Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 12)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.   

    

chuy-ngo-xi1-1636168164.jpg
Tranh minh họa. Nguồn: Internet.

                                                                        

Kỳ 12.

Lã Tử Bình vênh váo nói thêm:

- Còn nữa, Nam Tấn Vương trước khi nhắm mắt có di mệnh cho ta rằng, hãy phò tá Ngô Xương Xí lên ngôi nhưng nếu nhà vua quá bạc nhược thì hãy thay nó mà ngồi vào ngai vàng.

Đại tướng Phạm Man đứng dậy:

- Đây là điều Lã đại nhân bịa đặt. Khi Nam Tấn Vương nói di mệnh ta cũng có mặt ở đó. Người dặn Lã đại nhân và tất cả các trung thần hãy trung thành với vua mới, nếu hai lòng thì thiên hạ đại loạn.

Đỗ Cảnh Thạc quá tức giận:

- Xin Hoàng thượng trị tội tên phản nghịch, dám xuyên tạc di mệnh của Nam Tấn Vương.

Lã Tử Bình gọi to:

- Bay đâu

- Dạ

Sau tiếng dạ ran, trong cung thiết triều xuất hiện 100 võ sĩ, gươm giáo sáng lòe, mặc quân phục nâu, giáp bằng đồng, sắt bao vây các triều thần.

Kiều Công Hãn nói:

- Lã tặc, định uy hiếp Hoàng thượng và triều đình chăng?

Kiều Công Hãn và Đỗ Cảnh Thạc đứng dậy rút gươm ra. Phạm Man vội đứng dậy nói:

- Xin các vị đại thần yên vị, xin Hoàng thượng phong cho Lã tướng quân làm nhiếp chính vương. Không sao cả, càng có nhiều người tài năng giúp đỡ phò tá Hoàng thượng càng tốt.

Ngô Xương Xí thấy tình thế bất lợi cho triều đình, nếu xung đột thì phần thắng thuộc Lã Tử Bình. Ngô Xương Xí nói:

- Trẫm chuẩn tấu cho ái khanh Lã Tử Bình làm nhiếp chính, cùng các đại thần quân quốc trọng sự phò tá trẫm.

Lã Tử Bình quỳ xuống nói:

- Thần tạ ơn Hoàng thượng.

Kiều Công Hãn và Đỗ Cảnh Thạc tra gươm vào vỏ, bỏ triều đình ra về.

Ngô Xương Vương nói:

- Bãi triều.

Đêm hôm đó, Ngô Xương Xí đang ngồi trong tư dinh thì có nội quan vào báo:

- Có quan Đô đốc Tham chính Phạm Man muốn gặp.

Ngô Xương Xí nói:

- Cho vào ngay.

Phạm Man bước vào thi lễ:

- Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

- Người nhà, miễn lễ.

Ngô Xương Xí nói:

- Giờ này ông còn đến, chắc có việc quan trọng?

Phạm Man nói:

- Mấy hôm nay ông vẫn là người chỉ huy quân cấm vệ. Lã Tử Bình chưa cho người thay ông và chưa canh phòng cung của cháu nghiêm mật.

- Hoàng thượng, có việc này phải tính gấp, nếu không sẽ muộn. Lã Tử Bình hôm nay dùng vũ lực ép Hoàng thượng, ép triều đình để được chức nhiếp chính vương, Xưa nay đã làm nhiếp chính vương thì bao giờ cũng có tham vọng cướp ngai vàng để làm vua. Mà muốn làm vua thì phải giết vua, hạ sát nhà vua đương tại vị và ba họ nhà vua.Cho nên Hoàng thượng bây giờ bị khống chế, Lã Tử Bình ra tay độc thủ lúc nào cũng được. Vì vậy, Hoàng thượng phải tính kế thoát thân trước.

Ngô Xương Vương nói:

- Ta chưa nghĩ tới điều này. Lã Tử Bình sao dám như vậy?

Phạm Man nói:

- Hoàng thượng còn trẻ, chưa trải qua sự tàn khốc của những cuộc đấu tranh giành ngôi vị. Anh em, cha con còn tàn sát lẫn nhau nữa là người ngoài. Hoàng thượng không nghe khi Lã Tử Bình dọa Đỗ Cảnh Thạc đã đọc giả di mệnh của Nam Tấn Vương: Nếu Ngô Xương Xí bất tài thì ngươi có thể thay nó. May mà khi Nam Tấn Vương nói di chiếu, thần cũng ở đó chứng kiến.

Ngô Xương Xí nói:

- Vậy bây giờ tính làm sao?

- Ngay đêm nay, Hoàng thượng phải đi về Ái Châu. Đầu tiên, Hoàng thượng phải đi về Cổ Loa, ở đó có Phạm Trung, ông của Hoàng thượng có 1 vạn quân sẽ hộ tống Hoàng thượng về Ái Châu. Đến Ái Châu, Hoàng thượng phải về căn cứ Bình Kiều là căn cứ của Ngô Tiên Vương xây dựng ngày xưa đề phòng khi dùng đến. Khi đi, Hoàng thượng phải đem cả Phạm Thái hậu và Ngô Xương Tý cùng đi. Hoàng thượng ở Bình Kiều chờ thiên hạ qua cơn đại loạn rồi sẽ tính sau.

Ngô Xương Vương hỏi:

- Nhưng làm sao ra thành được?

- Mới chỉ một ngày, Lã Tử Bình chưa kịp cách chức ông. Ông vẫn là Tham chính đô đốc phụ trách quân ngự lâm. Hoàng thượng, Ngô Xương Tý, Phạm Thái hậu cải trang thành lính ngự lâm do ta trực tiếp dẫn đi còn ai dám hỏi. Đồ đạc hành lý không cần mang, có vàng bạc thì mang hết đi đề phòng dùng tới.

Khi ba người cải trang xong thì đêm vẫn chưa khuya lắm. Phạm Man dẫn ba người như đi tuần tra qua cổng thành. Lính gác cổng trông thấy cúi chào:

- Xin kính chào Phạm tướng quân.

Phạm Man cúi đầu đáp lễ và nói:

- Ta vâng lệnh Hoàng thượng ra ngoài thành có việc gấp, mở cổng thanh ngay.

- Dạ.

Cổng thành Cổ Loa mở, ba người ra thành. Đến một góc khuất đã xa thành, tùy tướng của Phạm Man với 5 con ngựa đang chờ. 5 người lên ngựa phi đến La Thành. Phạm Trung với một vạn quân đã chờ sẵn. Khi gần xuất phát, Phạm Man nói:

- Đường về Ái Châu xa xôi, mịt mù không rõ tương lai, cháu Ngô Xương Tý và Phạm Thái hậu hãy về Đằng Châu với ông ngoại cho gần, sau này hãy tính sau.

Ngô Xương Tý vui mừng:

- Tốt quá, đệ đang không muốn về Ái Châu, đệ muốn về Đằng Châu với ông ngoại.

Tướng Phạm Trung hỏi:

- Hoàng thượng và Thái hậu có đồng ý không?

Phạm Thái hậu nói:

- Cũng được, con gái và cháu ngoại về nhà ông bà thì còn gì bằng. Cho Tý về với ông ngoại dạy dỗ nó. Nhưng ông phải cho các cháu đi ngay đêm nay. Mai là Lã Tử Bình sẽ đến La Thành tìm vua đấy.

Phạm Trung nói:

- Thái hậu yên tâm, đêm nay ông trực tiếp đưa hai cháu đi.

Phạm Thái hậu quay sang nói với vua:

- Con nhớ bảo trọng, hẹn ngay gặp con không xa.

Ngô Xương Xí quỳ xuống gần như khóc:

- Con mong thân mẫu bảo trọng.

Nói rồi Phạm Man dẫn vua cùng 1 vạn quân đi suốt đêm về Ái Châu. Xế chiều hôm sau đến làng Giàng, Dương Xá, vào trang trại của Dương Thái hậu (bà nội của Ngô Xương Vương) nghỉ ngơi cơm nước một đêm và hôm sau Ngô Xương Vương về thành Bình Kiều. Bình Kiều sau Cổ Loa là kinh đô thứ hai của nhà Ngô cho đến năm 968, năm Ngô Xương Vương về với Đinh Bộ Lĩnh.

Còn Ngô Xương Tý và Phạm thái hậu về Đằng Châu với Phạm Bạch Hổ. Ông ngoại dạy dỗ nhưng Ngô Xương Tý không có duyên với võ mà lại học văn, văn lại có duyên với đạo Phật nên xin ông ngoại xuất gia. Phạm Bạch Hổ chiều lòng và Ngô Xương Tý thành Ngô Chân Lưu, sau này được triều Đinh của Đinh Tiên Hoàng dùng và Ngô Chân Lưu được phong là Tăng thống đại sư, khuông Việt Đại sư, đứng đầu tăng sư Phật giáo của nước Đại Cồ Việt.

Mãi sáng hôm sau Kiều Công Hãn và Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Nhật Khánh, Dương Huy mới biết Ngô Xương Xí đã bỏ kinh thành về Ái Châu. Kiều Công Hãn nói:

- Hay là ta về Ái Châu tiếp tục phò tá Hoàng thượng?

Đỗ Cảnh Thạc nói:

- Vận số nhà Ngô đã hết, bây giờ hào trưởng trong nước đã chuẩn bị lực lượng để mỗi người hùng cứ một phương, đất nước đang bước vào cuộc đại loạn. Chúng ta trở thành anh hùng trong thời loạn, không có minh quân để phò tá. Thôi thì Giám Quốc hãy về Phong Châu, Thứ sử Dương Huy hãy về Vũ Ninh, hoàng thân vương Ngô Nhật Khánh hãy về Đường Lâm, ta cũng về quê nhà Đỗ Động Giang gây dựng lực lượng để giúp dân giúp nước, diệt trừ gian tặc giặc giã.

Kiều Công Hãn nói:

- Đỗ Thái sư nói phải, thôi thì cáo biệt Đỗ Thái sư, cáo biệt hoàng thân Ngô Nhật Khánh, Dương Thứ sử, tôi về Phong Châu, hẹn ngày tái ngộ.

- Chúc Giám Quốc thành công, hẹn ngày tái ngộ.

- Chúc Đỗ Thái sư, hoàng thân Ngô Nhật Khánh và Dương thứ sử thành công, hẹn ngày tái ngộ.

Cùng lúc đó Lã Tử Bình đang ngồi trong tư dinh tính kế soán ngai vàng của Ngô Xương Xí thì tùy tướng vào báo:

- Dạ, bẩm nhiếp chính vương, Hoàng thượng đã bỏ kinh thành về Ái Châu từ đêm hôm qua, có nên truy đuổi không ạ?

- Ta đã dự liệu việc đó rồi nên không đổi quân cấm vệ là người của Phạm Man để Phạm Man đưa Ngô Xương Xí, Thái hậu và Ngô Xương Tý đi một cách dễ dàng, không cần phải truy đuổi.

- Vì sao nhiếp chính vương biết mà không ngăn chặn?

- Ngăn chặn thì sẽ xung đột, có mệnh hệ gì cho Ngô Xương Xí ta mang tội phản nghịch giết vua, mang tiếng xấu muôn đời, các anh hùng hào kiệt có tha cho ta không? Nay ta đang muốn phế truất vua thì vua lại tự bỏ đi, chẳng là trời giúp ta là gì. Ngai vàng bỏ không, bây giờ ta ngồi vào quá dễ dàng. Thật là trời giúp ta. Ha! ha! ha!

- Nhiếp chính vương quả là cao kiến, tính toán như thần.

- Thần còn một thông tin quan trọng nữa.

- Tin gì nữa?

- Tham chính Đô đốc Phạm Man, Giám quốc Kiều Công Hãn, Thái sư Đỗ Cảnh Thạc, Thứ sử Vũ Ninh Dương Huy, đại thần quý tộc nhà Ngô Ngô Nhật Khánh cũng đã đem quân bản bộ rời Cổ Loa về quê nhà sáng nay rồi.

Lã Tử Bình vui sướng cười ha hả:

- Tốt quá, ngoài sức tưởng tượng, bọn người đó đi hết, Cổ Loa không con anh hùng nữa, anh hùng Cổ Loa duy nhất là ta. Nghe lệnh:

- Dạ.

- Chuẩn bị báo cho các quan ngày mai thiết triều, ta lên ngôi vua, đế hiệu là Lã Tử Vương. Rõ chưa? Không được sơ suất.

- Dạ.

- Còn nữa, huy động 3000 quân cấm vệ bao vây cung điện thiết triều, ai phản đối ta đăng quang, chém.

- Dạ, Hoàng thượng vạn vạn tuế. Thần tuân chỉ.

(Còn nữa)

CVL

                                                                                       

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-ii-tieu-thuyet-lich-su-ky-12-a7982.html