không còn thói quen háo hức chạy ra mở cổng mỗi khi mẹ đi làm về để xem có quà bánh gì không. Hàng tháng ba mẹ cứ gửi tiền rất đều và đúng lịch, khác với những đứa cùng dãy trọ, ba mẹ của con  cả hai đều có lương và con vẫn mãi nhởn nhơ trên những giọt mồ hôi , trên sự chi tiều tằn tiện của ba mẹ để luôn sẵn tiền gửi cho đứa con cưng.

Cái tôi của con càng lúc càng lớn, con tự cho mình hiểu biết hơn những điều ba mẹ dặn, con tự cho rằng cách sống của con chuẩn mực hơn cả anh mình và rất rất nhiều người khác nên càng không thích ba mẹ dặn, những điều đó con cho là thừa thải. Cậu bé trong con kiêu căng và luôn nghĩ rằng con phải được hạnh phúc mãi mãi  như thuở ấu thơ.

Con giữ khoảng cách dần với ba mẹ sau nhiều lần cãi nhau, những bức bối trong gia đình. Theo công việc của anh và của con. Có nhiều lần con phải dùng hết sức đóng thật mạnh cánh cửa phòng vào khung cửa đến cong bản lề, mong giải toả những bức bối trong lòng, có nhiều lần con phải gào lên với ba mẹ. Nhưng rốt cuộc, lời nói càng to đồng nghĩa với khoảng cách đến trái tim càng rộng. Có khi con cô đơn lạc lõng vô cùng, từ chổ hếu động con chuyển thành đứa trẻ cô độc lắm lì nằm khóc một mình hằng đêm.

Con đam mê công việc, con chọn giành thời gian cho công việc nhiều hơn để khoả lấp những bức bối trong gia đình. Con trở nên vô tâm, lạnh nhạt hơn với gia đình sau nhiều lần cố gắng.

Từ khi con lấy vợ và hiểu những khó khăn cuộc sống thì con mới ngẫm lại nhiều điều và hối hận hiểu hơn.

Đêm nay thì rất khác, mẹ đau, ba nhập viện, nằm cạnh ba, thấy nhói lòng khi nhìn thấy ba với những cơn đau quằn quại, một loạt liều thuốc giảm đau cũng không có tác dụng. Y tá phải tiêm morphin liều cao, con bóp chân, bóp lưng cho ba rồi chợt nhận ra con không nhớ nổi lần gần nhất con làm điều đó là từ khi nào.

Con đã giận ba từ rất rất lâu cho đến bây giờ, con rất muốn lại được trở lại ngày xưa, đi đâu cũng lẽo đẽo theo ba, cái thời mà con thần tượng ba rất rất nhiều thứ mà đến bay giờ con cũng không thể làm được từ nét chữ như máy in, từ cách ba tỉ mỉ sữa từng chiếc đồng hồ, từ những bức báo tường ba thức đêm vẽ vội cho anh con kịp nộp bài, từ những món đồ điện, cách cầm cưa, cầm đục, từ những câu hát, từ cách ba dạy dỗ từng lứa học sinh lớn lên và quay trở lại tìm thầy chỉ để nói “Em cảm ơn Thầy”.

Cả con và anh gộp lại cũng không thể làm được những điều mà ba đã từng làm cách đây rất nhiều chục năm. Bây giờ điều con mong muốn chỉ là ba có thể lành lặn đi lại như người bình thường, gia đình mình hoà thuận và quây quần mỗi buổi tối như trước đây.

 

Đinh Minh Thành

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/an-han-xot-xa-a7262.html